Việt Nam cần gấp một cuộc cách mạng giáo dục toàn diện

Vietsciences- Nguyễn Khắc Nhẫn     Gia Minh RFA          21/08/2014

 

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Grenoble của Pháp vào ngày 10 tháng 5 vừa qua tham dự Bàn tròn về Giáo dục chủ đề ‘Những nguyên lý căn bản về giáo dục Việt Nam’ do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tổ chức.

Sau khi tham dự hội thảo về giáo sư dành cho biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu cuộc nói chuyện về các vấn đề liên quan giáo dục Việt Nam.

Triết lý giáo dục Pháp - Việt
 

Gia Minh: Giáo sư vừa tham dự Bàn tròn về giáo dục ở Paris với chủ đề: những nguyên lý căn bản của giáo dục Việt Nam. Giáo sư cũng đã giảng dạy hàng chục năm ở Việt Nam và ở Pháp, vậy Giáo sư có thể trình bày triết lý giáo dục của hai nước không?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Vâng, tôi được hân hạnh tham dự *Bàn tròn về giáo dục do AVSE tổ chức tại Paris ngày 10/5/2014.

Cho phép tôi, do sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp tại Việt Nam và sự tương đồng của hai nền giáo dục, được bắt đầu bằng việc nhắc lại triết lý của giáo dục Pháp.

Mỗi hệ thống giáo dục là kết quả của một nền văn hóa và lịch sử nên không thể đem ra so sánh một cách hời hợt.

Triết lý giáo dục Pháp:

Có thể nói rằng những nguyên lý giáo dục của Pháp bắt nguồn từ cuộc cách mạng 1789. Từ đó nhiều luật lệ đã được ban hành.

Các giá trị về nền cộng hòa trong trường học được phổ biến qua các khái niệm sau đây:

Tự do “liberté” (về tư tưởng, phát biểu và di chuyển).

Bình đẳng “égalité” (cùng có quyền như nhau về dân sự, kinh tế và xã hội: học tập, công việc, sức khỏe).

Bác ái “fraternité” (đối với những người cùng xứ sở và với loài người nói chung ở phạm vi toàn cầu).

Theo Hiến pháp ngày 27/10/1946, nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng của trẻ em và người lớn về học tập, đào tạo nghể và văn hóa. Việc tổ chức hệ thống giáo dục công cộng miễn phí và phi tôn giáo ở mọi cấp độ là trách nhiệm của nhà nước.

Tính phi tôn giáo (laïcité) có nghĩa rằng nhà trường phải được bảo vệ chống áp lực của các tổ chức tôn giáo, chính trị hay kinh tế. Có tính bắt buộc và phục vụ tất cả mọi người, nhà trường không thể trở thành con tin của một chính phủ hay một đảng phái chính trị nào, của nhà thờ hay các quyền lợi thương mãi.

Chương trình của các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 có tính quốc gia, cũng như bằng cấp được phát ra. Trường học của nền cộng hòa phải dân chủ và bình đẳng.

Điều luật định hướng năm 2013 tái khẳng định cam kết của nhà nước trong việc cung cấp cho trẻ em, trong suốt giai đoạn giáo dục bắt buộc (15 tuổi) một trình độ văn hóa cao, do sự thu thập được một khối  kiến thức cơ bản chung.

Tính hỗn hợp (mixité) và bình đẳng giữa nam và nữ được khuyến khích.

Theo luật giáo dục, các trường ở mọi cấp với nhiệm vụ chuyển tải và giúp đỡ việc tiếp nhận các phương pháp làm việc và kiến thức, phải nhấn mạnh trách nhiệm dân sự và sự tôn trọng quyền công dân.

Ba nhiệm vụ chính của trường học là: dạy dỗ, giáo dục và đào tạo.

Dạy dỗ chính là truyền đạt những kiến thức mang tính khách quan và duy lý để giúp học sinh hiểu được xã hội và thế giới. Mục tiêu của dạy dỗ là nhằm tạo ra một con người có khả năng tự suy nghĩ và tự hành động. Chỉ có văn hóa mới có thể cung cấp những hình mẫu cần thiết cho sự phát triển của học sinh.

Nhà trường quy tụ những mối liên hệ quý báu giữa các thế hệ, thông qua kiến thức, kinh nghiệm và giá trị từ những người đi trước. Quá trình truyền đạt sự hiểu biết đó đảm bảo sự tiến bộ của xã hội, đồng thời đóng góp vào sự khai phóng của thế hệ trẻ.

Giáo dục trẻ em chính là chuẩn bị để cho trẻ em sống trong xã hội. Jean-Jacques Rousseau nói rằng chúng là động vật duy nhất có thể giáo dục được. Việc nuôi dạy trẻ em, tất nhiên, là trách nhiệm của cha mẹ, nhưng nhà trường cũng có nhiệm vụ tiếp tục và hoàn thiện nó.

Nhiệm vụ của giáo dục là xã hội hóa trẻ em, đưa các em hòa nhập vào văn hóa thế giới với những chuẩn mực và giá trị của nó.

