Những bài cùng đề tài
TTO - Chi phí đào tạo một SV Mỹ gấp đôi số tiền SV
đóng học phí, nguồn tiền chi trả và tiền học bổng, nghiên cứu từ
đâu? Tất cả từ tài sản đóng góp.
Lần đầu tiên, một trường đại học tại Việt Nam tổ chức
hội nghị bàn về việc trường trước nguy cơ bị chiếm đoạt. Trong
ảnh: Đại diện nhóm cổ đông 30% phát biểu tại hội nghị “Trước
nguy cơ Trường ĐH Hoa Sen bị chiếm đoạt” ngày 30-7 - Ảnh:
M.Giảng
Ðại học có tài sản đóng góp (endowment) gọi
là trường phi lợi nhuận. Không có tài sản đóng góp thì không gọi là trường
phi lợi nhuận.
Tại Hoa Kỳ, có thể nói 95% đại học bao gồm
trường công lập và tư thục hoạt động theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận,
nghĩa là các trường có tài sản đóng góp.
Tài sản đóng góp bao gồm các nguồn tiền như
tiền đóng góp của mạnh thường quân và cựu sinh viên, tiền đóng góp của công
ty, quỹ giáo dục, chính phủ, lợi nhuận từ nguồn đầu tư, tiền gây quỹ, học
phí của sinh viên.
Phi lợi nhuận
Mảng hợp tác quốc tế của đại học tư
thục Việt Nam hầu như không có. Trong xu hướng hiện nay, trường đại
học không có hợp tác quốc tế để trao đổi về chương trình giảng dạy,
nghiên cứu, trao đổi sinh viên... thì sẽ bị tụt hậu. |
Tài sản đóng góp của đại học Hoa Kỳ rất lớn,
theo US News về tài chính trong năm 2012, đại học Harvard có tài sản đóng
góp lớn nhất là 30,75 tỷ USD, đại học Michigan nguồn tiền đóng góp lớn nhất
trong hệ thống trường công lập là 7,59 tỷ USD.
Trong tài sản đóng góp này, đáng kể nhất là
năng lực gây quỹ, các trường đại học Hoa Kỳ rất giỏi gây quỹ để nâng giá trị
tài sản đóng góp của trường.
Theo Bloomberg, số tiền đóng góp cho đại học
Hoa Kỳ trong năm 2013 là 33,8 tỷ USD, trong đó đại học Stanford đứng đầu
danh sách gây quỹ là 931,57 triệu USD và theo sau là đại học Harvard với
792,26 triệu USD.
Chi phí đào tạo cho một sinh viên Hoa Kỳ gần
gấp đôi số tiền sinh viên đóng học phí, vậy nguồn tiền nào chi trả và nguồn
tiền cho học bổng và nghiên cứu từ đâu? Tất cả là từ nguồn tài sản đóng
góp của trường.
Trường đại học có hội đồng tài chính quản lý
tài sản đóng góp và điều hành các chi tiêu của trường. Tài sản này không đi
vào túi của cá nhân hay nhóm lợi ích, nó được truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác phục vụ cho trường.
Phương cách tổ chức tài chính của đại học
Hoa Kỳ vẫn ưu thế nhất thế giới và từ đó tạo ra nền giáo dục tốt nhất thế
giới. Theo phương cách tài chính của Hoa Kỳ, hiện tại không có trường đại
học tư thục nào của Việt Nam gọi là trường phi lợi nhuận.
Chúng ta không nhất thiết theo phương cách
tài chính của Hoa Kỳ mà có thể nghĩ ra phương cách tài chính kiểu khác mà
mục đích chính là phục vụ cho lợi ích xã hội và tạo ra nền giáo dục tốt và
bền vững.
Như hiện tại, với tư duy làm giáo dục đè đầu
sinh viên lấy học phí, không nghĩ ra cách để tạo thêm nguồn tiền cho trường,
thì buồn cười cho những người điều hành đại học tư thục Việt Nam!
Lợi ích của đại học phi lợi nhuận
Tài sản đóng góp của trường đại học tăng
nhanh và mạnh so với lúc thành lập. Tài sản đóng góp của trường được đảm bảo
không đi vào túi của cá nhân hay nhóm lợi ích, như vậy trường đại học có
nguồn tài chính dồi dào để đầu tư cho chất lượng giáo dục.
