Hiếu thảo

Vietsciences-Võ Thị Xuân Sương             Rằm tháng Bảy

 

Những bài cùng tác giả

Chị Thảo chà xát phiến đá trên mộ mẹ với tất cả sức lực, khẩn trương, miệng lẩm bẩm người ta bảo chà khô mới bóng, người ta bảo chà khô mới bóng. Chị có hình ảnh của người lên đồng, mặt võ vàng buồn rười rượi, mắt ráo hoảnh khô cứng trước cái nhìn ngơ ngác vô định, nhưng miệng thì luôn luôn mấp máy nói chuyện với ai. Trông chẳng khác miếng giẻ khô nhúng nước. Anh muốn đến ôm vai chị, làm cử chỉ gì đó, nói câu vỗ về an ủi, nhưng từ hôm mẹ mất đến giờ chị có cái gì hờn trách anh mà không nói ra. Hay chỉ là mặc cảm?

Hôm đám tang mẹ khi người đưa tiễn cuối cùng ra về, anh có cảm tưởng đối với chị anh, mọi việc chỉ vừa mới bắt đầu. Chị vẫn ngồi đó, tay vân vê sửa lại vài cành hoa, kéo bên này bên kia các vòng hoa đặt trên mộ mẹ vừa mới lấp phiến đá nặng nề lên trên. Rõ ràng các ông nhà đòn và mấy người bà con hãy còn ở lại chờ về cùng chuyến xe tỏ vẻ bực mình, nhưng không ai nói gì. Họ nhìn chị, sốt ruột. Còn chị thì mải bận bịu với ngôi mộ mới, tằn mằn âu yếm như người mẹ hết lòng săn sóc chiếc nôi bé bỏng của con. Mỗi cử động của chị chậm chạp, não nề phiền muộn. Chị không khóc. Lạ là chị không khóc từ khi mẹ vĩnh viễn tắt thở tới giờ. Lúc nào chị cũng bình tĩnh thu vén mọi việc, ngăn nắp, đầy đủ và dứt khoát với vẻ thông thạo hoàn hảo như thể nhà có người chết mỗi ngày. Anh vẫn kín đáo theo dõi chị từ hôm quá nửa đêm khi anh vừa về đến nhà, chị điện thoại nói "mẹ đi rồi", với một tiếng nấc thật ngắn trong cổ họng.

Ðám tang mẹ hồi tàn xuân. Bây giờ đã sáu tháng trôi qua. Trời vào đông, lạnh nhiều và lộng gió. Song ngôi mộ có gì thu hút quyến rũ làm chị quên về. Bó nhang đã tắt. Chị đứng nhìn ngôi mộ bóng nhẵn vẻ hài lòng. Hình như chị không cảm thấy lạnh, trong khi vợ chồng anh bắt đầu xuýt xoa. Vợ anh nói nhỏ :

- Lạ. Em cứ tưởng mẹ mất thì chị Thảo sẽ đỡ hơn nhiều chớ!

Trời lấm tấm mưa. Ậm ừ không trả lời vợ, anh tới nắm tay chị Thảo kéo vào xe. Ừ, anh cũng đã thấy điều đó từ sáu tháng nay. Anh những tưởng mẹ ra đi là tốt cho chị. Là đã đến lúc cụ phải đi. Ðáng lẽ cụ phải ra đi từ lâu, sáu tháng hay một hai năm trước kìa chớ không phải mãi đến bây giờ. Cái sống cụ kéo dài từ mấy năm nay không còn là cuộc sống nữa, và làm cho bà chị anh có một cuộc đời không phải cuộc đời. Hai người đàn bà, một già một trẻ, hai mẹ con, sống một cách đáng sợ, đáng buồn, như trong thế giới riêng chỉ khép kín giữa hai người. Ông bố thì bất lực trước sức tàn của vợ, xót xa con gái quá sức nhọc nhằn vì bố mẹ, đâm ra trốn tránh sự đời bằng cách suốt ngày chỉ ôm cái truyền hình. Mỗi lần mở miệng là luôn luôn gắt gỏng hay phê bình chê trách cái gì. Cứ mỗi lần nhìn thấy thân hình nặng nề của mẹ tì hẳn vào tấm thân mảnh khảnh yếu đuối của chị để ngồi lên hay đi vài bước là anh thấy đau lòng. Có lần ghé thăm mẹ trễ vào buổi chiêù, hình ảnh chị vừa đút cháo cho mẹ xong mới và vào mồm mình miếng cơm đã lạnh ngắt và không còn hương vị gì, làm anh sợ không dám đến thăm khi trời sụp tối nữa. Nhưng đến buổi sáng cũng không thấy dễ chịu hơn. Hình ảnh một thân hình già nua nằm chờ chết mà vẫn không chết, bên cạnh một người trẻ héo hon bao nỗi nhọc nhằn làm anh xuống tinh thần. Anh thấy bất lực trước sự tàn tạ cơ thể mẹ, bất lực trước cuộc sống không sinh khí của gia đình.