Giáo dục trẻ em là phát triển khả năng của chúng về mặt trí tuệ, khoa học, nghệ thuật và thể chất. Khi trưởng thành, các em sẽ là những con người độc lập, tự chủ và có trách nhiệm đạo đức. Nhờ những kĩ năng học được từ nhà trường, các em sẽ có thể hòa nhập vào đời sống kinh tế và xã hội bằng cách hướng đến các nghề nghiệp mà mỗi em đã tự lựa chọn.

“Khi sinh ra, chúng ta còn yếu, chúng ta cần sức mạnh, chúng ta thiếu tất cả, chúng ta cần sự hỗ trợ, chúng ta thiếu sự hiểu biết, chúng ta cần sự suy xét. Tất cả những gì mà chúng ta không có lúc sinh ra mà chúng ta lại cần là rất lớn là được giáo dục mang đến.” (Jean -Jacques Rousseau).

Đào tạo một công dân có khả năng thực hiện những lựa chọn sáng suốt về chính trị là bổn phận của nhà trường. Nhà trường nên lưu ý học sinh cần quan tâm đến các môn địa lý, lịch sử, khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc tranh luận về văn hóa, khoa học hay chính trị với sự tò mò hiểu biết để sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm một cách nghiêm chỉnh.

Làm chủ các hành động và suy nghĩ của mình, sinh viên sẽ là một con người tự do. Sự tự chủ của mỗi cá nhân đi đôi với một đầu óc sáng suốt.

Sinh viên phải có tinh thần phê phán, độc lập, hành xử có trách nhiệm phù hợp với các giá trị dân chủ và lợi ích chung.

Để đào tạo được một con người theo đúng nghĩa của nó, giáo dục phải cho phép sự phát triển đầy đủ về mặt nhân cách của mỗi cá nhân. Tục ngữ có câu: “Trồng cỏ phải tính từng tuần, trồng cây từng tháng, trồng người hàng thế kỷ.”

Mỗi cá nhân phải có sự tự do suy nghĩ. Sự phân loại và lựa chọn kiến thức của “một đầu óc sáng suốt hơn là một đầu óc đầy ắp” (Montaigne) sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nhờ sự trau dồi về khả năng suy xét.

Khi các sinh viên trở thành nhà doanh nghiệp, họ phải tránh những quyết định vội vã, thiếu suy xét bởi “khoa học không lương tâm là sự băng hoại của tâm hồn.” (Rabelais).

Trong một thế giới số và đa văn hóa, nhà trường có khả năng và trách nhiệm vun đắp sự hiểu biết rộng rãi những nền văn hóa khác nhau, nhằm khắc sâu những giá trị về lòng độ lượng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Những thói quen, phong tục, truyền thống, biểu tượng của mỗi quốc gia phải được tôn trọng. Các nền văn hóa biểu hiện sự phong phú và giàu có của tất cả các dân tộc.

Triết lý giáo dục Việt Nam:

 

sach_giao_khoa_doi_moi_tu_2018-250.jpg
Một học sinh đang đọc sách Lịch Sử và Địa Lý, ảnh minh họa. Photo courtesy of vtc.

 

Tôi biết rõ triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa vì tôi đã có dịp giảng dạy 8 năm trời ở hai Trường Cao đẳng Điện học và Cao đẳng Công chánh của Trung Tâm Quốc gia Kỹ thuật Sàigòn  (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).

Năm 1958, tại hội nghị quốc gia về giáo dục, những nguyên tắc căn bản sau đây đã được đề nghị và chấp thuận: dân tộc, nhân văn và khai phóng.

Năm 1967, Việt Nam Cộng hòa đã sáng suốt ghi vào Hiến pháp các nguyên tắc trên.

Thú thật tôi chưa hiểu được triết lý giáo dục của nước ta hiện nay là gì?

Nếu áp dụng đứng đắn những nguyên tắc thì tại sao ta đã cải tổ nền giáo dục nhiều lần, trong 20 năm qua, mà nay vẫn chưa có kết quả mong đợi? Thực tế  những cải tổ đã thực hiện thiếu tầm nhìn chiến lược và không có định hướng rõ ràng.

Ta có thể đặt ngay câu hỏi: phải chăng sự tắc nghẽn ở đây là do những ràng buộc chính trị?

Gần đây, nhiều chỉ thị quan trọng của nhà nước đã được đưa ra, nhưng chưa phải là căn bản để có thể gọi là triết lý giáo dục:

-Cải thiện chất lượng và hiệu quả của giáo viên.

-Phát triển khả năng tư duy và lập luận của học sinh, thay vì ưu tiên học thuộc các kiến thức sách vở.

-Học đi đôi với hành.

-Kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

-Phối hợp những phương pháp và mức giảng dạy khác nhau.

-Nâng cao tri thức thế hệ trẻ.

-Đào tạo đội ngũ đảm bảo chất lượng cho nhu cầu  kinh tế và xã hội.

-Theo sát sự tiến bộ của khoa học và kĩ nghệ.

-Năng động và có đầu óc rộng mở.

-Đóng góp vào việc bảo vệ quốc gia.

-Quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng trong việc đào tạo.

-Hướng ra xã hội và thế giới.

Tôi có cảm tưởng là chúng ta không chú trọng đến những suy nghĩ của nhà giáo dục Jean- Jacques Rousseau, một trong những triết gia có uy tín nhất nhì của thế kỷ Khai sáng. Tác phẩm của ông mang tên Emile (hay De l'Education, 1762), nổi tiếng khắp thế giới, xuất hiện trong chương trình học của trẻ em Nhật Bản. Điều đáng mừng là Emile cũng đã được dịch ra tiếng Việt.

Theo Rousseau, điều quan trọng chính là phương pháp chứ không phải là kiến thức sách vở. Học sinh phải tự tin, tự do, tự chủ, độc lập trong suy nghĩ và không có định kiến. Với một tinh thần rộng mở, học sinh phải sử dụng tư duy của mình, chứ không phải của người khác. Chính bản thân mỗi học sinh phải tự tìm hiểu để khám phá sự thật. Phải tôn trọng thiên nhiên, con người và yêu chuộng hòa bình. Không tự kiêu, học sinh phải có lòng đồng cảm và sẵn sàng bảo vệ người khác. Là con người tự do, học sinh không chấp nhận bất kì sức ép nào về chính trị hay tôn giáo.

Thầy giáo, trong khả năng có thể, có trách nhiệm khai thác những tiềm năng của mỗi học sinh một cách riêng biệt, tùy theo tính cách và hoàn cảnh gia đình từng em. Nó thể hiện một sự theo dõi mang tính cá nhân nhằm đảm bảo một sự cân bằng, sự phát triển hài hòa và nảy nở của học sinh.

Tất nhiên, điều đó cũng không dễ thực hiện ở nước ta, khi mà lớp học bị quá tải!

Nếu chúng ta xem tâm điểm của hệ thống giáo dục là học sinh, thì nên đặt ra những câu hỏi căn bản sau:

1-Tại sao phải học?

2-Học cái gì?

3-Học thế nào?

Câu hỏi số 1 có lẽ là quan trọng nhất. Trên thực tế, điều này phụ thuộc vào người đặt ra câu hỏi: cha mẹ, giáo viên hay học sinh?

Trẻ em thường nói học để kiếm việc làm nuôi sống gia đình. Xin mạn phép nhắc lại đây câu trả lời đơn giản và tinh tế của Unesco: học để biết, để làm, để sống chung và để tự vun đắp.

Cho đến nay, Bộ Giáo dục tập trung vào câu hỏi thứ 2 và coi nhẹ hai câu hỏi kia.

Gần đây, thông báo về đề án soạn lại sách giáo khoa phổ thông, mà chi phí ước tính khoảng 1,7 tỉ đôla, đã làm xôn xao dư luận. Bộ Giáo dục phủ nhận thông tin này và cho rằng con số khổng lồ bao gồm cả cơ sở và nhiều trang thiết bị khác nhau. Làm lại sách giáo khoa một cách đột ngột, mà không đợi một cuộc cải tổ sâu rộng chương trình giảng dạy, thực sự là một lãng phí lớn lao về thời gian và tiền bạc. Bộ Giáo dục giữ độc quyền trong việc phát hành sách giáo khoa có thể xem như ta  coi thường hay không có triết lý giáo dục? Cách đây vài năm, lần đầu tiên, nhà giáo Phạm Toàn đã có can đảm và sáng kiến cho ra đời một bộ sách giáo khoa tư nhân (lớp 1 của Nhóm Cánh Buồm).

Thầy giáo có trách nhiệm giúp học sinh trả lời tốt câu hỏi số 3: muốn thành công, học sinh phải học tập một cách khôn ngoan, nhiệt tình, có phương pháp, kỉ luật, chặt chẽ, đều đặn và tập trung.

Từ lúc còn thơ ấu mãi đến nay, tôi luôn đam mê đèn sách. Tôi hoan hô GS Ngô Bảo Châu đã từng khuyến khích sinh viên nên có sự đam mê để có kết quả mỹ mãn.

Thành tích trong lĩnh vực giáo dục

Gia Minh: Việt Nam đã đạt được những thành tích gì trong lĩnh vực giáo dục thưa GS?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Nước ta rất tự hào và vinh dự khi gần đây nhận được kết quả tốt trong bảng xếp hạng PISA (Program for International Student Assessement) năm 2012. PISA, do nhà toán học người Đức, Andreas Schleicher, khởi xướng từ năm 2000, có mục đích đánh giá năng lực học sinh giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Các bài kiểm tra dành cho trẻ em 15 tuổi bao gồm đọc, toán và khoa học. Vừa qua, tờ báo Anh, “The Guardian” đăng một lá thư của 100 nhà giáo ở các nước Mỹ, Anh, Thụy Điển, Nouvelle -Zélande, lên tiếng công kích PISA. Họ cho rằng PISA, chịu ảnh hưởng của thị trường, thu hẹp vai trò giáo dục trẻ em, coi trọng kinh tế hơn văn hóa.

