Một số ý kiến về Nghị quyết đổi mới chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông  

Vietsciences-  Nguyễn Lân Dũng    10/092014

 

 

         Tại sao có tình trạng bị kêu ca rất nhiều về tình trạng ngược với tinh thần Thực học và Thực nghiệp trong nền Giáo dục của nước nhà. Vì sao rất nhiều thanh niên muốn tiếp tục được học tập mà không có cơ hội?

        

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Phan Bội Châu

Cách đây 109 năm phong trào Đông Du do chí sĩ Phan Bội Châu được khởi xướng. Vào năm 1905 Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật gây dựng phong trào Đông Du. Đó là thời điểm nước ta đứng trước một yêu cầu bức thiết phải canh tân xứ sở và Phan tiên sinh cho rằng phải cử nhiều thanh niên sang Nhật Bản, nhằm tạo ra một lực lượng có thực tài làm nòng cốt cho sự nghiệp phục quốc. Cũng năm này cụ Phan đã hoàn thành trước tác Việt Nam vong quốc sử và sau đó 1 năm là trước tác Hải ngoại huyết thư. Kỳ vọng vào việc xây dựng lại đất nước theo hình mẫu của nước Nhật dưới thời Minh Trị, cụ Phan rất hâm mộ một nhà giáo dục và nhà tư tưởng danh tiếng thời đó là Fukuzawa Yukichi (cụ dịch là Phúc Trạch Dụ cát). Khác với các sĩ phu đương thời, cụ Phan không muốn tiến thân bằng con đường khoa bảng mà sẵn sàng xả thân vào sự nghiệp thương dân, cứu nước.  Fukuzawa cũng là người đi tiên phong trong việc đả phá tệ hại  của lối học hành hư văn. Ông đã từng viết : Lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày. Ông đề xuất chủ trương Thực học ( Jitsugaku) - nền học vấn gắn với đời sống con người. Fukuzawa đã sang Mỹ và châu Âu 3 lần và đã viết 3 tập của bộ sách Seiyô jijô (Tây dương sự tình) kể về các chuyện lạ mà ông đã lĩnh hội được từ các nước phương Tây.

Fukuzawa Yukichi

Mặc dầu khi đó nước Nhật đã giành được độc lập nhưng chính quyền Tokugawa đã ký kết những điều ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây, Fukuzawa cho rằng nền độc lập quốc gia chỉ có thể có được trên nền tảng tinh thần độc lập của từng người trong nước. Đó là tinh thần Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không cậy nhờ người khác...Biết phân tích phải trái một cách đúng đắn mà không ỷ lạo vào trí khôn của người khác... Dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy nhờ vào sức người khác... Fukuzawa đặc biệt quan tâm đến việc dùng biện pháp kinh tế để vừa duy trì độc lập vừa đưa Nhật bản lên hàng  ngũ các cường quốc. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù quân sự mà là kẻ thù thương mại, không phải là kẻ thù vũ lực  mà là  kẻ thù trí lực.

        

Trong các trước tác viết trong phong trào Đông Du cụ Phan đã phân tích rạch ròi : Dân trí thấp kém, dân quyền bị khinh bỉ và tình trạng thiếu đoàn kết là những nguyên nhân  đưa đến hiểm hoạ vong quốc ở Việt Nam. Cụ viết về nguyên nhân mất nước của ta là Một là Vua sự dân chẳng biết/ Hai là quan chẳng thiết gì dân/ Ba là dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai (Việt Nam  nghĩa liệt sử).

        

Bàn về Thực học, cụ Phan khuyên du học sinh:Việc học tập thành thạo các ngành binh công nông thương có nhanh cũng đến 5 năm, ta chớ lấy làm lâu! Muốn học được nghề nghiệp của các nước trước hết phải học tiếng nói, chữ viết, 1 năm, 2 năm cho quen tiếng, nhuần lưỡi, người có chí không lấy làm khó, mà cốt lên vũ đài văn minh mà thôi.