Kể chuyện về chị cho bạn đồng nghiệp nghe, có cô chưng hửng : "Thế sao chị toa không trốn đi ?". Câu hỏi làm anh ớn lạnh ở xương sống, biết rằng ý nghĩ ấy hoàn toàn xa lạ với chị. Cuộc đời bố mẹ là cuộc đời chị. Một sự gắn bó chặt chẽ quên mình. Lâu lắm rồi, hồi vào tuổi biết yêu đương, chị đã yêu một người, bố mẹ từ chối lời cầu hôn chê không môn đăng hộ đối. Chị đã vì bố mẹ xa lánh người ấy. Mãi đến năm hơn bốn mươi mới có người mai mối đám khác. Vừa nhận lễ dạm ngõ thì chiến tranh giữa hai miền chấm dứt. Nhưng đối với chị lại thêm một lần tranh chấp khác với bản thân vì người này đề nghị bố mẹ và chị cùng đi Mỹ ngay vào những ngày Sàigon lộn xộn, chị hỏi ý, mẹ nín thinh, bố lẫy : "mày muốn thì cứ đi, chớ sống nhờ rể là tao không đi". Chị hiểu ngay. Thế là một lần nữa chị hy sinh. Nếu bỏ đi, chị sợ người em trai kế với vợ và năm con sẽ không săn sóc bố mẹ đã gần tám mươi chu toàn. Nhưng chắc gì chị không âm thầm đau khổ, hận đời.

Hồi bố mẹ hãy còn ở Việt Nam, trước khi được đi Pháp, người bạn trai thời son trẻ của chị lúc trước bây giờ đã một vợ ba con, ghé thăm từ biệt. Khi anh ra về, mẹ bật nói với ước ao mong manh tuỵệt vọng:

- Bây giờ nếu có thằng nào muốn dẫn con Thảo đi ngoại quốc, tao cũng cho đi. Người Miên cũng được.

Nhưng mãi cũng chẳng có thằng nào dẫn chị đi - dù chỉ là cái thằng Miên hết sức xấu xa theo định kiến của mẹ, cho đến ngày anh bảo lãnh được bố mẹ và chị cùng đến Paris. Như có sức hút từ trường trong cảnh lạc loài chung của người tị nạn, cuộc đời chị còn gắn chặt vào bố mẹ hơn bao giờ. Bầu không khí kỳ lạ giữa ba người là bình thông nhau cho tất cả niềm vui, nỗi buồn hay thương yêu hờn giận. Một lần anh ghé thăm, đang xem truyền hình, bố đứng lên vẻ chán nản cùng cực nhưng rất khẩn trương:

- Hiếu đấy à, vào mà xem kìa!

Anh vào phòng. Thấy anh, mẹ chống tay mệt nhọc cố ngồi lên. Chị Thảo vẻ bứt rứt dao động, mắt đảo điên vô vọng tìm kiếm cái gì. Anh tới ngồi bên mẹ, dịu dàng:

- Con đây mẹ, có chuyện gì vậy?

Hai tay mẹ quờ quạng phía anh, mắt thất thần hoảng sợ vô cùng:

- Sắp chết rồi con ơi. Sợ lắm... sợ lắm...

Anh cảm tưởng tử thần đứng bên cạnh níu kéo mẹ. Vẫn biết trong giấc ngủ bận bịu người già mẹ thường kêu lên nỗi sợ chết, nhưng không lần nào kinh hoàng thảm thiết như hôm nay. Mẹ kêu sôi nổi, hốt hoảng:

- Có cách gì cứu mẹ không con. Có cách gì không? Giời ơi!

