Hạ Long và những vùng biển đẹp đang khóc(1)

Vietsciences          
 

Vụ án Vedan Việt Nam

1/ Ô nhiễm môi trường du lịch - Gà đẻ trứng vàng hấp hối
2/Vịnh Hạ Long đang bị xâm hại
3/Triệt nguồn ô nhiễm than trên vịnh Hạ Long
4/Ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch trọng điểm: Chưa có lời giải
5/Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè!
6/Unesco Lo Ngại Vịnh Hạ Long Bị Ô Nhiễm
7/Vịnh Hạ Long tụt hạng vì lẽ gì?
8/Ngang nhiên đổ chất thải xuống Vịnh Hạ Long
9/Unesco yêu cầu đánh giá mức độ ô nhiễm vịnh Hạ Long
10/San hô vịnh Hạ Long chết hàng loạt
11/Vịnh Hạ Long trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ tàu thuyền du lịch
12/Vịnh Hạ Long bị xếp vào nhóm các khu di sản thế giới “có vấn đề”
13/VỊNH HẠ LONG – "NƠI CHƯA TỪNG THẤY TRÊN THẾ GIỚI"
14/Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?
15/THÔNG TƯ CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2891/TT-KCM NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ HƯỚNG DẪN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỊNH HẠ LONG
16/Thách thức về ô nhiễm môi trường trong sản xuất than
17/Vịnh Hạ Long đối mặt với nguy cơ bị "xóa tên" khỏi danh sách di sản Thế giới?
18/Cảnh sát môi trường và an ninh du lịch
19/Rạn san hô ở Việt Nam – Đang hồi nguy cấp
20/Vịnh Hạ Long, tập hợp hiếm các hệ sinh thái đá vôi và biển
21/Tùng, áng Hạ Long - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn cần được khai thác
22/Nét đẹp Hạ Long
23/PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM GREEN VIETNAM MOVEMENT CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI THẢM TRẠNG Ô NHIỄM MÔI SINH Ở VIỆT NAM
24/Vịnh Nha Trang đang ngày càng ô nhiễm
25/Vịnh Hạ Long - Bầu chọn là cần thiết nhưng bảo vệ môi trường quan trọng hơn
26/Môi trường Quảng Ninh ngày càng bị ô nhiễm
27/ Nguy cơ ô nhiễm 2 vịnh lớn ở Khánh Hoà
28/Ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên
29/Xả nước thải ra biển
 

1- Ô nhiễm môi trường du lịch - Gà đẻ trứng vàng hấp hối

Phường Hùng Thắng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có diện tích 398 ha, với hơn 5 km bờ biển chạy dài ôm lấy di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Vùng đất vừa có rừng, vừa có biển này sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" nếu biết tận dụng khai thác triệt để tài nguyên du lịch biển. Tuy nhiên thời gian gần đây, ở Hùng Thắng đang có rất nhiều nguy cơ đe dọa tới cảnh quan, môi trường du lịch...

Hùng Thắng đang biến thành công trường

Xuống Hạ Long theo quốc lộ 18A cảnh tượng dễ nhận ra đó là hàng loạt những công trường xây dựng. Chỉ cần đến đoạn đường khu vực phường Tuần Châu, người ta đã nhận ra vùng đất du lịch này đang bị đô thị hoá một cách ồ ạt. Dọc đoạn đường chạy qua phường Tuần Châu và Hùng Thắng, bụi mịt mù. Dọc các dãy núi bên đường đã xuất hiện cả gần chục vết bạt núi nham nhở, đỏ quạch. Từ các con đường mới mở, đất đá được bóc xuống ầm ầm. Đất đá từ trên núi được những chiếc máy xúc xẻ xuống dồn thành từng khối lớn. Trung bình mỗi công trường như vậy có khoảng 2- 3 chiếc máy, có nơi có tới 5-7 chiếc. Tính trung bình một chiếc máy xúc hoạt động bình thường cũng xẻ được 300- 500 m3 đất đá mỗi ngày. Như vậy, ước tính cứ một ngày các dãy núi ở Hùng Thắng bị xẻ mất khoảng hơn 10 ngàn m3.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, TP Hạ Long sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều cơ sở hạ tầng mới có quy mô lớn như: Trung tâm thể dục thể thao phục vụ du lịch, trung tâm văn hoá, trung tâm hội thảo quốc tế, khu đô thị mới...

Tốc độ xây dựng ở Hùng Thắng không chỉ diễn ra ở các dự án lớn. Nhiều hộ dân cư cũng tranh thủ thời điểm này để xây cất, cơi nới... Gần 5 km bãi biển chạy dài ven vịnh Hạ Long xưa đẹp như một bức tranh, nay đã bị nhà cửa, các công trình xây dựng mọc lên san sát chen lấn, xé nát. Nguy hiểm hơn, một số khu thuộc bãi biển của phường Hùng Thắng cũng bị san lấp. Theo một cán bộ của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong thời gian tới, khu bãi biển đã được UBND TP Hạ Long nhắm đến để đặt các công trình lớn như: Khu trung tâm điện ảnh, khu trung tâm thương mại dịch vụ và một số dự án khác...

Mối đe doạ cận kề

Trước tình trạng "lấn biển" một cách ồ ạt như vậy, ông Nguyễn Công Thái, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định: Việc xây dựng các dự án ven biển và một số công trình phúc lợi xã hội khác tại phường Hùng Thắng sẽ là mối đe dọa lớn cho vịnh Hạ Long vì khi các công trình đồ sộ trên bãi biển mọc lên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường và tài nguyên du lịch của TP Hạ Long. Cùng với đó, việc này cũng có thể dẫn tới cả sự thay đổi cảnh quan ở đây.

Hiện phường Hùng Thắng thuộc vùng đệm bảo vệ vịnh Hạ Long, chính vì thế từ khi các dự án xây dựng ở đây xuất hiện, nhiều người đã tỏ ra lo ngại tới việc bảo vệ sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù của vịnh Hạ Long. Theo ông Nguyễn Công Thái, chính hệ thống thực vật ở vùng sình lầy ấy có vai trò như một "chiếc áo" để bao bọc, bảo vệ cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên biển và đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long. Ông Thái cảnh báo: Rất có thể sau này sẽ xảy ra hiện tượng ô nhiễm nước ở khu vực biển Hùng Thắng do những công trình này gây ra.

Thế nhưng, lý giải về việc "lấn biển" ở phường Hùng Thắng, vị Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng: Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc quy hoạch du lịch ở Hạ Long. Vì bãi biển ở Hùng Thắng chủ yếu là vùng sình lầy, nên có để không cũng chẳng ai tắm. Việc quy hoạch khu đô thị TP Hạ Long trong đó có phường Hùng Thắng được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt cách đây mấy năm trước. Tuy nhiên tại thời điểm ấy, việc này lại không được TP lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Ông Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, từ năm 2004, UBND TP Hạ Long đã có ý định lập quy hoạch phát triển du lịch ở Hạ Long nhưng không hiểu tại sao, công việc về sau này lại bị phía Quảng Ninh... sao nhãng. Các cơ quan chuyên môn như: Cục Di sản, Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng không hay biết.

Một nghịch lý đang lộ rõ ở TP Hạ Long là càng nỗ lực để tạo ra sản phẩm du lịch mới cung ứng cho du khách với những tiện nghi hiện đại thì họ lại càng làm mất dần đi cái "hồn" của vùng di sản thế giới. Trước thực trạng xây dựng ồ ạt ở phường Hùng Thắng, dư luận lo ngại rằng chỉ mấy năm nữa thôi cái vẻ đẹp bao đời nay của thành phố du lịch này chỉ còn trong quá khứ.

Linh Linh

http://www.baokinhteht.com.vn/article.aspx?article_id=14955

2- Vịnh Hạ Long đang bị xâm hại

Đổ đất lấn biển trên vịnh Hạ Long.

“Môi trường vịnh Hạ Long đang bị đe dọa bởi các hoạt động khai thác than, lấn biển, nuôi trồng thủy hải sản... ngày một gia tăng. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, môi trường di sản thế giới này sẽ bị hủy hoại", ông Ngô Hùng, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, bức xúc.

Theo ông Ngô Hùng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành phố Hạ Long luôn được người dân và chính quyền quan tâm nhưng khi đi vào giải quyết vấn đề thì... giậm chân tại chỗ vì các công ty than ngày càng tăng công suất khai thác mỏ. Hiện, hầu hết nước thải mỏ và đất thải mang tính axít, độ đục cao đều được đổ trực tiếp ra vịnh mà không qua bất cứ quy trình xử lý nào.

Ngoài ra, nhiều tàu trọng tải lớn đến nhận than không vào cảng được phải dùng biện pháp chuyển tải nên lượng than rơi vãi xuống vịnh Hạ Long khá nhiều.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long năm 2004, tại các khu vực ven bờ vịnh đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng, giảm lượng ôxy hòa tan; nitrơrit và khuẩn gây bệnh ColiForm tại các khu vực như Lán Bè, Vựng Đâng và cảng than ven bờ nam Cầu Trắng... đã gây độ đục xấp xỉ hoặc vượt tiêu chuẩn cho phép.

“Nước ở vịnh Hạ Long không còn trong xanh nữa”, ông Nguyễn Thế Hưng, người dân ở phố Hải Trường, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, đã thốt lên như vậy. Ông cho biết mấy năm trước còn ra tắm ở vịnh nhưng từ mùa hè năm ngoái đến nay ông không dám đặt chân xuống vịnh vì sợ... bẩn.

Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải. Những dự án này nếu làm đúng quy trình và quy định sẽ giúp thành phố Hạ Long giải quyết tốt vấn đề quy hoạch đô thị và tăng phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với vịnh Hạ Long. Thế nhưng các dự án này đang là mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng đến vùng di sản.

Theo quy định, các dự án lấn biển phải tuân thủ nghiêm ngặt khi đắp bờ vây, chống bồi lắng bùn cát trước khi đổ thải, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có phương án kỹ thuật thi công hoặc thực hiện quan trắc môi trường, nạo vét bùn khi hoàn thành dự án...

Mới đây, Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia làm dự án công viên đã “vô tư” lấn biển trong khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Đến khi các cơ quan chức năng biết thì... việc đã rồi. UBND tỉnh xử lý bằng cách giao Sở Tài chính cùng các ngành liên quan nghiên cứu... đề xuất giá tiền sử dụng đất với phần diện tích đất mà công ty đã lấn chiếm.

Và hậu quả việc san lấp mặt bằng, lấn biển đã làm diện tích rừng ngập mặn bị mất, dòng chảy bị thu hẹp, tốc độ dòng chảy cao cuốn theo đất đá gây lắng đọng trầm tích cho vịnh Hạ Long. Việc lắng đọng trầm tích này còn liên quan đến các dự án hút bùn, đổ thải. 17 dự án đổ bùn thải xuống vịnh có tổng khối lượng là hơn 4 triệu m3. Tuy nhiên, chưa có cơ quan quản lý nào giám sát được việc đổ thải tùy tiện này tại vịnh Hạ Long.

Năm 2004, có hơn 1,5 triệu lượt khách đổ về Hạ Long. Do lượng khách tăng nên các dịch vụ tàu thuyền cũng tăng theo. Hầu hết các tàu không có thiết bị thu gom và xử lý nước thải, toàn bộ được thải trực tiếp ra vịnh. Nhiều tàu bán xăng dầu vẫn đi lại tự do mua bán trên vịnh mà không gặp một trở ngại nào. Chất thải và rò rỉ của những cây xăng dầu di động này đều trực tiếp xả xuống vùng di sản.

Do du khách thích đi thăm làng chài trên vịnh nên những hộ dân trên bờ “dời đô” xuống vịnh để kinh doanh nhà bè ăn uống hoặc nuôi trồng thủy hải sản. Hiện nay, có 126 bè neo đậu sai quy định và tất cả các bè không có giấy phép vệ sinh môi trường này đều đổ chất thải trực tiếp xuống biển.

http://www.vietnamopentour.com.vn/vn/diem-den/vinh-ha-long/vinh-ha-long-dang-bi-xam-hai-.html

 

3- Triệt nguồn ô nhiễm than trên vịnh Hạ Long

Thứ bảy, 12 Tháng tám 2006, 11:52 GMT+7

Tin từ UBND thành phố Hạ Long cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã đi đến quyết định, hết năm 2006 sẽ không còn hoạt động chuyển tải than trên vịnh Hạ Long nữa.

Từ trước đến nay, đối với những tàu biển trong tải lớn không vào được các cảng than ở Quảng Ninh, việc bốc xếp than được chuyển tải qua các tàu nhỏ hoặc xà lan trên vịnh Hạ Long. Quá trình chuyển tải này gây nhiều ô nhiễm cho thắng cảnh Hạ Long, gồm cả bụi than làm ô nhiễm không khí, tàu và xà lan làm ô nhiễm nước biển, đặc biệt là than rơi vài làm hủy diệt hệ sinh thái san hô dưới đáy vịnh.

Bắt đầu từ đầu năm 2007, toàn bộ các hoạt động chuyển tải than sẽ được thực hiện tại cảng Hòn Nét (Cẩm Phả - Quảng Ninh).

Hòn Thiên nga trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh Trần Thuỷ)

Đây là một hành động tích cực của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam để bảo vệ di sản thế giới - Vịnh Hạ Long, và bảo vệ nguồn tài nguyên quý cho ngành du lịch Việt Nam.

• Trần Thuỷ

Việt Báo (Theo_VietNamNet)

http://vietbao.vn/Kinh-te/Triet-nguon-o-nhiem-than-tren-vinh-Ha-Long/20601213/87/

 

 

4- Ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch trọng điểm: Chưa có lời giải

Thứ Ba, 08/07/2008-2:05 PM

Ngành du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%, xếp ở "top" đầu về mang lại doanh thu cho ngân sách quốc dân hiện nay, nhưng điều kiện để nó tồn tại và phát triển là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường lại chưa được chú ý đúng mức. Sự gia tăng ngày càng nhanh lượng khách du lịch (nội địa và quốc tế), kéo theo việc xây dựng tràn lan các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng đòi hỏi của du khách đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng... gây tác động xấu đến môi trường: nguồn nước, đất bị ô nhiễm, rừng bị chặt phá, đa dạng sinh học suy giảm, bệnh tật gia tăng... đã tác động rất lớn đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân.

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ KH &ĐT, ước tính có 450.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6.2008, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượt khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng qua lên 2, 5 triệu lượt. Nếu như năm 1990, khách nội địa mới chỉ đạt 2, 16 triệu lượt khách, khách quốc tế 0, 25 triệu lượt thì năm 2007, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4, 2 triệu lượt người, khách nội địa ước đạt 19, 2 triệu người, thu nhập xã hội về du lịch năm 2007 đạt 56.000 tỷ đồng. Chính sự gia tăng mạnh này, cộng với sự thiếu quan tâm của nhiều địa phương đã trở thành một nỗi lo lớn khi đa số các khu du lịch trọng điểm của chúng ta đang sống chung với ô nhiễm.

Tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các khu du lịch của nước ta hiện nay rất đáng báo động. Tại Vịnh Hạ Long, dù đang trong thời điểm "chạy đua nước rút" để được bầu chọn trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới thì vẫn tồn tại tình trạng hàng loạt công trình xây dựng với đủ qui mô, hạng mục, tạo nên khung cảnh ngổn ngang như "đại công trường". Tình trạng dầu thải, dầu máy từ các phương tiện xây dựng và chuyên chở chảy ra làm ô nhiễm môi trường nước Vịnh Hạ Long; ngoài ra, việc xây dựng nhà bè, nhà hàng nổi dọc theo bờ vịnh và những nơi gần hang động cũng góp phần làm ô nhiễm mặt nước Vịnh Hạ Long khi tất cả chất thải từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, dịch vụ đều xả thẳng xuống biển. Cùng chung số phận, bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy... hiện cũng đang phải chịu nạn ô nhiễm môi trường do rác thải từ các hộ buôn bán hàng rong, khách du lịch và người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi trên bãi biển và do nước thải của các khu dân cư ven biển, các xí nghiệp sản xuất không qua xử lý, đổ thẳng ra bãi biển.

Trong khi đó, tại các khu danh thắng như Yên Tử, chùa Hương, Tam Đảo, núi Bà Đen (Tây Ninh).v.v... tình hình ô nhiễm do nước thải, rác thải sinh hoạt, tình trạng buôn bán hàng rong, xả rác bừa bãi, kinh doanh du lịch theo kiểu "chộp giật", chạy theo thời vụ, chưa được qui hoạch, quản lý hợp lý đã góp phần làm suy giảm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính hấp dẫn các khu du lịch đó. Đó là chưa kể tình trạng "gia tăng" các quán thịt thú rừng, nhà hàng đặc sản, nạn buôn bán chim, thú và các sản phẩm từ động, thực vật quí hiếm tại các khu du lịch, điểm di tích, danh thắng đã là nguyên nhân làm suy giảm sự đa dạng sinh học tại các điểm du lịch trên. Ngoài ra, nạn "cò" du lịch, cảnh đeo bám, chèo kéo, "chặt, chém" khách ở hầu hết các điểm du lịch cũng gây khó chịu không ít cho các du khách, nhất là tạo ra sự phản cảm đối với khách nước ngoài về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Trước vấn đề bức thiết này, theo các nhà quản lý hiện nay cần phải nâng cao vai trò của lực lượng cảnh sát môi trường trong công tác đảm bảo môi trường sinh thái tại các khu du lịch ở Việt Nam. Theo một cán bộ của Cục Cảnh sát môi trường thì, việc nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch lại rất cần có sự tham gia của các đơn vị hành pháp, trong đó có lực lượng cảnh sát môi trường. Thực tế, thời gian qua, sự tham gia của các lực lượng cảnh sát đã đóng vai trò tích cực trong việc giữ gìn trật tự trị an, phòng chống cướp giật, tai nạn... tại các khu du lịch hay tại các lễ hội đền Hùng, trảy hội chùa Hương, về nguồn Yên Tử. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này chính là công tác xử lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đấu tranh với các hành vi vi phạm như xả rác bừa bãi, không xử lý rác trước khi thải ra môi trường, tình trạng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nằm trong khu du lịch.vv... vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng nên chưa có đơn vị chuyên trách tiến hành đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường du lịch.

Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề phức tạp này, ngoài sự tăng cường phối hợp giữa các ban ngành liên quan, chúng ta cũng cần phải xây dựng lực lượng cảnh sát môi trường phù hợp về tổ chức, đủ quyền năng pháp lý để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực du lịch.

Trần Quyết - Ngọc Lân

doisongphapluat.com.vn

 

5- Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè!

SGGP:: Cập nhật ngày 16/01/2007

Đi ăn tại các nhà hàng nổi - mà người dân Hạ Long quen gọi nôm na là nhà bè - gần như đã trở thành “một phần tất yếu” của các tour du lịch Hạ Long. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, đây cũng là một mô hình “kinh tế năng động”, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch khơi gợi tò mò, tạo thêm hứng khởi cho du khách. Tuy nhiên, các nhà bè tự phát đang đặt ra những thách thức rất lớn về mỹ quan và vệ sinh môi trường cho di sản thế giới này.

• Kể cũng thú vị…

Một trong những địa điểm ẩm thực nổi tiếng nhất, người Hạ Long “ai mà chẳng biết” chính là khu nhà bè sầm uất ở khu cột 5 phường Hồng Hà. Hàng loạt nhà bè nổi đèn điện sáng trưng, được trợ giúp đắc lực bởi hàng chục con đò lúc nào cũng sẵn sàng đưa đón khách.