        

Cả Fukuzawa lẫn Phan Bội Châu đều mong muốn tiếp thu văn  minh nước ngoài với tinh thần khiêm tốn nhưng tích cực, chủ động, và sáng tạo để từng bước rút ngắn khoảng cách của nước mình với các nước tiên tiến.

        

Một trăm năm sau phong trào Đông Du ,chúng ta thấy rằng chủ trương Cách tân của Đông Du không khác gì nhiều với đường lối Đổi Mới mà nhân dân ta đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta chủ trương Làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, có nghĩa là không cứ gì Nhật Bản mà chúng ta chủ trương học hỏi kinh nghiệm và thành tựu của  mọi nước trên thế giới.

        

Chúng ta vui mừng vì hiện nay có tới hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, trong số này có tới trên 400 000 trí thức với không ít các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác nhau. Chúng ta cũng rất vui mừng vì hiện có tới trên 30 000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài, trong đó phần lớn là đi học bằng kinh phí tự túc. Chúng ta càng vui mừng hơn là nền giáo dục trong nước đang được ngày càng mở rộng. Càng vui mừng hơn là với tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, ngày nay mọi người nếu có kiến thức cơ bản về khoa học và biết ngoại ngữ đều có thể học hỏi một cách vô hạn khi  tìm kiếm tri thức trên mạng Internet

 

Nhìn chung, đâu là những bất cập chính trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta?

Nhân tham dự ngày khai trường tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Thủ tướng đã nêu lên một phần những hạn chế bất cập này. Thủ tướng chỉ rõ : giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học; việc tham gia vào các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế…

       

 Vì chất lượng GDPT chưa cao (mặc dầu tỷ lệ thi tốt nghiệp là rất cao) nên đầu vào của các trường Đại học và Cao đẳng chưa tương xứng với yêu cầu. Trong khi các ngành khoa học cơ bản là xương sống của nền khoa học nước nhà thì số thí sinh thi vào các ngành khoa học cơ bản ngày càng ít, với chất lượng ngày càng thấp. Đặc biệt với các ngành Khoa học xã hội thì với kết quả hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm 0 cho thấy một thực trạng hết sức đáng lo ngại về trình độ Tú tài của học sinh ta hiện nay. Chưa nói đến những yêu cầu cao siêu, chỉ xem một bức thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10, tuy chỉ có mươi dòng nhưng ngoài việc chữ rất xấu, viết hoa tùy tiện, còn thật đáng xấu hổ khi mắc những lỗi chính tả mà có lẽ học sinh tiểu học cũng không thể mắc phải (như viết ngỉ học, hôm lay, đơn lày, chong lúc. có ngịch, xa xút, em ngĩ, học xinh, nhà chường, cho lên, phụ hunh...) . Anh Jeffrey Thái một Việt kiều ở Mỹ  đã viết trên blog của mình như sau: Tôi là người sống xa xứ đã lâu, gần hai thập kỷ, và đã có một khoảng thời gian rất dài không có điều kiện để đọc chữ Việt, cho mãi đến khi chúng xuất hiện trên mạng Internet những năm gần đây.  Khi đọc lại tiếng Việt của ngày hôm nay, tôi đã "choáng váng" mà nhận ra rằng:  Nó đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể nhất ở khâu chính tả và diễn đạt, ở những bài viết mà tôi có dịp được đọc qua.  Tham gia các trang mạng xã hội Việt trong thời gian hơn một năm, tôi hiếm hoi đọc thấy một bài viết mà không có sai phạm về mặt chính tả và việc diễn đạt hoàn toàn trôi chảy theo đúng ngữ pháp tiếng Việt... Tôi vẫn còn nhớ vào những ngày còn đi học ở VN, tôi vẫn luôn được dạy để nhớ rằng:  Việc viết sai chính tả là một điều cực kỳ đáng xấu hổ.  Thế mà, giờ đây dường như mọi người "thoải mái" viết sai chính tả một cách rất... vô tư. 

