"Ưu điểm của Đại học Nghiên-cứu-tập-trung - Đại học của thế kỷ 21"

Vietsciences-  Trương Văn Tân & Nguyễn Xuân Xanh       02/05/2011

 

 

Gerhard Casper (1937 -)

(Hiệu trưởng thứ chín của Đại học Stanford 1992 - 2000)

Lời giới thiệu:

Nhân ngày kỷ niệm 100 năm của trường Đại học Bắc kinh (1998), giáo sư Gerhard Casper, Hiệu trưởng trường Đại học Stanford, đã đọc bài diễn văn này tại Đại học Bắc kinh. Đây không phải là một bài diễn văn ngoại giao thông thường, mà là một bài phân tích và nhận xét về vai trò của một "đại học nghiên-cứu-tập-trung" (research-intensive university) dựa trên tinh thần Humboldt. Theo ông, giá trị của tinh thần Humboldt đặt trên căn bản của tự do hàn lâm và sự tương tác giữa nghiên cứu và giảng dạy vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay và cho cả thế kỷ 21. Ông trình bày những kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Stanford và giải thích các nguyên nhân đưa đến sự thành công vượt bậc của sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa Stanford và Thung lũng Silicon như là một áp dụng thành công của tinh thần Humboldt . Mười hai năm sau đến ngày hôm nay (2010), bài diễn văn hơn bao giờ hết càng làm sáng tỏ vai trò của đại học như một định chế của sự "trác việt hàn lâm" và nguồn đóng góp tri thức và phúc lợi cho xã hội, và cũng là những lời nhắn nhủ đến những người có trách nhiệm trước dấu hiệu suy thoái gây ra bởi việc "doanh nghiệp hóa" và tiêu cực trong giáo dục đại học.

Người chuyển ngữ

***

Kỷ niệm 100 năm của Cải cách 1898 tại Trung Quốc và của Đại học Bắc kinh là một sự kiện đặc biệt. Nó xứng đáng để có một cuộc tụ họp của các hiệu trưởng đại học từ khắp nơi trên thế giới. Sự thành lập của trường đại học này đã đánh dấu sự cam kết của Trung Quốc tạo ra một đại học phục vụ cho quốc gia cũng như cho thế giới và thỏa mãn những tiêu chuẩn quốc tế của tính trác việt hàn lâm (scholarly excellence).

Nhiều thành quả của Đại học Bắc kinh của thời gian qua – cũng như những năm tháng  tuyệt vọng của nó – đều được mọi người biết đến trên toàn thế giới. Ở buổi bình minh của một thế kỷ mới, những ý tưởng ban đầu được đề ra bởi các bậc lãnh đạo tiền bối giờ đây đang ở trong tầm tay. Tôi tự tin điều đó: rằng tất cả sẽ mang đến nhiều lợi ích vì Đại học Bắc kinh đang thu hút những tài năng kiệt xuất của đất nước này để trở thành một trung tâm hàng đầu của sự sáng tạo và đổi mới ở thế kỷ 21.

Nhưng, cũng như đại học của tôi và các đại học khác trên toàn thế giới, Đại học Bắc kinh đang đối mặt với một câu hỏi lớn: Những phẩm chất nào cần thiết để phục vụ xã hội bằng sự ưu việt? Đây là đề tài của bài nói chuyện của tôi. Tôi thường xuyên được người ta yêu cầu giải thích về những "bí mật" tạo nên của sự liên hệ giữa Đại học Stanford và Thung lũng Silicon. Thung lũng Silicon đã trở thành một ẩn dụ cho một sự liên hệ hiệu quả giữa một đại học và vùng phụ cận. Và những quan khách thăm viếng Stanford mong muốn được biết những nguyên nhân của sự thành công đó.

Câu trả lời không phải nằm ở những bí mật mà Stanford đã khám phá, mà nó nằm ở sự tôn trọng triệt để một số mục đích căn bản nhưng bao quát và những đặc điểm của một Đại học Nghiên-cứu-tập-trung.

Trong việc sử dụng cụm từ "Đại học Nghiên-cứu-tập-trung", tôi hiểu một cái gì rất đặc trưng. Những hệ thống của giáo dục đại học đã trở nên cực kỳ đa dạng và đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, nhất là các nhu cầu xã hội về một lực lượng lao động kỹ năng. Những định chế xuất hiện để chấp nhận những thách thức này thường được gọi là "đại học". Không có gì sai về việc này ngoài sự lẫn lộn định nghĩa. Nhưng cái định chế mà tôi nghĩ trong đầu cần phải thỏa mãn ba tiêu chuẩn: tuyển chọn sinh viên; sự chuyên tâm vào việc tìm kiếm tri thức và biểu hiện một tinh thần khảo cứu với óc phê phán (critical inquiry). Một cách đơn giản, tôi gọi đây là một "đại học nghiên-cứu-tập-trung". Tôi không dùng cách gọi "đại học nghiên cứu" như thông thường trong tiếng Mỹ là vì, cũng như sẽ nói rõ hơn ở phần sau, tôi không nghĩ đại học là một cơ sở nghiên cứu, nhưng là một định chế mà trong đó cường độ của việc nghiên cứu là một phần khắng khít của các chức năng truyền thống giáo huấn và học hỏi của đại học.