Tầm mắt nhìn vịnh Hạ Long đang “vướng” phải những dãy nhà bè – nhà hàng san sát. Ảnh: HƯNG LINH

Công bằng mà nói, giá cả ở các khu nhà bè kể cũng dễ chịu, chỉ chừng 100-200 ngàn đồng/thực khách là bạn đã có thể thưởng thức những món ăn nhớ đời từ biển cả: sò huyết nướng, nghêu hấp sả, nghêu xào bún, tôm rang muối, cá song hấp xì dầu.

Rồi lại còn mực sim luộc nước mắm gừng, chả mực, chả cá thu nữa chứ… Được ăn uống trong không khí mặn mòi, “đông ấm, hè mát”, bập bềnh như mình đang ở giữa đại dương, lại được thưởng thức những món ăn từ những động vật biển đang bơi lội tung tăng, chỉ đâu vớt đó, chế biến ngay trước mắt, dọn lên bàn ăn còn bốc khói thì còn gì thích bằng! Có lẽ vì vậy mà trong vòng 3 năm trở lại đây, số nhà bè trên vịnh Hạ Long tăng vọt.

Theo ông Nguyễn Công Thái, Phó Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ban đầu chỉ có vài chục chiếc, đến thời điểm này toàn khu vực có khoảng 500 chiếc nhà bè, phân bố rộng khắp cả vùng ven bờ lẫn vùng bảo vệ di sản, trở thành nơi sinh sống thường xuyên của hơn 1.500 nhân khẩu. Họ nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thậm chí đơn thuần chỉ là cư trú, bất chấp các quy định của các ngành chức năng về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an ninh xã hội…

• ... Nhưng còn môi trường, cảnh quan!

Thay đổi đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là khách du lịch không thể phóng tầm nhìn ra vịnh Hạ Long phẳng lặng và trong xanh như xưa, vì “vướng” phải hàng dãy nhà bè san sát, suốt dọc các phường Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà. Bên cạnh những nhà bè cũ nát, nhỏ bé của dân vạn chài là những nhà hàng sôi động với những cái tên thật kêu, thật… hứa hẹn: Biển Mơ, Ánh Dương, Sóng Thần…

Nghe nói, “kéo” các du khách xuống các nhà bè ẩm thực là “phát kiến” của nhà hàng Biển Mơ. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, kiên cố hơn nữa thì vài chục triệu đồng là có thể sắm được 1 chiếc nhà bè mới, chỉ bằng một vài tháng trả tiền thuê địa điểm mở nhà hàng trên cạn, chưa nói gì đến chuyện mua đất, xin phép rồi đổ móng, xây nhà!

Được thể, các nhà hàng khác cũng mọc lên như nấm! Không chỉ dọc theo bờ vịnh, mà hầu hết những nơi gần các hang động, có núi đá che chắn, kín gió, nước sâu là có thể trở thành xóm nhà bè, từ Vạ Giá, Bồ Nâu, Ba Hang đến Sửng Sốt, Cửa Vạn… Đặc biệt, khu vực Ba Hang tập trung tới gần 40 chiếc nhà bè, màu sơn còn mới, nằm san sát thành từng dãy dọc ngang trên biển.

Hầu hết các nhà bè đều có kiến trúc giống nhau, không có gì đặc sắc: bên ngoài là chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, bên trong là khu sinh hoạt của người “nhà bè”, bếp và không thể thiếu “khu vệ sinh”. Tất cả chất thải từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh dịch vụ đều xả thẳng xuống biển!

Đáng buồn hơn, không nhà quản lý nào trả lời được cho chúng tôi câu hỏi, những nghiên cứu mới nhất về môi trường vịnh Hạ Long cho thấy điều gì? Vịnh Hạ Long sẽ ra sao nếu tình trạng này cứ tiếp tục và đang có xu hướng gia tăng?! Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay số lượng nhà bè vẫn tăng lên từng ngày, bình quân khoảng 10 chiếc/tháng.

• Ai quản nhà bè?

Được hỏi về thủ tục pháp lý để kinh doanh nhà hàng, chủ nhà bè S.T cho biết, ông xin được giấy phép của phường, nhưng nói thêm: “Ối nhà không cần xin phép của ai, cũng không ai quản lý họ”. Những nhà bè cỡ vừa, cỡ nhỏ lại càng “vô tư” nêu luận điểm: Chúng tôi ra nuôi cá lồng, gặp khách có nhu cầu ăn uống thì phục vụ, hỗ trợ du lịch phát triển mà thôi (!).

Các nhà bè – nhà hàng trên vịnh Hạ Long đua nhau trưng biển mời chào khách. Ảnh: THU TRANG

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thái bức xúc: “Mang danh là Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nhưng thực ra quyền hạn của chúng tôi rất hạn chế, rất khó xử lý các trường hợp vi phạm.

Thậm chí, có khi đã phát hiện vi phạm thì thời gian phê duyệt mức phạt phải kéo tới hàng tuần”! Ông Thái cũng khẳng định, các cấp, các ngành ở tỉnh Quảng Ninh không phải không biết đến vấn nạn “nhà bè” này.

Nhiều cuộc họp bàn đã được tổ chức, không ít văn bản, chỉ thị nhằm tăng cường quản lý các nhà bè… đã được ban hành, nhưng hiệu quả thì chưa là bao!

Thiết nghĩ, để quản lý, gìn giữ và bảo tồn một di sản đã được thế giới công nhận như vịnh Hạ Long thì một Ban Quản lý vịnh với chức năng quyền hạn còn hạn chế như vậy hẳn là chưa đáp ứng được yêu cầu! Nếu không có sự quan tâm thực sự và những giải pháp cụ thể từ phía chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long, e rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp, sự đa dạng sinh học của vịnh.

Cuối cùng, xin nói thêm rằng, tác giả bài viết này không quyết liệt phản đối hay yêu cầu “cấm” nhà bè. Đó hẳn là một việc làm không khả thi, đồng thời cũng sẽ làm mất đi một niềm vui, một sự hấp dẫn đối với du khách.

Vấn đề là quy hoạch, tổ chức lại các nhà bè; tuyên truyền giáo dục các chủ bè về bảo vệ vệ sinh, môi trường, giúp họ tìm ra những biện pháp thực tế; song song với việc quy định và thực hiện nghiêm chế tài xử phạt các hành vi tùy tiện, làm xấu cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long.

ANH PHƯƠNG

http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2007/1/81882/

 

6- Unesco Lo Ngại Vịnh Hạ Long Bị Ô Nhiễm

Thứ Năm, Ngày 20 tháng 7-2006

Tin Quảng Ninh - Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1994. Thế nhưng cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về việc một nhà máy xi măng sắp bắt đầu sản xuất ở Cẩm Phả gần vịnh Hạ Long sẽ ảnh hưởng nặng đến môi sinh của khu vực được coi là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Theo thông tấn xã AFP, UNESCO đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cung cấp dữ kiện chi tiết về nhà máy xi măng ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, đang ở giai đoạn hoàn tất để sản xuất. Họ sợ nhà máy này sẽ thải ra nhiều chất độc gây ô nhiễm môi trường. Vịnh Hạ Long thu hút hàng trăm ngàn du khách trong nước và thế giới đến thăm viếng du lịch. Trong một hội nghị của Ủy ban Di Sản thế giới đang được tổ chức tại Lithuania, ông Chu Siu Keo là Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này và cho rằng rất nhiều nhà máy xi măng ở Việt Nam thải chất độc ra môi trường làm tổn hại sức khỏe cho dân chúng, môi sinh, mùa màng bị dân chúng khiếu kiện. Cơ quan UNESCO đã yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội phải gửi bản báo cáo về ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường, nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa trả lời. Nguồn tin cho biết Nhà máy xi măng Cẩm Phả đã được khởi sự xây cất từ tháng 6 năm ngoái với mức sản xuất dự trù 2.3 triệu tấn một năm. Vốn đầu tư lối 300 triệu đô la và dự trù bắt đầu sản xuất từ giữa năm 2008.

Ngày hôm nay cũng có tin các nhà khoa học vừa cảnh báo là chín phần mười trong số hơn một ngàn cây số rặng san hô tại Việt Nam đang hồi nguy cấp, vào khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng tệ hại và các nguồn thủy sản đang cạn kiệt. Từ cuộc khảo cứu cách nay một tuần, Viện Tài nguyên Môi trường Biển Việt Nam cho biết các nhà khoa học đều sửng sốt trước tình trạng suy thoái của các rạn san hô trong vùng vịnh Hạ Long, vốn là di sản thiên nhiên của thế giới được UNESCO công nhận. Tại vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long hầu như không còn san hô sống nữa. Tiến sĩ Đàm Đức Tiến cho biết là san hô chết hết cả mới lẫn cũ. Những rặng san hô mới chết xương còn trắng, chết lâu bị rong phủ gần kín. Trong một tin khác, các nhà khảo cổ đã cho biết họ đào thấy 12 di cốt có niên đại đến 10,000 năm tại hang Đồng Trương nằm trên địa bàn xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Nơi đây từng được Viện Khảo Cổ Học tiến hành khai quật hồi năm 2004 và phát hiện nhiều di cốt của người Việt cổ. Theo các chuyên gia của đoàn khảo cổ cho biết những di cốt này có niên đại khoảng 7,000 đến 10,000 năm trước công nguyên thuộc nền văn hóa Hòa Bình, và là khám phá lớn thứ nhì ở Việt Nam từ trước đến nay. Trong số 12 di cốt phát hiện lần này bước đầu đã xác định được 3 di cốt là của trẻ em. Theo người dân cho hay đây là khu di chỉ khảo cổ học có giá trị nhưng lâu nay nơi đây đã xảy ra tình trạng phá phách, xâm hại từ phía những kẻ muốn đào xới để tìm cổ vật để bán ra ngoại quốc kiếm tiền bỏ túi.

http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=38&tabId=157&ArticleID=12241

10:02 ngày 31/07/2008

 

 

7- Vịnh Hạ Long tụt hạng vì lẽ gì?

(Toquoc)- Chưa đầy một tháng, Vịnh Hạ Long tụt hạng 2 lần, từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng bầu chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới. Điều này đang khiến người dân Việt Nam và những người yêu mến Di sản thiên nhiên thế giới này lo ngại.

Lơ là trong vận động bầu chọn?

Có một điều dễ nhận thấy là gần đây, các hoạt động tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long đã có phần bị sao nhãng, thiếu tập trung, không còn sôi động như giai đoạn cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Phải chăng vì vậy mà Vịnh Hạ Long của chúng ta đang bị tụt hạng?

Ngày 29/6, Vịnh Hạ Long sau hơn 4 tháng luôn đứng ở vị trí đầu bảng xếp hạng bầu chọn 77 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của New Open World đã bị tụt xuống vị trí thứ 2. Sau đó chưa đầy 1 tháng, ngày 21/7, một lần nữa Vịnh Hạ Long tụt hạng xuống vị trí thứ 3.

Việc tụt hạng liên tục của Vịnh Hạ Long trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua là tin không vui đối với người dân Việt Nam cũng như những người yêu Vịnh Hạ Long.

Gần đây, các hoạt động vận động bầu chọn không được tiến hành thường xuyên. Các chương trình vận động bầu chọn của các tổ chức, doanh nghiệp như EVN, Vietcombank… từ lâu đã không được các tổ chức khác tiếp tục thực hiện.

Khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có liên hệ với ông Vũ Thiết- Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và ông Nguyễn Hồng Quân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- Trưởng ban vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long của tỉnh thì được biết, hiện ông Quân không còn giữ chức Phó Chủ tịch Tỉnh nữa và nhiệm vụ của Trưởng Ban vận động bầu chọn cũng chưa có người đảm nhận do chưa phân công xong trách nhiệm, vị trí cán bộ của UBND tỉnh này.

Ông Vũ Thiết cũng cho biết: Trong kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh vào hai ngày 14 và 15/7 vừa qua, HĐND tỉnh đã bầu cử bổ sung kiện toàn một số chức danh của HĐND và UBND tỉnh. Và hiện nay, chúng tôi chưa được cung cấp thông tin ai là Trưởng Ban vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long?

Có nghĩa là thời điểm Vịnh Hạ Long xuống hạng cũng trùng với thời điểm bộ máy chính quyền tỉnh đang có nhiều thay đổi.

Vịnh Hạ Long có giữ được ngôi vị thứ 3 trong top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới?

Sau đó, một sự việc trùng hợp nữa là UBND tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm điểm một năm công tác tuyên truyền quảng bá, vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tại cuộc kiểm điểm này, ngoài việc phân tích, nêu ra những mặt hạn chế, tồn tại của các ngành, các cơ quan chức năng đã đề xuất các giải pháp, cách làm để công tác tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Tại cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ta các biện pháp như: tích cực tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương trong cả nước để vận động bầu chọn. Việc cần chú trọng là vận động các tổ chức trong và ngoài nước tham gia các hình thức hội chợ triễn lãm, chương trình nghệ thuật, phát hành các ấn phẩm văn hoá bằng nhiều thứ tiếng. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các ban ngành liên quan sớm tổ chức sắp xếp, chỉnh trang lại các nhà bè, phương tiện vận chuyển khách trên Vịnh nhằm tạo chuyển biến về chất lượng du lịch. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cần phối hợp tích cực với các khách sạn trên địa bàn và các công ty du lịch lữ hành vận động du khách tham gia bầu chọn. Tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Ban chỉ đạo vận động bầu chọn quốc gia phối hợp với các nước có danh thắng đưa vào bầu chọn để nhân dân hai nước bầu chọn cho nhau.

Các cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long gần đây đang trầm lắng

Liệu có giữ vững vị trí thứ 3?

Tuy đã “bắt” được “bệnh” tụt hạng cho Vịnh Hạ Long nhưng hướng giải quyết thì không phải chỉ là những biện pháp tức thời. Đã từ lâu, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long được cảnh báo tuy nhiên UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Thực tế, vẫn tồn tại những hộ dân địa phương xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống Vịnh. Vấn đề này hiện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm bằng việc đề xuất dự án bảo vệ môi trường du lịch và phát huy giá trị di sản thiên nhiên ở Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh việc tổ chức quảng bá, vận động ở ngoài nước chưa được nhiều; phát hành các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá cho danh thắng còn đơn điệu, thiếu chiều sâu và công tác quản lý các hoạt động diễn ra trên vịnh và trên bờ cũng còn những bất cập. Việc sắp xếp, chỉnh trang các nhà bè trên biển, công tác vệ sinh môi trường trên vịnh và ven bờ, việc đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan, tính văn minh thương mại và chất lượng các dịch vụ du lịch, an ninh trật tự ở các điểm du lịch… là những yếu tố tác động trực tiếp đến cuộc bầu chọn nhưng chưa được cải thiện một cách tốt nhất. Chẳng có du khách nào bị bắt chẹt giá cả, không thấy thoải mái khi đến du lịch lại bầu chọn cho nơi đó cả.

Thời gian quyết định Vịnh Hạ Long có lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới hay không không còn nhiều. Các cuộc vận động bầu chọn nên được tiến hành nhiều hơn, có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cần quan tâm thực hiện việc gìn giữ và bảo tồn di sản này một cách thực chất hơn, để Vịnh Hạ Long luôn là Di sản thiên nhiên thế giới trong lòng mọi người.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tổ Quốc điện tử, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết:

Việc thực hiện vận động bầu chọn phải được thực hiện một cách tối đa vì hình ảnh đất nước. Đầu tháng 8, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động bầu chọn sẽ bắt đầu làm việc. Trong thời gian qua, chúng ta vẫn gắn các hoạt động văn hóa vào bầu chọn cho Vịnh Hạ Long như Cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008, Việt Nam tham gia Lễ hội Biển Brest (tại Pháp)… Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động bình chọn trong đối tượng học sinh, sinh viên. Đây là đối tượng sử dụng nhiều Internet nên sẽ có kết quả khả quan. Chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vấn đề là chúng ta nằm ở vị trí nào trong 77 đề cử. Bãi biển Cox’s Bazar của Bangladehs mỗi năm đón xấp xỉ 8 triệu lượt du khách trong khi cả nước ta chưa đạt 5 triệu. Chúng ta tiến một bước các bạn cũng tiến một bước. Điều quan trọng là chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh đất nước.

http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/5438.ts?ccat=6

Bài& ảnh: Hồng Hà

 

8- Ngang nhiên đổ chất thải xuống Vịnh Hạ Long

Tuổi Trẻ Online - Thứ Năm, 9/10

TT- - Thời gian gần đây, môi trường của kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp và những giá trị ngoại hạng Vịnh Hạ Long đang bị một số tổ chức, cá nhân hủy hoại bằng cách đem chất thải đổ xuống một cách ngang nhiên.

Đây rõ ràng là những hành động xem thường pháp luật và thách thức công luận.

Nhiều doanh nghiệp tham gia “đầu độc” môi trường Vịnh Hạ Long

Tháng 11-2007, cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã bắt quả tang một lúc 5 tàu của Công ty TNHH Yên Hải ở huyện Yên Hưng, Quảng Ninh và Công ty TNHH Đức Khánh ở Hải Phòng có hành vi chở bùn thải từ khu vực Cảng Cái Lân đổ trái phép xuống Vịnh Hạ Long (VHL). Hai đơn vị này đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Quảng Ninh ra quyết định xử phạt 13 triệu đồng/công ty.

Trong năm 2008, cũng đã có không ít doanh nghiệp bị “điểm mặt chỉ tên” và bị xử phạt do hành vi đổ thải không đúng quy định trên VHL (thậm chí có đơn vị bị xử phạt đến lần thứ hai).

Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp vi phạm như Công ty 899 có trụ sở ở Hải Phòng. Hai chiếc tàu mang biển kiểm soát HP-1242 và HP-1253 của doanh nghiệp này đã ngang nhiên đem bùn thải đổ xuống khu vực Ghềnh Cam thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối của VHL vào ngày 8-4, trong khi quy định phải đổ thải ở khu vực Vũng Đục, TX Cẩm Phả.

Tiếp đó, ngày 20-5, Thanh tra Sở TNMT đã lập quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Hạ Long vì lý do trong khi thực hiện dự án nạo vét luồng lạch, phao tiêu, biển báo khu cảng đã không thực hiện đúng các cam kết như không đăng ký phương tiện vận chuyển, các phương tiện không có thùng chứa rác thải và vận chuyển bùn không đi đúng hướng… Đáng chú ý, đây là lần thứ hai Công ty Đóng tàu Hạ Long bị xử phạt về hành vi này.

Gần đây nhất là vụ Công ty TNHH Thương mại Luôn Thành Đạt ở TX Cẩm Phả sau khi mua lại gần 10 chiếc phà máy của Cty Quản lý cầu phà Quảng Ninh đã tiến hành tháo dỡ ngay tại bến phà Bãi Cháy khiến dầu máy chảy xuống gây ô nhiễm Vịnh.

Đặc biệt, ngày 3-9, Thanh tra Sở TNMT Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt với mức phạt 13 triệu đồng đối với Tổng Công ty xây dựng đường thủy (có trụ sở ở Cảng Cái Lân, TP Hạ Long và trực thuộc Ban quản lý dự án Hàng hải 2) do ông Bùi Nguyên Khôi làm giám đốc.