Tôi cho rằng có rất nhiều bất cập khác nhau ,nhưng có lẽ nếu muốn khắc phục thì cần  khắc phục ngay mấy chuyện sau đây:     

        

Một là, cần hội nhập quốc tế về trình độ đào tạo cả ở bậc Phổ thông. Không có lý gì học sinh chúng ta không tiếp thu nổi vốn kiến thức chung mà học sinh các nước khác đang được truyền thụ. Càng không có lý gì với muôn vàn khó khăn về  trình độ giáo viên, về phòng thí nghiệm, về đời sống mà học sinh ta lại phải học một chương trình nặng nề hơn học sinh các nước khác. Cần rà soát lại và có so sánh cụ thể với chương trình của phần lớn các nước khác. Với thời đại thông tin phát triển như hiện nay đừng bắt bọn trẻ phải hao tổn trí tuệ để nhét vào đầu những con số thống kê vô hồn và thường xuyên biến động. những gì thầy cô cũng không nhơ nổi thì có lý gì bắt học sinh phải nhớ?

        

Hai là, cần chấn chỉnh xu hướng tốt nghiệp Trung học phổ thông nhất thiết phải cố bằng được việc thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Ngay các nước công nghiệp phát triển vẫn có rất nhiều học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông tự nguyện vào học tại các trường Trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề. Muốn vậy cần chấn chỉnh ngay nội dung chương trình và chất lượng đào tạo ở các Trường TH Chuyên nghiệp, các Trường Dạy nghề. Vì sao chủ các Doanh nghiệp, nhất là các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường phàn nàn là HS tốt nghiệp các trường này đều có tay nghề kém, hầu hết đều phải đào tạo lại tại ngay Doanh nghiệp đó. Tại sao trong Luật Giáo dục lại quy định Chương trình Dạy nghề thấp nhất  phải cần 3 tháng? Xin mời về thăm những Trung tâm dạy nghề ngắn hạn tại một số doanh nghiệp liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Tại đây thanh niên nông thôn được học các nghề rất thiết thực (như nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi ba ba, nuôi cá, trồng măng, trồng hoa xuất khẩu, trồng rau an toàn, trồng cây dược liệu, trồng nấm ăn , trồng nấm dược liệu...). Đăng ký nghề nào, học nghề ấy và khi có chứng chỉ tốt nghiệp thì sẽ được phép thường xuyên nhận giống má và  được tiêu thụ mọi sản phẩm làm ra. Thời gian vừa học , vừa thực hành đối với 1 nghề chỉ là ...vài tuần (!). nếu kéo dài hơn sẽ cũng chẳng còn có gì để dạy (!). Bạn trẻ nào thi trượt Đại học và muốn làm giàu ngay tại quê nhà, bằng chính sức mình, hãy thử liên hệ với các cơ sở này thông qua Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào hộ nông dân mà hiện tôi đang làm Chủ nhiệm (ĐT: 0903428308). Từ một nghề tự làm cho gia đình mình có thể trở thành chủ doanh nghiệp huy động lao động trong cả xã , thậm chí cả huyện và có thể có nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn.

        

Ba là, cần chọn khâu đột phá như xác nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục là Giáo viên. Không có lý gì Giáo viên tiếp tục dạy theo kiểu thày dạy trò ghi, kể cả bắt chép lại nguyên văn như trong sách giáo khoa (?). Không có lý gì còn tồn tại những giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn tiếp tục đứng lớp. Cũng không có lý gì bắt mọi giáo viên không được dạy thêm một cách hợp lý (không dạy tràn lan, chỉ dạy cho đối tượng học sinh quá kém, hay quá giỏi theo yêu cầu thực sự của học sinh và phụ huynh, không dành phần khó trong chương trình để dạy trong phần dạy thêm, không nhận mức thù lao bất hợp lý...). Giáo viên cũng là người lao động và theo Luật lao động họ có quyền làm thêm ngoài giờ phù hợp với năng lực của mình. Khó có thể tăng lương cho mọi giáo viên trong khi biên chế ăn lương từ ngân sách Nhà nước của mọi ngành còn quá nặng nề như hiện nay.