Các trường đại học quốc tế chỉ hợp tác với
đại học phi lợi nhuận vì họ muốn đóng góp của họ phục vụ cho trường, họ
không muốn đóng góp của mình tạo ra những lợi ích và rồi những lợi ích đó đi
vào túi cá nhân.
Mảng hợp tác quốc tế của đại học tư thục
Việt Nam hầu như không có. Trong xu hướng hiện nay, trường đại học không có
hợp tác quốc tế để trao đổi về chương trình giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi
sinh viên...thì sẽ bị tụt hậu.
Cũng tương tư như vậy, các quỹ giáo dục quốc
tế, công ty quốc tế, chính phủ các nước không thể tài trợ cho trường đại học
mà hoạt động theo phương cách lợi nhuận.
Vì xác định tài sản đóng góp là tài sản của
trường nên không có vấn đề mâu thuẫn về quyền lợi cá nhân. Tài sản này sẽ
tạo ra sự vững chắc của một trường đại học. Như chúng ta thấy các đại học tư
thục Việt Nam hiện nay, khi xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi là trường nổi sóng
gió.
Ðại học tư thục Việt Nam hiện tại như thế nào?
Ðối với những ngành học không đòi hỏi phòng
thí nghiệm, không nghiên cứu, không cần thiết bị giáo dục phức tạp, và có
học phí cao thì trường đại học tư thục hình thức lợi nhuận có thể tạo được
chất lượng giáo dục tốt.
Một số trường đại học tư thục hình thức lợi
nhuận vẫn thành công về tài chính và chất lượng giáo dục tại một số quốc
gia.
Ðại học tư thục Việt Nam hiện tại với mô
hình hoạt động có lợi nhuận. Vì thế việc đầu tư cho chất lượng giáo dục sẽ ở
chừng mực nào đó vì mục đích của trường là lợi nhuận.
Thêm vào đó là cơ cấu tổ chức và điều hành
lỏng lẻo, tạo thêm sự bất đồng giữa những nhà đầu tư và người điều hành. Vì
thế các đại học tư thục Việt Nam dễ đi vào sự tranh chấp như đại học Hùng
Vương và đại học Hoa Sen, vấn đề là thời gian khi nào xảy ra.
Theo tôi các đại học tư thục Việt Nam có
nhiều rủi ro về vấn đề trường bất ổn và chất lượng giáo dục. Nhà nước cần có
những chính sách và hỗ trợ cần thiết để tạo cho hệ thống trường tư thục Việt
Nam vững vàng hơn.
Làm sao có đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam?
Trước nhất là phải có chính sách về giáo dục
và tài chính giáo dục để phục vụ cho trường đại học phi lợi nhuận. Ðây là
một mảng lớn cho những nhà làm luật và chính sách của Việt Nam.
Một khi có chính sách về giáo dục thì trường
đại học công lập và tư thục được quyền xây dựng, điều hành tài sản đóng góp.
Trường đại học tư thục khởi đầu bởi một số
cá nhân bỏ tiền ra xây trường, số tiền này là tài sản đóng góp. Nhà nước có
những chính sách ưu đãi trong kinh doanh nhằm hỗ trợ những cá nhân này để họ
cân bằng vấn đề tài chính giữa phi lợi nhuận cho trường và lợi nhuận cho cá
nhân.
Những mạnh thường quân hay công ty đóng góp
tiền cho trường đại học thì họ được miễn thuế một phần trên thu nhập của họ.
Nhà nước cấp đất miễn phí cho trường đại học
phi lợi nhuận và không đánh thuế trên tài sản đóng góp. Không thu thuế trên
thuê đất và tài sản đóng góp của trường đại học không có nghĩa là nhà nước
mất quyền lợi. Quyền lợi là trường mang lại giá trị tri thức cho xã hội,
điều này có giá trị hơn tiền bạc.
Một khi đại học công lập và tư thục có tài
sản đóng góp để hoạt động như trường phi lợi nhuận thì chất lượng giáo dục
sẽ phát triển nhanh. Ðiều này có thể gọi là “Giấc mơ Việt Nam” của hàng
triệu học sinh, sinh viên mong muốn có được môi trường học tốt.
TRẦN THẮNG (Chủ tịch viện Văn hóa - Giáo
dục VN)
http://tuoitre.vn/Ban-doc/624065/chu-dong-lac-dau%C2%A0voi-to-roi-phat-tren-duong.html
|