Việc mà đại học nghiên-cứu-tập-trung cần ngay bây giờ, trong khi thế kỷ 21 đang dần dần tiến đến, là suy nghĩ vắt óc hơn về các yếu tố phân biệt nó như một định chế với các định chế xã hội khác liên quan đến việc giảng dạy nhằm làm nổi bật lên đâu là nhiệm vụ độc đáo và lâu dài đối với bản thân đại học và cho xã hội xung quanh. Và cùng lúc với những suy tư liên quan đến những "bật mí" mà tôi đề cập hôm nay, mục đích cốt lõi hơn của tôi là làm sáng tỏ vai trò của đại học cho thế kỷ sắp tới đã được phát họa rõ nét nhất gần 200 năm trước.

Để bắt đầu, tôi muốn trở lại thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, thời kỳ khi hai truờng Đại học Bắc kinh và Stanford cùng được thành lập. Chỉ tại Mỹ không thôi, ba trường đại học lớn đã được thành lập gần như cùng lúc là: Johns Hopkins, Stanford và Đại học Chicago. Như chúng ta biết, Đại học Bắc kinh là kết quả của cuộc Cải cách Một Trăm Ngày vào năm 1898 và đã được xem là đỉnh cao của một hệ thống giáo dục đa tầng với mục đích hiện đại hóa nền giáo dục và đào tạo quan chức [1].

Hiệu trưởng của một trường đại học Mỹ đến thăm viếng Bắc kinh vào năm 1910 đã quan sát một cách phê phán rằng trường Đại học Bắc kinh ở thời điểm đó "không phải là một kế hoạch quy củ được cảm hứng từ một mục đích cao quý, mà cũng không phải là một mục đích tầm cao được hỗ trợ từ kế hoạch quy củ. Đúng hơn nó là một tiến trình, một cái gì đang thành hình, một thứ gì đó ra đời, mà thứ gì thì cũng rất khó định nghĩa." [2]

Đương nhiên, lúc nào cũng đúng đối với tất cả đại học, rằng đại học là một sự "đang thành hình mới", hay như tôi thường thích nói, mọi ngày ở đại học đều là những ngày "đầu tiên". Trong trường hợp của trường Đại học Bắc kinh, người ta thấy rõ từ năm 1917 tiến trình phát triển đã có một định hướng. Ở tại thời điểm này, những nét tương tự giữa Đại học Bắc kinh và Đại học Stanford xuất hiện. Việc bổ nhiệm ông Thái Nguyên Bồi (Cai Yuanpei) vào chức vụ Hiệu trưởng Đại học Bắc kinh đã khiến ông trở nên một người sáng lập thật sự của một đại học đúng với ý nghĩa của nó, một đại học nhanh chóng trở nên trung tâm tri thức hàng đầu của đất nước [3]. Được ảnh hưởng sâu sắc bởi hai lần sống trên đất Pháp và Đức (tại Berlin và Leipzig) với số thời gian tổng cộng gần mười năm, Hiệu trưởng Thái đi tìm một sự tổng hợp những nhân tố châu Âu và Trung Quốc cho nền giáo dục đại học.

Chủ trương của ông Thái về tự trị đại học và tự do hàn lâm phản ánh ảnh hưởng trực tiếp của mô hình Đức quốc lên ông [4]. Mô hình này cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc thành lập trường Stanford cũng như Johns Hopkins và Chicago. David Starr Jordan, Hiệu trưởng đầu tiên của Stanford, là một nhà ngư loại học thông triệt tiếng Đức, được thôi thúc bởi tinh thần khảo cứu khoa học (scientific inquiry) như đã được thể hiện bởi Louis Agassiz, một nhân vật gương mẫu của ông. Agassiz lại là “đệ tử” của Alexander von Humboldt. Bức tượng của Alexander von Humboldt và Louis Agassiz hiện vẫn còn đặt trong sân chính của trường Stanford. Còn một mối liên hệ khác, Alexander là người em nổi tiếng của Wilhelm von Humboldt, người đã đảm nhận trách nhiệm tư duy lại các trường đại học Phổ ở đầu thế kỷ 19 và triển khai một mô hình được biết đến là mô hình Humboldt.

Cả hai ông Thái và Jordan không những cùng chia sẻ một di sản tri thức trong tư duy về đại học và sự cam kết của họ cho những giá trị của cách tư duy phân tích theo lý tính và tính hiệu quả của phương pháp khoa học [5], mà còn có một thái độ, thoạt nghe như không thật, khá giống nhau về những nhiệm vụ hàn lâm của cá nhân. Như Louis Lubot đã từng viết, xét về tính khí và giáo dục ông Thái là một nhà đạo đức. Ông đã thường nhấn mạnh tác động của các giá trị tân Khổng giáo, như sự tự vấn và tự tu dưỡng, lên cuộc đời của ông [6].

Tương tự, các giá trị của sự tự vấn và tự tu dưỡng cũng đã dược David Starr Jordan nhấn mạnh liên tục. Ông xem chúng như thuộc về những mục đích chính của nền giáo dục đại học, dù rằng, trong trường hợp của ông, những giá trị này hiển nhiên không phải bắt nguồn từ Khổng học, mà từ tư tưởng thế tục của đạo Tin lành với sự nhấn mạnh tầm quan trọng về sự độc lập của cá nhân. 