        

Bốn là , không có lý gì tách việc Dạy chữ với việc Dạy người. Điều đó không có nghĩa là tăng số giờ giàng dạy môn Đạo đức-Giáo dục công dân lên đến 630 tiết trong một năm học (như trong Dự thảo Nghị quyết của Bộ GD và ĐT). Xin nhớ là ngoài số giờ dành cho môn Đạo đức-Giáo dục công dân, còn có mỗi năm học 840 tiết cho môn Thể chất (?) . Trong khi tổng số giở mỗi năm học dành cho phân ban Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật chỉ vẻn vẹn có 700 tiết. Nếu chọn phân ban Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ thì mỗi niên học chỉ vẻn vẹn có 665 tiết (!). Dạy người phải lồng vào từng tiết học (lòng yêu nước, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, yêu khoa học). Dạy người phải thông qua tấm gương của từng thày cô giáo, đạo đức của cha mẹ và sự ổn định của toàn xã hội. Dạy người còn thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện, các chuyến tham quan, hoạt động của Đoàn Đội. Thật không thể hình dung nổi việc giao giảng đạo đức cắt khúc qua từng cấp, từng lớp như trong bản Dự thảo Nghị quyết của Bộ GD và ĐT.        

        

Một trăm năm trước các sĩ phu phải Đông du để hy vọng chấn hưng đất nước, nhưng lòng thành mà lực bất tòng tâm. Ngày nay với chính sách Đổi mới, với sựphát triển như vũ bão của Công nghệ thông tin chúng ta có biết bao cơ hội để mở rộng cánh tay đón nhận các thành tựu của khoa học, công nghệ, của kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Vấn đề mang tính quyết định là cần coi trọng Thực học (Học thật), Thực nghiệp (Làm thật) ngay từ bậc giáo dục phổ thông để có thể nhanh chóng nâng cao Dân trí, trọng dụng Nhân tài, phát huy mọi lực lượng của nhân dân, trí tuệ của thời đại để bứt phá ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, xứng đáng với vị trí của một quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, một quốc gia đã có những truyền thống hào hùng qua nhiều thời đại.

        

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu xem có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Có nên hay không?

 

Ý kiến Phó Chủ tịch Nước là xác đáng, bởi vì hai kỳ thi quá gần nhau, gây nên một sự căng thẳng quá lớn cho học sinh và phụ huynh học sinh. Mặt khác vì mong muốn học tiếp bậc Đại học hoặc Cao đẳng nên phần lớn học sinh chỉ tập trung học mấy môn dự định thi Đại học, Cao đẳng. Đến thời điểm công bố môn thi tốt nghiệp THPT thì học sinh không thể nào ôn tập kịp. Từ đó dẫn đến gian lận thi cử bằng các loại “phao”. Sự cố "Đồi ngô" ở Bắc Giang mà kỷ luật giáo viên thì chả công bằng chút nào, vì cả nước có biết bao "Rừng ngô" chứ đâu chỉ có ở Bắc Giang? Giáo viên thì thương học sinh, nhất là các học sinh giỏi một số môn sẽ thi Đại học, Cao đẳng cho nên có tâm lý châm chước cho học sinh. Đấy là chưa kể đến "bệnh thành tích" chắc là khó có thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Tất nhiên việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là bỏ một cách đơn giản . Càng không thể bỏ bằng tốt nghiệp THPT, một văn bằng đánh dấu một quá trình học tập quan trọng trong đời mỗi người và là cơ sở đánh giá để bước vào đời theo những con đường khác nhau. Đây là vấn đề cần thảo luận để có một lộ trình thích hợp.

Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta cần có phương án thay thế như thế nào để đánh giá đúng chất lượng dạy và học hiện nay?

