Ai sở hữu tạp chí khoa học?

Vietsciences-  Nguyễn Văn Tuấn    27/08/2014

 

 
Xin giới thiệu một bài phỏng vấn cũng đã hơn 1 tuần, nhưng vì lí do tế nhị gì đó nên báo không đăng. Vậy thì tôi xin đăng trên trang blog cá nhân để chia sẻ cùng các bạn về chủ đề xuất bản khoa học, mà đặc biệt là quyền sở hữu tạp chí khoa học, một vấn đề thời sự hiện nay.

 

Phóng viên (PV): Vâng, tôi sẽ đi ngay vào đề tài. Xin hỏi Giáo sư theo thông lệ, ai là chủ quản hay sở hữu tạp chí khoa học?

NVT: Thật ra, không có thông lệ về sở hữu chủ tạp chí khoa học, nhưng thực tế cho thấy phần lớn (con số có lẽ trên 90%) các tạp chí khoa học là do các hiệp hội chuyên môn khoa học làm chủ, nói theo cách nói VN hiện nay là “chủ quản”. Các hiệp hội này vừa làm chủ, vừa quản lí tạp chí khoa học.

PV: Nhà xuất bản có thể làm cơ quan chủ quản không? 

NVT: Có chứ. Một số tạp chí do chính nhà xuất bản lập ra, và họ là cơ quan chủ quản. Chẳng hạn như khi BMC lập ra hàng trăm tạp chí, họ huy động các nhà khoa học tham gia ban biên tập, nhưng tổng biên tập, trong trường hợp này chỉ là chức vụ danh dự, thì họ nắm, và họ nắm quyền chủ quản.

PV: Trường đại học có thể làm cơ quan chủ quản tạp chí khoa học không? 

NVT: Tại sao không? Nhiều đại học có tạp chí khoa học riêng do họ tự xuất bản, nhưng mấy năm gần đây thì trường kí hợp đồng với các nhà xuất bản lớn. Trường chỉ tập trung quản lí phần nội dung, phần “hậu cần” giao cho nhà xuất bản phụ trách.

PV: Như vậy khi kí hợp đồng với nhà xuất bản, trường hay hiệp hội mất quyền chủ quản?

NVT: Oh hoàn toàn không. Họ vẫn là cơ quan chủ quản, có khi vẫn nắm quyền copyright. Ví dụ như hội loãng xương Hoa Kì (có khoảng 10 ngàn hội viên) xuất bản tạp chí JBMR, chúng tôi kí hợp đồng với nhà xuất bản Wiley, nhưng Hội vẫn làm chủ quản và bản quyền vẫn thuộc về Hội. Như tôi nói, nhà xuất bản chỉ lo phần hậu cần.

PV: Xin Giáo sư nói rõ phần “hậu cần”. 

NVT: Phần hậu cần ở đây là quản lí việc nộp bản thảo, xử lí bản thảo, cơ sở dữ liệu về bản thảo, biên tập kĩ thuật, in ấn (nếu là tạp chí in giấy), và giúp quản lí các chuyên gia bình duyệt. Mỗi tạp chí lớn, như JBMR của chúng tôi, mỗi năm nhận vài ngàn bản thảo, phần lớn (80-85%) là bị trả về, nhưng phần còn lại phải qua bình duyệt 2-3 lần rất phức tạp. Nhà xuất bản họ có phương tiện máy tính và nhân sự quản lí các khâu đó rất tốt, nên cách hay nhất là giao cho họ phụ trách.
PV: Giáo sư có thể nói về qui trình xuất bản một bài báo khoa học.   

NVT: Qui trình này có 4 bước. Bước 1, tác giả nộp bản thảo bài báo. Một phó biên tập sẽ được giao phụ trách bản thảo. Phó biên tập đọc qua và quyết định ngay là có nên gửi ra cho các chuyên gia bình duyệt hay trả về cho tác giả. Phần lớn là bị trả về. Bước 2, nếu được gửi ra cho các chuyên gia bình duyệt, thì tốn khoảng 4 tuần. Nhưng bình duyệt có thể qua lại vài lần, chứ không đơn giản chỉ 1 lần, nên thường tốn thêm vài tuần. Bước 3, phó biên tập sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Bước 4, sau khi bài báo đã được chấp nhận, phó biên tập sẽ chuyển cho nhà xuất bản, và nhà xuất bản sẽ có người xem lại phần tiếng Anh và các khía cạnh kĩ thuật trình bày của bài báo, sản xuất bản nháp (galley proof), tác giả sẽ kiểm tra lần cuối trước khi cho công bố.

 

PV: Thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố chính thức là bao lâu?