Tôi đang nói về những nguồn cội chung đã được chia sẻ, bởi lẽ câu chuyện Stanford (và vì vậy cuối cùng dẫn đến sự liên hệ giữa Stanford và Thung lũng Silicon) không phải là câu chuyện của một đại học rắp tâm muốn trở thành đầu tàu cho sự thay đổi kinh tế trong một vùng hay cả nước. Mà là câu chuyện của một đại học, nhất là trong khoảng thời gian sau Thế chiến thứ 2, đã được xây dựng trên sự cam kết và sự cam kết được tăng cường cho việc giảng dạy và nghiên cứu với chất lưọng cao nhất, và sự theo đuổi đổi mới.

Yếu tố thứ nhất của sự "bật mí" liên quan đến mối quan hệ hữu ích giữa Stanford và Thung lũng Silicon là sự cam kết cơ bản của trường trong việc xây dựng một "tháp chuông uyên bác của sự trác việt" cho nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy, nhưng không cho việc đào tạo, tự nó, các kỹ sư hay quản lý kinh doanh.  

Sự cam kết này có thể được truy nguyên đến một cội nguồn cùng được chia sẻ bởi Đại học Bắc kinh và Stanford – đó là Wilhelm von Hunboldt và các trường đại học của Đức ở thế kỷ 19. Năm 1810, Humboldt đã viết một bản ghi nhớ có nhan đề "Về tinh thần và cơ cấu tổ chức của định chế tri thức tại Berlin" đưa đến việc thành lập trường Đại học Berlin. Bản ghi nhớ chỉ dài mười trang giấy, nhưng chứa đựng những suy nghĩ thật hàm súc dường như chưa bao giờ được nói về đại học như là một định chế. Những suy tư này nhất định không bao giờ mất đi ý nghĩa thích đáng của nó, mặc dù từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về quan điểm học thuật cũng như những vấn đề mà đại học đã phải trải nghiệm trong hai thế kỷ qua.

Ngược lại, trước tình trạng các trường đại học dường như đang cực kỳ bối rối về sứ mạng của mình trước khi bước vào thế kỷ 21, thật là một việc khẩn cấp khiến chúng ta phải nhìn lại nhiệm vụ cốt lõi của đại học và không bị lệch hướng bởi những người muốn biến đại học trở thành mọi thứ cho tất cả mọi người. Để tiếp tục, tôi xin phép qúy vị cho tôi trích dẫn Humboldt về các vấn đề này.

Yếu tố thứ hai của cái bật mí Stanford là mặc dù có vô số những cám dỗ, trường vẫn duy trì một định chế bảo đảm sự kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu, những gì mà nhà trường vốn xem là chủ yếu. Đó cũng là lợi thế của trường. Trung thành với những khái niệm của Humboldt cùng chia sẻ với Đại học Bắc kinh trong giai đoạn thành lập, Stanford đã triển khai một đặc tính định chế bền vững và bất biến ở phần cốt lõi.

Humboldt nhận thức rõ rệt quan hệ biện chứng của giữa nghiên cứu và giảng dạy. Ông trình bày quan hệ này bằng một sự diễn tả thẳng thừng như sau: Giảng viên đại học không hiện hữu chỉ vì lợi ích của sinh viên.

Cả thầy và trò đều có những lý do chính đáng trong việc cùng truy tìm tri thức. Thành tựu của thầy tùy thuộc vào sự hiện diện và quan tâm của trò – không có điều này thì khoa học và sự uyên bác sẽ không nẩy mầm. Nếu trò không tự nguyện tập hợp nghe bài giảng, thì người thầy phải tìm cách để thu hút trò trong quá trình truy tìm tri thức. Mục tiêu của khoa học và sự uyên bác chỉ được phát huy hiệu quả khi có sự tổng hợp đồng điệu giữa thầy và trò. Trí tuệ của người thầy có phần trưởng thành hơn nhưng cũng có phần phiến diện trong quá trình phát triển; ngược lại, trí tuệ của trò tuy kém khả năng hơn, ít tận tụy hơn nhưng nó lại mở rộng và nhạy cảm trước mọi khả năng [7].

Dù Humboldt đã bỏ ra nhiều công sức để củng cố việc định chế hóa giữa nghiên cứu và giảng dạy trong đại học và nối kết hai khía cạnh này trở thành điều thiết yếu của đại học, nhưng việc nối kết giữa hai lĩnh vực này không thể thực hiện được ở nhiều đại học trên toàn thế giới [8]. Trong những đại học khác, hai việc này đã bị chia cách bởi sự giảm thiểu tài trợ không thương tiếc hay bởi việc di dời bộ phận nghiên cứu đến các tổ chức không phải là đại học (như trong trường hợp của Liên Xô cũ). Sự nối kết cũng tan biến khi việc giảng dạy ở đại học phần lớn được đảm nhận bởi những người không có mối liên hệ trực tiếp đến nghiên cứu.

Sinh viên không những được hưởng lợi ích khi được giảng dạy bởi các học giả dấn thân vào niềm đam mê khám phá, mà sự uyên bác học thuật còn được làm giàu thêm khi thế hệ trẻ biết đặt câu hỏi cho nó một cách có ý thức hay thậm chí một cách thật thà. Điều này đương nhiên đòi hỏi phải có những cuộc thảo luận với sự nhiệt tâm trong các buổi học, xemina hay phòng thí nghiệm.