Anh nghe tim mình đau nhói. Trong phút chốc nỗi bất lực hoàn toàn xâm chiếm làm anh rụng rời. Thấy mình vô ích cho mẹ. Trong ánh mắt tha thiết của mẹ có cái gì bức thiết, van nài làm anh muốn khóc. Chưa biết phải nói gì, mẹ lại giục:

- Con là bác sĩ, con tìm cách gì cứu mẹ.

Anh vẫn còn sững sờ. Lời mẹ làm anh liên tưởng lời thề trước tượng Hippocrate giữa bạn bè đồng liêu với áo mão thênh thang ngày thành danh. Dĩ nhiên lo cứu người là bổn phận thiêng liêng bắt buộc của lương y. Nhưng mẹ quên anh là bác sĩ sản khoa, hàng ngày giúp vuông tròn cho sản phụ. Còn cứu làm sao thân hình già nua có được sự hoạt động bình thường như thân hình son trẻ thì anh chịu. Mà cũng không ông thầy nào trong các vị danh y đã từng dạy anh làm nổi việc ấy.

Anh hôn lên trán mẹ, vuốt tóc lòa xòa với tất cả dịu dàng có thể. Mắt xót xa, anh ghì chặt mẹ vào lòng cố gây cảm giác không tử thần nào có thể rứt dược mẹ khỏi vòng tay rắn chắc của mình. Có lẽ thái độ đó làm mẹ an lòng. Cơ mặt dãn ra và lát sau cụ rơi vào giấc ngủ hoang mang mộng mị thường lệ. Trong giấc mơ, cụ kêu ú ớ đôi khi thất thanh nhưng không làm tỉnh giấc.

Ðể mẹ ngủ, anh ra nhà hỏi chị Thảo vì cớ gì hôm nay mẹ lo sợ đến thế. Chị Thảo kể gia đình bạn chị ở Việt Nam mới qua gọi điện thoại thăm sáng nay, lúc ấy mẹ đang tỉnh táo. Biết vậy, mẹ thở dài thườn thượt, quắn quít hỏi bố thế thì chừng nào thằng Hòa mới qua, chừng nào thằng Hòa mới qua. Không trả lời được, bố gắt om bỏ ra nhà ngoài ôm cái truyền hình. Anh chợt hiểu. Mẹ muốn kéo dài cuộc sống chờ ngày đoàn tụ với vợ chồng anh Hòa và các cháu đích tôn. Cụ vẫn sốt ruột chờ từng ngày cái tin anh ấy sắp qua. Nhưng chừng nào gia đình anh ấy mới được đi hả Trời?

Lần đó về kể cho vợ nghe, chị cằn nhằn:

- Chỉ lỗi tại anh. Mỗi lần có bạn bè nào qua được là cứ đem ra kể cho bố mẹ nghe, bảo bố mẹ không sốt ruột sao được. Stop. Ðèn đỏ. Trời ơi!

Anh máy móc đạp thắng. Permis à points mà. Vượt đèn đỏ mất hai điểm như chơi. Tự nhiên anh gắt:

- Ừ, thì không nói gì nữa cả là xong chuyện.

Liên tưởng về hiện tại quá khứ khiến anh trả lời một câu gần như tối nghĩa với vợ. Chị nhìn ái ngại:

- Xà va không anh? Có cần em lái cho không?

Anh lắc đầu:

- Xà va.

Vợ anh vẫn nhìn, hơi nhíu mày. Chị đập nhè nhẹ tay anh - cử chỉ vẫn làm mỗi lần muốn khuyên anh bớt suy nghĩ.

Anh vẫn u ám. Cái quạt nước sao cứ chạy mệt mỏi uể oải thế này. Nước mưa rơi xuống mặt kiếng xe như những giòng nước mắt. Nước mắt mẹ, nước mắt chị Thảo trong lần anh đến thăm. Vừa bước vào nhà đã nghe tiếng tức tưởi. Anh chợt chùn chân, tưởng mẹ đã mất rồi. Nhưng thấy bố vẫn ngồi trước máy truyền hình dù hết sức cau có, anh cũng bình tâm lại. Anh vào phòng mẹ, té ra mẹ khóc. Chị Thảo đang lau mình cho mẹ cũng sụt sùi. Trời ơi, sao anh sợ nước mắt đàn bà đến thế. Mà giữa các bà thì nước mắt cứ như vết dầu loang. Anh tần ngần đứng ở cửa, hỏi chị Thảo có việc gì. Chị không trả lời lẳng lặng bưng thau nước đi ra. Anh đến ngồi gần lau nước mắt cho mẹ:

- Nói con nghe đi mẹ. Có chuyện gì vậy?