Nếu bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT thì tất nhiên học sinh chỉ tập trung học các môn sẽ chuẩn bị thi Đại học, Cao đẳng và lơ đãng đối với mọi môn học khác. Chúng ta biết rằng kiến thức vào đời của mỗi người chỉ có nền tảng từ những năm ngồi dưới trường trung học mà thôi. Sau đó làm gì có cơ hội nào khác để học? Vậy phải làm sao vẫn có bằng tốt nghiệp THPT một cách xác đáng mà không cần thi? Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Đó là học sinh phải thường xuyên kiểm tra từng môn học và có ghi học bạ. Cuối từng năm học căn cứ vào học bạn mà các thầy cô giáo (những người nắm vững nhất từng học sinh của mình) quyết định cho lên lớp hay phải lưu ban. Với học sinh mọi lớp đều cần làm như vậy (thời chúng tôi đi học trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ mà vẫn làm được , sao bây giờ không làm đươc?). Hết lớp 12 Hội đồng Nhà trường sẽ xem xét một cách công minh đối với từng học sinh để có thể yêu cầu một số học sinh cần học lại . Những học sinh còn lại sẽ được đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục- đào tạo cấp bằng Tốt nghiệp PTTH. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy thực chất tại trường. Giáo viên phải có trình độ, phải nghiêm túc trong giảng dạy  và trong các kỳ kiểm tra giữa học kỳ.

 

Nếu chỉ xét học bạ để cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện chứng nhận tốt nghiệp?

 

Khi đã có kiểm tra thường xuyên, có Học bạ nghiêm chỉnh, công thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì khó có thể xảy ra các hiện tượng tiêu cực như chạy thầy, chạy cô hoặc chạy theo thành tích một cách vô lý. Trách nhiệm của các Sở GD-ĐT là theo dõi quá trình đánh giá của từng trường để có sự chấn chỉnh cần thiết. Sở giáo dục-đào tạo phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách Hội đồng các trường gửi lên xem có đúng không. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì nhất thiết không được xét tốt nghiệp. 

 Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng cũng như sự phát triển của ngành giáo dục không ?

 Nếu không tiến hành theo đề nghị trên đây của tôi thì vội vã bỏ thi sẽ phá hỏng hoàn toàn bậc học phổ thông (!).Thầy không muốn dậy, trò không thèm học .Và khi thầy cô giảng các môn mà học sinh không định hướng sẽ thi Đại học, Cao đẳng thì học sinh sẽ hoặc là bỏ học, hoặc là nói chuyện riêng hoặc là ngồi đánh cờ ca-rô với nhau.Tất nhiên sẽ có người nói nếu tiến hành kiểm tra nghiêm túc thường xuyên thì sẽ có không ít học sinh bị lưu ban. Trong điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở kinh tế của các trường và đời sống của đa số dân chúng hiện nay thì làm sao chấp nhận được việc để lưu ban nhiều học sinh. Đấy lại là một chuyện hoàn toàn khác! Đấy cũng là nguyên nhân cần đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục của nước ta hiện nay. Đây là một chuyện lớn mà tại Hội nghị vừa qua do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam tổ chức có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước, các nhà khoa học lão thành và đầy tâm huyết đã có nhiều kiến nghị hết sức xác đáng. Sắp tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẽ tổ chức phản biện nghiêm túc Đề án Đổi mới sự nghiệp Giáo dục trước khi được trình ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chúng ta cần có một chương trình sâu mà không nặng (hiện nay là rất nặng nhưng lại thấp so với nhiều nước trên thế giới). làm sao để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, mỗi kiến thức thu nhận được là quan trọng, là hữu ích nhưng lại dễ nhớ. Đừng bắt học sinh nhớ nhưng kiến thức không đáng nhớ hoặc thường xuyên thay đổi. Làm sao mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với thời đại internet thì sẽ có rất ít học sinh phải lưu ban, rất ít học sinh “ngồi nhầm lớp”

 

Kết quả thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ năm ngoái được đánh giá là cao,  đây có phải là tín hiệu mừng cho ngành giáo dục?