Trong số 65 nước tham gia cuộc đánh giá này, Việt Nam được xếp thứ 17, trên Pháp (thứ 25) và Mỹ (thứ 36). Hàn Quốc và Thượng Hải thuộc top 5. Những nước này, cũng như Nhật Bản và Đài Loan, xem giáo dục gần như một tôn giáo. Họ không có cách tiếp cận lãng mạn của Rousseau mà trường học trước hết phải giúp trẻ em tự tạo cho mình một bản sắc riêng, có được sự độc lập và khai phóng. Ở Hàn Quốc, đó là một nền “giáo dục của bóng tối - éducation de l'ombre”, với những “bà mẹ khắc nghiệt - mamans helicopters”. Áp lực quá mạnh và thường xuyên làm những trẻ em bị căng thẳng, chán nản và suy nhược (dépression). Thật buồn và đáng tiếc là chúng ta bất lực trước tỉ lệ tự tử rất cao đối với những trẻ em Hàn Quốc và Nhật Bản trong độ tuổi từ 15 đến 25.

Những kết quả tốt của ta với PISA, trên thực tế, đã che khuất sự suy giảm chất lượng và sự mong manh của hệ thống giáo dục nước nhà.

Điều đáng khuyến khích là vừa qua tổ chức URAP (University Ranking by Academic Performance) đã công nhận Đại học Bách khoa Hà Nội, đứng đầu trong các trường đại học Việt Nam và đứng thứ 1.932 trong số 3.000 trường đại học trên thế giới và thứ 650 trong khu vực châu Á, trong danh sách xếp hạng 2013-2014. Trường thứ hai lọt vào danh sách là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đứng thứ 1.963 trên thế giới và 662 ở châu Á.

Mỗi năm ta hãnh diện khi được tin có vài sinh viên ưu tú Việt Nam đoạt huy chương vàng hay bạc ở các kỳ thi Olympiades. Chúng ta càng hãnh diện hơn nữa với huy chương Fields 2010 của Giáo sư Ngô Bảo Châu, một ngôi sao chiếu sáng đường đi cho nhiều thế hệ sinh viên của đất nước.

Nhưng một con én không làm được mùa xuân!

Gia Minh: Vậy thì lời giải của bài toán giáo dục Việt Nam là gì, thưa GS?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Theo ý kiến của nhiều giáo sư và phụ huynh học sinh, giáo dục Việt Nam đang bị khủng hoảng trầm trọng. GS Hoàng Tụy và GS Bùi Trọng Liễu cùng nhiều chuyên gia có uy tín, thường xuyên lên tiếng kêu gọi cải tổ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì mới!

 

hoc-sinh-250
Thí sinh trong giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013. Photo courtesy of vov.

 

Nếu xét đến sự chậm trễ cần phải bắt kịp và những thay đổi to lớn phải thực hiện, tôi thiết tưởng chỉ một cuộc cách mạng giáo dục toàn diện mới cứu vãn được tình thế.

Tất nhiên, muốn xoay chuyển một bộ máy vô cùng phức tạp như Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam không phải là dễ. Mặt khác, Bộ Giáo dục lại không có toàn quyền quản lý vì ở trên đầu có Bộ Chính trị!

Như ở Pháp, cải tổ phải bắt đầu từ nền móng, từ bậc mẫu giáo và tiểu học.

Trẻ em mệt mỏi vì chương trình quá tải. Tại Việt Nam, hầu hết các lớp ở mỗi cấp, việc đi học thêm ở ngoài trường, làm tăng cao một cách nguy hiểm sự căng thẳng và lo âu của học sinh. Đối với bậc tiểu học và trung học, ta nên giảm nhẹ chương trình bằng cách xóa bỏ một phần nội dung.

Phụ huynh, cũng như giáo viên, phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của con em (ăn uống, vệ sinh, thể thao, âm nhạc, nghệ thuật …) Không thể để sách vở và các kì thi đè nặng trên đầu trẻ em. Sức khỏe, là “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện” (Homère). Chúng ta có xu hướng coi nhẹ sức khỏe và ít chú trọng đến sự cân bằng về thể xác và tinh thần của học sinh.

Thầy giáo, hay quên rằng trí óc thông minh của trẻ em được xây dựng từ khi mới ra đời, phải có kiến thức căn bản về vấn đề này. Những phát minh gần đây trong khoa học thần kinh cần được lưu ý đến. Từ mẫu giáo lên đến đại học, những kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn rất cần thiết cho việc xây dựng những công dân tự do. Chính Jules Ferry đã đưa giáo dục đạo đức và công dân vào giảng dạy tại Pháp vào năm 1882, thực hiện giáo dục tiểu học phi tôn giáo và bắt buộc từ 6 đến 13 tuổi: “Một giáo viên tiểu học, trong lúc dạy cách đọc và viết, cũng đồng thời dạy những quy tắc căn bản của đời sống tinh thần là một việc dĩ nhiên”.

Hệ thống giáo dục Pháp, được xem như thiếu bình đẳng, đã không ngăn được sự lãng phí về dân chủ và kinh tế từ nhiều năm. Khoảng 20% trẻ em vào cấp 2 không nắm được những kiến thức căn bản và 150.000 thanh niên học xong không có việc làm do thiếu trình độ.