Mẹ chợt khóc to hơn, ấm ức, nghẹn ngào. Mãi một lát cụ đập thùm thụp vào ngực lắp bắp đứt hơi :

- Ôi giời ơi, sống làm chi mà khổ chồng khổ con đến thế!

Anh lẳng lặng vuốt ve tay mẹ vỗ về. Anh biết là mẹ đang tỉnh táo. Hễ lúc cụ tỉnh thì có hai nỗi kinh hãi: sợ chết và sợ sống. Thà mẹ cứ lảng lảng mãi đi, suốt ngày cứ nhảm nhí không đầu không đuôi, không đâu vào đâu cả, đỡ xót ruột. Một hôm người cháu bình thường cụ rất yêu mến, đến thăm. Chị Thảo hỏi:

- Mẹ, mẹ biết ai đây không?

- Biết chớ. Thằng khốn nạn đấy. Thằng mặt địt đấy.

Rồi cụ nổi cười sặc sụa. Hết cơn cười thì hát nghêu ngao những bài đồng dao thời con gái. Xong ngâm Chinh Phụ. Lạ là không sai một chữ.

Về nhà, anh bảo vợ:

- Mẹ nói đúng thôi. Mẹ sống như vậy chỉ khổ cho chị Thảo mà mẹ cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng sao mà sống dai dữ vậy?

Vợ anh gắt:

- Anh nói lạ. Bộ anh mong cho mẹ mau chết lắm sao?

Anh giật mình, chợt nhận ra cái ý nghĩ ấy thâm nhập vào tiềm thức từ lúc nào. Ðã có lúc anh nghĩ thời xưa bên Nhật khi có người sắp chết, thân nhân khiêng bỏ lên núi. Liệu tục lệ ấy của dân mình, anh có khiêng mẹ lên núi từ lâu rồi không?

- Gớm, trời mưa mà vẫn lạnh quá. Dám mùa đông năm nay cũng sẽ có tuyết. Em không nhớ hồi sáng có mở sưởi đủ không. Lên nhà uống miếng trà cho ấm cái đã chị Thảo.

Anh cho xe vào ga ra. Ừ, mùa đông năm rồi đầy tuyết. Ba giờ sáng điện thoại reo vang, chị Thảo bảo lại vừa đưa mẹ vào nhà thương cấp cứu. Trong đêm khuya, anh tất tưởi vào bệnh viện, tuyết ngập mắt cá. Trong căn phòng cấp cứu lạnh toát ánh đèn, mẹ nằm trên băng ca mình trần, lật bật dưới lớp chăn bịnh viện. Chị Thảo đứng cạnh cầm tay mẹ, phờ phạc cả người. Mấy cô y tá không vội vã lắm, giờ nào việc ấy. Anh lên phòng bác sĩ trực bàn bịnh tình mẹ, với hy vọng sự hiện diện của mình sẽ giúp mọi việc tiến hành nhanh chóng hơn.

Sáng hôm sau ghé thăm, người mẹ chằng chịt những dây là dây, trong mũi, trong miệng, trên tay... Mẹ nằm thiêm thiếp, bất động, tay chân mọng nước. Bịch nước tiểu dưới chân giường toàn máu và chất nhờn. Thận không làm việc được nữa nên lượng đường lên cao. Nước tiểu có máu, ngờ là bị ung thư bàng quang. Áp huyết tăng vọt. Khó thở. Nhưng cụ già quá rồi, người ta không thể làm những gì cần thiết để định bệnh một cách chắc chắn được. Chị Thảo ngồi bên cạnh nhẫn nại chờ mẹ mở mắt. Bố vẫn dán mắt vào máy truyền hình bịnh viện treo tít trên cao, phàn nàn cao quá, tao trông chẳng rõ đếch gì.

Ba hôm sau mẹ bắt đầu tỉnh lại. Khi anh tới bên cạnh, mẹ tươi cười thều thào trong hơi thở nhọc nhằn:

- Hòa đấy hả con. Thế con qua bao giờ?