 Năm ngoái số điểm rất cao, nhiều trường phải nâng điểm chuẩn lên cao khác thường. Thậm chí có trường mà bình quân mỗi môn thi đạt tới 9 điểm mà vẫn không chắc đã được trúng tuyển. Có những học sinh đạt tới điểm 30, và nếu công thêm điểm ưu tiên sẽ thành ra tới 31 điểm. Không thể lấy đó coi như sự tiến bộ đột xuất của ngành Giáo dục. Vì vẫn chương trình ấy, vẫn các sách giáo khoa ấy, vẫn chất lượng cả thầy lẫn trò như vậy, lại còn tổ chức thi cử nghiêm túc hơn các năm trước thì điểm bình quân cao hơn chỉ có thể là đề thi dễ hơn, ít cần suy luận hơn, dựa vào học vẹt nhiều hơn mà thôi.

 

Hiện nay chúng ta cần làm gì để có thể đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa?

Theo quan điểm của tôi, chúng ta không cần phải đợi đến 2015 mới bắt đầu thay đổi chương trình dạy và học. Rồi sau đó là thí điểm chương trình, soạn sách giáo khoa, thí điểm sách giáo khoa.. Chắc là kéo dài hàng chục năm. Những thầy giáo U80 như chúng tôi chắc là không nhìn thấy kết quả.

Thực ra việc này đâu có quá khó khi số năm học của học sinh ta không khác nước ngoài, học sinh Việt Nam không kém thông minh, trên 1 triệu thầy cô giáo tuy còn rất khó khăn về đời sống nhưng vẫn luôn tận tụy yêu nghề, yêu trẻ. Vậy cần làm gì để có thể có sự chuyển biến ngay một cách mạnh mẽ và ổn định lâu dài? Tôi đề nghị giao việc biên soạn Chương trình Giáo dục phổ thông cho các Hội khoa học chuyên ngành (Toán , Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử , Địa, Ngôn ngữ..) Các Hội này sẽ liên kết với những thầy cô giáo giỏi ở bậc phổ thông để sớm làm ra những Chương trình đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Hội nhập quốc tế (không thua kém bao nhiêu với các nước phát triển); Chính xác nhưng phù hợp với hoàn cảnh nước ta; Phù hợp với trình độ dạy và học của thầy và trò, phù hợp với số giờ thực học; Có thể sử dụng ổn định lâu dài trong nhiều năm.Thực ra Bộ GD và ĐT chỉ cần mua (hoặc xin) Chương trình các môn học của một số quốc gia tiêu biểu (về trình độ tiên tiến và về hoàn cảnh không chênh lệch quá nhiều với nước ta, nghe nói Bộ hiện đã sưu tầm được 40 Chương trình như vậy rồi thì còn khó khăn gì mấy đâu). Khi Chương trình đó được thừa nhận một cách nghiêm túc thì việc biên soạn và in sách giáo khoa chỉ còn là công việc của các nhóm tác giả và các Nhà xuất bản, giống như ở nhiều nước khác (cuốn nào không theo đúng Chương trình sẽ không được in, cuốn nào viết dở sẽ ít được mua...) . Trong nền kinh tế thị trường Sách giáo khoa cũng là hàng hóa nhưng là loại hàng hóa được kiểm định chặt chẽ (như dược phẩm chẳng hạn). Nếu giải quyết được vấn đề này thì những bức xúc cơ bản trong ngành giáo dục sẽ được khắc phục.

        

Tôi muốn nói sâu hơn về những bất cập trong Chương trình và Sách giáo khoa hiện nay:

 