Trong khi thực hiện nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân, đơn vị này đã đổ thải không đúng nơi quy định, không khai báo phương tiện nạo vét với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Công ty này cũng bị buộc phải giải phóng lượng đất đá thải đổ thải không đúng quy định và khôi phục nguyên trạng ban đầu.

Thay vì đổ thải đúng chỗ thì công ty này lại đổ luôn bùn đất nạo vét vào ngay hành lang luồng khiến cho đất đá tạo thành một con đê dài gần 500m trên biển từ phao số 8 đến phao số 10, quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Điều đáng nói ở đây là con đê này lại nằm ngay trong vùng bảo vệ tuyệt đối của VHL.

Vì đâu nên nỗi?

Được biết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường VHL được tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long và nhiều cơ quan, ban ngành phối hợp như UBND TP Hạ Long, Sở TNMT, Sở Thủy sản, Sở Văn hóa-TT và DL, Cảng vụ Quảng Ninh, Cảnh sát Môi trường…

Ông Hoàng Văn Bốn - Chánh thanh tra Sở TNMT Quảng Ninh cho biết: “Vấn đề bảo vệ môi trường ở VHL có nhiều bức xúc và được UBND tỉnh cùng các ban ngành thường xuyên theo dõi, quan tâm. Chế tài xử phạt hành vi đổ thải trên VHL hiện nay là chưa phù hợp, còn quá nhẹ”.

Theo ông Bốn thì có ba yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường VHL. Đó là từ các hoạt động khai thác than; Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh bờ Vịnh; một số dự án nạo vét luồng lạch trên Vịnh. Những dự án trên đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TNMT hoặc UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên khi thực hiện thì hầu hết các đơn vị thi công đều thực hiện chưa nghiêm túc một số nội dung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong các dự án nạo vét luồng thì UBND tỉnh quy định phải đổ vật liệu nạo vét ở nơi quy định nhưng có những dự án do từ nơi nạo vét đến nơi đổ vật liệu rất xa, công tác tuần tra kiểm soát trên biển có nhiều khó khăn cùng với một nguyên nhân khác là giá dầu cao nên mới xảy ra việc đổ thải bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Khi chúng tôi hỏi về sự phối hợp giữa Sở TNMT và Ban quản lý VHL trong việc bảo vệ môi trường Vịnh, ông Bốn nói: “Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý VHL với các cơ quan chức năng là rất rõ ràng. Về phía Sở TNMT thì chúng tôi đã làm đúng. Cứ để cho các cơ quan chức năng xuống kiểm tra các hồ sơ của Sở TNMT xem thiếu trách nhiệm chỗ nào, bỏ lọt vi phạm gì…”.

Để tìm hiểu kỹ thêm về việc bảo vệ môi trường Vịnh từ phía Ban quản lý VHL, chúng tôi đến đây trình bày rõ mục đích nhưng cả hai lần đều được trả lời là lãnh đạo Ban quản lý bận họp hoặc đi công tác.

Theo NGUYỄN MINH - Tiền Phong

http://vn.news.yahoo.com/tto/20081009/tpl-ngang-nhien-do-chat-thai-xuong-vinh-ef16c59.html

Thứ Năm, ngày 9 tháng 10 năm 2008

 

9- Unesco yêu cầu đánh giá mức độ ô nhiễm vịnh Hạ Long

12/07/2006 9h13 (GMT+7)

Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa có văn bản gửi Ban quản lý vịnh Hạ Long, yêu cầu đánh giá tác động việc xây dựng Nhà máy ximăng Cẩm Phả đối với vịnh Hạ Long. Theo UNESCO, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy gần vịnh là không hợp lý.

Thuyền bè đậu trên Vịnh Hạ Long.

Nhà máy khai thác đất sét, sau đó chuyển đến nhà máy bằng sà lan lưu thông trên vịnh Bái Tử Long. Việc bốc dỡ đất sét sẽ làm ô nhiễm môi trường nước và không khí trong khu vực. Thêm nữa, việc xuất - nhập than, các chất phụ gia, clinker... diễn ra trên một cầu tàu được xây kéo dài ra biển 4 km sẽ kéo theo nhiều bụi và làm ô nhiễm môi trường nước.

Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Ngô Hùng cho biết đã có báo cáo về việc này. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã cử ông Phùng Đức Thái, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, đi giải trình tại Hội nghị Di sản thế giới được tổ chức từ ngày 8 đến 16/7 tại Lithuania (Liên bang Nga).

(Thttp://www.vtc.vn/xahoi/3515/index.htm

theo Tuổi Trẻ)

 

10- San hô vịnh Hạ Long chết hàng loạt

26/07/2006 14:54

Tình trạng san lấp vịnh để phát triển du lịch và xây khu đô thị mới đã làm phát sinh những hậu quả đáng lo ngại về môi trường và cảnh quan của vịnh

Sự phát triển du lịch thái quá, không theo quy hoạch, rác và chất thải từ tàu thuyền, các khu công nghiệp khai thác than, quặng, bến cảng ở quanh bờ vịnh... đã khiến san hô tại vịnh Hạ Long đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Vịnh Hạ Long “nhiễm bệnh”

Tiến sĩ Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển thuộc Viện Tài nguyên và môi trường biển, vừa cùng các nhà khoa học tổ chức một cuộc điều tra về hiện trạng loài và rạn san hô của Việt Nam. Khi lặn xuống đáy vịnh Hạ Long, ông phát hiện các rạn san hô ở đây đã hầu như biến mất. “Thật không thể tưởng tượng nổi, bên dưới đáy biển, chúng tôi chỉ gặp những xác san hô chết” - ông bức xúc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Yết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện KH-CN), cách đây 20 năm, khắp vịnh Hạ Long hầu như chỗ nào cũng có san hô phủ dày đặc. Thế nhưng đến năm 1998, khi trở lại để điều tra, các chuyên gia nhận ra rằng thảm san hô ở đây đang bị chết dần, chỉ còn lại 30%.

Mới đây, giữa tháng 6/2006, họ tiếp tục trở lại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cô Tô (nơi gồm 15 đảo nhỏ và ba đảo lớn: Cô Tô lớn, Thanh Lân và Cô Tô con) để khảo sát, nhưng san hô đã gần như không còn nữa.

Tiến sĩ Yết khẳng định, san hô ở vịnh Hạ Long chết chủ yếu do môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, môi trường nước ở Hạ Long không thua kém gì Cát Bà, Côn Đảo. Nhưng nhiều năm nay, sự phát triển du lịch thái quá, không theo quy hoạch, đặc biệt là hoạt động lữ hành và lưu trú của các con tàu du lịch trên biển cũng như sự phát triển ồ ạt các khu đô thị, nhà hàng, sự xuất hiện các bãi tắm và khu công nghiệp, khai thác than, quặng, bến cảng ở quanh bờ vịnh... đã khiến vịnh Hạ Long nhanh chóng bị “nhiễm bệnh”.

Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hạ Long và sau đó họ tỏ ra không hài lòng về cảnh chai lọ, túi nilông cùng hàng trăm loại rác rưởi khác trôi nổi khắp vịnh, đặc biệt là các váng dầu ở gần cảng vịnh.

Thậm chí mới đây, ông Chu Shiu Kee, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cũng tỏ ra lo ngại cho môi trường của vịnh Hạ Long, đã gửi thư cho ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ mối quan ngại khi chính quyền của tỉnh này cho phép xây dựng 1 nhà máy xi măng công suất lớn nhất Việt Nam (2,3 triệu tấn/năm) ngay sát bờ vịnh Bái Tử Long, có thể làm ô nhiễm vịnh Hạ Long nghiêm trọng.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch (Bộ Thủy sản), nguyên nhân khiến các rạn san hô không có cơ hội để sống ở vịnh Hạ Long là do nước ở đây đã đục ngầu, do việc lấn biển để xây khu đô thị mới, khu du lịch (đặc biệt là khu đảo Tuần Châu, khu đô thị mới Cái Dăm). Khi người dân tự phát phá rừng phòng hộ, phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, đã làm mất “cái bẫy” chặn phù sa đổ từ thượng nguồn ra vịnh. Nước đục khiến san hô không thể quang hợp được và chết dần.

Theo tiến sĩ Chu Hồi, các rạn san hô lại chính là “cái tổ” để thu hút các loài tôm, cá tìm về sinh trưởng. “Nếu không có các rạn san hô thì dù chúng ta không khai thác, các loài tôm cá cũng bỏ đi nơi khác và đó là một nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản rất rõ”- ông Hồi nói.

Khẩn trương cứu san hô

Để cứu các rạn san hô của vịnh Hạ Long, ông Đàm Đức Tiến cho rằng, chỉ có một cách bền vững nhất là phải luôn đảm bảo chất lượng nguồn nước ở đây. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải đầu tư mạnh tay hơn cho các chương trình làm sạch môi trường nước ở quanh TP Hạ Long. Sớm thực hiện đồng loạt giải pháp bảo vệ nguồn nước của vịnh bằng cách quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải, rác thải của các nhà hàng, khách sạn, khu đô thị mới, khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống tàu chở khách trên vịnh.

Còn ông Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng, cần phải tổ chức “gieo cấy” lại các rạn san hô cho vịnh Hạ Long bằng các giá thể xi măng hoặc chính thảm san hô chết. Ngoài ra, có thể dùng các vật liệu bằng gỗ, bê tông, sắt, cao su... xử lý kỹ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất rồi thả xuống vịnh để san hô bám và phát triển. Nếu kiên trì sau vài chục năm làm sống lại rạn san hô, Hạ Long có thể có thêm một loại hình du lịch mới: lặn xuống đáy biển xem san hô, đang rất hấp dẫn hiện nay.

Theo SGGP

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/48/94570/

 

 

11- Vịnh Hạ Long trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ tàu thuyền du lịch

(10-03-2006)

Theo ông Ngô Hùng, Trưởng ban quan lý vịnh Hạ Long cho biết với tốc độ gia tăng của hoạt động tầu thuyền du lịch trên vịnh Hạ Long và việc quản lý chất thải không được triệt để đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường vịnh.

Nhằm tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 07/2006, yêu cầu thành phố Hạ Long phối hợp với các cấp, các ngành chức năng nghiêm cấm các tổ chức hoạt động lấn biển, nạo vét đổ bùn thải, bốc rót vận chuyển than; các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh xăng dầu trái phép... trong khu vực bảo vệ tuyệt đối Di sản vịnh Hạ Long.

UBND tỉnh cũng quyết định hạn chế cấp phép cho các tàu thuyền vận chuyển khách du lịch và các tàu thuyền đang kinh doanh nhất thiết phải tuân thủ các qui định có đầy đủ trang bị thiết bị thu gom rác thải đối với chất rắn, cũng như rác thải lỏng. Ngoài ra, quy mô của tàu phải đảm bảo độ mớn nước không quá sâu, công suất tàu không quá lớn, có sự hạn chế về tốc độ, như vậy mới giảm khả năng khuấy đục đáy vịnh. Ban quản lý vịnh Hạ Long phối Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cảng tầu khách du lịch Bãi Cháy tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tới các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có các hoạt động trên vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư sống trong khu vực vùng đệm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu gom và xử lý nước thải của các tàu thuyền du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Hiện nay,Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy có số lượng tàu du lịch tham gia dịch vụ chở khách tham quan vịnh Hạ Long lên tới trên 350 tàu. Số lượng khách du lịch đến tham quan biển đảo vịnh Hạ Long tăng mạnh như năm 2005 là 1,4 triệu lượt, riêng tháng 2 đầu năm 2006 đã có trên 14.000 lượt tầu thuyền được cấp phép rời cảng đưa đón trên 156.000 lượt khách thăm vịnh. Với con số hàng trăm chuyến tàu xuất bến mỗi ngày chở hàng nghìn du khách tham quan thì biện pháp quản lý về môi trường mới chỉ thực hiện, nhưng thu gom chất thải của các tàu du lịch vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm có tới từ 30 đến 40 tàu được đóng mới tham gia hoạt động chở khách tham quan vịnh Hạ Long. Nhìn chung các tàu thuyền này đều có quy mô lớn, hiện đại nhưng phần xử lý chất thải lỏng thì vẫn bị bỏ ngỏ. Theo khảo sát của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chỉ trong một khu vực hẹp từ khu vực Vựng Đâng đến khu Lò Vôi (Thành phố Hạ Long) đã có tới 5 điểm bán xăng dầu. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm dầu, tăng nồng độ kim loại nặng trong nước, ảnh hưởng tới nhiều dạng sinh vật biển, đặc biệt là san hô.

Lại Minh Đông - MoreNet

www.vnxanh.com/

 

12- Vịnh Hạ Long bị xếp vào nhóm các khu di sản thế giới “có vấn đề”.

Tác giả: Nguyễn Linh Vũ

Công ước Di Sản Thế Giới ra đời năm 1973 nhằm khuyến khích bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên độc đáo. Các quốc gia có thể vận động để UNESCO đưa các thắng cảnh của nước mình vào Danh sách Di sản Thế giới, nếu địa điểm đó được gìn giữ tốt và có ý nghĩa, giá trị độc đáo mang tầm quốc tế. Vào thời điểm đó, sức hút du lịch chưa phải là một yếu tố được cân nhắc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, du lịch có thể giúp bảo tồn nhưng cũng có thể làm tổn hại một thắng cảnh và khu vực lân cận, với mức độ ảnh hưởng cao hơn bất cứ hoạt động nào khác.

(Ảnh:wikimedia.org)

Các di sản thế giới ngày nay đã trở nên phổ biến với tổng cộng 830 địa điểm trên toàn thế giới. Để đánh giá diễn biến chất lượng của các khu di sản này, tạp chí National Geographic phối hợp cùng Đại học George Washington vừa tiến hành khảo sát ý kiến của 419 chuyên gia trong lĩnh vực du lịch bền vững và đánh giá di sản về 94 khu Di sản thế giới với thang điểm như sau:

• 0-25 điểm: Thảm hoạ: tất cả các mặt đều tồi tệ, không còn triển vọng

• 26-45: Có vấn đề trầm trọng

• 46-65: Có vần đề: các mặt đều xấu ở mức độ chưa trầm trọng hoặc có cả mặt tích cực và tiêu cực.

• 66-85: Có vấn đề nhưng không đáng kể

• 86-95: Bền vững, không bị xâm hại, được bảo toàn

• 96-100: Tiến bộ vượt bậc

Một phần ba các địa điểm được khảo sát lần này từng được đánh giá vào năm 2004. Điểm của các di sản đều tăng nhẹ, nhưng rất ít di sản có sự chuyển biến vượt bậc. Tuy nhiên, tại một số di sản, ví dụ như Angko, hoạt động du lịch đang vượt quá vòng kiểm soát. Tại quần đảo Galapagos, một khu bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt của thế giới, hoạt động du lịch, vốn được cân nhắc kỹ lưỡng trước đây, cũng đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Dẫn đầu các khu di sản được bảo tồn tốt nhất năm nay là khu West Fjord của Na Uy với 87 điểm. Khu này cũng từng dẫn đầu danh sách năm 2004. Vịnh Hạ Long của Việt Nam được xếp vào nhóm các khu di sản “có vấn đề”, với 50 điểm. Trong đợt đánh giá năm 2003, Huế cũng được xếp vào nhóm này với 53 điểm.

Các chuyên gia nhận xét Vịnh Hạ Long là cảnh quan kiến tạo đá vôi trên biển đẹp bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng do hoạt động chuyên chở than. Vịnh tràn ngập các loại ghe tàu thô sơ cung cấp các tour du lịch rẻ tiền dành cho khách đến từ Trung Quốc. Tất cả các tàu này đều thải rác xuống biển và các động cơ chạy tàu làm huyên náo cả vùng. Đường dẫn vào các hang động được xây dựng bằng bêtông, còn bên trong thì đuợc rọi bằng các loại đèn màu huỳnh quang. Các giá trị di sản cần được bảo vệ đã bị hy sinh cho các hoạt động giải trí. Rõ ràng, một kế hoạch quản lý du lịch bài bản là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ khu di sản này khỏi các tác động tiêu cực của việc phát triển du lịch.

PHẢN HỒI VỀ CHỦ ĐỀ

Người gửi: Nguyễn Văn Học

Ngày gửi: 31/3/2007

Vấn đề Vịnh Hạ Long đã được cảnh báo từ rất lâu.

Theo thông tin từ ngày tôi còn làm ở Ban quản lí Vịnh Hạ Long những năm 2002- 2005, đã có một số thư ngỏ, thư bày tỏ của nhiều khách du lịch nước ngoài trình bày về mối lo ngại đối với môi trường Vịnh Hạ Long. Nhưng rồi, ai nói cứ nói….

Tiếp sau đó là dịp cuối năm 2006, một số tờ báo cũng lên tiếng về môi trường của Vịnh Hạ Long. Một số cơ quan Nhà nước có đưa vấn đề môi trường này.

Và, sau đó, có ý kiến của ông Nguyễn Công Thái - Phó trưởng ban quản lí vịnh Hạ Long nói về môi trường Vịnh Hạ Long, đại ý., môi trường vẫn giữ vững, đảm bảo.

ở đây, với cái nhìn của người đã từng sống/làm việc trên Vịnh Hạ Long 03 năm, tôi thấy cái nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường Vịnh có rất nhiều, trong đó, phải kể đến:

1. Do ảnh hưởng của hoạt động du lịch:

2. Rác thải

từ hoạt động của dân cư hai bên bờ Vịnh chưa được xử lí nghiêm ngặt, đặc biệt chất lượng nước không đủ tiêu chuẩn trước khi thải ra bờ Vịnh

3. Rác thải do cư dân sinh sống trực tiếp trên Vịnh đổ xuống. Có khoảng gần 2000 dân chài (chưa kể khách du lịch, các tàu vận tải qua lại)

4. Rác thải từ hoạt động khai thác than

Và nhiều nguyên nhân khác…

Không còn nghi ngờ gì các giá trị củaVịnh Hạ Long. Đó thực sự là một vùng thiên nhiên xứng đáng là kì quan thứ 8 của nhân loại.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy gía trị của Vịnh Hsạ Long chưa thực sự tương xứng với giá trị Vịnh Hạ Long mang trong mình.

Với những gì chúng ta làm được tôi cảm thấy như một người nông dân không am hiểu khoa học công nghệ vi tính, lại được trang bị 1 dàn máy vi tính Pen4, ram 1 ghi,tốc độ 3.2… cài đặt đủ các phần mềm nhưng chỉ để đánh văn bản kiện tụng… Lâu ngày máy sẽ hỏng mà cũng không biết gìn giữ.

Nếu ai muốn hiểu thêm về Vịnh Hạ Long, các giá trị, thông tin chung khác thì tôi sẵn sàng cung cấp và trao đổi.

Người gửi: hạ quyên

Ngày gửi: 6/11/2007

tại sao gặp phải những vấn đề đó mà cơ quan chức năng của vịnh Hạ Long không can thiệp để chấm dứt tình trạng này?

http://www.laxanhvn.com/blog/2007/03/27/33/

 

13- VỊNH HẠ LONG – "NƠI CHƯA TỪNG THẤY TRÊN THẾ GIỚI"

Ngày 27/9/2007. Cập nhật lúc 16h 47'

(ĐCSVN) – Những người trong đoàn làm phim của hãng truyền hình nổi tiếng thế giới CNN đã từng nhận xét như vậy khi tới Vịnh Hạ Long để thực hiện 1 video clip theo hợp đồng quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam và CNN . Đây được xem là một "cơ hội vàng" khi di sản này đang được đề cử bình chọn một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, một phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía Tây Nam của Vịnh giáp đảo Cát Bà (Hải Phòng), phía đông giáp biển, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, tổng diện tích 1553 km², gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ.

