Chuyện Sài gòn hai mùa mưa nắng

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                      29/09/2015

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Nhậu... nhậu... và “nhậu”
để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

 

Ôi, miền Tây quê tôi…

Tôi vừa thấy tức cười, lại vừa thấy buồn trong bụng. Cái xứ này hình như cũng thuộc loại tỉnh nghèo, phải xin viện trợ của trung ương để xây dựng đường sá, cầu cống, người dân nhất là mấy huyện vùng sâu còn thiếu thốn rất nhiều, vậy mà cán bộ xài sang như đại gia. Chưa kể, ông anh nọ, mở miệng mỗi câu là lại kèm một tiếng chửi thề nhưng nghe đâu ông anh là quan rất to ở xứ ấy...

Bài báo của tác giả Lý Bình Thanh đăng trên mục Bạn Đọc viết, báo Người Lao Động dịp Tết năm ngoái (tháng 2.2014), kể lại những ngày về quê ăn Tết, "ngày ít thì 3 cữ, ngày nhiều thì 8 lần nhậu", mô tả rất sinh động cái cảnh " người người đều nhậu, nhà nhà đều “dô... dô...” "... 

Nhưng đó không phải chỉ là ở miền Tây quê ông. Một thảm cảnh góp phần không nhỏ vào sự kéo dài tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước.

 

Dzô-dzô” vang vọng khắp quán nhậu

Đọc cái tít “Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng” đăng trên báo Thanh Niên chắc hẳn người đọc sẽ giật mình. Theo bài báo này thì “với 3 tỉ lít bia trong năm 2013, VN trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia, nhưng cũng trong năm 2013 theo Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của người VN thuộc mức thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với Singapore(1). Điều này có nghĩa là cái nghèo của người Việt sẽ còn kéo dài khi tình trạng “say xỉn” không giảm bớt!

Các bạn hãy nghe bà thứ trưởng bộ công thương VN Hồ Thị Kim Thoa phát biểu rất hùng hồn tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015: Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành đồ uống vẫn tiếp duy trì được mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả tốt, quan hệ kinh tế quốc tế được mở rộng. Với số lao động chỉ chiếm khoảng 0,3% số lao động trong các doanh nghiệp cả nước, số nộp ngân sách thông qua thuế TTĐB và các loại thuế khác chiếm trên 2,5% tổng mức thu ngân sách Nhà nước…Năm 2014, các doanh nghiệp trong ngành bia dự kiến sản xuất và tiêu thụ 3,14 tỷ lít bia tăng 8,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành NGK dự kiến sản xuất và tiêu thụ 4.05 tỷ lít, tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ. Sản xuất rượu công nghiệp dự kiến đạt 65 triệu lít, đạt 97% so với cùng kỳ năm trước(2).

Như thế thì cái quyết định số 244/QĐ-TTg  VỀ CHÍNH SÁCH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA LẠM DỤNG ĐỒ UỐNG CÓ CỒN ĐẾN NĂM 2020 của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 12/02/2014 sẽ như thế nào hay thực tế mức tiêu thụ rượu bia hay tiền thuế thu được cho ngân sách vô tình sẽ vô hiệu hóa chủ trương “quyết liệt” nói trên? Theo quyết định nầy thì Bộ Công Thương có trách nhiệm “ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu rượu, bia và đồ uống có cồn khác; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quy định lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ, quy định việc bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác có trách nhiệm; xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác trình Chính phủ ban hành vào năm 2014” trong khi chính bà thứ trưởng bộ nầy lại cổ súy cho việc tăng gia sản lượng rượu bia có phải là hiện tượng “trong đánh xuôi, kèn thổi ngược” hoặc nhu cầu để giải quyết sự thiếu hụt ngân sách vẫn được ưu tiên?(3) 

Báo chí không ngừng la ó về những tệ nạn, hậu quả, hệ lụy…về các mặt tiêu cực do rượu bia mang lại trong đời sống xã hội, gia đình, thậm chí học đường vì vấn nạn nhậu nhẹt say xỉn, đặc biệt là hiện tượng lan tỏa của bia rượu trong giới thanh thiếu niên ngày càng trẻ hóa.

60% nam thanh niên, vị thành niên từng say rượu bia

Lượng rượu bia tiêu thụ đã tăng 2-3 lần, từ bình quân 1,6 lít rượu và 10,4 lít bia lên 4,1 lít rượu và 22 lít bia trong 10 năm qua. Tỉ lệ có sử dụng rượu bia ở vị thành niên và thanh niên tăng nhanh sau năm năm, hiện ở mức 79,9% với nam và 36,5% đối với nữ... Đáng chú ý, trên 60% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên từng say rượu bia. Báo cáo của Bộ Y tế chuẩn bị trình Thủ tướng ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cho biết như vậy.