Nhà chức trách Việt Nam, cũng như Pháp, có xu hướng biện minh sự xuống cấp vì thiếu ngân sách hay số lượng giáo viên. Tòa Kiểm toán (Cour des Comptes) của Pháp gần đây đã tuyên bố rằng nguyên nhân thật ra là nằm ở vấn đề quản lý các phương tiện hiện có của Bộ Giáo dục. Chương trình dự kiến tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên ở Pháp vì thế phải được xem xét lại.

Ở Việt Nam, từ năm 1987, số lượng các đại học và trường cao đẳng đã tăng 5 lần, lượng sinh viên tăng 13 lần, trong khi lượng giảng viên chỉ tăng 3 lần. Hình như, vào năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 4,5 triệu sinh viên? Để so sánh, chỉ riêng đối với các đại học, tại Pháp năm 2013 có 87 000 giảng viên cho 1,5 triệu sinh viên. Việt Nam có 51000 giảng viên cho 1,45 triệu sinh viên (con số năm 2011). Nền kinh tế của ta không thể chịu đựng lâu dài sự tăng trưởng quá nhanh các trường đại học thiếu điều kiện mà dần dần làm giảm uy tín bằng cấp Việt Nam.

Cuộc chạy đua điên rồ về số lượng đặt ra vấn đề hết sức nghiêm trọng về chất lượng, kể cả đối với sinh viên tốt nghiệp và đội ngũ giảng viên.

Liệu có khả thi khi ta muốn đào tạo 20.000 tiến sĩ và đưa một đại học của Việt Nam vào top 200 theo bảng xếp hạng của Shangaï vào năm 2020? Tất nhiên, những tiêu chuẩn của bảng xếp hạng này không phải là không bị chỉ trích, nhưng ta quên rằng ở đây, phần nghiên cứu có vai trò quan trọng hơn phần giảng dạy.

Việt Nam trước hết phải thành lập các phòng thí nghiệm đầy đủ trang bị tối tân ở các đại học và trường lớn, tuyển lựa và đào tạo những giáo sư và nhà nghiên cứu tài giỏi, khuyến khích hợp tác chủ động và tích cực giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và công nghiệp trước khi chạy theo các bảng xếp hạng quốc tế.

Dù sao ta cũng đừng quên rằng sức cạnh tranh của một quốc gia được xây dựng rất sớm từ bậc mẫu giáo.

Trong quá trình toàn cầu hóa, cuộc chiến tranh kinh tế phụ thuộc vào thông minh (intelligence), sáng tạo (innovation) và viễn tượng (anticipation). Nhiều cuộc cách mạng đang diễn ra: số ( cloud computing, big data...), năng lựợng (smart grid, năng lượng mới). Khoa học mỗi ngày vạch trần sự ngu dốt của nhân loại. Tiến bộ kỹ thuật đi nhanh như gió, không chờ đợi ta cải tổ đâu!

Gia Minh: Giảng dạy trên mạng bắt đầu đựợc phổ biến ở nhiều nước. Xin GS cho biết sự lợi hại của cuộc cách mạng số này?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Bộ đại học và nghiên cứu Pháp vừa khai trương một chương trình quốc gia về MOOC (Massive Open Online Courses). Chương trình sẽ chứa các bài giảng và các khóa đào tạo trên mạng có cấp bằng hay chứng nhận. Khoảng sáu chục MOOC đã được thống kê và con số này sẽ không ngừng tăng lên.

Giáo dục bị tác động mạnh bởi cuộc cách mạng số. Quan hệ giữa kiến thức và cá nhân bị xáo trộn. Giảng đường không phải hoàn toàn biến mất nhưng phương pháp giảng dạy truyền thống không còn phù hợp. Sinh viên đọc các bài giảng ở nhà trước khi đến hỏi thầy giáo và thảo luận với bạn bè. Trên mạng, không ai thúc ép được ai. Mỗi người tự biết tại sao họ tìm đến đó. Một vài giáo sư đã nghĩ đến một trường đại học “dạng đám mây” mở và toàn cầu.

Nhiều chủ tịch các trường đại học lớn của Mỹ cho rằng môn học trên mạng cũng có giá trị giáo dục ngang bằng môn học tại giảng đường. Đâu là tài sản trí tuệ của MOOC? Làm sao phát bằng?

Rồi đây, tiếp thu kiến thức sẽ có tính dân chủ và toàn cầu. Phương pháp giảng dạy số sẽ mang lại cơ hội lớn lao cho giảng viên, sinh viên, chủ doanh nghiệp và người làm việc.