Theo tôi, dường như tại các đại học bị tràn ngập bởi chỉ số lượng của sinh viên hay bởi cấu trúc tôn ti, hay tại các quốc gia ở đó việc nghiên cứu bị tách rời toàn bộ hay một phần ra khỏi việc giảng dạy, các động lực sáng tạo tại đó hầu như trở nên hoang phế. Quan điểm Humboldt của tôi về vấn đề này xem chừng có phần triệt để hơn. Việc giảng dạy đại học được đặt trên cơ sở của nghiên cứu đại học – là điều mà mọi nguời đã biết; quan điểm của tôi còn xem việc nghiên cứu đại học hưởng được lợi ích từ công tác giảng dạy, không những từ việc giảng dạy nghiên cứu sinh mà còn cả các sinh viên năm thứ nhất nữa.

Phương thức chuyển giao tri thức và công nghệ thành công nhất của đại học nằm ở việc giáo dục những sinh viên ưu tú, những người tự họ dấn thân vào sự truy tìm tri thức – để sau này sẽ nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong công nghiệp và kinh doanh. Có thể nói những sinh viên được đào tạo với những trải nghiệm nghiên cứu xuất phát từ nền tảng đại học chắc chắn sẽ tác động lên nền kinh tế hữu hiệu hơn cả những phát minh đáng giá như bằng sáng chế của các nhà khoa học. Vì vậy, thu hút và tương tác với các sinh viên tài năng bằng phong cách không tôn ti là yếu tố quyết định của sự thành công.

Về phương diện này, tôi muốn trích dẫn ra đây câu nói của nguyên Trưởng khoa của Khoa Công nghệ Đại học Stanford, Giáo sư James Gibbons. Theo ông, những gì mà sinh viên học hỏi qua việc tham gia nghiên cứu trong quá trình giáo dục đại học, chẳng qua chỉ là "cái năng lực suy nghĩ biết dùng những nguyên tắc cơ bản, và bằng cách đó, sản xuất ra những thành quả mang tính sáng tạo."

Quả thật, qua việc tham gia tập trung vào công việc nghiên cứu đại học các nghiên cứu sinh phát triển được phong cách phóng khoáng và tính hiếu kỳ, điều khiến cho họ sau  này có khả năng biến những kiến thức mới nhất thành những sản phẩm đầy sáng tạo. Những sinh viên được đào tạo một cách xuất sắc là một cống hiến mang nhiều ý nghĩa nhất mà nghiên cứu đại học có thể làm được cho việc chuyển giao công nghệ. Tôi sẽ trở lại đề tài này trong giây lát.

Trong khung cảnh này, khía cạnh quan trọng thứ ba của sự bật mí Stanford cần phải đề cập đến là: quyền tự do của đại học trong việc đề ra chương trình hành động. Tự do hàn lâm là điều kiện tuyệt đối, sine qua non, của đại học.    

Cũng như Humboldt đã nhận xét một cách tinh tế: "Nét độc đáo của những định chế tri thức cao cấp là quan niệm khoa học và sự uyên bác như là một nhiệm vụ vô cùng tận: điều này có nghĩa các định chế dấn thân vào một quá trình tìm tòi không ngừng nghỉ" [9]. Liên quan đến chính phủ, ông viết: "Nhà nước phải hiểu rằng các công việc tri thức sẽ diễn ra mãi mãi tốt đẹp hơn mà không cần sự hiện diện của nó" [10]. Tuy nhiên, câu nói này rõ ràng không đề cập gì đến tài chính [11].

Tự do hàn lâm có ý nghĩa, trên tất cả, là sự tự do khỏi các ràng buộc chính trị. Và cũng trong ý nghĩa rằng đó cũng là sự tự do khỏi ảnh hưởng của chính trị gia, thì nhìn chung, tình huống này ngày hôm nay đã khá hơn ở thế kỷ 19. Chắn chắn là nhà nước và bộ máy quan liêu của nó ở bất cứ nơi nào cũng sẵn sàng bóp nghẹt mọi sáng kiến và xua đuổi những luồng không khí tươi mát thổi vào.

Tự do hàn lâm cũng còn mang ý nghĩa là sự tự do khỏi cái áp lực phải tuân theo của chính bản thân trường đại học. Ngay Humboldt cũng đã từng nhấn mạnh: "Tự do trí tuệ không những có thể bị đe dọa từ chính quyền mà còn từ chính bản thân các định chế trí tuệ vốn tự tạo cho nó một quan điểm nhât định vừa lúc hình thành, rồi sẳn sàng bóp nghẹt sự xuất hiện của các quan điểm khác" [12].

Tuy nhiên, cũng hoàn toàn vô lý nếu tự do hàn lâm được giải thích theo chiều hướng rằng không ai có quyền hoặc bổn phận bắt các giáo sư phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết trong công tác giảng dạy. Thật ra đây là trách nhiệm của chính bản thân trường đại học. Đại học phải liên tục quan tâm đến việc cải thiện chất lượng của trường. Đây là một công việc khó khăn, nhiều lúc cũng không phải thú vị nhưng nó cần đến các nỗ lực của con người, nếu không thì sự toàn thiện sẽ không bao giờ có thể đạt tới. Chúng ta nên mở đầu với ý niệm toàn thiện. Có quá nhiều đại học trên thế giới dường như đã từ bỏ ý tưởng làm việc để tiến đến sự toàn thiện.