Theo báo cáo này, tại VN 60% vụ bạo lực gia đình, 6% vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, 15% số giường bệnh tại bệnh viện tâm thần dành cho bệnh nhân loạn thần do sử dụng nhiều rượu bia. Báo cáo cũng cho biết phí tổn do rượu bia gây ra chiếm 2-8% GDP, ước tính khoảng 16.000 tỉ đồng/năm và gấp rưỡi nguồn thu cho ngân sách do sản xuất rượu bia mang lại (4).


 

Người đang “sừng sừng”..choảng nhau là chuyện thường ngày ở quán

Nhà báo Bích Diệp (Dân Trí) cảnh báo “Người Việt tiếp tục phá kỷ lục về… uống bia”, cho biết “3,14 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2014, tăng 8,1% so với cùng kỳ – đây mới chỉ là tính riêng lượng tiêu thụ bia của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, chưa tính lượng bia nhập khẩu vốn chiếm thị phần không nhỏ(5)

Theo thống kê, phần rượu-bia nhập khẩu từ nước ngoài đang phá mức kỷ lục 350 triệu lít/năm và lượng rượu (lậu) sản xuất 65 triệu lít trong cộng đồng dân cư, chưa kể sản lượng bia (hơi) tự chế có thể hàng trăm triệu lít. 

Theo bà Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế thì “rượu bia không phải là đồ uống bình thường mà đã và đang gây tổn hại cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Trong khi các công ty kinh doanh rượu bia chỉ nộp 16.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chưa kể chi phí giải quyết hậu quả do đánh nhau, tai nạn giao thông, bệnh tật. Ngoài ra, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Tử vong do loại đồ uống có cồn này còn nhiều hơn HIV/AIDS, nó đang tàn phá sinh mệnh con người âm thầm.(6) 

Một vị lãnh đạo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lo ngại rằng, các khoản đóng góp từ ngành sản xuất rượu bia và ngân sách được 1 đồng thì phải chi tới 2 - 3 đồng để giải quyết hậu quả của nó(7).

 

Càng về tối lượng người đổ về giải nhiệt càng đông khiến dọc tuyến phố Tạ Hiện (Hà Nội), các chủ quán bày bàn chật kín phục vụ khách.

 

Chứng ngộ độc rượu
 

Có hai nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc rượu. Thứ nhất là uống một lượng quá nhiều các dạng thức uống có cồn thực phẩm (ethanol) như bia, rượu vang, rượu đế... hoặc các loại rượu mạnh nhập khẩu khác. Thứ hai là ngộ độc do uống phải rượu chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester...) hoặc rượu chứa hóa chất độc hại còn gọi là rượu giả (do chứa cồn công nghiệp: methanol, ethylene glycol và isopropanol...).

(theo ThS.BS Đỗ Quốc Huy)(4)

 

Nhậu là trên hết!!!

Tóm lại, như bà Vũ Thị Minh Hạnh phân tích “không chỉ lượng tiêu thụ rượu bia ở nước ta cao mà tỷ lệ sử dụng ở mức có hại cũng cao. Hậu quả của lạm dụng rượu bia không chỉ gây loạn thần, rối loạn bào thai, các loại bệnh mãn tính, ung thư mà còn làm gia tăng tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo hành”. 

Còn ông Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương dẫn chứng “thống kê chưa đầy đủ của Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL chỉ rõ, 68% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia; 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội, tai nạn có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia... Theo các chuyên gia, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia, song ở nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này”. 

Trong khi đó,  bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng “việc tiếp cận rượu bia ở nước ta quá dễ dàng. Luật hiện nay chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn vẫn được thoải mái quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường. Điều này khó hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu bia, khó giảm tác hại của rượu bia. Bộ Y tế kiến nghị cần điều chỉnh quảng cáo khuyến mại tài trợ theo nồng độ cồn, chứ không phải theo sản phẩm là bia hay rượu(8).

Như vậy, qua ý kiến của nhiều vị chuyên gia thì những điều “lợi bất cập hại”của bia rượu cũng đã rõ nhưng nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ trai hay gái ngày nay vẫn say sưa, xem bia rượu “là đầu câu chuyện” như điếu thuốc, miếng trầu” ngày xưa là vì sao? Phải chăng đây là một thói quen hay tật chứng mà chúng ta phải dùng nó trong giao tế, thương lượng hay…để tán dóc xả stress, và vì sự sự thoải mái với bè bạn mà đâm ra quá chén?