 
NVT: Nếu là tạp chí Mở (chỉ công bố online) thì thời gian từ lúc nộp bản thảo đến lúc công bố trung bình là 6 tháng, nếu tất cả đều suôn sẻ. Còn tạp chí in thì thời gian thường 1 năm, có khi 2 năm. Thời gian cũng là một tiêu chí để phân biệt dỏm với thật. Nếu tạp chí nào chỉ cần 1-2 tháng, có khi chỉ 2 tuần, là chấp nhận bản thảo thì rất có thể là tạp chí dỏm.  

PV: Theo như Giáo sư mô tả, nhà xuất bản chẳng làm gì nhiều ngoài khâu 4 là biên tập và in ấn.
NVT: Đúng như thế. Họ chỉ phụ trách bước sau cùng trong qui trình xuất bản. Tất cả các khâu khoa học đều do phó biên tập lo hết.

PV: GS nói phó biên tập lo hết, như vậy ban biên tập làm gì? 

NVT: Không nhiều. Ban biên tập thường có khoảng 20 người, có khi cả trăm người. Nhiệm vụ chính của thành viên ban biên tập là bình duyệt bài báo. Nhưng một năm mỗi thành viên cũng chỉ duyệt chưa đến 5 bài. Có thành viên chẳng duyệt một bài nào, và chẳng đóng góp gì, chỉ có tên trong ban biên tập. Nhưng tạp chí cần tên của họ để tăng uy danh và tính quốc tế. 

PV: Thế còn vai trò của tổng biên tập? 

NVT: Nếu tạp chí do hiệp hội làm chủ quản, tổng biên tập (TBT) đóng vai trò CEO của một doanh nghiệp, tức quản lí tất cả, từ tài chính, định hướng khoa học, tìm người tham gia ban biên tập (để Hội phê chuẩn), phân chia công việc cho phó biên tập. Thỉnh thoảng TBT cũng phụ trách bản thảo bài báo như phó biên tập nếu nằm trong chuyên môn. Còn nếu tạp chí do nhà xuất bản làm chủ quản, thì tôi nghĩ vai trò của TBT không quan trọng như tạp chí do hội quản lí.

PV: Ai bổ nhiệm tổng biên tập? 

NVT: Nếu tạp chí do hiệp hội hay do trường đại học làm chủ quản, thì họ thường có một uỷ ban xuất bản (gọi là Publication Committee) và uỷ ban này bổ nhiệm tổng biên tập (TBT). Còn nếu tạp chí do nhà xuất bản làm chủ quản thì tôi không rõ ai bổ nhiệm tổng biên tập.
PV: Có thể nào ban biên tập bổ nhiệm tổng biên tập? 

NVT: Oh không. Ngược lại, tổng biên tập thành lập ban biên tập.

PV: Tôi được biết mỗi bài báo được công bố tác giả phải trả ấn phí. Số tiền ấn phí là bao nhiêu?  

NVT: Nếu là tạp chí in giấy thì ấn phí được tính trên số trang và có hình ảnh màu hay không. Nếu là hình trắng đen, mỗi trang có thể dao động từ 70 đến 100 USD, tuỳ theo tạp chí. Do đó, mỗi bài báo trung bình có 6 trang thì ấn phí có thể dao động trong khoảng 400 đến 600 USD. Còn tạp chí Mở thì giá mỗi bài báo thường là 1000 đến 1500 USD.  

PV: Một số nhà khoa học Việt Nam cho rằng bài báo phải trả ấn phí là không có giá trị. Giáo sư nghĩ quan điểm đó đúng không? 

NVT: Tôi nghĩ giá trị bài báo khoa học không tuỳ thuộc vào có trả ấn phí hay không, mà tuỳ thuộc vào nội dung bài báo. Trong hầu hết các ngành khoa học, kể cả y sinh học, ấn phí gần như là mặc định. Tạp chí càng danh tiếng ấn phí càng cao. Ví dụ như ấn phí của các tạp chí lừng danh thế giới như Nature, Science, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, v.v. đắt hơn các tạp chí “làng nhàng” gầp 2 lần. Nhà khoa học khắp thế giới vẫn xếp hàng dài và mong muốn được công bố công trình trên những tạp chí đó.

PV: Có lẽ Giáo sư biết vụ Đại học Tôn Đức Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng trong vụ tạp chí APJCEN. Xin Giáo sư cho một nhận xét về vụ kiện.

NVT: Tôi có đọc vài thông tin trên báo về vụ kiện, nhưng tôi nghĩ thông tin trên báo thì chắc không đầy đủ. Vả lại, vụ việc chưa được toà án phân xử, nên tôi không có ý kiến gì.

PV: Cám ơn những ý kiến của Giáo sư. Cám ơn Giáo sư đã dành thời giờ cho bài phỏng vấn.

 

http://tuanvannguyen.blogspot.fr/

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences2.free.fr