Trong ý nghĩa này, đại học và các chính trị gia phải quan ngại về sự mất cân bằng tồn tại khắp thế giới giữa năng lực của các đại học nghiên-cứu-tập-trung và số lượng sinh viên. Chất lượng và qui mô có một quan hệ phức tạp. Chắc chắn là việc đem quan điểm về giáo dục như là một hình thức tự học cũng như một hình thức thông hiểu đến đại đa số quần chúng trở nên càng lúc càng cấp bách. Đối với một người của hành động, năng lực tiếp tục đeo đuổi học tập quan trọng hơn việc tích lũy các dữ kiện chỉ để cho việc tham khảo tương lai. Duy chỉ có vấn đề, đại học không phải lúc nào cũng là một định chế hữu hiệu nhất để hoàn thành tất cả mọi thứ này.

Cuối cùng, xã hội sẽ bị thiệt hại bởi khi một đại học nghiên-cứu-tập-trung có quá nhiều sinh viên, việc đầu tư vào cái mà các nhà kinh tế gọi là vốn con người rất khó có thể được xem là tối ưu. Gánh nặng số lượng thường làm giảm đi khả năng đại học nâng đở các sinh viên ưu tú và như vậy cản trở việc đòi hỏi khả năng cao nhất từ họ.

Đồng thời, đại học xao lãng việc đào tạo những người kém năng khiếu hơn vì đại học không được chuẩn bị gì cho việc này, hay không muốn chuẩn bị nó. Như thế, môi trường văn hóa của sự trác tuyệt không thể xuất hiện một khi đại học bị quá tải.

Humboldt cũng chủ trương rằng đại học cần phải có một không gian tĩnh mịch (solitude). Edward Shils, nhà xã hội học vĩ đại của giáo dục đại học, định nghĩa "sự tĩnh mịch" mà Humboldt đã đề xướng là "sự tự do khỏi sự lôi kéo" (freedom from distraction) [13]. Trong thế giới hiện đại, giáo sư, sinh viên và cả trường đại học thường xuyên bị lôi kéo, tự để mình bị lôi kéo, và thậm chí còn đi tìm những cái lôi kéo.

Cám dỗ là vô cùng tận. Đại học và những người cộng tác được kỳ vọng thực hiện việc nghiên cứu, giáo dục, hướng dẫn, đóng góp cho xã hội, cống hiến chuyên môn cho doanh nghiệp, tăng tốc sự sáng tạo, trở thành đầu máy của kinh tế, tham gia vào việc cải thiện những điều kiện xã hội dân sinh, đóng góp vào một cuộc sống chất lượng cao hơn và tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên ngoài cho nghiên cứu. Cho nên không có gì phải ngạc nhiên, rằng đại học đã trở thành một định chế đáng nghi vấn cao độ.

Tình trạng hiện nay không phải chỉ là hệ quả của những yêu sách bên ngoài được áp đặt lên trên đại học. Mà thực ra, thường là những trường hợp đại học bị lôi kéo bởi cám dỗ để rồi đầu hàng nó. Đối với nhiều giáo sư, với trường đại học và thỉnh thoảng với cả sinh viên, nhượng bộ trước cám dỗ sẽ đem lại tên tuổi hay lợi lộc, hoặc cả hai. Điều này thật dễ hiểu. Thí dụ, nếu số phận của một nước – và đứng trước sự toàn cầu hóa ta có thể nói là số phận của bất kỳ nước nào – tùy thuộc vào sự phán xét chuyên môn được thù lao hậu hĩnh của một giáo sư , thì giờ tiếp sinh viên của ông tại văn phòng sẽ chấm dứt, và đấy là cái giá mà chúng ta phải chuẩn bị để trả.

Nếu chúng ta không đặt ra giới hạn cho việc này, thậm chí còn chờ đợi nó, thì chúng ta cũng đừng phàn nàn rằng đại học đang mất đi những đặc tính định chế hay rằng nó xao lãng những nhiệm vụ chủ yếu. Những "cám dỗ" là một hiện tượng toàn cầu.

Lĩnh vực chuyển giao công nghệ là một trong những nguồn (thu nhập) chủ yếu (của đại học). Hiện có một nhu cầu mang tính toàn cầu là sự nối kết chặt chẽ hơn và sự hợp tác đối tác to lớn hơn giữa đại học và công nghiệp. Như tôi đã đề cập ngay từ đầu, Đại học Stanford và Thung lũng Silicon được xem là mô hình cho những sự hợp tác này. Không có gì phải tranh cãi khi nói đến sự phát triển miền Bắc California là nhờ rất nhiều vào sự hiện diện của các trường đại học, kể cả trường Đại học California vĩ đại, và thiện chí hợp tác của các trường với giới công nghiệp. Thí dụ như việc quen biết giữa Đại học Stanford và doanh nghiệp vào những năm 1950 đã được thực hiện dễ dàng hơn nhờ việc thành lập Công viên Nghiên cứu Stanford nằm cạnh khuôn viên của trường. Chúng tôi đã làm việc tích cực để đăng ký cũng như cho thuê các phát minh. Chỉ riêng những công ty công nghệ cao tại Thung lũng Silicon cũng đã có doanh thu 85 tỉ đô la trong năm 1995, và theo một ước lượng thì 62% doanh thu này có nguồn gốc từ các công ty mà các nhà sáng lập có mối liên hệ với Stanford. Chúng đã tạo ra hàng trăm ngàn công ăn việc làm cho người dân [14]. Ở đây tôi chưa nói đến các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ hay toàn thế giới nơi mà những người tốt nghiệp tại Stanford hay tại các đại học nghiên-cứu-tập-trung khác đã và đang đóng góp.