Với tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, Vịnh Hạ Long có lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch. Đến Vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia nhiều loại hình dịch vụ du lịch khác nhau: tham quan ngắm cảnh, tắm biển, và các hoạt động nghiên cứu khác.

"Hạ Long" – "Rồng xuống", đã có rất nhiều câu chuyện thú vị kể về sự tích xoay quanh cái tên này. Tương truyền rằng, thuở hồng hoang, khi giặc ngoại xâm lấn chiếm bờ cõi nước ta, một đàn rồng từ trên trời đã xuống giúp người Việt đánh giặc và phun ra vô vàn những viên ngọc. Bỗng chốc những viên ngọc ấy biến thành những đảo đá, tạo thành bức thành vững chắc, đánh tan quân xâm lược... Và rồi hôm nay, khi chúng ta đặt chân tới đây ai cũng có một cảm giác ngạc nhiên bởi những hòn đảo xinh đẹp tựa như những viên ngọc.

Từ trên cao nhìn xuống, Vịnh đẹp như một bức tranh khổng lồ được tạo ra bởi một bàn tay của một người nghệ sĩ tài ba. Những đảo đá ấy biến hoá khôn lường theo, không gian, theo góc nhìn, theo cảm nhận và tâm trạng của mỗi du khách. Mỗi lần đến Vịnh Hạ Long, ngồi trên con thuyền lướt nhẹ trên mặt Vịnh đưa du khách lạc vào mê cung huyền ảo, lung linh là mỗi lần du khách cảm nhận được nó ở nét mới mẻ riêng.

Đây không chỉ là cảm nhận của những du khách Việt Nam mà còn là nhận xét của nhiều người nước ngoài. Hiện nay, khách quốc tế tới đây tham quan đông hơn khách trong nước. Mới đây, khi đoàn làm phim của CNN vừa tới quay phim tại Vịnh Hạ Long, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Ông vui vẻ cho chúng tôi biết, họ đánh giá rất cao Vịnh Hạ Long. Họ nói, dù đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy một nơi nào như Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long thật đẹp và thật sự làm họ ngạc nhiên.

Đó cũng là điều dễ hiểu bởi Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngày 17 tháng 12 năm 1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Ngày 2/12/ 2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản Thế giới, Vịnh Hạ Long lại được công nhận là Di sản thế giới lần thứ hai bởi giá trị địa chất, địa mạo của nó.

Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá bởi 2 yếu tố, đó là: Lịch sử kiến tạo và địa chất địa mạo (Karst)

Lịch sử địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long được các nhà khoa học nhận định trải qua ít nhất trên 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, nhiều lần tạo sơn, biển thoái; sụt chìm, biển tiến. Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ.

Còn về giá trị địa mạo Karst: Vịnh Hạ Long có một quá trình tiến hóa Karst đầy đủ trải qua 20 triệu năm nhờ sự kết hợp đồng thời giữa các yếu tố như tầng đá vôi rất dày, khí hậu nóng ẩm và quá trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều dạng địa hình Karst kiểu Phong Tùng, Phong Linh. Cánh đồng Karst là lòng chảo rộng phát triển trong các vùng Karst có bề mặt tương dối bằng phẳng. Cánh đồng Karst được tạo thành theo phương thức khác nhau như: Do kiến tạo liên quan các hố sụt địa hào; do sụt trần của các thung lũng sông ngầm, hang động ngầm; do tồn tại các tầng đá không hòa tan như bị xói mòn mạnh mẽ nằm giữa vùng địa hình Karst cao hơn vây quanh mà thành… Cánh đồng Karst Hạ Long thường xuyên ngập nước.

Giá trị địa mạo ở đây còn được biết tới ở địa hình Karst ngầm: Là hệ thống các hang động đa dạng trên Vịnh như hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long, Bồ Nâu, Tiên Ông, Hang Trống, hang Luồn, Ba Hang…

Karst Vịnh Hạ Long có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học địa mạo của nhân loại. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn có thể nghiên cứu các giá trị khác như: đa dạng sinh học, khảo cổ...

Những giá trị về địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long được xem là một thế mạnh lớn để Vịnh Hạ Long có thể cạnh tranh được với các di sản khác trên thế giới trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới của tổ chức NewOpenWord .

Ông Ngô Văn Hùng cũng cho chúng tôi biết thêm, theo bà Tia.B.Viering, Giám đốc truyền thông của New OpenWord – đơn vị tổ chức cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới qua mạng www.naturalwonders.com thì hiện nay, Vịnh Hạ Long đang đứng trong top đầu của những đề cử có số phiếu cao nhất trong danh sách bình chọn.

Từ đầu năm tới nay, di sản này đã đón hơn 1,3 triệu du khách trong đó khách quốc tế tới đông hơn khách nội địa. Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông Hùng cũng đang trăn trở là tình trạng môi trường, mặc dù thời gian gần đây nó đã được chú ý hơn. Để Vịnh Hạ Long mãi giữ được vẻ đẹp tuyệt vời của nó, một vẻ đẹp mà không một nơi nào trên thế giới có được, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân đều phải có ý thức trong việc gìn giữ. Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu để có những phương án xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, chất thải rắn. Ông Hùng nhấn mạnh: " Hiện nay, tỉnh đang quyết tâm đầu tư khoa học kỹ thuật, tài chính để có giải pháp hiệu quả nhất giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ, lời giải cho bài toán này có lẽ cần phải tiến hành xã hội hóa".

Trở lại với câu chuyện về đoàn làm phim của CNN, ông Hùng cho biết, sau khi quay tư liệu tại Vịnh Hạ Long, đoàn làm phim của CNN sẽ sang Singapore để dựng phim và sẽ quay trở lại Việt Nam để các cơ quan chức năng của nước ta thẩm định lại về nội dung trước khi duyệt phát.

Đây chính là một cơ hội tốt để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về Vịnh Hạ Long và cũng là dịp để những người yêu mến Vịnh Hạ Long tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị của nó.

Dự kiến tới ngày 8/8/2007, tổ chức NewOpenWord sẽ công bố 77 đề cử có số phiếu cao nhất. Sau đó, tổ chức này sẽ tiến hành bỏ phiếu bình chọn 2 lần nữa để lựa chọn ra 21 đề cử và cuối cùng là 7 đề cử tiêu biểu của thế giới.

Vương Lê

http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT2790760232

 

14- Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?

BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN

Việt Nam có diện tích đất liền khoảng 330.000km2 và một vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng trên 1.000.000km2. Khu vực bờ biển, cũng như các đảo có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng. Trên biển có trên 3.000 đảo lớn nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa. Các đảo và quần đảo là điểm tựa vững chắc cho bố trí thế trận phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển. Nhiều đảo có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo và dịch vụ cho các hoạt động khai thác biển xa. Bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260km, đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Biển thực sự là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là di sản thiên nhiên của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Tuy nhiên thực trạng về ô nhiễm môi trường (ONMT) biển đang là vấn đề báo động đỏ. Có thể nêu lên một số vấn đề chính như sau:

1. Du lịch tràn lan - Nuôi trồng thuỷ sản bất hợp lý

Theo điều tra của Viện Hải Dương học, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ONMT ven biển là hiện tượng nuôi thuỷ sản tràn lan, không có quy hoạch. Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trên 37.000ha đã được khai thác đưa vào nuôi trồng thuỷ sản (chiếm 30-35% diện tích nước mặn lợ). Trước đây, người dân thường chỉ nuôi quảng canh, ít sử dụng thức ăn và hoá chất độc hại. Gần đây, phần lớn cơ sở đã đi vào nuôi trên quy mô công nghiệp dẫn tới các nơi cư trú sinh vật, bãi đẻ, bãi giống bị huỷ diệt, dịch bệnh xuất hiện tràn lan... Hơn nữa, tình trạng ONMT còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới việc thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác bằng đánh mìn, sử dụng hoá chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thuỷ sản và gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, được coi là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam với nhiều khu dự trữ tài nguyên sinh thái biển lớn. Nhưng từ một hòn đảo khá đẹp và trong lành, Cát Bà đã bị biến thành một hòn đảo “tạp” kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản. Những khu du lịch, những khu nuôi cá lồng bè, khu đánh bắt cá... tất cả đều được quy hoạch “bám” ra mặt biển. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác được đổ trực tiếp ra biển. Còn tại TP du lịch Hạ long (Quảng Ninh), tình trạng ô nhiễm mặt nước ven biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng bởi các làng chài trên biển. Chỉ tính riêng tại Vịnh Hạ Long hiện có tới hàng chục làng chài lớn nhỏ đang “tọa lạc” trên biển. Tại các làng chài thải toàn bộ rác sinh hoạt xuống mặt biển chưa qua xử lý, rất khó thu gom, dẫn tới một số xuồng lạch đã xảy ra hiện tượng tắc dòng chảy vì rác. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh hiện đã lên trên 15.000ha/năm, phần lớn là những khu nuôi quảng canh nên nước thải đều đổ trực tiếp ra biển.

2. Dân số tăng và nghèo khó

Biển và vùng bờ là nơi giàu có và đa dạng các loại hình tài nguyên, cũng như chứa đựng tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Bởi vậy, đây cũng là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người: trên 50% số đô thị lớn, gần 60% dân số tính theo đơn vị cấp tỉnh, phần lớn các khu công nghiệp và khu chế xuất, các vùng nuôi thủy sản, các hoạt động cảng biển - hàng hải và du lịch sẽ được xây dựng ở đây đến năm 2010. Tỷ lệ tăng dân số ở vùng này cũng thường cao hơn trung bình cả nước Đi kèm các hoạt động trên là sự gia tăng di dân tự do, tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hình thành thói quen tiêu thụ tài nguyên lãng phí. Kết quả đã gây sức ép rất lớn đến môi trường đô thị, khu dân cư ven biển, làm suy giảm và suy thoái tài nguyên biển và vùng ven bờ. Trong khi vùng biển gần bờ nước ta hầu như còn rất ít tôm cá, thì cuộc sống của khoảng 600.000 ngư dân và gia đình họ vẫn cần có cá hàng ngày và bản năng tồn tại vẫn buộc họ phải khai thác nhiều cá tôm hơn. Người ngư dân nghèo gác thuyền, bỏ nghề đánh bắt ven bờ trong lúc chưa có sinh kế thay thế, cho nên đại bộ phận vẫn nghèo khó và cuối cùng cũng phải quay về vùng biển xưa, phải tăng cường khai thác cạn kiệt nguồn lợi để hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình mình. Kết cục họ đã rơi vào một vòng luẩn quẩn: nhu cầu sinh kế - khai thác quá mức - cạn kiệt nguồn lợi - nghèo khó (Hình – 1).

3.Lối sống giản đơn và dân trí thấp

Khác với trong đất liền, cơ cấu dân cư ven biển từ nhiều nguồn, họ đến từ tứ xứ, thậm chí có một bộ phận dân cư ngoài đất Việt. Họ vốn là những người nghèo, chấp nhận xa quê đến vùng ven biển hoặc các đảo nước ta tìm kế sinh nhai. Họ tụ tập thành các "vạn chài", đối mặt hàng ngày với tính khốc liệt của biển cả, sống với sóng nước và cột chặt cuộc đời với con thuyền, nên tư duy người vạn chài hết sức giản đơn, xem sản vật bắt được là sự ban tặng của biển trời. Cứ thế, khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển dường như vẫn còn xa vời với họ. Tập quán và phong tục sống của cư dân ven biển nói chung và ngư dân nói riêng đến nay còn lạc hậu, học vấn thấp do không có điều kiện học tập. Cũng vì thế mà nhận thức về môi trường và tài nguyên biển của đại bộ phận dân cư ở đây vẫn còn thấp kém. Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác. Thực tế quản lý cho thấy, không thay đổi nhận thức của người dân, không cải thiện sinh kế cho họ, không lôi cuốn được họ tham gia vào quá trình quản lý, thì tài nguyên và môi trường biển tiếp tục bị khai thác huỷ diệt. Do vậy, quản lý môi trường và tài nguyên biển, không phải là quản lý tập trung vào "con cá, con tôm" mà là quản lý hành vi của con người và điều chỉnh các hành động phát triển của chính con người!

4. Thể chế và chính sách còn bất cập

Biển và vùng bờ biển nước ta là nơi tập trung các hoạt động kinh tế khác nhau và vẫn chủ yếu được quản lý theo ngành. Theo cách quản lý này, các ngành thường chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu phát triển kinh tế, các mục tiêu xã hội và môi trường ít được ưu tiên, đồng thời chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình ít chú ý đến lợi ích ngành khác. Kết quả là tính toàn vẹn và tính liên kết của các hệ thống tự nhiên vùng bờ nói trên bị chia cắt, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên vùng này ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tính bền vững của các hoạt động phát triển ở đây. Liên quan đến quản lý biển và vùng bờ có nhiều cơ quan quản lý khác nhau, nhưng vẫn còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, trong khi có những mảng trống bị bỏ ngỏ không ai có trách nhiệm giải quyết. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển, đặc biệt ở vùng ven bờ. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý hoàn toàn thụ động và không thường xuyên, do còn thiếu các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của họ một cách cụ thể. Cộng đồng địa phương vừa là người hưởng thụ tài nguyên, vừa là một trong những chủ thể quản lý, có kiến thức bản địa, hiểu được nguyện vọng và công việc của chính họ. Lôi cuốn cộng đồng địa phương vào quản lý tài nguyên biển chính là góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tăng cường dân chủ ở cơ sở và nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

15/THÔNG TƯ CA B KHOA HC, CÔNG NGH VÀ MÔI TRƯỜNG S 2891/TT-KCM NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 1996 V HƯỚNG DN BO V MÔI TRƯỜNG VNH H LONG

 

16- Thách thức về ô nhiễm môi trường trong sản xuất than

04-12-2007

Khai thác than tại Công trường than Cọc Sáu.

Đất mỏ Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho một kho báu “vàng đen”. Than đã và đang mang lại nguồn thu chính cho tỉnh. Nhưng cùng với đó là cả một bài toán nan giải về vấn đề ô nhiễm môi trường, mà nếu không có giải pháp thích hợp sẽ gây hậu quả trái ngược trong tương lai

Lấy 1 phải đền…4

Quảng Ninh là một tỉnh có cơ cấu công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) với nhiều ngành công nghiệp phát triển vào loại bậc nhất cả nước như khai thác than, đóng tàu, điện, chế biến…

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa chắc đã mang lại cho Quảng Ninh sự phát triển bền vững nếu không xử lý tốt bài toán về môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải. Với khoản thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong nộp ngân sách nhà nước, trong đó khai thác than đóng góp một phần không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, hàng năm tỉnh này khai thác hơn 40 triệu tấn than, trong đó xuất khẩu hơn 20 triệu tấn và sử dụng trong nước khoảng 16 triệu tấn. Nguồn thu từ than đã và đang giúp cho Quảng Ninh có điều kiện để đầu tư phát triển các ngành nghề và tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài. Tuy vậy, nó cũng đặt ra bài toán về môi trường và sớm cần có phương pháp giải đáp. Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng thì đây cũng chính là vấn đề mà tỉnh này đang tìm hướng giải quyết.

Việc ô nhiễm môi trường ở Quảng Ninh chủ yếu là ô nhiễm nước thải, không khí, chất thải. Theo tham luận của GS-TSKH Nguyễn Mại tại Hội thảo Xúc tiến thương mại- Du lịch và Đầu tư Việt- Trung 2007 thì nồng độ bụi ở khu vực Cẩm Phả vượt từ 3-4 lần tiêu chuẩn cho phép. Mỏ Đèo Nai phải xử lý lượng đổ thải chất cao thành núi trong mấy chục năm qua. Mỏ Cọc Sáu với biển nước thải sâu 200m chứa 5 triệu m3, có nồng độ axit cao và độ PH 4-4,5mgđl/l và phải cần có công nghệ phù hợp để xử lý. Tham luận cũng dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, nếu “lấy” đi 1 thì phải đền bù, khắc phục gấp 3-4 lần.

Điều này cũng dễ hiểu vì muốn có than phải bạt đèo, xẻ đá, khoan đồi, khoét sâu vào lòng đất gần 200m so với mặt nước biển, có nơi sâu 6-7km… Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bóc đất đá hiện nay là 5-5,5. Điều đó có nghĩa là mỗi năm để khai thác được 30 triệu tấn than đá thì công nhân ngành than phải bóc 150-160 triệu m3 đất đá.

Như vậy, có thể hình dung trong thời gian không xa sẽ có thêm những ngọn núi khổng lồ xuất hiện ở Quảng Ninh- những ngọn núi “nguy hại”. Và hậu quả về môi trường là không thể cân đong, đo đếm. Một vùng đất, vùng biển, vùng đảo và những cánh rừng nguyên sinh, một vùng du lịch sinh thái đầy tiềm năng, triển vọng có thể và cần được khai thác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nếu tính đúng, tính đủ các loại chi phí, kể cả chi phí để giải quyết vấn đề môi trường (không ít hơn 40-50% tổng chi phí khai thác than- theo kinh nghiệm của thế giới) thì khai thác than nói chung và xuất khẩu than nói riêng chưa chắc đã có lãi.

Cần có chiến lược

Theo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (TVN), tổng trữ lượng than của Việt Nam là 220 tỷ tấn, trong đó vùng than Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 10,5 tỷ tấn. Nhưng trữ lượng than khai thác tốt nhất, theo các chuyên gia khoảng 3,2 tỷ tấn, tập trung ở khu vực Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong thời gian gần đây, giá xuất khẩu than có tăng, nhưng nếu chỉ tiếp tục xuất khẩu như những năm qua thì chưa đảm bảo tính bền vững.

Với chiến lược phát triển ngành điện, xi măng, phân bón hoá chất…, đến năm 2010, khả năng tiêu thụ than trong nước có thể lên đến 80 triệu tấn. Điều đó cũng có nghĩa, nếu không có chiến lược phát triển hợp lý, trong tương lai chúng ta sẽ phải… nhập khẩu than hoặc đóng cửa một số nhà máy.

Do đó, việc tổ chức, đẩy mạnh và phát triển nhanh các loại hình du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh sẽ bù đắp được ngoại tệ cho ngành than, và cứu vãn được môi trường sinh thái đang ở mức báo động. Điều đó đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng có biện pháp giữ vững môi trường, đầu tư để thu hút khách du lịch và khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch nơi đây.

“Hàng năm, Quảng Ninh thu hút từ 3,5-4,5 triệu khách du lịch. Nếu để cho môi trường kém đi, chất lượng dịch vụ thấp thì không thu hút được khách du lịch, và khoản thu 2000 tỷ/năm cũng khó mà làm được”, ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển, mà theo cách nói của ông Hưng là “chỉ cần đầu tư tốt là sinh ra tiền”. Với di sản văn hoá thế giới là Vịnh Hạ Long- và đang trong danh sách bầu chọn là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới, nếu có quy hoạch khai thác hợp lý sẽ tạo ra nguồn thu chính và bền vững cho Quảng Ninh trong tương lai.