Anh mỉm cười với mẹ, đọc thấu nỗi trông chờ mỏi mòn. Bố ngồi bên cạnh kể mẹ nghe những kỷ niệm thuở xa xưa, loại mật mã giữa hai người, cố kéo lại trí nhớ mơ hồ đảo lộn của bà. Chị Thảo hăm hở tất bật đút từng thìa Renutryl cho mẹ, như thể càng nhanh được giây phút nào mẹ mau bình phục giây phút ấy. Lát sau mẹ gọi anh:

- Này em, em đến thăm chị đấy hả? Nhà ở có xa đây không?

Dạo ấy, buổi phát hình trên truyền hình ám ảnh anh mãi. Hình ảnh cô y tá ra toà vì đã giải thoát ông già bà cả trong một nhà hưu trí bên Ðức bằng cách nhẹ nhàng, làm anh nghĩ tới mẹ và anh. Thường tự hỏi giữa quan toà và y tá, ai là người hiểu rõ sự sống chết hơn ai? Anh đã bất lực trước sự cứu sống mẹ, có thể giải thoát mẹ trong chiều hướng ngược lại. Ðược không?

Mùa đông năm đó lạnh buốt và dai dẳng như kiếp sống thừa của mẹ. Chỉ tại chị Thảo đổ sâm cho mẹ mỗi ngày, khiến dù không đỡ ra cũng lây lất thêm ít tháng, đến khi phải đưa vào nhà thương lần thứ hai khoảng Tết ta. Lần này thận hoàn toàn ngưng hoạt động, nước tiểu ln vào máu. Người bạn bác sĩ bảo anh thôi đừng làm dialyse * cho cụ, toa cũng là bác sĩ nên moa nói thật: cứ để cụ ra đi trong êm thắm, làm cái gì khác bây giờ chỉ thêm đau đớn mà cũng chẳng cứu vãn được gì. Khi anh nói điều đó cho chị Thảo nghe, chị trách anh sao cũng là bác sĩ như ai mà không chịu làm gì tích cực hơn lại đi nghe người ngoài, còn nước thì còn tát chớ. Anh cúi gằm, chẳng biết phải giải thích làm sao. Ðến khi bác sĩ phụ trách tuyên bố không thể làm gì khác hơn cho mẹ, chị hậm hực đưa mẹ về.

Từ ít lâu, ý nghĩ vừa cứu mẹ khỏi những ràng buộc phàm trần mà cả tinh thần lẫn thể xác không còn chịu đựng được nữa, vừa có thể đem lại cho chị Thảo cuộc đời đỡ vất vả hơn, cứ bám riết anh ngày đêm.

Anh thường giật mình giữa khuya vì ác mộng. Hoang tưởng chập chờn trong đầu ý muốn phải làm cái gì thiết thực hơn là chờ đợi. Thường thấy mình đến thăm mẹ, trong tay có sẵn liều thuốc. Mẹ sẽ ra đi nhẹ nhàng như cơn ngủ mê. Mẹ sẽ lên trời, hồn sẽ phiêu diêu miền cực lạc. Mẹ sẽ vào nước Phật bình an như những bài kinh tiếng Phạn mà lúc tỉnh táo mẹ đọc làu làu nhưng chẳng hiểu gì. Nhưng Phật hiểu, và Phật sẽ đón rước mẹ... Thấy xác mẹ cứng đờ lạnh ngắt, nhưng mắt vẫn mở trừng nhìn anh. Anh hét lên bỏ chạy, vấp phải cái gì làm anh ngã quỵ. Cái gì đó là vợ hốt hoảng hỏi anh có làm sao không. Mồ hôi vã như tắm, anh kể vợ nghe, giọng dao động bối rối. Chị vỗ về:

- Có gì đâu anh. Chỉ là giấc mơ thôi mà. Ráng nghĩ tới cái gì vui hơn và ngủ lại đi.

Ráng nghĩ tới cái gì vui! Nói nghe sao mà dễ dàng thế!

Anh trở nên gắt gỏng với mọi người từ bao giờ cũng không biết. Ðầu óc anh luẩn quẩn, rối beng không lối thoát. Những cơn mộng mị trong đêm làm anh rạc người. Chỉ cần vừa nghĩ tới chlorure de potassium là anh sợ. Chỉ cần nhìn thấy nó đủ làm anh quay đi tránh né. Nhưng lạ, liều thuốc ấy ma quái chọc phá anh, trêu ngươi anh. Nó như người đẹp liêu trai ác độc xinh đẹp quyến rũ, vừa sắc sảo trang nghiêm nhưng cũng hết sức lẳng lơ mời mọc. Ðể quên đi, anh vội vàng bắt tay vào việc khác...