Với các đơn vị như Trung tâm-hệ-thống-tích-hợp Stanford, chúng tôi đã tạo ra sự hợp tác chớp nhoáng giữa đại học và công nghiệp. Tuy nhiên, việc hợp tác theo thể loại này đòi hỏi việc đầu tư tương đối lớn về tiền bạc lẫn thời gian. Trung tâm-hệ-thống-tích-hợp là cơ sở thuộc về đại học Stanford và sở hữu hệ thống các tòa nhà trong khuôn viên đại học, có nhiệm vụ tích hợp lại phần cứng và phần mềm. Trung tâm có 40 giáo sư 200 sinh viên (phần lớn nghiên cứu sinh Tiến sĩ) và có khoảng 10 lĩnh vực hàn lâm và cả 15 công ty thuộc ngành công nghiệp điện tử thế giới có mặt tại đây. Những ưu tiên nghiên cứu của Trung tâm đuợc triển khai từ những buổi họp giữa các nhà nghiên cứu của đại học và công nghiệp: các nhà nghiên cứu của công nghiệp thu thập được những hiểu biết sâu trong thời gian làm việc tại Trung tâm, và ngược lại các nghiên cứu sinh Tiến sĩ hoàn tất quá trình thực tập tại các công ty đối tác.

Loại hợp tác đối tác này không phải là cái "cám dỗ" nhưng là sự phong phú hóa, bởi lẽ đại học có cơ hội học hỏi từ các đối tác công nghiệp – và do đó nó tạo thành yếu tố căn bản thứ tư của sự bật mí Stanford. Những cuộc tiếp xúc như thế đã củng cố tinh thần doanh thương và sự hiểu biết sâu rằng công việc chuyển giao công nghệ là một bộ môn "thể thao tiếp xúc thân thể", có nghĩa là, nó biểu hiện thiện chí tương tác cá nhân. Sự trao đổi không mang tính tôn ti là một bộ phận rất tiêu biểu của văn hóa Stanford.

Trong một bài thẩm định thú vị về Thung lũng Silicon, Annalee Saxenian, giáo sư trường Đại học California tại Berkeley, đã có một nhận xét tổng quát về điểm này. Tôi xin được trích dẫn như sau:

Thung lũng Silicon có một hệ thống mạng lưới công nghiệp vùng khuếch trương việc học hỏi tập thể và sự điều chỉnh linh hoạt giữa các các nhà sản xuất chuyên nghiệp của một liên hợp của những ngành công nghệ liên đới. Những mạng lưới xã hội dày đặc trong vùng và các thị trường lao động mở kích thích việc thử nghiệm và tinh thần doanh nghiệp. Các công ty cạnh tranh gay gắt nhưng đồng thời lại học hỏi lẫn nhau về các thị trường và công nghệ hay biến động qua những cuộc trao đổi không chính thức và những sự cộng tác chung. Ngoài ra, cấu trúc liên kết lỏng lẻo của các tổ làm việc khuyến khích sự trao đổi hàng ngang giữa các đơn vị trong công ty, hoặc với các công ty cung cấp bên ngoài hay khách hàng. Lằn ranh hoạt động trong một công ty như những bức tường mỏng xốp dễ giao lưu của một hệ thống mạng, cũng giống như các lằn ranh giữa các công ty và tổ chức địa phương như hiệp hội thương mại hay đại học [15].

Tuy vậy, ta cũng phải cảnh giác trước những kỳ vọng đơn giản hóa. Trong khi những lằn ranh trong thế giới thương mại phải là những bức tường mỏng xốp, thì lợi điểm của một đại học nghiên-cứu-tập-trung trong việc bồi dưỡng sự sáng tạo nằm trong cái khả năng tạo ra một chương trình hành động và lúc nào cũng cởi mở trước những cơ hội và cơ may khám phá trong nghiên cứu.

Stanford liên tục cầu tiến để duy trì sự cởi mở này, và tôi tin các thành quả của việc này chính là yếu tố thứ năm của sự bật mí Stanford. Nếu một đại học nghiên-cứu-tập-trung phải lệ thuộc vào các mệnh lệnh của sự triển khai các thương phẩm hay vào chính sách công nghiệp của nhà nước, thì nó sẽ đánh mất lợi thế đã giành được từ sự cam kết cho quá trình khảo cứu bất tận và truy tìm tri thức (the search to know). Chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng sự hỗ trợ từ công nghiệp có một tầm quan trọng to lớn, nhưng, khi tính các phí tổn liên quan, thì nó không thể nào thay thế nguồn tài trợ nghiên cứu của chính phủ. Nghiên cứu cơ bản là một lợi ích công mà giới doanh thương, do định hướng lợi nhuận của nó, chỉ có thể đóng góp một số lượng ít ỏi với phương tiện riêng của mình. Đây là một điều hiển nhiên nhưng tiếc rằng chính phủ thường xuyên lãng quên, nhất là vào các thời kỳ khủng hoảng tài chính. Stanford sẽ không có vị thế như hôm nay nếu không có những tài trợ của chính phủ từ thời kỳ Thế chiến thứ hai đến nay.