Giảng dạy trên mạng đang phát triển mạnh, tạo nên sự hứng khởi và, tất nhiên, cả những lo ngại. Trong các campus, các giảng đường sẽ trở thành nơi làm việc nhóm và tranh luận. Sự trau dồi kiến thức sẽ diễn ra một cách cô lập, từ phòng khách ở nhà, và áp dụng sẽ được thực hiện theo nhóm xung quanh một giáo sư ở trường. Đó là cách giảng dạy được đổi ngược (lớp học xoay ngược). Giáo sư giúp sinh viên trực tiếp thu nhận kiến thức. Sinh viên cũng thay đổi cách suy nghĩ. Họ đến lớp không phải để ghi chép mà để được giải thích những điều mà họ chưa hiểu ở nhà.

Những địa chỉ nổi tiếng nhất đó là:  Coursera, Khan Academy và edX. Trang Coursera, thành lập năm 2012 tại Mỹ, cung cấp các môn học miễn phí của chừng sáu mươi trường đại học nổi tiếng (MIT, Princeton, Berkeley, Stanford...) thu hút nhiều người hơn cả Facebook và Twitter trong năm đầu tiên. Ba triệu rưỡi sinh viên đã đăng kí, không trả đồng nào, và được tiếp xúc với những giáo sư giỏi nhất. Tại sao phải tiêu tốn hàng chục ngàn đô la để kiếm tấm bằng MBA ở Harvard?

Chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các trường đại học lớn ở Mỹ. Sinh viên được học miễn phí nhưng phải trả tiền để thi, chứng nhận đậu và giảng dạy trực tiếp. Mô hình kinh tế còn đang xem xét. Các trường đại học phải sát nhập với nhau. Harvard với khoảng quyên góp là 32,7 tỉ đô la đã phải liên kết với MIT để tạo ra edX.

MOOC thay đổi nghề nghiệp của giảng viên và đòi hỏi chi phí đắt! Cần phải có một đội ngũ để bước vào MOOC. Giáo sư có năng lực vẫn chưa đủ, phải chọn diễn viên giỏi (bài giảng trên vidéo), thiết kế mỹ thuật và tiếp thị web tốt.

Chỉ trong vòng 1 năm, 350 bài giảng miễn phí trên mạng, chủ yếu là của Mỹ, đã thu hút được khoảng 5 triệu sinh viên trên toàn cầu.

Và đây là sự phân bố theo số lượng các trường đại học trên mạng vào 15/5/2013:

Mỹ (44), Âu châu (14), Châu Á, Úc và Trung đông (7), Canada (2), Mexico (2).

Dự án đại học trên mạng, Minerva của Mỹ, khai giảng vào 2015, sẽ có nhiều đại diện trên thế giới. Nó sẽ tạo ra một mô hình giảng dạy mới, ít thụ động hơn hiện nay rất nhiều. Theo Larry Summers, chủ tịch danh dự của Harvard, ngày nay thật khó hình dung được MOOC sẽ cách mạng hóa giáo dục như thế nào.

Không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ý thức đúng mức cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy số và sự dân chủ hóa kiến thức chưa? Kế hoạch dài hạn MOOC của ta đến đâu rồi?

Điểm yếu hệ thống giáo dục Việt Nam

Gia Minh: Hệ thống giáo dục Việt Nam có những điểm yếu gì thưa GS?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Danh sách sau đây liệt kê những điểm yếu trong các mắt xích của hệ thống giáo dục của ta thể hiện khối lượng công việc to lớn đang chờ đợi chính quyền:

Tổ chức và quản lý:

-Khó khăn trong việc quản lý cùng chung một bộ Giáo dục với nhiều bậc: đại học, trung học và tiểu học.

-Thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài.

-Trang thiết bị (đặc biệt là tin học) ở các trường phổ thông và đại học quá cũ và không đủ.

-Thiếu lớp học và phòng thí nghiệm.

-Nhiều lớp quá tải.

-Nhiều ràng buộc chính trị.

-Hành chính nặng nề, quan liêu.

-Nhiều sách giáo khoa đã lỗi thời.

-Lãng phí thời gian và tiền bạc do quá nhiều kì thi (ví dụ thi THPT và vào đại học).

-Sự gia tăng phi lý số trường đại học và cao đẳng.

-Thiếu cơ quan hướng dẫn học sinh và sinh viên.

-Chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng trong nhiều lĩnh vực.

-Khó khăn và chậm trễ trong việc tổ chức phương pháp giảng dạy trên mạng (MOOC).

Giáo viên:

-Mức lương giáo viên quá thấp.

-Giáo viên phải giảng dạy ở nhiều trường hay phải làm thêm nghề khác để sống.

-Tỷ lệ giáo viên chán nản muốn đổi nghề khá cao.

-Trình độ và năng lực có hạn của một số giáo viên trẻ tuổi.

-Sự bảo thủ của một phần đội ngũ giáo viên.

Học sinh và sinh viên:

-Một phần chương trình phổ thông và đại học lạc hậu.

-Chương trình bậc tiểu học và trung học quá nặng.

-Nhiều môn học thuộc lòng và nhồi sọ.

-Chỉ lo chạy theo thành tích, bằng cấp.

-Đào tạo quá nhu cầu cử nhân và kĩ sư.

-Sinh viên lo sợ vì nạn thất nghiệp trầm trọng.

-Đào tạo cao đẳng và đào tạo nghề bị xem nhẹ.

