Giáo dục dạy nghề ở Đức

Vietsciences-  Nguyễn Xuân Xanh   14/03/2008       

 

Những bài cùng tác giả

*Giáo dục dạy nghề Bài I

*Giáo dục dạy nghề Bài II

*Sự thay đổi trong đào tạo nghề sau phổ thông ở Nhật và Hàn quốc

*Giáo dục dạy nghề tại Đức

 

 Ở Đức không thể nào có một người gọi là thợ điện, thợ hồ, thợ hớt tóc, hay bất cứ nghề nào khác, mà không có bằng cấp học nghề, nghĩa là đã tốt nghiệp học nghề theo quy định của nhà nước. Và công việc của họ rất chuẩn mực, rất "DIN NORM" (tiêu chuẩn hóa). Người học nghề còn phải học văn hóa, lại có cơ hội để học thêm về quản trị xí nghiệp nếu họ muốn, để sau này tự khởi nghiệp. Và học cả đạo đức kinh doanh. Một trong hai trường dạy nghề đầu tiên nổi tiếng của Phổ ở Berlin đã lấy lời của Christian Beuth đề làm khẩu hiệu cho trường: “Trường này chỉ để dành cho những người rất có khả năng, siêng năng, có tư cách đàng hoàng và có đạo đức; những người khác sẽ bị sa thải. Được gia nhập trường là một sự tuyên dương. Sự siêng năng kinh doanh không thể không đi kèm với đạo đức. Nhà trường không có hình phạt nào khác hơn sự sa thải khỏi trường”. Nhà văn Đức nổi tiếng Theodor Fontane cũng đã từng học ở đây. Nếu như Wilhelm von Humboldt là người đã làm cuộc cải cách giáo dục đại học và trung học đem lại sự vinh quang cho nền khoa học Đức, cung cấp cho nền công nghiệp Đức những nhà khoa học gia lỗi lạc để tạo sức bật bứt phá, thì Christian Beuth chính là người có công lịch sử lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển giáo dục dạy nghề, “tăng cường nội lực” dân tộc, và làm động lực cho công cuộc công nghiệp hóa của Đức thế kỷ XIX, chuyển đổi nền kinh tế từ đóng kín sang nền kinh tế thị trường mở.

Thế kỷ XIX, lúc nước Đức dốc toàn lực để canh tân và xây dựng đất nước vốn bị trì trệ, chạy đua với các cường quốc khác đã phát triển như Anh, Pháp, là thế kỷ có lẽ ấn tượng nhất trong sự phát triển về mọi mặt của nước này. Chính trong giai đoạn này mà rất nhiều tài năng đã xuất thân từ lớp người “thợ thủ công” ngành cơ khí như Krupp, Siemens, hay chế tạo máy như Borsig, Henschel, Dinnendahl… Họ là những người khổng lồ đã xây dựng cơ đồ cho nước Đức, là những “khai quốc công thần” trong kỹ nghệ. Ngành thủ công của Đức phát triển đều khắp, trở thành ngành “chiến lược” của Đức, cái nôi lao động tay nghề cao của công cuộc công nghiệp hóa. Tôi nghĩ ở Nhật Bản chắc cũng thế.

Ở Châu Âu, Đức có lẽ là nước có mạng lưới giáo dục nghề tốt nhất, dầy đặt nhất. Pháp có thể có số tiến sĩ đông hơn Đức, nhưng ngược lại lực lượng lao động được đào tạo nghề ở Đức là hùng mạnh hơn bất cứ nước nào. Không biết Mỹ đã thực hiện giáo dục nghề như thế nào, và ở mức độ nào, vì đất nước này có tinh thần “thực dụng” rất lớn.

Người Đức, tuy có sự kính nễ đến độ “kính sợ” trước những ai có cái chức danh “giáo sư”, nhưng lại rất xem trọng nghề thủ công, và sống rất hãnh diện với nó, không mặc cảm hay tự ti. Họ sống rất xứng đáng vì họ có những đóng góp rất lớn cho lợi ích của xã hội, kinh tế, nghệ thuật…. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng là người rất yêu ngành giáo dục nghề của Cộng Hòa Dân Chủ Đức [nhưng tiếc thay đến nay Việt Nam vẫn chưa học hỏi điều gì hữu ích từ Đức]. Người dân tận tụy với công việc với sự thái độ yêu nghề sâu sắc dù khó nhọc đến đâu. Không có nghề thấp kém hay làm cho con người thấp kém. Chỉ có con người với nhân sinh quan thấp kém. Chính những người thợ tay chân kia mới góp phần “làm sạch đẹp” xã hội và nâng cấp nó, và nâng cấp chính bản thân và gia đình mình, có ích cho toàn xã hội.

Dạy nghề không phải chỉ đơn thuần góp phần giải quyết nạn thất nghiệp cho thanh niên. Ngoài ý nghĩa to lớn, sống còn của nó đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nó còn có tính triết học, đạo đức cao. Thái độ của con người và xã hội, triết lý sống của dân tộc đối với công việc lao động thủ công chính là thước đo của đạo đức. Việt Nam, và có lẽ đa số các nước theo Khổng giáo, hay châu Á (trừ Nhật Bản), người ta coi khinh các nghề thủ công, chỉ xem trọng chữ nghĩa, để móng tay dài, để chứng tỏ mình là thuộc gia cấp “quý phái” không phải lao động chân tay. Thậm chí những người lao động tay chân cũng để móng tay dài! đề nghĩ rằng mình cũng thuộc loại hạng “sang”. “Trời tạo ra không ai sang hơn, hoặc hèn hơn" như Fukuzawa Yukichi nói, điều có thể áp dụng tại đây.

Việt nam cần nhanh chóng tiến tới "định chế hóa" việc giáo dục nghề, từ nghề xoàng đến các nghề cao cấp. Cần phải cưỡng bức giáo dục nghề cho thanh thiếu niên. Chỉ ai có bằng học nghề thành đạt mới có điều kiện hành nghề dễ dàng, và mới có đủ uy tín với các người chủ hay người sử dụng lao động, và đủ năng lực thực hiện công việc một cách tiêu chuẩn hóa. Họ là những người thả vào đâu làm cũng được việc, và chất lượng “như nhau”, tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Việt Nam cần khẩn trương học những tấm gương lịch sử sáng chói của Nhật Bản hay Đức, nếu thực sự muốn canh tân đất nước. Không có con đường nào khác hơn. Cần lập ngay những tổ nghiên cứu để học hỏi cụ thể và nghiêm túc từ hai quốc gia này, và thực hiện cho bằng được một công cuộc dạy nghề quy mô lịch sử cho đất nưóc. Đó sẽ là thế mạnh của quốc gia, và niềm vinh hạnh cho đất nước này (25/2/2008)
 

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Xanh