Ở thời điểm khởi đầu của thế kỷ 21, để có thể đóng góp vào phúc lợi xã hội, đại học nghiên-cứu-tập-trung vẫn cần phải cố gắng tái tạo hình ảnh gần cái mô hình lý tưởng được định nghĩa vào những năm đầu của thế kỷ 19. Tuy nhiên, đại học như là một định chế đang bị ảnh hưởng sâu đậm bởi nền công nghệ tin học. Nền công nghệ này đang định lại vai trò của đại học và mối liên hệ giữa đại học và xã hội vượt qua những gì mà Humboldt và những nhà sáng lập Đại học Standfod và Bắc kinh có thể tưởng tượng.

Công nghệ tin học đang tiến triển quá nhanh đến nỗi tôi không thể xem sự tinh thông trong lãnh vực này như là một trong những yếu tố bật mí của Stanford. Tuy vậy, tôi có thể nói rằng khả năng của chúng tôi giải quyết thành công những vấn đề nổi cộm được đặt ra sẽ là yếu tố quan trọng cho tưong lai của trường, tương đương như bất cứ một trong năm yếu tố bật mí cho sự phát triển mà tôi đã trình bày ngày hôm nay.  

Tôi muốn tập trung đặc biệt vào bốn lĩnh vực. Thứ nhất, Mạng-lưới-toàn-cầu (World Wide Web) là một nguồn thông tin bách khoa, một thư viện và cũng là kho lưu trữ. Ngày nay, ngân hàng dữ liệu với những thông tin khoa học, nhân khẩu, kinh tế và chính trị có thể tiếp cận được khắp nơi trên thế giới, kể cả những quyết định luật pháp cũng như cả báo chí. Các nhà nghiên cứu có thể tìm bản liệt kê mục lục thư tịch của nhiều thư viện đại học mà không cần phải thực hiện cuộc hành trình đi đến thư viện đó. Toàn bộ nguyên bản của văn học thế giới có thể sử dụng được trực tuyến càng lúc càng nhiều, cũng như các tạp chí học thuật và những bài báo cáo chuyên ngành. Toàn thể kho lưu trữ cũng được tạo ra khắp thế giới: tư liệu chính phủ có thể tìm thấy trọn vẹn, hình ảnh có thể tái tạo, phim hoặc tài liệu ghi âm có thể được tải xuống. Vì các cơ sở dữ liệu này có thể tìm được trên mạng với những chi tiết đặc trưng cao độ, và cũng vì những nối kết với những mạng và tài liệu quan trọng đều dễ tìm, nó đã mang lại nhiều khả năng nghiên cứu mà cách đây không lâu ta chỉ nhìn thấy trong mơ. Mạng-lưới quả thật tuyệt vời, vô hạn, mạnh mẽ và rộng mở.

Nhìn từ quan điểm của đại học, cái quan trọng là Mạng-lưới-toàn-cầu, đuợc sử dụng như một nguồn thông tin, một thư viện và kho lưu trữ, không cần đến một địa điểm cụ thể trong đại học, cho nên chức năng của đại học như là một người xếp đặt các kiến thức và thông tin hầu như phải chấm dứt sứ mệnh của nó.

Thứ hai, lĩnh vực giảng dạy gần đây đang chuyển mình theo những thay đổi gây ra bởi những phương pháp và các phương thức truyền thông mới. Trong một tương lai gần, "bài giảng" trên bục sẽ được thay thế bằng lối "trình bày" tương tác trong một "giảng đường" ảo được thực hiện tại lớp học hay một địa điểm khác.

Khía cạnh thứ ba là quan trọng nhất. Nó vừa giải phóng và cùng lúc đe dọa sự tồn tại của đại học nghiên-cứu-tập-trung. Vì những hạn chế về thời gian và không gian không còn là chướng ngại, những gì gắn liền với việc giảng dạy đại học bởi những hạn chế này cũng biến mất. Giảng dạy trực tuyến đang bắt đầu trở thành hiện thực chứ không còn phải là những ức đoán nữa. Thí dụ như tại Stanford, chúng tôi giảng dạy toán cao cấp cho các học sinh trung học năng khiếu trên toàn thế giới học tại các trường không cung cấp bộ môn này.

Số lượng tài liệu giảng dạy trên Mạng-lưới-toàn-cầu tiếp tục gia tăng. Mỗi sinh viên  sống tại bất kỳ quốc gia nào, nếu họ có thể trả học phí thì có thể được nhận vào học tại đại học với lối "giảng dạy ảo" (cyber instruction). Sự cạnh tranh quốc tế sẽ dẫn đến một cơn hồng thủy mà Sự cạnh tranh quốc tế sẽ dẫn đến một cơn hồng thủy mà sự độc quyền (tự) thẩm định, trắc nghiệm và cấp bằng không thể nào bị ngăn chặn nổi. Đặt trong một bối cảnh về những gì tôi đã nói ở phần trên về tầm quan trọng của việc nối kết giữa nghiên cứu và giảng dạy, chúng ta phải rất thận trọng trước khi chúng ta chấp nhận diễn biến này như có giá trị tương đương với một đại học với trường sở hẳn hoi hay không.  