“Thiên nhiên ban tặng nhưng yếu tố chính vẫn là con người. Nếu khai thác và sử dụng không hợp lý sẽ không tận dụng và phát huy được thế mạnh mà tự nhiên đã ban cho, thậm chí là bị thua thiệt”, ông Hưng nhấn mạnh.

Do đó, bài toán về môi trường, đặc biệt từ khai thác than phải cần sớm tìm ra lời giải đáp. Đó cũng là điều tất yếu trong xu thế phát triển đảm bảo sự bền vững và đóng góp quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta./.

Theo Đài tiếng nói Việt Nam, 28/11/2007

http://www.thiennhien.net/print.php?a=3744

 

17- Vịnh Hạ Long đối mặt với nguy cơ bị "xóa tên" khỏi danh sách di sản Thế giới?

Thứ Sáu, 08/12/2006-

Khu du lịch này được hình thành từ đất lấn biển trái phép

Tháng 7 vừa qua Hội nghị Di sản thế giới lần thứ 30 đã được tổ chức tại thành phố Vilnus (nước Cộng hòa Lithuania), có đại diện của ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sang tham dự. Đáng buồn là trong hội nghị lần này ủy ban Di sản thế giới (WHC) đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng Vịnh Hạ Long sẽ bị xóa tên khỏi danh sách di sản thế giới mà nguyên nhân chính do sự quản lý bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và những dự án đang mọc lên trên vùng đệm của vịnh!.

Những dự án làm mất lòng WHC

Tháng 9.2005 Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), cơ quan tư vấn cho WHC, đã cung cấp cho WHC một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, đe dọa đến giá trị di sản Vịnh Hạ Long như ô nhiễm nước từ chất thải của ngành than, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp, suy thoái hệ sinh thái dưới nước do xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch chưa phù hợp. Tuy nhiên, theo giải thích của phía Việt Nam thì những mối lo ngại này mới chỉ dừng lại ở vùng đệm bên ngoài khu di sản và hiện tại không có tác động lớn tới di sản. Tuy nhiên, phía WHC và IUCN vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm tàng tới di sản từ phía áp lực kinh tế mà phía tỉnh Quảng Ninh đang chạy theo hiện nay.

Hai dự án đe dọa di sản Vịnh Hạ Long nằm trong mối lo ngại của WHC mà IUCN cung cấp, là Nhà máy xi măng Cẩm Phả và Cảng Cái Lân giai đoạn 2. Đây là những dự án cấp Quốc gia và đều nằm cách ranh giới bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long 10km. Trước khi phê duyệt dự án, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam đã tiến hành khảo sát, xem xét, đánh giá khả năng tác động đến môi trường của dự án. Theo ông Nguyễn Công Thái, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì điều lo ngại nhất trong dự án nhà máy xi măng này là hạng mục cầu cảng vươn ra mặt vịnh khoảng 4km. Cảng này dùng để vận chuyển đất, xi măng..., những thứ có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước. Ban Quản lý vịnh đã có kiến nghị điều chỉnh hệ thống cầu dẫn chuyển tải nguyên liệu dài 4km trong khu vực phụ cận Vịnh Hạ Long cho phù hợp với cảnh quan và môi trường. Kiến nghị này đã được chủ dự án chấp thuận và cho đến nay dự án đã được tiến hành và những đánh giá về tác động môi trường là an toàn cho Vịnh Hạ Long. Về dự án Cảng Cái Lân đã có những đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt năm 1998, nhưng do dự án kéo dài nên WHC đang yêu cầu phía Việt Nam báo cáo về những yếu tố có thể phát sinh ảnh hưởng đến môi trường.

Và những giá trị kinh tế làm hại môi trường

Mối quan ngại lớn nhất của WHC trong vấn đề ảnh hưởng đến môi trường vịnh là hoạt động của ngành than. Với hàng nghìn chuyến tàu vận chuyển than qua lại trên khu vực vùng đệm của di sản mỗi ngày thì nguy cơ ô nhiễm nước trong vịnh là điều không tránh khỏi. Đó là chưa kể đến hàng chục nghìn tấn sít thải đang được ngành than vô tư đổ xuống vịnh mỗi ngày. Theo ước tính, với đà này chỉ trong một thời gian không lâu nữa sẽ phải vẽ lại bản đồ Vịnh Hạ Long với diện tích nhỏ hơn nhiều lần. Cũng theo lời ông Thái, tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến chỉ đạo ngành than từ cuối năm 2006 này sẽ chấm dứt neo đậu thuyền chở than và chuyển tải than trên vịnh. Ngoài ra việc đổ chất thải trên vịnh cũng phải chấm dứt, thu hẹp quy mô khai thác than lộ thiên tại thành phố Hạ Long... Nhưng phía UBND tỉnh Hạ Long cũng thừa nhận, ven bờ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long còn nhiều cảng than, bãi chế biến, tiêu thụ than nhỏ lẻ không được đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường... Nhà máy tuyển than Cửa ông, Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng... là những đơn vị đang đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường lớn... Theo ông Lương Y Dược, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh thì tốc độ phát triển của ngành than ngày càng tăng, thì cơ sở hạ tầng lại tỷ lệ nghịch dẫn đến tác động xấu đến môi trường. Sự cố vỡ đập Khe Dè vừa qua là một lời minh chứng cho sự phát triển không tương xứng này và đó cũng là lời cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cho đến nay những kế sách mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra để hạn chế ô nhiễm vịnh do ngành than đem lại mới chỉ dừng lại trên bàn làm việc. Thực tế là tàu chở than vẫn neo đậu trên vịnh và hàng chục cảng than lớn nhỏ cũng như hàng nghìn chuyến xe chở chất thải vẫn đang ngày đêm biến di sản Vịnh Hạ Long thành bãi thải khổng lồ.

Cty Hoàng Gia được tỉnh Quảng Ninh cho thuê đất và mặt nước ở khu vực Bãi Cháy để làm du lịch trong thời hạn 50 năm. Khi thực hiện dự án, Cty Hoàng Gia đã cố tình đổ đất lấn biển với diện tích hơn 70.000m2. Đáng buồn là tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn biết rõ sự việc này, nhưng lại lặng im cho Cty Hoàng Gia làm. ông Dược cho biết, Sở TNMT đã 2 lần kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh nhưng đến lần thứ 3 tỉnh mới xử lý. ông Nguyễn Công Thái bức xúc hơn khi cho rằng việc lấn chiếm này xảy ra ngay trước mắt tỉnh, nhưng chỉ đến khi sự đã rồi UBND tỉnh mới bắt Cty dừng lại và xây kè. Dư luận Quảng Ninh đang đặt câu hỏi về động cơ của việc các quan chức Quảng Ninh làm ngơ cho Cty Hoàng Gia lấn biển này?!. Cùng bài lấn biển và UBND tỉnh làm ngơ cho việc đã rồi mới bắt dừng lại, Cty Đầu tư Hạ Long lấn được 40.000m2 đất ở khu Cái Dăm. Như vậy các Cty này không phải mất tiền thuê một diện tích đất khá lớn mà chỉ phải nộp phạt vài triệu đồng.

Vùng đệm chính là vùng bảo vệ cho di sản, 10km cách ranh giới di sản của dự án Nhà máy xi măng và Cảng Cái Lân giai đoạn 2 không thể được xem là khoảng cách an toàn cho di sản Vịnh Hạ Long. Mà có lẽ Quảng Ninh chỉ chú trọng bảo vệ môi trường cho di sản thế giới, còn di sản quốc gia thì không quan tâm (vùng đệm xung quanh di sản thế giới Vịnh Hạ Long là di sản quốc gia).

Kông Lý

www.doisongphapluat.com.vn

 

18- Cảnh sát môi trường và an ninh du lịch

Nếu làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở những điểm du lịch sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. (Ảnh: especenhotel.com)

Ngành du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%, xếp ở “top” đầu về mang lại doanh thu cho ngân sách quốc dân hiện nay, nhưng việc bảo vệ cảnh quan môi trường lại chưa được chú ý đúng mức. Sự gia tăng ngày càng nhanh lượng khách du lịch kéo theo việc xuất hiện tràn lan các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng đòi hỏi của du khách đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng...gây tác động xấu đến môi trường: nguồn nước, đất bị ô nhiễm, rừng bị chặt phá, đa dạng sinh học suy giảm, bệnh tật gia tăng...đã tác động rất lớn đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân.

Tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các khu du lịch của nước ta hiện nay rất đáng báo động. Việc chính quyền tỉnh Khánh Hoà “bật đèn xanh” cho nhà máy tàu biển Hundai Vinashin, đóng tại vịnh Vân Phong (cách biển Nha Trang 30km về phía Bắc), từ năm 1999 - 2007 sử dụng tới 750.000 tấn xỉ đồng (hạt nix) để làm sạch thân vỏ tàu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là một minh chứng cho việc các địa phương còn quá chú trọng phát triển công nghiệp mà chưa tính đến yếu tố môi trường.

Tại Vịnh Hạ Long, dù đang trong thời điểm “chạy đua nước rút” để được bầu chọn trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới vẫn tồn tại hàng loạt công trình xây dựng với đủ qui mô, hạng mục, tạo nên khung cảnh ngổn ngang như “đại công trường”. Tình trạng dầu thải, dầu máy từ các phương tiện xây dựng và chuyên chở chảy ra làm ô nhiễm môi trường nước Vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà bè, nhà hàng nổi dọc theo bờ vịnh và gần hang động cũng góp phần làm ô nhiễm mặt nước Vịnh Hạ Long, khi tất cả chất thải từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, dịch vụ đều xả thẳng xuống biển.

Căm-pu-chia có lực lượng Cảnh sát du lịch riêng để bảo vệ du khách và các điểm du lịch. Ảnh: PanNature

Bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy...hiện đang phải chịu nạn ô nhiễm môi trường do rác thải từ các hộ buôn bán hàng rong, khách du lịch và người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi trên bãi biển và do nước thải của các khu dân cư ven biển, các xí nghiệp sản xuất không qua xử lý, đổ thẳng ra bãi biển.

Tại các khu danh thắng như Yên Tử, chùa Hương, Tam Đảo, núi Bà Đen (Tây Ninh)... tình hình ô nhiễm do nước thải, rác thải sinh hoạt, tình trạng buôn bán hàng rong, xả rác bừa bãi do thiếu ý thức và kinh doanh du lịch theo kiểu “chộp giật”, chạy theo thời vụ, chưa được qui hoạch, quản lý hợp lý cũng góp phần làm suy giảm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính hấp dẫn các khu du lịch đó.

Đó là chưa kể tình trạng “lạm phát” các quán thịt thú rừng, nhà hàng đặc sản, nạn buôn bán chim, thú và các sản phẩm từ động, thực vật quí hiếm tại các khu du lịch, điểm di tích, danh thắng kể trên; họ cũng chính là nguyên nhân làm suy giảm sự đa dạng sinh học tại các điểm du lịch trên. Ngoài ra, nạn “cò” du lịch, cảnh đeo bám, chèo kéo, “chặt, chém” khách ở hầu hết các điểm du lịch cũng gây khó chịu không ít cho các du khách, nhất là tạo ra sự phản cảm đối với khách nước ngoài về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thực tế đó chứng minh nếu làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở những điểm du lịch sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Về lí thuyết, nếu huy động được sự tham gia của toàn xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, của mỗi cộng đồng, khu dân cư và của mỗi người dân vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch là điều lý tưởng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, phát động toàn dân bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch phải được đặt lên hàng đầu và cần phải làm thường xuyên.

Ngoài ra, việc Tổng cục du lịch và chính quyền địa phương mở nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ thuộc các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch để họ tự ý thức trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường tại khu du lịch nhằm cũng góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng tiên tiến, phổ biến những cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường khu du lịch.

Ở Việt Nam, tuy chưa xuất hiện lực lượng cảnh sát du lịch như Thái Lan và một số quốc gia châu Á khác nhưng việc nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch lại rất cần có sự tham gia của các đơn vị hành pháp mạnh, trong đó có lực lượng Cảnh sát môi trường.

Thực tế, thời gian qua, sự tham gia của các lực lượng Cảnh sát đã đóng vai trò tích cực trong việc giữ gìn trật tự trị an, phòng chống cướp giật, tai nạn...tại các khu du lịch như tại các lễ hội đền Hùng, trảy hội chùa Hương, về nguồn Yên Tử, nhưng công tác xử lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đấu tranh với các hành vi như xả rác bừa bãi, không xử lý rác trước khi thải ra môi trường, tình trạng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nằm trong khu du lịch.v...vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng nên chưa có đơn vị chuyên trách tiến hành đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường du lịch.

Hiện nay, khi lực lượng Cảnh sát môi trường đã ra đời công tác xử lý những vi phạm về bảo vệ môi trường tại khu du lịch nên được Công an các địa phương giao cho lực lượng này để tăng cường thêm lực lượng phối hợp với thanh tra của Tổng cục du lịch và Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động du lịch, đồng thời chủ động điều tra, đấu tranh với các hành vi: phá hoại đa dạng sinh học (săn bắt chim, thú; chặt phá, huỷ hoại rừng), kinh doanh buôn bán ĐVHD và các loài thực vật quí hiếm trái phép; xả rác, nước thải chưa qua xử lý bừa bãi...

Ngoài ra cần xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường phù hợp về tổ chức, đủ quyền năng pháp lý để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực du lịch

Trần Ngọc Lân

http://www.doanhtri.biz/view_news.aspx?nid=261

 

 

19- Rạn san hô ở Việt Nam – Đang hồi nguy cấp

ngày 14/07/2006

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo có tới chín phần mười trong số hơn 1.000km2 rạn san hô ở Việt Nam đang hồi nguy cấp trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng tồi tệ và các nguồn lợi thủy sinh ngày càng cạn kiện.

(Ảnh minh họa: epa.gov)

Từ cuộc khảo cứu cách đây một tuần, các nhà khoa học sửng sốt trước sự suy thoái nghiêm trọng của các rạn san hô ở vùng Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới.

TS Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển, Đội trưởng Đội Cảnh sát ngầm (Viện Tài nguyên Môi trường biển), cho biết: "Sau cuộc khảo sát san hô ở Vịnh Hạ Long, buồn lắm. Không còn gì để nói. San hô chết hết bao gồm cả mới lẫn cũ. Mới chết xương còn trắng. Cũ bị rong phủ gần hết".

200 điểm rạn san hô được khảo sát ở vùng biển ven bờ Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 năm, qua độ phủ của san hô bị suy giảm đáng kể.

Theo TS Nguyễn Huy Yết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, ở đâu rong phủ, ở đó san hô không còn đất sống. Trên nền đá cứng dưới đáy biển, san hô và rong cạnh tranh quyết liệt để lấy chỗ bám sinh sống và phát triển. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh ở Vịnh Hạ Long và xung quanh chỉ suy thoái và tiêu diệt. Đến là chưa kể bị mất đi con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ.

Điều tra các nguồn đánh bắt hải sản thời gian gần đây ở vùng vịnh Hạ Long và xung quanh, các nhà khoa học cũng thấy vắng bóng các loại hải sản quý như cá bướm, mú, kiếm, ốc nón, ốc tù và con tranh học, v.v... Bộ thủy sản cho biết, sản lượng khai thác của các tàu giảm từ 1,1 tấn/sức ngựa (HP) vào năm 1985 xuống còn 0,45 tấn/HP vào năm 2000.

Trên diện tích khoảng 1.100km2 rạn san hô ở nước ta có 350 loài san hô và 800 loại cá sinh sống, chiếm 18-60% tổng số loài cá ở vùng biển các nước láng giềng. Một báo cáo điều tra san hô Việt Nam cho biết, 96% san hô bị đe dọa trong đó 75% bị đe dọa nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Năm 2000, TS Yết cùng cộng sự từng đi khảo sát san hô ở quần đảo Cô Tô, cách bờ biển Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh 30 km, gồm khoảng 15 đảo nhỏ và ba đảo lớn (Cô Tô lớn, Thanh Lân, Cô Tô con). “Hồi đó, tôi còn thấy san hô vẫn tốt, độ phủ nhiều rạn san hô sống đạt trên 50%", TS Yết nói.

Năm 1985, hầu như chỗ nào ven đảo Hạ Long cũng đều có san hô. Đến năm 1998, mất 1/3 rạn san hô so với năm 1985. Khảo sát hồi giữa tháng Sáu năm nay cho thấy vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hầu như không còn san hô nữa.

Nhiều người đi nghỉ mát ở Bãi Cháy mấy năm gần đây phàn nàn nước biển nơi đây đục hơn xưa và sau khi bơi da thấy ngứa hơn trước.

Trớ trêu là vịnh Hạ Long nằm trong số ba địa điểm được xếp loại có hiệu quả quản lý khá theo liêu chuẩn đánh giá của mô hình quốc tế: Cát Bà, Côn Đảo và vịnh Hạ Long. So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, mô hình tính toán mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia).

Theo Nhân dân

http://www.khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=7&Cat_Sub_ID=1&news_id=6977

 

 

20- Vịnh Hạ Long, tập hợp hiếm các hệ sinh thái đá vôi và biển

Trong báo cáo đề nghị UNESCO công nhận Hạ Long là Di sản thế giới về đa dạng sinh học, Tổ chức Flora an Fauna International (FFI) nhận xét Vịnh Hạ Long được coi là mẫu điển hình nhất trên thế giới về sinh cảnh núi đá vôi ngập nước.

Theo các chuyên gia của FFI, Vịnh Hạ Long không phải là nơi duy nhất ở Đông Nam Á có núi đá vôi ngập nước nhưng với môi trường địa mạo đặc biệt và diện tích rộng lớn, Hạ Long là nơi trú ngụ cho các nhóm động thực vật khác thường, chứa đựng một tập hợp rất hiếm các hệ sinh thái đá vôi và biển, và là một trong những vùng giàu nhất về hệ động vật hang động trên thế giới. Nhiều loài được xếp trong danh mục đỏ của Cites và có những loài chưa ai biết tên.

Hạ Long rất phong phú về các nhóm loài động vật không xương sống, trong đó hệ động vật hang động bao gồm ốc trên cạn và ốc nước ngọt còn có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt về sự đặc hữu, sự phong phú của loài và giá trị về mặt khoa học. Một vài loài ốc có sự biến đổi quá mức về hình dáng của vỏ làm cho vùng này có giá trị đối với các nhà khoa học chuyên về tiến hóa. Các nhà khoa học cho rằng, sự đặc hữu có tính cục bộ giữa các hang là một kết quả đáng chú ý, các loài đặc hữu đã tìm thấy ở Vịnh Hạ Long dường như sẽ không thấy ở các vùng khác trong tương lai.

Biển Hạ Long có trên 200 loài san hô kết thành rạn và hệ sinh thái của nó chứa hơn 1.200 loài có giá trị quan trọng về mặt khoa học và kinh tế thủy sản và du lịch. Nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang bị đe dọa tuyệt chủng như cá ngựa, các loài đồi mồi và bò biển dường như vẫn xuất hiện ở vùng này.

Hạ Long có một hệ động vật trên cạn thuộc loại hiếm và đặc hữu như khỉ đầu vàng, một trong số 10 loài linh trưởng hiếm nhất đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới; 8 loài lưỡng cư và bò sát trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy ở Cát Bà các loài như sơn dương, mèo báo, cầy hương Ấn nhỏ, sóc đen lớn, sóc bụng đỏ và một hệ dơi phong phú.