-Quyền tự chủ quá ít của lãnh đạo các trường  phổ thông cũng như đại học.

-Học sinh căng thẳng, mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần.

-Học phí cao.

-Quan hệ kém giữa đại học, nghiên cứu và doanh nghiệp.

-Thiếu chỗ cho sinh viên tập sự và thực tập.

-Giảng dạy, tranh luận về xã hội, dân chủ, đạo đức, tự do ngôn luận hạn chế.

-Ảnh hưởng xấu của tham nhũng và bất công.

-Thái độ thụ động và quá dè dặt của học sinh, sinh viên đối với thầy giáo.

Nhiều nước, trong đó có Pháp, cũng có một số điểm yếu nêu trên. Tuy nhiên Bộ Giáo dục Pháp có khả năng cải tổ nhanh hơn so với ta vì không chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp lực đảng phái hay chính trị.

Gia Minh: Xin GS cho biết những trắc trở và vài đề nghị đóng góp nhiệt tình của GS trong cuộc cách mạng giáo dục Việt Nam.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Đức Phật đã dạy: “Tài sản lớn nhất của đời  người là Trí tuệ và Sức khỏe”

John Rawls, GS Đại học Harvard cũng đã từng tuyên bố: “Giáo dục là chìa khóa của tất cả các vấn đề kinh tế và xã hội”  Dân ta trẻ trung và năng động. Thanh niên thiếu nữ hiếu học và thông minh. Đó là tài sản vô giá của nước nhà.

Tôi cảm thông với TS Giáp Văn Dương khi ông tỏ tâm tình trong bài “Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi” đăng trên vnexpress 23/5/2014: “Vì không phải ai khác, mà chính người Việt trẻ mới là cứu tinh của đất nước....Tôi không thấy được sự lan tỏa của một tuổi trẻ tự do phóng khoáng, sự rực sáng của khát vọng...Không gì xót xa hơn khi nhìn thấy những người Việt trẻ ốm yếu, còi cọc hơn so với bạn bè đồng lứa năm châu.” Tôi cũng đau lòng mỗi khi nghĩ đến sức khỏe của học sinh và sinh viên ở quê hương, quanh năm ngày đêm đèn sách, ôn đi ôn lại  để thi cử!

Nhân tài ở trong nước cũng như ở ngoại quốc không thiếu. Chúng ta có thể tự hào về những thành tích của những sinh viên xuất sắc và những giáo sư hay chuyên gia Việt Nam giàu kinh nghiệm và có uy tín trên thế giới. Điều đáng tiếc là ta chưa có chiến lược khai thác đúng mức tiềm năng vô cùng quý báu này để nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần xây dựng xứ sở. Tại sao Trung Quốc, Ấn Độ , Hàn Quốc thành công trong việc kêu gọi trí thức ở hải ngoại về nước họ công tác? Lý do có phải, ngoài chế độ chính trị, có vấn đề điều kiện làm việc, thiếu đối tượng muốn hợp tác chặc chẽ và cách đối xử không cởi mở của một số người có trách nhiệm trong nước?

Có người hỏi tại sao ta dư tiến sĩ mà giáo dục đào tạo vẫn xuống dốc? Phải chăng vì thừa lượng mà thiếu chất? Tiến sĩ mà không có kĩ sư và thợ chuyên môn thì nhà máy cũng sụp đổ. Cái bệnh đáng lo ngại của ta là quá coi trọng cấp bằng tiến sĩ, làm hạ giá môt cách phi lý những cấp bằng khác.

Ở đầu bài, tôi trình bày triết lý giáo dục của Pháp không ngoài mục đích để Bộ Giáo dục và Đào tạo của ta so sánh hai hệ thống. Pháp cũng có nhiều điểm yếu đang được cải tổ. Nhưng ta nên đặt câu hỏi tại sao trình độ văn hóa dân chúng Pháp được thiên hạ đề cao?

Triết lý giáo dục của một nước chỉ cần một hai câu ngắn gọn. Bổn phận của phụ huynh và nhà giáo là làm sao cho các học sinh hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của những khái niệm và đức tính sau đây: tổ quốc, dân tộc, xã hội, con người, đạo đức, bác ái, cao thượng, hiếu thảo, gia đình, sức khỏe, hạnh phúc, hòa bình, tôn trọng tín ngưỡng, tự do, độc lập, đoàn kết, sự thật, công bằng, khoan hồng, khiêm tốn, liêm chính, đam mê, nhân văn, khoa học, giải phóng, khai phóng, môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững, kinh tế dương “économie positive” (Jacques Attali)...

“Tiên học lễ, hậu học văn” là một nguyên lý có từ xưa đáng được học sinh trọn đời ghi nhớ, nhưng từ lễ  phải được hiểu sâu rộng hơn so với nghĩa đơn giản là lễ phép. Tài phải đi đôi với đức.