Cuối cùng, khía cạnh thứ tư là các nối kết điện tử giữa học giả và sinh viên trên toàn thế giới đã cho phép sự truyền đạt tức thời những giả thuyết trong nghiên cứu cũng như kiểm sai (falsification) và bác bỏ tức khắc, hay xemina được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau. Như vậy, những bức tường của tất cả đại học càng lúc càng trở nên mỏng xốp. Tôi hoan nghênh sự phát triển này vì nó đang bắt đầu hiện thức hóa cái giấc mơ cổ đại: nền "cộng hoà kiến thức" (“nền cộng hòa uyên bác”) toàn thế giới và một cộng đồng học giả toàn cầu.

Khi tất cả mọi việc đã được bàn luận và thực hiện, sự đo lường cuối cùng của đại học vẫn là sự cống hiến của những thành quả nghiên cứu vào phúc lợi con người. Trên phương diên này, đại học của thế kỷ 21 cần phải được cân đo bằng những mẫu mực (tiêu chuẩn) truyền thống.

Năm 1954, cựu tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover, một cựu sinh viên Stanford, bằng những lời lẽ hùng hồn đã khơi dậy những đặc điểm của đại học và những gì chúng có thể đóng góp. Dịp phát biểu đó là lúc ông được truy tặng học vị danh dự của trường Đại học Tübingen (Đức), được thành lập năm 1477. Ông nói:

Bằng sự giao lưu tự do của những ý tưởng giữa các đại học, chúng ta dệt được những tấm thảm vĩ đại của tri thức. Truyền thống học thuật của chúng ta đã phát triển đuợc một hệ thống đặc biệt hữu hiệu trong việc phát hiện những tài năng đặc biệt và cho họ hoạt động trong một môi trường nuôi dưỡng tư duy độc đáo và sáng tạo.

Phần lớn những khám phá vĩ đại tìm ra định luật tự nhiên là thành quả chung của nhiều phân khoa và phòng thí nghiệm đã cùng tạo nên môi trường thích hợp dành cho việc nghiên cứu khoa học trừu tượng. Những ứng dụng của các khám phá này được thấy qua phát minh và sản xuất là công lao của kỹ sư và kỹ thuật viên mà chúng ta đã đào tạo. Khoa học ứng dụng sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu chúng ta không duy trì được những nguồn khám phá của khoa học thuần túy. Từ những hoạt động song đôi của các nhà khoa học và kỹ thuật gia, một dòng suối phúc lành vĩ đại của sức khỏe, tiện nghi và của cuộc sống tốt và thoải mái đang chảy đến tất cả dân tộc [16].

 

Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh để giải thích tại sao Stanford, một phần của dòng chảy vĩ đại đó, không mang một chút gì bí ẩn nhưng lại rất nhiều gắn bó với những đặc tính và mục tiêu căn bản của một trường đại học nghiên-cứu-tập-trung. Cam kết xây dựng "tháp chuông trác tuyệt" trong nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy; đề cao sự kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu như chúng ta đang làm mặc cho vô vàn cám dỗ; có tự do trong việc sắp đặt chương trình hành động; tìm đối tác công nghiệp không phải như sự phân tâm mà để làm phong phú cho quá trình nghiên cứu; duy trì những lằn ranh thông thoáng để giao lưu; và biết mở rộng lòng trước những cơ hội và cơ may trong nghiên cứu – đó là những bí quyết  của Stanford.

Nguồn của chúng chính là dòng suối chung mà từ đó Đại học Stanford và Đại học Bắc Kinh đã cùng hình thành, và cũng từ đó bao phúc lành vẫn tiếp tục tràn ngập đến hai đất nước của chúng ta và cả toàn thể nhân loại, trong thế kỷ 21.

Xin cám ơn qúy vị.

 

Trương Văn Tân và Nguyễn Xuân Xanh

chuyển ngữ

 

(Trích từ "Kỷ yếu đại học Humboldt 200 năm – Kinh nghiệm Thế giới & Việt Nam")

 

Tài liệu tham khảo

1. Ruth Hayhoe, China's Universities and Western Academic Models, in Philip G. Altbach and Viswanathan Selvaratnam (eds.), From Dependence to Autonomy: The Development of Asian Universities, Kluwer Academic Publishers (1989), 37.

2. Charles F. Thwing, The Imperial University of Peking, The Independent 69 (September 1910), 573.

3. Eugene Lubot, Peking University Fifty-Five Years Ago: Perspectives on Higher Education in China Today, Comparative Education Review 17 (vol. 1), 48-49.

4. Ruth Hayhoe, China's Universities 1895-1995: A Century of Cultural Conflict, Garland Publishing, Inc. (1996), 45.

5. As to Cai, see Lubot, 46.

6. Lubot, 45.

7. Wilhelm von Humboldt, On the Spirit and the Organisational Framework of Intellectual Institutions in Berlin, Minerva VIII: 2 (April 1970), 243f.

8. See Edward Shils, The Idea of the University: Obstacles and Opportunities in Contemporary Societies, Minerva XXX: 2 (Summer 1992), 301.

9. Humboldt, 243.

10. op cit., 244.

11. ibid.

12. op cit., 246, with some changes for clarity.

13. Shils, 309.

14. Joan Hamilton, Circuits of Knowledge, Stanford (May/June 1996), 48.

15. Annalee Saxenian, Regional Advantage: Culture and Competition in Silicon Valley and Route 128, Harvard University Press (1996), 2-3.

16. Herbert Hoover, Addresses Upon The American Road 1950-1955, Stanford University Press (1955), 95.

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Trương Văn Tân