Vùng Vịnh Hạ Long hiện đang sở hữu một vùng sinh cảnh chim có tầm quan trọng quốc gia còn nguyên sơ và khó tiếp cận như các quần thể lớn diều hâu đen và chim ưng biển bụng trắng. Sự có mặt của chim mỏ sừng lông đen trắng phương Đông, đại diện của loài chim ăn quả cps kích thước lớn khiến cho giá trị bảo tồn của Hạ Long đáng được quan tâm nhiều hơn nữa.

Hệ thực vật vùng đá vôi của Vịnh Hạ Long mặc dầu chưa được khảo sát đầy đủ nhưng cũng đã chứng tỏ sự phong phú về loài và có tính đặc hữu cao. Ước tính có hơn 1.000 loài thực vật có giá trị kinh tế và dược liệu có mặt trên các đảo đá vôi của Hạ Long, trong đó có một số loài có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao chỉ mới ghi nhận trong năm 2002 tại khu di sản Hạ Long. Những cây này bao gồm một loài phong lan mới, một loài gừng, 4 loài trong họ viôlét châu Phi và một loài cọ cao 10 mét với lá hình quạt dài với chồi hoa đặc biệt.

Theo các nhà khoa học, trong tương lai có thể còn tìm được nhiều loài đặc hữu có trong khu vực này.

http://www.quangninhpt.com.vn/2007_details.asp?id=3592

 

21- Tùng, áng Hạ Long - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn cần được khai thác

Tùng, áng là một trong những sinh cảnh đặc biệt của vùng núi đá vôi khu vực Hạ Long - Cát Bà. Đó là một giá trị tuyệt hảo của hệ sinh thái đát ướt trong khu bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đây thực chất là những hồ, giếng hoặc phễu Karst bị ngập nước biển, với hình thái khép kín hoặc thông với biển qua hang ngầm, được hình thành do quá trình bào mòn, phong hoá của tự nhiên. Theo định nghĩa của Phân viện Hải Dương học Hải Phòng: "Áng là các hồ chứa nước Kat-xtơ, nằm giữa các đảo", còn "Tùng là một vụng nước luôn có một cửa tương đối lớn thông với Vịnh, vì vậy nước được lưu thông, nhưng tương đối kín, sóng ít, độ trong có thể đạt tới 2,0m".

Tùng, áng không những góp phần làm đa dạng sinh thái của Vịnh Hạ Long mà còn làm tăng giá trị cảnh quan của di sản.Tuy nhiên dạng sinh thái tùng, áng chưa được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo con số thống kê của Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng, khu vực Hạ Long - Cát Bà hiện có 57 tùng và 62 áng. Tổng diện tích các áng là 289,4ha. Căn cứ vào mức độ rộng hẹp của áng mà chia ra các cấp độ khác nhau. Áng có diện tích lớn nhất là áng Vẹm với diện tích 28,8ha, áng nhỏ nhất là Trề Môi với 0,7ha. Thành phần chất đáy của các áng gồm có cát hoặc cát pha sỏi và vỏ sinh vật. Độ sâu cảu các áng thường đạt 3-4m (áng Thảm, áng Vẹm), 1,5 - 2,5m (áng Bù Xám, Trinh Nữ). Các áng thường đạt độ trong suốt đến đáy. Độ mặn dao động từ 28o/oo - 34o/oo. Do điều kiện sinh thái đặc thù cảu áng nên hệ sinh vật ở đây có phần khác biệt với bên ngoài. Theo số liệu khảo sát của các nhà khoa học, khu hệ sinh vật trong các áng gồm 66 loài, bao gồm 21 loài rong, 37 loài động vật nhuyễn thể, 8 loài giáp xác và một số laòi san hô thuộc các giống Acropora, Porites và Favia. Tuy số lượng giống loài có giảm so với các nơi khác bên ngoài áng nhưng trong áng vẫn còn tồn tại một số loài hải sản quý hiếm như: Trai ngọc (Pteria martensii), vẹm xanh (Mytillus smaragdinus), con sút (Anomalodicus), sò (Arca spp) và rong guột (Caulerpa racemosa).

Tổng số diện tích của các tùng khu vực Hạ Long - Cát Bà là 1.186,2ha, trong đó tùng Gấu là tùng lớn nhất với diện tích 219,4ha, tùng Hòn Mây đèn có diện tích nhỏ nhất 1,3ha. Thành phần chất đáy của các tùng thường là đáy cứng, độ trong có thể đạt 2m. Độ mặn cao, dao động từ 28o/oo - 34o/oo... Khu hệ sinh vật trong tùng khá phong phú phụ thuộc vào từng tùng. Trong các tùng đều tìm thấy san hô. Các tùng có rạn san hô phát triển như tùng Ngón, tùng Hai Hẹn, tùng Gấu, tùng Giỏ, tùng Cọc Chèo, tùng Hòn Cặp La và tùng Vạn Bội. Trong các tùng còn tìm thấy các loài hải sản quý như: Tu hài (Lutraria Rhynchaena) phân bố nhiều ở tùng Vạn Bội, ghẹ (Portunus spp) tìm thấy ở các tùng, sò huyết (Arca granosa), sò lông (Arca subcrennata), trai ngọc (Pteria martensii) phân bố hầu hết ở bãi triều của các tùng trong Vịnh. Bên cạnh các loài phổ biến, trong các tùng còn tìm thấy một số loài sinh vật quý hiếm như: Ốc đụn đực (Trochus pyramis), ốc đụn cái (T.niloticus), trai ngọc môi đen (Pinctada margaritipera) và con sút (Anomalocardia squamosa). Cả 4 loài này đã được ghi vào sách đỏ là động vật cần được bảo vệ.

Bên cạnh sự đặc sắc, phong phú và đa dạng sinh vật cchỉ có trong khu hệ của tùng áng khu vực Hạ Long - Cát Bà, các nghiên cứu khoa học còn cho thấy những thay đổi cơ bản về thành phần giống, loài trong tùng áng giữa các mùa với số loài ưu thế khác nhau. Như vậy các tùng áng có thể coi như là một "phòng thí nghiệm tự nhiên" vô cùng giá trị, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều này sẽ là một lý thú đặc biệt cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển.

Tùng áng không những làm tăng giá trị cảnh quan mà còn góp phần làm đa dạng sinh thái của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. mặc dù vậy, việc khai thác những giá trị của tùng áng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, đặc biệt về du lịch. Năm 2004, du lịch Hạ Long đón trên 1,5 triệu lượt khách, tuy nhiên hoạt động du lịch di sản mới chỉ khai thác một phần những thứ vốn sẵn có của tự nhiên như hang động, bãi tắm... Những áng, hồ nổi tiếng như: Mê Cung, Ba Hầm, Bù Xám... có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khu hệ sinh vật phong phú, nhưng rất ít du khách biết và chưa có điều tổ chức cho du khách đến tham quan. Rõ ràng với tiềm năng đa dạng của di sản Hạ Long việc phát triển những loại hình dịch vụ du lịch mới là hết sức khả quan, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghiên cứu, thám hiểm. Nhận thấy những giá trị đặc biệt của đa dạng sinh thái tùng, áng trong Dự án bảo tàng Sinh thái Vịnh Hạ Long đã đề cập đến việc xây dựng khu du lịch sinh thái tại áng hồ Mê Cung với nội dung như: câu cá bằng các phương pháp truyền thống, bơi lội, chèo thuyền trong áng và thưởng thức các món hải sản, ngắm cảnh, nghiên cứu hệ sinh vật trong áng... Mặc dù vậy, đến nay dự án này chưa được triển khai.

http://www.quangninhpt.com.vn/2007_details.asp?id=3587

 

22- Nét đẹp Hạ Long

Hè này đến Hạ Long, bạn được hưởng sự thảnh thơi, thoải mái. Thăm đảo Tuần Châu, từ bến Hòn Gai, bạn mất nửa giờ ngồi tàu thủy đến thăm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ. Điều gây ấn tượng nhất là ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường.

Mặt vịnh mênh mông thoáng bóng vài con thuyền nhỏ và những người dùng vợt vớt từng cái giấy kẹo, vỏ bao thuốc lá mà khách vứt xuống. Ngồi trên con tàu sạch bóng, bạn tôi mua que kem nhấm nháp. Kem bóc xong, bao bì để cẩn thận dưới gầm bàn, vậy mà mấy phút sau vẫn thấy cô bán hàng tần ngần ở cửa. Rồi cô khẩn khoản: “Bác cho cháu xin cái vỏ kem, để đấy lỡ ai vứt xuống biển, người ta nói cháu đấy !”

Tại Bãi Cháy có khách sạn mang tên Hạ Long 1, 2, 3; khách sạn Công đoàn...Các khách sạn, nhà ăn, nhà hàng tựa lưng vào núi, phía trước là cây xanh. Từ đây, qua con đường rộng trải nhựa phẳng phiu là bãi tắm. Trên bãi cát mịn trải dài đến tận mép nước có hàng nghìn cái ô đủ mầu, phía dưới đặt ghế nghỉ cho khách, đồng thời là nơi cho thuê quần áo tắm, phao bơi. Điều thú vị là khi qua đây, bạn không bị chèo kéo, mời mọc. Khi tắm xong bạn không phải trả tiền, bởi chi phí đã được tính vào tiền thuê phòng.

Dăm năm trước, bạn tôi đã đến Bãi Cháy, giờ trở lại không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng. Ngày ấy, bãi tắm lều phều rác, biển đục ngầu vì lẫn nước thải. Từ ngày Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, bãi tắm được cải tạo. Các khách sạn liên kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nước thải từ các cơ quan, nhà dân, khách sạn trong khu vực trước khi chảy ra biển đều đã được xử lý. Nước biển Bãi Cháy trở lại xanh trong, khách sớm chiều tha hồ ngụp lặn.

Nét đẹp bình dị vừa nêu đã tô điểm thêm cho Hạ Long kỳ vĩ, để ai đó đã đến đây một lần còn muốn quay trở lại.

Theo Hanoimoi

http://www.quangninhpt.com.vn/2007_details.asp?id=3270

Friday, 17 August 2007

23- PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM GREEN VIETNAM MOVEMENT CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI THẢM TRẠNG Ô NHIỄM MÔI SINH Ở VIỆT NAM

Thuỷ-Triều

Tấm hình cho thấy người dân Việt Nam phải sống trong một Môi Sinh bị ô nhiễm rất trầm trọng.

Sự Huỷ Hoại Ô Nhiễm Môi Sinh có một ảnh hưởng rất lớn lên đời sống của toàn thể sinh vật. Ở đây chúng ta chỉ chú ý tới khía cạnh sức khoẻ của tất cả người Việt Nam sinh sống trong cùng một không gian và thời gian của một môi sinh đã bị ô nhiễm trầm trọng. Không phân biệt người già hay người trẻ, nam hay nữ, thân nhân của cán bộ đảng viên hay của người dân thường, người cộng sản hay người không cộng sản ở trong nước Việt Nam đều đã đang bị những tác hại của sự ô nhiễm môi sinh tất nhiên bao phủ sinh hoạt hàng ngày trong một mức độ nhứt định rất khủng khiếp.

Những người Việt Nam giàu xin đừng nghĩ rằng khi ở trong nhà thì có cửa lưới cửa kiếng ngăn che, khi đi ra ngoài thì được bịt kín mũi miệng bằng khẩu trang, khi uống nước thì uống nước lọc trong chai, vân vân, mọi thứ là sạch sẽ an toàn. Trong khi những người Việt Nam nghèo vì ở trong nhà chòi tranh vách lá, vì ở ngoài đường thì mũi miệng hít thở bụi bặm khói xăng, vì uống nước lã ở hồ ao không được vệ sinh, vân vân, mọi thứ không sạch sẽ an toàn nên mới mắc bệnh.

Trên thực tế là tất cả mọi người hiện tại đang sinh sống ở trong nước Việt Nam đều đã đang bị nhiễm một thứ bệnh nào đó và tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh bộc phát hoặc lặng lẽ. Bởi vì những chất độc gây ô nhiễm môi sinh đã ngấm sâu trong nguồn nước, đã thấm đẫm trong các nguồn thực phẩm, đã hoà tan thường trực trong không khí ở khắp nơi trong nước Việt Nam, và NHỮNG TÁC HẠI CỦA SỰ Ô NHIỄM MÔI SINH KHÔNG PHÂN BIỆT MỘT NGƯỜI NÀO THUỘC VÀO MỘT GIAI CẤP NÀO CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM!!

Những tác hại của sự Ô Nhiễm Môi Sinh đã đang và sẽ còn tiếp tục xảy ra trong cả nước Việt Nam một cách rõ ràng chắc chắn. Khả năng gây bệnh của sự Ô Nhiễm Môi Sinh không những có thể xảy ra tức khắc trong một đầu hôm sớm mai qua một cơn ôn dịch , mà nó còn có thể tích tụ mầm bệnh trong nhiều ngày tháng tiếp theo qua những thế hệ con cháu bị bệnh di truyền.

Sự Huỷ Hoại Ô Nhiễm Môi Sinh ở cả nước Việt Nam đã xảy ra liên tục trong 30 năm, từ 1976 đến 2006, được trình bày một cách cụ thể ngắn gọn dễ hiểu như sau:

Các hoạt động khai thác lâm sản, có quy hoạch chính thức hay bất hợp pháp do phá rừng bừa bãi, hàng năm đã đốn hạ cây rừng nhiều quá mức bình thường, được ước tính là 2 triệu mét khối gỗ đã xẻ mỗi năm. Công tác trồng lại cây gây lại rừng đã không được thực hiện đúng mức và kịp thời. Tiền lời thu được do xuất cảng gỗ đã vào tay ai, nhưng tiền chi phí cho việc trồng cây gây rừng thì không có. Vì thế “Chương Trình Trồng Rừng 327” của Việt Nam kể từ năm 1994 cho tới nay vẫn không được thực hiện nghiêm túc.

Hơn nữa việc đốt rừng để khai hoang trong mùa khô, hoặc cải tạo những khu rừng cây tràm, rừng cây đước ở vùng đồng bằng để khai thác việc nuôi tôm xuất khẩu, đã trực tiếp huỷ hoại hệ sinh thái tự nhiên của những khu rừng ngập nước mặn nhiệt đới ở Việt Nam.

Ở vùng cao nguyên, do việc khai thác lâm sản bừa bãi vô trách nhiệm đã khiến cho đất bị thoái hoá. Bởi vì không còn rễ cây để giữ đất lại trong những khi có mưa lũ nên lớp đất màu mỡ ở phía trên đã bị cuốn trôi đi và làm cho đất dần dần trở nên cằn cỗi.

Trong khi môi trường đất đã đang bị huỷ hoại như vậy, thì môi trường nước ở Việt Nam cũng đã đang bị ô nhiễm rất trầm trọng và nguồn nước sạch càng ngày càng khan hiếm.Môi trường nước đã đang bị ô nhiễm rất trầm trọng do bởi các nguồn nước thải từ các khu gia cư, từ các trung tâm công nghiệp, từ các khu xí nghiệp sản xuất, v.v...đã đang thẩm thấu hoà tan vào các nguồn nước sạch ở bề mặt, các nguồn nước sạch ở ngầm sâu dưới đất. Những chất độc có trong các nguồn nước phế thải chảy ra từ các khu chế xuất ở vùng duyên hải Vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, v.v. đã đang làm thay đổi xấu đi phẩm chất nước ven biển ở những vùng đó. Hiện tượng 99% tổng số san hô ở dọc theo toàn bộ bờ biển Việt Nam đều đã bị nhiễm độc cho thấy rõ ràng là sự ô nhiễm môi trường nước rất trầm trọng.

Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẳng, Quảng Trị, Sài Gòn, Đồng Nai, Cần Thơ, v.v... Nước dùng trong sinh hoạt của các hộ gia cư, nước thải công nghệ từ các xí nghiệp gia công sản xuất, và nước mưa đọng lại rồi rỉ ra từ các bãi rác là nguyên nhân chính yếu làm ô nhiễm trầm trọng các nguồn nước sạch ở bề mặt, và cả các nguồn nước sạch ở ngầm sâu dưới đất.

Đại đa số người dân Việt Nam trong sinh hoạt ăn uống hằng ngày thông thường tiêu dùng nước mưa, nước giếng khoan, hay nước ao hồ tự nhiên. Nhưng tất cả các nguồn nước sinh hoạt đó hiện nay cũng đã đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Bởi vì bầu không khí đã bị ô nhiễm do khói độc thải ra từ các nhà máy xí nghiệp, bay quyện vào những đám mây trên trời, hoà tan trong nước mưa rơi xuống, rồi được chứa vào những cái lu cái vại, những cái hồ ao của người dân. Đa số người dân Việt Nam vẫn còn không biết rằng đã có những cơn mưa ác-xít thực sự rơi xuống những chỗ họ trú ngụ. Sau đây là nguyên văn lời của một người dân có nhận xét khách quan về nước mưa ở Việt Nam, “Nếu đặt cốc nước mưa đã đun sôi một lúc sau thì thấy nước chuyển màu vàng óng và đọng lại dưới đáy cốc rất nhiều cặn”. Thời kỳ của đa số người dân Việt Nam ưa chuộng uống một ly nước mưa mát lạnh cho đả cơn khát đã trở thành chuyện cổ tích đẹp thuở xa xưa!! Còn bây giờ một ly nước mưa có thể gây ra loét bao tử hay gây ung thư ruột!!

Thật không thể tin được là trong bao nhiêu năm qua hầu như cả bầu không khí của toàn cõi nước Việt Nam từ Hải Phòng tới Đà Nẳng, tới Sài Gòn và xuống tận Cà Mau đều đã đang bị xông lên đủ loại mùi hôi thúi của khói thải hóa chất độc hại hoà lẫn với mùi hôi thúi của rác đổ ở những bãi rác công cộng, mùi hôi thúi của vỏ tôm xương cá ở các nhà máy chế biến, và khói lẫn bụi từ nhà máy xí nghiệp trong khu vực đã làm cho hầu hết các đồ vật gia dụng trong nhà của người dân đều bị phủ một lớp bụi màu than đen. Mùi hôi thúi và khói có lẫn bụi đã đang khiến cho bầu không khí của cả nước Việt Nam quá ngột ngạt khó thở!!

Hơn nữa, việc xử dụng quá mức an toàn các loại phân bón, thuốc trừ sâu bảo vệ hoa màu và lúa, cũng chắc chắn là nguồn gốc của việc gây ô nhiễm môi sinh, khi nước thải nông nghiệp loại này đã thẩm thấu vào các nguồn nước sạch. Hiện tượng rõ ràng là nhiều vùng ruộng đất ở đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long đã bị nhiễm độc chất thạch tín (arsenic), nhiễm độc chất DDT, nhiễm độc chất chì (Lead).

Sự cố nước Đài Loan đã không chấp nhận phân phối tiêu thụ trà Ô Long của Việt Nam, và nước Nhật Bản đã trả lại gạo nhập cảng từ Việt Nam chính vì các sản phẩm trà và gạo đã có nhiễm chất độc của thuốc trừ sâu và phân bón hoá học quá mức tiêu chuẩn an toàn. Nhưng người Việt Nam tiêu thụ ở ngay trong nước Việt Nam thì sao? Họ có được biết là trà và gạo mà họ đang ăn uống hàng ngày có bị nhiễm độc hay không?