 

Đừng số 1 về nhậu nữa, xấu hổ lắm!” là tiêu đề nhà báo Lê Chân Nhân viết trên báo Dân Trí (ngày 4/4/2015) nêu những “vấn nạn” không thể xem thường, rằng “Lắm thứ tuy đứng hạng 1 nhưng không có gì đáng tự hào, ngược lại còn xấu hổ. Các nước trong khu vực có nhiều cái được xếp đứng đầu nghe là bái phục, ví dụ như Singapore số 1 về sạch sẽ, bảo vệ môi trường. Thái Lan số 1 về thu hút du lịch… Việt Nam uống bia số 1 nên cũng đứng số 1 về tai nạn giao thông. Đố nước nào trên thế giới có người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm bằng Việt Nam. Mỗi ngày lật báo ra, chắc chắn có tin tai nạn giao thông, tai nạn nhiều đến nỗi con người ta vô cảm, trơ lì. Chỉ có những vụ tai nạn chết nhiều người mới có thể gây sự chú ý. Gần đây nhất, xe ô tô mang biển số 19C – 0829 của Liên đoàn Lao động Phú Thọ đã bất ngờ lao vào một nhóm học sinh làm 1 em tử vong, 4 em khác bị thương… Trong các vụ tai nạn đó, nhiều vụ có nguyên nhân từ uống rượu bia. Nhậu xong, lái ô tô, xe máy phóng nhanh, lạng lách, coi thường mạng mình và mạng người khác. Biện pháp đo nồng độ rượu bia dù đặt ra, nhưng ma men quá đông nên xét không thể hết. Quán nhậu Việt Nam nhiều nhất thế giới tính tỉ lệ trên đầu dân, cho nên không thể đủ cảnh sát để xử phạt các bợm nhậu sau tay lái. Dân nước Việt uống rượu bia kinh hoàng nhất thế giới cho nên có những vụ ẩu đả, chém giết kinh hoàng nhất thế giới. Rượu vào say sưa, ra đường choảng nhau, về nhà choảng vợ con. Nhiều tấn bi kịch gia đình, án mạng chết người sinh ra từ rượu bia.”(9)

Phải chăng những biện pháp hành chính hay lời kêu gọi tâm huyết nhằm cảnh báo và ngăn chận việc “say xỉn” trong đời sống xã hội xem ra không có xin-nhê gì, phải đành “bó tay.com”?

 

Đọc thêm:

Hai bài mới, hai khía cạnh:

* Bạn trẻ nhậu... trên từng cây số

* Hà Tĩnh bắt uống bia Sài Gòn...


 

Chú thích
 

(1) Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng:
http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/uong-bia-nhat-bang-lam-viec-chot-bang-460635.html

(2) Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch 2014 : http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/4653/hiep-hoi--bia--ruou--nuoc-giai-khat-viet-nam-hoan-thanh-vuot-muc-cac-chi-tieu-ke-hoach-2014.aspx

(3) Theo Bộ Công thương, năm 2011, lợi nhuận từ doanh nghiệp bia đạt khoảng 7.500 tỉ đồng, năm 2012 là 8.600 tỉ đồng và đạt 10.150 tỉ đồng trong năm 2013. Cụ thể hơn, chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng của Sabeco, đại gia hàng đầu trên thị trường bia trong 10 năm trở lại đây để thấy tốc độ “nốc” bia của người Việt khủng đến mức nào. Nếu như năm 2005, sản lượng của Sabeco chỉ 148,5 triệu lít bia các loại thì 5 năm sau, năm 2010 con số này đã lên 1,08 tỉ lít và sang năm 2013 là 1,33 tỉ lít. (như 1)

(4) Cha uống rượu, bia - con chịu khổ
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20130103/cha-uong-ruou-bia---con-chiu-kho/527954.html

(5) Người Việt tiếp tục phá kỷ lục về... uống bia:  
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nguoi-viet-tiep-tuc-pha-ky-luc-ve-uong-bia-1423010263.htm

(6) Đàn ông Việt uống rượu bia gấp 4 lần bình quân của thế giới :
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dan-ong-viet-uong-ruou-bia-gap-4-lan-binh-quan-cua-the-gioi-3176687.html

(7) Hệ luỵ từ bia rượu:
http://baobinhduong.vn/he-luy-tu-bia-ruou-a118385.html

(8) Loạn thần, bạo hành do lạm dụng rượu bia đang gia tăng: 
http://anninhthudo.vn/xa-hoi/loan-than-bao-hanh-do-lam-dung-ruou-bia-dang-gia-tang/603077.antd

(9) Đừng số 1 về nhậu nữa, xấu hổ lắm!
http://dantri.com.vn/blog/dung-so-1-ve-nhau-nua-xau-ho-lam-1428780181.htm


 

diendan@org

 

            ©  http://vietsciences.free.fr    Hồng Lê Thọ