Anh đến thăm lúc nhà sắp dùng cơm chiều. Chị Thảo dọn cơm, vẫn thêm một bát mời mẹ. Anh không ăn với bố và chị, chỉ ngồi nhìn chị như người ta chiêm ngưỡng phân tích đường nét bức tranh. Chị ngồi đối diện với bức tường trắng lạnh loang lổ vài nơi, mắt nhìn thẳng không nhìn, không thấy gì. Chị nhai uể oải chậm chạp như người nhàn cư có thừa thời giờ trước mặt. Anh tự nghĩ nhìn con bò trong tư thế ấy thì hiểu nó đang nhai lại thức ăn, nhìn chị nhai cơm anh không hiểu chị làm gì. Có lẽ đang nhai lại kỷ niệm của mình. Kỷ niệm một thời son trẻ xa xưa cũng đã biết thế nào là tình yêu trai gái. Cuộc tình nào dù ngắn ngủi tới đâu cũng là cuộc tình, cũng có cái vui cái buồn để nhớ. Bây giờ giữa hai người không biết vẫn thứ tình yêu platonique** như xưa hay chỉ là tình bạn? Cũng có thể chị đang nghĩ về mẹ. Mà về mẹ thì nhiều thứ để nghĩ đến quá, chị có gần nửa cuộc đời còn lại để tha hồ tưởng nhớ.

Trong khắc khoải muốn sống muốn chết của mẹ, bầu không khí gia đình vô tình mang vẻ nặng nề, ngột ngạt, bất an. Cái vòng luẩn quẩn ấy kéo dài trong mấy năm sau này làm anh ngộp thở. Nhưng bây giờ, trước cái chết của mẹ, hai người còn sống cũng chẳng khá hơn. Vào ngày mẹ khỏe có thể ngồi xem truyền hình, bố thường giải thích mẹ nghe những gì đang chiếu trên màn ảnh nhỏ. Nhưng dù đang hè mà trong phim có cảnh tuyết rơi thì mẹ nhất định đòi mặc áo len. Thấy cảnh chiến tranh thế nào mẹ cũng hối chị Thảo đi mua ngay vài bao gạo trữ. Ðể trấn an chị Thảo phải ra khỏi nhà, năm phút sau dù trở về tay không thì cụ cũng đã quên hết rồi! Nhiều khi bố gắt gỏng với mẹ. Nhưng có người để gắt gỏng vẫn hơn bây giờ bố ngậm câm, không có gì để nói cả. Suốt ngày bố và chị di chuyển trong nhà, lặng lẽ câm nín như hai cái bóng. Mọi việc trở nên giản dị tối đa, không hốt hoảng, không vội vàng, không tha thiết. Cuộc đời hai người như quyển sách bằng cổ ngữ đóng lại, các nhân vật sống ẩn dật bên trong. Thế giới của sự chết.

Bây giờ hình ảnh tiều tụy của chị từ ngày mẹ mất lại ám ảnh anh cách khác. Ai cũng đinh ninh mẹ mất thì chị Thảo sẽ được giải thoát. Không ngờ cái chết của mẹ đã làm mất hết ý nghĩa cuộc sống chị rồi. Trước mắt chị bây giờ là khoảng không mênh mông vô cùng. Nhiều đêm chị cố thức thật khuya chờ mẹ về. Nhưng từ nghĩa trang về nhà con đường rất xa, mẹ lại già quá không còn nhận ra đường sá về nhà mình nữa. Chị cứ chờ trong võ vàng tuyệt vọng. Một hôm chị nói với anh mà như nói một mình:

- Mẹ chết mà ngoài đường không có gì thay đổi cả.

Anh nhìn chị xót xa. Mẹ chết chỉ thay đổi đời chị chớ không thay đổi sợi tóc nào của ai. Phố xá vẫn tấp nập, cửa hàng vẫn mở, chợ búa vẫn nhóm họp, thiên hạ vẫn đi làm, đi mua sắm. Tại bệnh viện anh các bà vẫn sinh nở mỗi ngày và cũng có nhiều người tắt thở mỗi ngày. Cuộc đời vẫn tiếp tục theo nhịp bình thường. Chỉ có chị trở nên không bình thường mà thôi.