Những hiện tượng rõ ràng của các chứng bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư bao tử, bệnh ghẻ lở, bệnh viêm đường hô hấp, bệnh đường ruột tiêu hoá, bệnh viêm tai mắt mũi họng, v.v,..đã đang hoành hành và giết chết rất nhiều người dân Việt Nam được xác định là do sự Huỷ Hoại Ô Nhiễm Môi Sinh trầm trọng gây ra.

Qua trình bày cụ thể ngắn gọn dễ hiễu như trên, người dân Việt Nam chúng ta phải hiểu rằng sức khoẻ và mạng sống của chúng ta là quan trọng hơn hết. Chúng ta phải quyết tâm cùng nhau có giải pháp tích cực để tự cứu lấy sự sống của chính mình, của thân nhân, của con cháu trong tương lai.

Toàn thể người dân Việt Nam chúng ta phải hiểu rõ là hít thở một bầu không khí ô nhiễm, uống nước ô nhiễm, ăn thực phẩm ô nhiễm, là chúng ta đã đang, một cách gián tiếp hay trực tiếp, bị đầu độc!!

Hôm nay, toàn thể người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước Việt Nam không thể tiếp tục chịu đựng phải sống mãi với một môi trường ĐẤT-NƯỚC-KHÔNG KHÍ đã đang bị chất độc ô nhiễm trầm trọng, và càng không thể để cho những người vô trách nhiệm tiếp tục huỷ hoại và làm ô nhiễm môi sinh từ đời cha đến đời con. Toàn thể người Việt Nam nên hiểu rằng công cuộc bảo vệ môi sinh là một trọng trách chung của mọi công dân, bởi vì môi trường ĐẤT-NƯỚC-KHÔNG KHÍ ở đây không là của riêng ai, khi môi trường ĐẤT-NƯỚC-KHÔNG KHÍ bị huỷ hoại ô nhiễm thì mọi người đều không được sống khoẻ mạnh vui vẻ. Vì vậy, toàn thể người Việt Nam bảo vệ môi sinh cũng có nghĩa là bảo vệ QUYỀN ĐƯỢC SỐNG, bảo vệ sự sống của toàn thể sinh vật trong nước Việt Nam.

Có lẽ tầm mức quan trọng của một Phong Trào Bảo Vệ Môi Sinh của nước Việt Nam sẽ lôi cuốn được toàn thể người Việt Nam hăng hái tham gia. Có lẽ, không phải chỉ riêng toàn thể người Việt Nam trong nước mà còn có cả những người ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng ủng hộ phong trào bảo vệ môi sinh của Việt Nam. Bởi vì họ cũng rất lo sợ phải hít thở một bầu không khí ô nhiễm, hoặc khi họ muốn thưởng thức ăn uống những món đặc sản của các địa phương mà trong lòng họ lo ngại lỡ lầm nuốt vào những thứ nhiễm độc. Một môi trường ĐẤT-NƯỚC-KHÔNG KHÍ của Việt Nam đã đang bị ô nhiễm khủng khiếp cũng chính là nguyên nhân lớn khiến cho những du khách ngoại quốc sau khi đã tới thăm Việt Nam, rồi giả từ một nơi chốn mà lòng đã quyết không trở lại lần thứ nhì!!

Tóm lại, một Phong Trào Bảo Vệ Môi Sinh của nước Việt Nam là một yêu cầu rất khẩn thiết cho toàn thể người Việt Nam. Một Phong Trào Bảo Vệ Môi Sinh của Việt Nam, hay gọi tên ngắn gọn và có tính cách phổ thông liên đới quốc tế là PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM – GREEN VIETNAM MOVEMENT, sẽ có một khả năng liên kết hổ trợ rộng lớn với các ĐẢNG XANH – THE GREEN PARTIES ở trên toàn thế giới trong các vấn đề bảo vệ môi sinh, bảo vệ quyền được sống của tất cả các sinh vật.

Hôm nay, đã hơn 30 năm qua, những kẻ vô trách nhiệm đã đang huỷ hoại ô nhiễm môi sinh của ĐẤT-NƯỚC-KHÔNG KHÍ của nước Việt Nam quá mức nghiêm trọng. Toàn thể người dân Việt Nam không còn có thể chờ đợi một sự cải thiện môi sinh nào được thực hiện từ những kẻ vô trách nhiệm. Sự huỷ hoại ô nhiễm của môi trường ĐẤT-NƯƠC-KHÔNG KHÍ của một nước là tiêu diệt dần dần tất cả sinh vật, tất cả chủng tộc sinh sống trong nước đó . Vì vậy, do yêu cầu bức thiết của sự sinh tồn, đã tới lúc toàn thể người dân Việt Nam phải đoàn kết nhất trí xây dựng nên PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM để bảo vệ sự sống của chính mình cũng như sự sống của con cháu kế tiếp trong tương lai.

PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM – GREEN VIETNAM MOVEMENT sẽ có một khả năng liên kết hổ trợ rộng lớn với các ĐẢNG XANH – THE GREEN PARTIES hiện đang hoạt động trên toàn thế giới, một cách tiêu biểu gồm có một số Đảng Xanh như sau:

The Green Federations: Federation of Green Parties of Africa, Green Party of South Africa, Federation of the Green Parties of the Americas, Green Party of Canada, Green Party of the United States, Partido Ecologista Verde de México, Asia-Pacific Green Network, Australian Greens, Green Party of Aotearoa New Zealand, Korea Greens, Green Party Taiwan, Phillipine Green Party, Japan Niji to Midori/Rainbow and Greens. European Federation of Green Parties, France Les Verts, Green Party of England and Wales, Scottish Green Party, Russia The Interregional Green Party, Switzerland Grüne / Les Verts.

PHONG TRÀO XANH VIỆT NAM. GREEN VIETNAM MOVEMENT

TOÀN THỂ NGƯỜI VIỆT NAM PHẢI TỰ BẢO VỆ MÔI SINH CỦA MÌNH.

CHÚNG TA HÃY TỰ CỨU LẤY ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA.

Trân trọng kính mời toàn thể Quí Vị góp ý kiến và chung sức xây dựng

Phong Trào Xanh Việt Nam của toàn thể người Việt Nam.

THUỶ-TRIỀU 15/08/2007

http://phongtraoxanhvietnam.blogspot.com

www.vnmoi.net/

 

 

24- Vịnh Nha Trang đang ngày càng ô nhiễm

Thứ Năm, 20/12/2007,

Vịnh Nha Trang đang ngày càng ô nhiễm

Du khách nước ngoài chuẩn bị lặn biển, loại hình du lịch thu hút khách ở vịnh Nha Trang. Nhưng nếu vịnh này bị ô nhiễm, liệu còn ai tới đây lặn biển - Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) - Những nguy cơ xâm hại và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường vịnh Nha Trang vẫn thường trực, tiềm tàng từ nhiều nguồn khác nhau.

Đó là vấn đề được nêu trong báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, khai mạc sáng 19.12. Báo cáo của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết: môi trường và hệ sinh thái vịnh Nha Trang chưa được đảm bảo phát triển bền vững, có khu vực đang bị ô nhiễm, đe dọa ô nhiễm, suy thoái.

Cụ thể: hầu hết tàu du lịch, thuyền đánh cá xả trực tiếp ra vịnh Nha Trang rác, phân, nước hút khô hầm tàu. Khoảng 7.000 lồng, bè nuôi hải sản đã thải ra vịnh thức ăn thừa của tôm, cá, ảnh hưởng đến sự phát triển của san hô và môi trường biển.

Mỗi ngày, hơn 5.000 người sống trên các đảo, lồng bè nuôi đã thải ra khoảng 10 tấn rác sinh hoạt và hầu như không được thu gom, xử lý. Nguồn nước từ sông Cái, sông Tắc, cống thoát (ở các đường Dã Tượng, Trần Phú, Đặng Tất, Đoàn Trần Nghiệp của thành phố Nha Trang) với nhiều chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nông nghiệp và chế biến thủy sản chưa được xử lý đổ trực tiếp ra vịnh Nha Trang.

Một số dự án lớn được triển khai thi công trong khu vực vịnh Nha Trang nhưng chưa lập thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Liên quan đến việc bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang, một quan chức tỉnh Khánh Hòa băn khoăn về vị trí xây dựng công trình cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hòn Ông, có quy mô 39 héc ta, nằm bên bờ sông Tắc, thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, được thi công vào cuối năm 2006. Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ tiếp nhận khoảng 20 doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu với công nghệ hiện đại. Nước thải chế biến thủy sản nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm sông Tắc và vịnh Nha Trang cách đó không xa, ảnh hưởng đến nhiều khu du lịch ven biển.

Sở Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, chủ đầu tư công trình trên đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, nguồn nước thải trong quá trình chế biến sẽ được xử lý tập trung, đạt tiêu chuẩn loại A theo quy định của Chính phủ mới được phép xả ra sông Tắc. Vị trí xây dựng khu chế biến thủy sản này thuận lợi cho doanh nghiệp vì nơi thu mua nguyên liệu cách khu vực chế biến khoảng vài kilômét. Chuyển khu dịch vụ hầu cần chế biến này đến huyện Vạn Ninh hoặc thị xã Cam Ranh sẽ khiến doanh nghiệp mất đi nhiều lợi thế cạnh tranh.

Thực tế, đã có nhiều cơ sở chế biến thủy sản ở Nha Trang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, việc người dân lo lắng khu chế biến thủy sản nêu trên khi đi vào hoạt động sẽ đe dọa môi trường sông Tắc và vịnh Nha Trang là có cơ sở.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/1760/

 

 

25- Vịnh Hạ Long - Bầu chọn là cần thiết nhưng bảo vệ môi trường quan trọng hơn

Đăng ngày: 28/09/2008 Theo báo Quảng Ninh

Hơn 1 năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng như các bộ, ngành Trung ương, đông đảo các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cả nước đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Đi đôi với bầu chọn, công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường cũng như các giá trị khác của Vịnh Hạ Long luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đáng tiếc là một số doanh nghiệp đã phớt lờ các quy định, có những hành vi xâm hại đến môi trường Vịnh Hạ Long...

Một trong những đống bùn thải đơn vị thi công luồng ngoài cảng Cái Lân

đổ sai quy định, trồi lên cả mặt nước. (Ảnh chụp sáng 1-9-2008).

Khi “thủ phạm” đa phần là các doanh nghiệp

Trong những năm qua, các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long được cơ quan chức năng phát hiện, ''được'' báo chí nêu tên chiếm đại đa số là các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có lần đề cập tới chuyện cảng than ở khu vực Cao Xanh - Hà Khánh bốc rót than gây rơi vãi xuống biển; các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Cái Lân lấn biển, đổ phế liệu gạch ngói vỡ mà không có kè chắn làm rửa trôi bùn đất và các chất độc hại ra Vịnh Hạ Long. Theo các nhà khoa học thì lượng bùn đất bị rửa trôi sẽ bồi lắng đáy Vịnh, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đáy, nhất là san hô. San hô chết đồng nghĩa với hàng trăm loài sinh vật khác sẽ hết chốn dung thân. Đó là chuyện của năm trước, còn mới đây, ngày 29-8-2008, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phát hiện và có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng TP Hạ Long xử lý nghiêm 2 vụ việc gây ảnh hưởng tới môi trường Vịnh Hạ Long. Vụ thứ nhất là trường hợp ông Cao Thọ Phượng ở tổ 5, khu 5, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long có hành vi lập bến thuỷ nội địa tại khu vực chân cầu Bãi Cháy để kinh doanh cát xây dựng. Quá trình bơm xả cát từ tàu lên bãi tập kết đã xả nước thải lẫn bùn đất xuống Vịnh Hạ Long. Vụ thứ 2 diễn ra tại bến phà Bãi Cháy (phía Hòn Gai), Công ty TNHH Thương mại Luôn Thành Đạt, trụ sở tại phường Cẩm Thạch (Cẩm Phả) đã mua lại 7 phà máy của Công ty quản lý cầu phà Quảng Ninh. Thay vì kéo đi nơi khác tháo dỡ và có các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường thì doanh nghiệp này lại thuê lại 1 đơn vị đến từ Thái Nguyên ''làm thịt'' các con phà kia ngay tại bến. Điều đó có nghĩa những rỉ sắt và dầu máy còn sót lại sẽ chảy xuống Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, các vụ việc trên vẫn chẳng thấm vào đâu so với vụ mới đây Ban quản lý dự án Hàng Hải II, mà trực tiếp là Tổng Công ty Xây dựng đường thuỷ (Bộ Giao thông Vận tải), trong quá trình thi công nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân đã không tuân thủ các quy định về môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được phê duyệt, ngang nhiên đổ thải sai quy định làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông trên Vịnh Hạ Long. Thay vì đổ thải tại nơi quy định, đơn vị thi công đã “đánh bùn sang ao” bằng cách đổ luôn bùn đất ngay bên cạnh luồng, tạo thành 1 “con đê” dài khoảng 500m, từ phao số 8 đến phao số 10, có chỗ nhô cao khỏi mặt nước 30cm-40cm. Đây là khu vực trong vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì trước ngày phát hiện vụ việc trên (31-8), ngày 25-8, Ban đã chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh kiểm tra và đã nhắc nhở bên thi công, yêu cầu đơn vị phải có các biện pháp đảm bảo môi trường tại khu vực thi công. Nhưng thực tế, bên thi công đã không chấp hành, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, mới thuê phương tiện trong đêm tối đến san gạt hòng phi tang hiện trường. Trong công văn số 1029/BQLVHL-KTXLVP, ngày 3-9-2008 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long gửi UBND tỉnh báo cáo sự việc trên ghi rõ ''Qua đánh giá ban đầu, các đống đất này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan - môi trường; xâm hại các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đồng thời gây cản trở hoạt động giao thông cho các phương tiện thuỷ qua khu vực này''. Trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Sở Tài nguyên Môi trường (công văn số 1540/TNMT-TTr, ngày 4-9-2008, đề xuất phạt đơn vị thi công 13 triệu đồng), ngày 8-9-2008, UBND tỉnh đã có công văn số 3521/UBND-MT thống nhất với đề xuất xử lý vi phạm của Sở Tài nguyên Môi trường và yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương thu dọn toàn bộ vật liệu nạo vét đổ thải không đúng quy định để khôi phục nguyên trạng ban đầu. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên dự án nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Trước đó 4 tháng, ngày 8-4-2008, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã bắt quả tang 2 sà lan HP-1242 và HP-1253 của đơn vị thi công là Công ty 899 (Hải Phòng) đổ thải sai quy định tại ghềnh Cam thuộc khu vực bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long (thay vì đổ tại Vũng Đục - Cẩm Phả). Do việc này, đơn vị vi phạm đã bị Sở Tài nguyên Môi trường xử phạt 9 triệu đồng. Có ý kiến cho rằng việc xử phạt Tổng Công ty Xây dựng đường thuỷ 13 triệu đồng và hoàn nguyên môi trường thôi là còn ''lọt tội'', bởi ngoài gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long, việc làm của họ còn gây mất an toàn giao thông đường thuỷ (thực tế đã có những phương tiện mắc cạn do húc phải ''con đê'' này).

Hơn 1 năm qua, chúng ta đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Để có được sự ủng hộ của du khách thì một yếu tố quan trọng là chúng ta phải giữ được một Hạ Long xanh - sạch - đẹp. Đây là trách nhiệm chung không của riêng ai. Trước những sự việc đáng tiếc như trên, một câu hỏi đặt ra là làm thế nào ngăn chặn những hành vi ấy ngay từ ban đầu, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, để rồi cơ quan chức năng cứ phải đuổi theo bên vi phạm như vừa rồi?

http://www.halongvip.com/article.php?cid=121&id=4919

 

 

26- Môi trường Quảng Ninh ngày càng bị ô nhiễm

Cập nhật: 14/09/2006 09:57

Một nhà khoa học dự báo, nếu việc quy hoạch cảng sông, cảng biển, của Quảng Ninh-Hải Phòng không được tính toán kỹ; nếu việc đổ đất lấn biển ở Hải Phòng (khu vực Cát Bà) Quảng Ninh, không được ngăn chặn, thì vịnh Hạ Long sẽ bị đầm lầy hóa. Có lẽ các nhà quản lý-quy hoạch cần để ý đến dự báo này.

Chưa có số liệu đo, đếm thống kê chính xác nhưng hơn một năm "đào núi, lấn biển" lập khu công nghiệp; khu đô thị; khu du lịch; khu dân cư và đường ven biển, vịnh Hạ Long và Bái Tử Long bị thu hẹp quá lớn. Đường ven biển Vựng Đâng - Cột 8 có đoạn đã lấn đến chân đảo đá. Cảng than cây số 6 đã lấp hết 500 ha mặt vịnh. Đó là chưa kể việc lấn sông, lấn biển chạy suốt từ Kim Sơn (Đông Triều) đến Cẩm Y, Khe Dây (Cẩm Phả).

Về nguồn nước chảy ra vịnh, báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh nêu rõ: Vịnh Hạ Long như một cái túi đựng phần lớn các chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt ven bờ gây ra. Chỉ riêng các mỏ than, mỗi năm đã thải ra 30 triệu m3 nước. Nước thải từ mỏ chảy ra vịnh, có nơi riêng độ đục vượt quá mười lần tiêu chuẩn cho phép. Nước đục gây tác hại cho hệ động, thực vật sống trong vịnh, nhất là ở "vùng nước ven bờ".

Điều tra của Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định: Nước ven bờ bị ô nhiễm cục bộ; độ đục vượt quá tiêu chuẩn cho phép; lượng ô-xy hòa tan giảm; trong nước có khuẩn gây bệnh... Song, nước biển ở khu vực di sản còn trong, chất lượng các bãi tắm vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép.

Trên bờ, bụi mỏ và mưa lũ là vấn đề bức xúc nhất của vùng than. Dọc quốc lộ 18 từ Đông Triều đến Mông Dương, chiều dài hơn 100 km nhiều đoạn bụi than, bụi đất mù mịt. Người đi trên quốc lộ mà như đi giữa công trường khai thác than vậy. Nhiều khu vực như Vàng Danh, Cẩm Thạch (Cẩm Phả); thị trấn Mạo Khê, dân suốt ngày sống chung với bụi. Bụi than, bụi đất đã vào bữa ăn, giấc ngủ, vào không khí thở của mỗi gia đình. Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh) cho biết, vì lý do thiếu thiết bị, thiếu kinh phí cho nên không đo đếm được lượng bụi ở những địa danh trên đến mức độ nào.

Nhưng người dân và những người đi đường thường kêu: "bụi không thở được". Bà Huệ ở phường Vàng Danh (gần kho than Khe Ngát) cho biết: Và miếng cơm vào mồm bụi cũng vào theo. Anh Thắng ở gần cảng Km 6 (Cẩm Phả) phản ánh: Vừa nằm ngả lưng xuống giường, lúc ngồi dậy đã thấy rõ phần mình nằm in trên chiếu. Bụi than loáng cái đã như phủ kín mặt chiếu rồi!