Theo tôi, mặc dù đã ban hành những nguyên tắc giáo dục ngay từ lúc ra đời, Unesco nên lập một danh sách xếp hạng, dựa trên sự áp dụng đứng đắn triết lý giáo dục của mỗi nước. Nếu chỉ biết hãnh diện với bản xếp hạng PISA hay Shangaï và ồ ạt chạy đua, như Trung quốc, theo mức tăng trưởng kinh tế, dưới sự độc tài của thị trường toàn cầu, bất chấp ô nhiễm CO2 hay phóng xạ, thảm họa thay đổi khí hậu, bệnh tật, hay chiến tranh, thì sau này, các thế hệ con cháu sẽ trách móc chúng ta không biết dạy dỗ và đào tạo chúng nên người.

Tôi hi vọng rằng cuộc cách mạng giáo dục của ta sẽ được thực hiện nhanh chóng và trong điều kiện tốt nhất có thể.

Cần phải tiến hành gấp, với một chương trình cải tổ chặt chẽ, tìm mọi cách hạn chế những xáo trộn và tối thiểu chi phí. Giai đoạn quá độ phải có thời gian giới hạn.

Xây dựng một kế hoạch giáo dục ở tầm vĩ mô như thế cần phải suy xét lại về mặt xã hội và áp dụng phương pháp quản lý tối ưu.

Nếu người có trách nhiệm và quyền hành cao nhất của đất nước ra lệnh cho Chính phủ và các cấp lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải từ bỏ sự áp đặt quan điểm chính trị cho tất cả các trường và đại học thì cuộc cách mạng mới thành công được?

Ở Việt Nam, nguyên tắc không can thiệp chính trị, vì quyền lợi quốc gia và tương lai của những thế hệ trẻ, thật sự quan trọng hơn ngàn lần so với những nguyên lý giáo dục căn bản tốt nhất trên thế giới.

Gia Minh: Xin cám ơn GS Nguyễn Khắc Nhẫn.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn. Cố vấn Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris. Giáo sư Viện Kinh tế Chính sách Năng lượng Grenoble. Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble.

_____

Tài liệu tham khảo:

Tôi xin chân thành cám ơn các Tác giả, Trang web, Đài phát thanh, Báo chí có tên sau đây:

Sư Cô Tran Thi Dung, Hoang Xuan Han, Ngo Bao Chau, Hoang Tuy, Nguyen Khac Vien, Nguyen Ngoc, Bui Trong Lieu, Pham Xuan Yem, Nguyen Thi Binh, Pham Minh Hac, Giap Van Duong, Vo Van Thuan, Chu Hao, Trinh Xuan Thuan, Tran Thanh Van, Nguyen Khac Ung, Vo Quang Yen, Nguyen Quoc Vuong, Luong Hoai Nam, Nguyen Bach Ngoc, Nguyen Quang Duy, Tran Ngoc Vuong, Chu Mong Long, Pham Toan, Ho Ngoc Dai, Van Nhu Cuong, Tran Quoc Duong, Duong Thien Tong, Phong Tran, Phan Xi Pang, Nguyen Xuan Han , Nguyen Manh Hung...( Tôi rất tiếc và xin lỗi không thể ghi hết tên của rất nhiều Tác giả đã đóng góp vào việc xây dựng nền giáo dục của đất nước, từ hàng chục năm nay)

vietrfi.fr, rfa.org/vietnamese, bbc.co.uk/vietnamese, ugvf.org, bantuvanvp.org, diendan.org, viet-studies.org, boxitvn.net, thdlvnhn.net/btol, Truong Cao dang dien hoc.org, vietsciences.free.fr, vnexpress.net, vietnamnet.vn, baodaiviet.vn, cand.com.vn, dantri.com.vn, tuoi tre online.

Louis Néel, Cédric Villani, Geneviève Fioraso, Vincent Peillon, René Pauthenet, Michel Poloujadoff, Jean- Marie Martin, Jacques Percebois, Patrick Criqui, Jean-Marie Chevalier,  Stanislas Dehaene, Catherine Boyer, Serge Herreman, Patrick Ghrenassia,  Le Monde.

Nguyen Khac Nhan: Hội nghị tư vấn chuyên đề về cải tổ giáo dục Đại học Việt Nam, 17-19/2/ 1994, TP Hồ Chí Minh.

nguyenkhacnhan.blogspot.fr: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, Hànội 20- 24/11/2009 ;  Louis Néel, Nobel Vật lý, một Giáo sư lý tưởng - Grenoble - INP và sự hợp tác với Việt Nam, Grenoble 8/1/2011).

*Bàn tròn AVSE (Association Vietnamienne des Scientifiques et Experts )

Tôi cũng thành thật cảm tạ GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam và TS Nguyễn Thúy Phượng, đã tổ chức thành công Bàn tròn về Giáo dục Việt Nam ở Trung tâm kinh tế Sorbonne Paris ngày 10/5/2014.

(Bàn tròn gồm có các chuyên gia Roger-François Gauthier, Luisa Lombardi và các GS Ha Duong Tuong, Le Van Cuong, Lai Ngoc Diep, Nguyen Khac Nhan).

 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-edu-in-opi-of-pro-n-k-nhan-gm-06062014132157.html?searchterm:utf8:ustring=nguyen+khac+nhan

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org