Bây giờ anh thường nằm mơ đi lang thang giữa đất trời lồng lộng, gió ào ào bốn phương đẩy anh bay bổng lên không, đem tới cổng trời. Ở đây giữa bao khuôn mặt nghiêm khắc xa lạ chưa bao giờ gặp, anh thấy mẹ ngồi riêng biệt một nơi, nhìn anh buồn rười rượi. Không ai nói lời nào, nhưng văng vẳng đâu đó có người bảo anh quỳ xuống. Anh sợ hãi ù té chạy. Giữa mù sương lạnh buốt thịt da, anh chạy hoài không ngừng nghỉ. Và ở một nơi hoang vắng kia thấy chị Thảo đang ngồi hái hoa, mặt vẫn rầu rĩ muôn đời. Anh mừng quýnh gọi chị. Hai chị em biến thành hai đứa trẻ thơ. Chị Thảo nắm tay anh tung tăng chạy đi, chạy đi. Anh chợt nhận ra hai chị em đang đứng bên bờ Vực Hồng. Phản ứng của anh là lùi lại. Chị Thảo vẫn từng cấm không cho anh đến gần bờ vực. Nhưng kìa lạ chưa, sao bỗng dưng chị Thảo nhìn anh như người xa lạ? Bỗng dưng chị Thảo không còn là đứa trẻ nữa, chị đã thành bà già nét mặt đanh đá dữ dằn, cứ kéo tuột anh tới gần bờ vực. Anh gọi chị thất thanh, hốt hoảng. Nhưng chị nhìn anh đôi mắt lạnh lùng nghiêm khắc. Trong cử chỉ dứt khoát nhẹ nhàng, chị xô anh xuống... Tiếng anh tắt nghẽn trong cổ họng. Anh rơi trong khoảng không, rơi, rơi, rơi... Trong cái đen ngòm mênh mông của vực, bỗng có tiếng chị Thảo gọi ...

- Anh, anh, lại mơ gì nữa rồi!

Anh choàng dậy hãi hùng. Thấy lạnh ở gáy, ở lưng. Cảm giác sợ hãi đau xót xâm chiếm anh. Anh ngồi dậy, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường. Vợ choàng tay qua vai anh, bảo em muốn biết anh mộng mị những gì. Anh kể hết, không thiếu chi tiết nào. Chưa bao giờ những giấc mơ rõ ràng trong đầu anh đến vậy. Nghe xong, chị xoa nhè nhẹ lưng anh:

- Có gì đâu anh, chỉ là mơ thôi mà. Anh vẫn thường gặp những giấc mơ kỳ quái như vậy hoài, đâu có gì phải sợ.

Giữa hai lòng bàn tay, anh thấy rõ ràng mẹ nằm bất động trên giường, hơi thở ngắt quãng nặng nề. Chị Thảo mệt quá nằm ngủ trên canapé bên cạnh, anh đi vào, rón rén nhẹ nhàng. Một tay nắm cổ chai sérum treo bên giường mẹ, một tay đưa mũi kim có liều chlorure de potassium vào. Xong lại lẳng lặng đi ra. Chị Thảo vẫn thiêm thiếp. Và anh về nhà. Rồi điện thoại reo vang trong đêm yên tĩnh...

Anh thẫn thờ nhìn vợ. Làm sao em biết? Anh mà còn không biết nữa là! Có gì nói với anh đó không phải cơn mơ. Lần đó anh có thảng thốt bật dậy giữa khuya đâu? Có gì bảo anh nó không phải sự thực. Sao anh lại không nhớ mảy may tình cảm, mảy may xúc động nào dù rất mơ hồ? Lẽ nào, lẽ nào anh lại có thể máy móc làm một việc tày trời như vậy?

Ngoài đêm trời vẫn sụt sùi. Có giọt mưa nào rơi trên nỗi cô đơn không cùng của chị Thảo, có giọt mưa nào rơi vào nỗi hoang mang nửa hư nửa thực của anh?

MIÊNG

Paris, Aout l992
 

dialyse * = lọc thận

tình yêu platonique** = tình yêu thuần khiết

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Thị Xuân Sương