Uông Bí, Mạo Khê, Vàng Danh là những nơi hứng chịu nhiều bụi than nhất. Chính những vùng này, sau những trận mưa lớn, cũng lại là nơi phải gánh chịu nước trôi, lũ cuốn, đất, đá sạt lở... Những trận mưa cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua làm vỡ đập chắn Khe Rè, đất đá từ bãi thải của Công ty than Cọc 6 sụt xuống làm sập sáu nhà dân, làm ngập hàng trăm hộ dân khác ở khu 2, khu 4 phường Cẩm Thịnh và thị trấn Cửa Ông. Cũng sau mưa, gần nửa triệu m3 đất đá từ bãi thải Cao Sơn đổ xuống lấp kín cả hệ thống đê chắn và một cửa lò than ở mức + 36 vỉa 69 của công ty than Mông Dương. Người ta tính toán, khôi phục lại được cửa lò và đập chắn phải chi không dưới 20 tỷ đồng. Ngoài việc khai thác than, Quảng Ninh còn có 49 xí nghiệp, khai thác cát, đá, sỏi, chưa kể đến vài chục xí nghiệp xây dựng, khi san gạt núi, tạo dựng mặt bằng cũng góp phần tạo thêm nhiều bức xúc cho môi trường.

Phá vỡ cân đối trong phát triển, môi trường sống ở vùng than đang bị đe dọa và đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư. Nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Chính sản lượng khai thác than tăng nóng đã phá vỡ cân đối trong phát triển. So với quy định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ 20/2005/TTg) thì sản lượng than khai thác năm 2004 đã đạt mức Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Sản lượng than khai thác năm 2005 là chỉ tiêu được duyệt cho năm 2020. Kế hoạch năm 2006 này, ngành than khai thác 40,4 triệu tấn, phải bóc đi 200 triệu m3 đất đá và đào 250 km đường lò. Thử hình dung sẽ thấy, bao nhiêu đồi núi bị phá đi? Bao nhiêu lòng đất bị đào bới? Bao nhiêu cây cối, đất đá, dòng chảy bị đảo lộn? Trong khi hệ thống vận tải, bến, bãi chứa than, cảng, xe ô-tô vận tải than, đất... đầu tư chưa phù hợp sự tăng tốc của sản xuất.

Ngành than, duy nhất có cảng than Cẩm Phả được đầu tư theo đúng tiêu chuẩn. Còn 63 cảng, bến khác phần lớn là cảng tạm, bến tạm. Than khai thác ở các nơi đều được vận chuyển bằng ô-tô ra các cảng tạm, bến tạm này. Tại thị xã Uông Bí, hơn ba triệu tấn than từ Vàng Danh, Đồng Vông, Nam Mẫu, được vận chuyển bằng ô-tô, biến một khu vực của thị xã Uông Bí thành đường vận chuyển than. Cũng ở khu vực này cứ một phút có một xe than cắt ngang quốc lộ.

Từ Vàng Danh, than còn được vận chuyển dọc quốc lộ (mặc dù UBND tỉnh đã cấm) đổ về tám bến tạm bên sông Đá Vách thuộc địa phận xã Kim Sơn, huyện Đông Triều. Để có đủ xe, 15 doanh nghiệp trong ngành than hợp đồng thuê ngoài 1.500 xe vận tải chở than, chở đất đá. Chính những xe thuê ngoài, chạy "khoán" này không những gây ra nhiều bụi bẩn, mà còn gây ra tai nạn giao thông.

Đầu tháng 8-2006, tỉnh Quảng Ninh làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để tìm cách giải pháp cơ bản, lâu dài phấn đấu cho môi trường sống ở vùng than trong sạch, an toàn. Hai bên nhất trí chấm dứt việc rót than trên vịnh Hạ Long; chấm dứt việc đưa các xe than chạy dọc quốc lộ 18 vào ngày 31-12-2006. Ngành than đã đưa ra 21 công trình bảo vệ môi trường với số tiền đầu tư 50 tỷ đồng, phối hợp địa phương thực hiện. Ngoài ra, còn một loạt nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết của UBND tỉnh Quảng Ninh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường Quảng Ninh đến năm 2020 và kế hoạch bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH của Quảng Ninh đến 2010, định hướng 2015. Các giải pháp và nhóm giải pháp đã được trao đổi bàn bạc thống nhất. Vấn đề còn lại là tổ chức, chỉ đạo và thực hiện như thế nào, để có được kết quả rõ rệt, môi trường sống mỗi tháng, mỗi năm được cải thiện tốt hơn.

Cần điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than

So với quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ngành than (Quyết định số 20/2005/QĐ-TTg) thì sản lượng than khai thác đã tăng quá nhiều, quá nhanh, vượt qua cả "tầm nhìn 2020" của quyết định. Tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu của thị trường là cố gắng lớn của cán bộ, công nhân ngành than. Nhưng chỉ tăng nhanh về sản lượng, trong khi các điều kiện phục vụ cho tăng sản lượng chưa kịp đầu tư, đã phá vỡ đi các quy hoạch về vận tải, bến bãi, cảng tiêu thụ than. Nhất là việc tăng quá nhiều đầu xe vận chuyển than trên các tuyến Vàng Danh, Điền Công; Mạo Khê - bến Cân; Mạo Khê - Kim Sơn; Hà Khánh - Cầu Bang; Hà Tu - Hà Lầm - cầu Trắng xuống cấp nghiêm trọng. Ngày mưa các tuyến đường này biến thành đầm lầy, nước bùn tràn vào các nhà dân. Ngày nắng bụi mù mịt, quét dọn, tưới nước, quyết tâm bảo vệ môi trường đến mấy cũng không lại được. Vì thế, Chính phủ và các bộ cần điều chỉnh lại quy hoạch phát triển sản xuất than phù hợp thực tế, phù hợp quá trình phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh.

NGUYỄN VĂN HÀ (Phường Hà Tu - Hạ Long)

Quy hoạch lại các bến, bãi cảng xuất than

Mấy chục năm khai thác than, nhưng cả ngành than, mới chỉ có duy nhất cảng than Cẩm Phả là được đầu tư xây dựng và mở rộng. Hiện cảng Cẩm Phả cùng một lúc có thể nhận hai tàu vào lấy than có trọng tải từ 3 - 5 vạn tấn cập cầu. 63 cảng xuất than khác, hầu như chưa được quy hoạch đầu tư, một số bến bãi trên cảng chưa được cấp phép, nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ lấn sông, lấn biển đổ than, lấp bến. Một khu vực bến Cân chưa đầy một km bờ sông, có đến chín cảng do nhiều đơn vị khác nhau quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có hai đơn vị cùng quản lý trong một khúc sông. Đó là cảng thủy nội địa khu vực 2 và cảng thủy nội địa Quảng Ninh. Khu vực km 6 Cẩm Phả có hàng chục cảng do nhiều đơn vị khác nhau quản lý: tư nhân có, Nhà nước có, quân đội có... lấn đất, lấn biển, chiếm đất, lập cảng, tranh giành nhau bãi đổ than là chuyện thường xảy ra.

Để lập lại trật tự, bảo vệ môi trường, cần phải tổ chức, quy hoạch lại cảng xuất than cho từng khu vực, chấm dứt việc đổ than tạm, lập cảng tạm như hiện nay. Mỗi khu vực chỉ có một cảng, và do một pháp nhân làm chủ. Doanh nghiệp nào muốn bốc xếp than thì thuê lại cảng, dứt khoát không được lập cảng riêng.

VŨ THIẾT (HĐND tỉnh Quảng Ninh)

Chấm dứt việc khai thác than lộ thiên ở Đông Triều

Đông Triều có diện tích xấp xỉ 400 km2. Trong diện tích này, ngành than đã quản lý và khai thác 94 km2, chiếm gần 1/4 diện tích toàn huyện. Ngoài khai thác hầm lò, các mỏ Mạo Khê, Hồng Thái (Tổng công ty Đông Bắc); Xí nghiệp Khai thác, Chế biến và Kinh doanh than còn khai thác các lộ vỉa, đổ thải đất đá không theo một quy hoạch nào. Sau mỗi trận mưa, đất đá trôi lấp hồ, sông, suối... gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Việc vận chuyển than đi qua đường dân sinh của các xã Tràng Lương, Bình Khê, thị trấn Mạo Khê để ra khu vực bến Cân và các bến bãi trong khu vực Kim Sơn không những chỉ gây bụi mà còn lấp đi sông, suối, đang gây rất nhiều khó khăn cho địa phương.

Theo chúng tôi, khai thác than ở một huyện lúa như Đông Triều lợi bất cập hại, huyện sẽ phải trả giá đắt cho việc bảo vệ môi trường, giá này nhiều khi không tính toán nổi. Vì thế cần chấm dứt việc khai thác than lộ thiên ở huyện Đông Triều và hạn chế việc tăng sản lượng than ở các mỏ trên địa bàn huyện.

NGUYỄN THỊ THÂN, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều

Theo báo Nhân dân

http://www.nilp.org.vn/news_detail.asp?catid=65&msgid=505

 

 

27- Nguy cơ ô nhiễm 2 vịnh lớn ở Khánh Hoà

Vịnh Cam Ranh là vịnh dài, kín, có duy nhất một cửa hẹp thông ra biển Đông nên khả năng trao đổi nước giữa vịnh với đại dương hạn chế, dẫn đến tốc độ làm loãng chất thải chậm. Vì vậy, khi xảy ra sự cố nước thải, môi trường trong vịnh sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Nhà máy Đường Cam Ranh, thuộc Công ty Đường Khánh Hoà, công suất 6.000 tấn mía cây/ngày được xây dựng tại Cam Thành Bắc, huyện Cam Ranh. Nhà máy nằm sát cạnh vịnh Cam Ranh nên việc thoát nước thải ra vịnh rất thuận tiện. Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty Đường Khánh Hoà đã nói: “Chúng tôi sẽ xử lý nước thải trong phạm vi nhà máy theo chu trình kín”.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 22/2 của UBND xã Cam Thành Bắc, gần 2 tháng qua, từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đường Cam Ranh không những gây ra tiếng ồn, thải ra mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân mà còn liên tục xả nước thải.

Vịnh Cam Ranh có diện tích khoảng 116 km2, là nguồn sống từ bao đời nay của hàng trăm hộ nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản thuộc 12 xã, phường. Khu vực vịnh Cam Ranh hiện có hơn 1.000 ha đìa tôm, hàng trăm trại tôm giống, lồng tôm hùm, bè cá mú… và những sinh vật này rất nhạy cảm với chất thải công nghiệp.

Việc xả nước ngưng tụ của Nhà máy Đường Cam Ranh ra vịnh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường khai thác thuỷ sản ở đây. Có ý kiến cho rằng, muốn ngành khai thác thuỷ sản ở vịnh Cam Ranh đạt hiệu quả thì tốt nhất là không cho nước thải của nhà máy đường xả ra vịnh, mà “xử lý trong phạm vi nhà máy theo chu trình kín” thì an toàn hơn. Vừa qua, Bộ KHCN&MT đã ra quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy Đường Cam Ranh. Theo đó, nước thải của nhà máy phải được tái sử dụng và không được thải ra ngoài môi trường. Và đặc biệt nhà máy không được thải nước ra vịnh Cam Ranh hoặc để thấm xuống đất. Vấn đề còn lại là nhà máy có thực hiện tốt các đề xuất này hay không.

Vịnh Văn Phong

Theo Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng), vịnh Văn Phong là tài nguyên du lịch “không nơi nào trên thế giới có được". Tuy nhiên hiện nay, chất lượng môi trường trong vịnh cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài do chất thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin.

Báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Nhà máy Tàu biển Hyundai- Vinashin tạo ra nhiều chất thải như hydrocarbon, các kim loại nặng Fe, Zn, Cr, Ni, As, Cd, Ba, Mn, Cu, Pb, Co, Hg… Đáng chú ý nhất là vật liệu làm sạch vỏ tàu (hạt NIX, được chở từ Hàn Quốc sang) có chứa rất nhiều kim loại nặng nêu trên. Khi phun làm sạch vỏ tàu, hạt NIX được bắn ra sẽ phát tán theo gió, ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí, nước sinh hoạt ở thôn Ninh Yễng và một phần bay ra biển. Khi sơn mới tàu xong, nước biển được đưa vào khoang sửa chữa, sau khi tàu rời ụ, tất cả các chất thải trong quá trình sửa chữa còn sót lại (chứa nhiều hydrocarbon và kim loại nặng) sẽ được bơm ra biển.

Ngoài ra, do chưa có biện pháp xử lý nên hàng trăm nghìn tấn chất thải từ việc làm sạch vỏ tàu hiện được chất trong khuôn viên nhà máy. Nước mưa sẽ mang theo một lượng kim loại từ bãi thải này ra biển.

Hiện nay, môi trường nước của vịnh Văn Phong chưa bị tác động rõ rệt bởi hoạt động của nhà máy, vì các kim loại trong chất thải rắn chưa có đủ thời gian để hoà tan. Tuy nhiên, một số ảnh hưởng của chất thải đã được ghi nhận: Sự tập trung cao của Hg (thuỷ ngân) trong trầm tích và xuất hiện lớp bùn sét giàu kim loại Zn, Cu, As, Co, Ni, Cr, Cd trong khu vực biển lân cận nhà máy.

Hiện tượng nhiễm bẩn kim loại nặng sẽ gây ra những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái (trong đó có hệ sinh thái rạn san hô) và tạo nên sự tích luỹ (và nhiễm) kim loại nặng trong sinh vật biển. Đã ghi nhận được các hàm lượng khá cao của kim loại nặng trong một số sinh vật biển thu được ở gần hòn Mỹ Giang (cách nhà máy không xa). Tác động này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thông qua việc tiêu thụ sinh vật biển.

Các nhà hải dương học đã đưa ra một số đề nghị với cơ quan hữu trách: di dân khỏi khu vực bị ô nhiễm do chất thải của nhà máy, hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải độc hại đưa vào môi trường nước, khẩn trương xử lý chất thải tồn động trong nhà máy… Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, nên thay hạt NIX bằng vật liệu sạch hơn, như cát thạch anh chẳng hạn. Chất thải từ nhà máy có nhiều yếu tố độc hại. Tuy nhiên, tác động của chất thải đối với môi trường đến đâu và khi nào sẽ xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng thì chưa biết được. Do đó, vấn đề chất thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin cần được tiếp tục nghiên cứu.

Theo VnExpress.net

http://www.download.onboom.com/GL/Khoa-hoc/2001/03/3B9AECBF/

 

 

28- Ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên

27/05/2007

Phú Yên có bờ biển dài 190km với nhiều vịnh, đầm, thắng cảnh đẹp, song hiện nay những thắng cảnh trên lại đứng trước nguy cơ biến thành những thùng chứa rác...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại Phú Yên đang ở cấp báo động xuất phát từ chính nếp sống, tập quán sinh hoạt của những ngư dân nơi đây. Theo thống kê, có gần 19.000 hộ dân ven biển nhưng chỉ khoảng 10% có nhà vệ sinh. Hầu hết người dân đều sử dụng bờ biển làm “ bãi đáp” lý tưởng. Bên cạnh đó tại các khu dân cư tập trung như: Từ Nham, Vịnh Hòa, Bãi Ngà, Hội Sơn, Nhơn Hội, Long Thuỷ... dọc theo bờ biển có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá mú, ốc hương. Thức ăn để nuôi sống thủy sản chủ yếu là thức ăn sống. Những thức ăn này được đổ trực tiếp xuống biển và ít nhất 15% lượng thức ăn dư thừa là một tác nhân nguy hiểm gây ô nhiễm. Đầu năm nay, vùng nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu, nơi được coi là “vương quốc” của nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã xảy ra dịch bệnh làm chết gần 85.000 con tôm hùm, gây thiệt hại khoảng 33 tỷ đồng. Các lồng đều có tỷ lệ tôm chết từ 15% - 45%. Theo Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Nha Trang), tôm hùm chết chủ yếu do nhiễm vi bào tử trùng trong cơ và nhiễm ký sinh trùng trong máu với cường độ khá cao do ngấm từ những thức ăn dư thừa lưu cữu trên bề mặt...

Long Thủy nằm cách trung tâm tỉnh Phú Yên khoảng 5km, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhưng hiện nay ngoài việc tiếp nhận lượng rác thải khổng lồ của các hộ dân sống gần bờ biển từ Long Thuỷ đến Mỹ Quang, khu vực này lại biến thành một bãi rác khổng lồ. Gành Đá Đĩa cũng là thắng cảnh quốc gia còn hoang sơ, chưa chịu tác động nhiều của nhân tạo song giờ đây lại biến thành bãi xả rác của khách tham quan.

Đầm Ô Loan, một trong những đầm nuôi tôm sú lớn giờ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vào mùa nắng nóng, dọc ven đầm mùi hôi chất thải nông nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi…của người dân của 5 xã sống xung quanh bốc lên nồng nặc. Các hồ nuôi tôm ở đây đều được xây theo kiểu hồ hở, chủ yếu dùng san hô, đá để chèn làm bờ nên năm nào cũng xảy ra dịch bệnh tôm. Anh nông dân N.V. Thảo, thôn Tân Long, xã An Cư cho biết: “Trước đây, số lượng tôm, cua, cá, sò, hàu ở trong đầm rất lớn... nhưng gần đây đầm bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên, nguồn thủy sản giảm hẳn. Nhiều hộ sống quanh đây làm không đủ ăn, cả ngày ngâm dưới nước cũng chỉ mua được 2 kg gạo...”.

Trước đây, cư dân sống quanh đầm Ô Loan hàng năm khai thác ít nhất hàng trăm tấn tôm, cua và rau câu, đặc biệt là các loài nhuyễn thể vốn được xem là đặc sản của Phú Yên như: hàu, điệp và sò huyết... thì nay nguồn khai thác thủy sản này đã giảm hẳn. Miếng cơm, manh áo của ngư dân nơi đây đang bị de doạ. Theo báo cáo của Ngành Thủy sản Phú Yên, lượng khai thác cua Huỳnh Đế đã giảm 70%, sò huyết giảm 95%, cá mối vạch giảm 60% và nhiều loại cá nổi, cá đáy cũng giảm nhiều...

Để bảo vệ môi trường sống ven biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đã phối hợp với Bộ đội biên phòng và chính quyền của 25 xã, thị trấn ven biển tổ chức tuyên truyền vận động ngư dân tham gia bảo vệ nguồn thủy sản vốn có... Tuy nhiên, việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống, môi trường biển chưa được các cấp chính quyền chú trọng nên đến nay ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên ngày càng trầm trọng, chưa có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, việc khai thác, đánh bắt cá trái phép, đặc biệt là việc dùng hóa chất màu trắng để đánh bắt cá cũng khiến cho nguồn thủy sản ở đây đang bị de doạ. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở ven biển mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế bền vững của Phú Yên.

Thế Lập

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/8/ContentID/15479/Default.aspx

hứ Tư, 15/10/2008, 05:12 (GMT+7)

 

 

29- Xả nước thải ra biển

TT - Ngày 4-10, tôi có dịp cùng một số người bạn ở TP Đà Nẵng đi tắm ở bãi biển Mỹ Khê. Bãi biển đẹp thu hút nhiều khách du lịch nhưng tắm một lúc tôi lại gặp vài túi nilông nổi bồng bềnh và mùi hôi xộc tới theo làn gió biển. Thấy lạ, tôi quan sát xung quanh thì hỡi ôi một họng cống khá to, sủi bọt hôi thối đang tuồn nước thải và chất thải là thức ăn, túi nilông ra biển (ảnh).

Nếu không có biện pháp chặn đứng hành vi này, có lẽ sau những con sông rồi sẽ đến lượt biển... chết!

TRẦN DUNG QUẤT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=283187&ChannelID=118

 

 

 

 

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- B