Tôi xin muốn dẫn chứng về một chuyên ngành mà tôi am hiểu. Đấy là chương trình và sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông: Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý: Rõ ràng là rất nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đưa ra ở đây rất "nông". Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả (!). Vừa nặng lại vừa thấp. Có lẽ đó là do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô. Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy trong cuốn Sinh học chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít. Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm, kể cả cuốn sách Sinh học dịch của tác giả R. Campbell dầy đến 1417 trang khổ lớn, vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược (nhiều vấn đề nhưng dàn trải, vấn đề nào cũng rất "nông"). Hơn nữa, ra đề thi Tốt nghiệp PTTH nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì thật vô cùng khó, vì cuốn sách giáo khoa lớp 12 quá... mỏng! Vấn đề nào hay đã bị hỏi trong các kỳ thi trước hết rồi. Các em đã học quá nhiều chuyên ngành (động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học...), trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó hiểu, vừa khó nhớ, lại không muốn học (vì ít khi có trong số các môn thi tốt nghiệp) thì hiểu sao được? Đã không hiểu thì còn nói gì đến nhớ (thế là lại phải cầu cứu đến "phao"). Nội dung di truyền học là rất khó, nếu giáo viên không hiểu kỹ thì rất khó làm cho học sinh có thể hiểu được. Xem kết quả các bài thi thì thấy rất rõ chuyện này. Và liệu rằng một cháu 12 tuổi ở nước ta có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn? Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước. Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal. Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học (Biologie) mà chỉ học môn Khoa học về sự sống và về Trái đất (Sciences de la Vie et de la Terre). Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về Trái đất nói chung. Về sự sống, học sinh sẽ hiểu khá sâu về tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, di truyền, tiến hóa... của thế giới sinh vật chứ không học sâu về bất kỳ nhóm sinh vật nào. Nhờ có thời gian nên có thể hiểu rất sâu cả những tiến bộ mới mẻ về di truyền, thậm chí về cả Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học. Còn ở Nepal, một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ rồi (thế hệ chúng tôi học hết phổ thông có 9 năm thôi). Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu. Chỉ có 4 phân ban: Quản trị & Kinh doanh, Xã hội & Nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh. Chỉ có ban Hóa-Sinh mới học Sinh học mà thôi. Chính vì vậy tôi giật mình khi mua 2 cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và lớp 12, mỗi cuốn trên 700 trang. Thế thì cần gì phải dạy thêm, học thêm nữa? Các nước Anh, Pháp, Australia... đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp. Trước đây, ta đã mời chuyên gia Australia sang giúp xây dựng một chương trình Sinh học theo hướng tích hợp. Không hiểu vì sao lại không được sử dụng! Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp. Không đi sâu vào từng nhóm sinh vật và càng không học phân loại (vừa khó nhớ lại vừa không cần thiết). Dạy sao cho học sinh có được hiểu biết chung về sự sống, kể cả những khám phá mới nhất về sự sống (tất nhiên bằng những khái niệm dễ hiểu và dễ nhớ). Chi tiết nào thầy không nhớ nổi thì đừng bắt học sinh phải nhớ. Đừng ngụy tạo ra quan điểm thay đổi như thế thì giáo viên không dạy được (!). Nếu thấy cần cho học sinh đa số rẽ ngang, không học tiếp đại học thì nên theo hướng phân ban sâu như Nepal. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Nên tổ chức các cuộc Hội thảo sâu sắc về nên phân ban sâu hay không phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay.

Tôi lại xin mạnh dạn nêu lên vài ý kiến về môn Lịch sử ở bậc phổ thông: Sự kiện có kỳ thi Đại học  hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử không thể coi là chuyện bình thường . Chúng ta biết rằng việc thi môn Sử chỉ có ở rất ít các Trường Đại học thuộc khối C. Nếu tất cả các thí sinh đều thi môn Sử thì con số điểm 0 chắc là phải lên đến hàng vạn bài (!). Nhẽ nào Sử học là khoa học thiếu hấp dẫn. Tôi có đứa cháu nội năm nay mới học hết lớp 4. Điều đáng nói là từ khi biết đọc cháu rất ham mê đọc các sách Lịch sử. Không phải là sách của trẻ em mà là các bộ lịch sử dày cộp của người lớn và 10 tập Lịch sử Việt Nam, cùng với các tập Tên đường phố của Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh… Cứ lúc nào rỗi là cháu lại ôm sách ngồi cầu thang đọc say mê và nhớ rất kỹ các sự kiện lịch sử (hơn cả tôi, một ông già đã 77 tuổi). Nhiều tài liệu cháu muốn có mà chưa xuất bản tôi phải nhờ đến cả sự giúp đỡ của anh Dương Trung Quốc. Như vậy không thể nói là Sử học là khoa học thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các thày cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú. Điều đó theo tôi có thể do các nguyên nhân sau đây:

 

Chương trình môn Lịch sử chưa thỏa đáng. Lịch sử nước Mỹ có từ năm 1776, nghĩa là cách đây chỉ 238 năm. Trong khi đó thì lịch sử nước ta đã trải qua nhiều nghìn năm. Vậy không có lý‎ gì chương trình môn Lịch sử lại dành quá nhiều thời lượng cho giai đoạn Lịch sử từ sau năm 1930 (đành rằng đó là một giai đoạn cách mạng rất quan trọng). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã viết: Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…

Môn Lịch sử thiếu hấp dẫn vì không làm nổi bật được vị thế hào hùng của các vị anh hùng dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.  Hồng Bàng,  Phù Đổng, Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu, Lý Bôn, Lý‎ Phật Tử, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý‎ Công Uẩn, Lý‎ Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huê, Bùi Thị Xuân, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Tán Thuật, Hoàng Hoa Thám…Tôi tin chắc rằng không ít người đang sống trên các đường phố mang tên các vị anh hùng dân tộc nói trên nhưng đã hiểu biết rất ít, thậm chí không biết gì về họ. Câu truyện về từng vị anh hùng cần làm nổi bật qua các Chuyện tranh, Truyện lịch sử, các Phim lịch sử, Phim hoạt hình… để ngấm dần vào lòng dân chúng. Không có lý‎ gì giới trẻ hiện nay thuộc lịch sử Trung Hoa , Hàn Quốc …hơn cả lịch sử nước ta. Các Bảo tàng Lịch sử, phải đổi mới nội dung để thu hút thường xuyên đông đảo nhân dân đến xem và tham gia các sinh hoạt văn hóa. Vì sao Bảo tàng Dân tộc học sinh sau đẻ muộn mà lại có tấp nập người trong và ngoài nước đến thăm với những cảm tình thích thú ?

Tôi nghĩ thầm: Không hiểu các nhà sử học đầu đàn, nếu không dở tài liệu ra mà phải viết ngay lời giải cho các câu hỏi nói trên thì liệu sẽ được …mấy điểm? Nhận xét về đề thi năm 2013, PGS. TS Quang Bích lại khẳng định : đề Sử năm nay vẫn ra theo dạng để cho học sinh học thuộc bài, không có câu nào đỏi hỏi phải phân tích, so sánh, đánh giá. Theo PGS. TS Quang Bích, từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá là một quy trình, những năm trước đề Sử thường rất khó và mỗi năm điểm kém nhiều, Hội đồng đề phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội, đụng đến các em lại bị thiệt thòi về điểm. “Chúng ta không biết rằng sự “thiệt” đó là do đâu mà luôn luôn đổ tại đề. Có ai đi tìm nguyên nhân học sinh học Sử như thế nào đâu? Tôi nghĩ do chịu sức ép nên đề năm nay “hạ nhiệt” xuống rất dữ dội, nhưng lại hạ nhiều quá, do vậy chủ yếu đề năm nay là hỏi thuộc bài. Hỏi thuộc bài dẫn đến tâm lí cứ SGK học thuộc lòng là có thể làm được bài. Do vậy, không có mục tiêu đòi hỏi sự so sánh, đánh giá, nhận xét, vẫn bắt học sinh học thuộc. Học thuộc thì không một cái đầu của nhà sử học nào có thể thuộc hết được sự kiện lịch sử” PGS. TS Quang Bích đã thẳng thắn phát biểu nư vậy .Không cứ gì chỉ có Khối C mới cần thi môn Lịch sử. Thiếu gì các ngành học khác như Kinh tế, Ngoại thương, Ngoại giao, Quân đội, Công an…đều rất cần kiến thức Lịch sử khi bước vào công tác (và cả môn Địa lý‎‎ nữa ) khi bước vào hoạt động thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Nếu năm nào không thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (rất phổ biến, vì không bao giờ hai năm liền có thi môn Lịch sử) thì có thể biết chắc là học sinh đánh cờ ca- rô khi nghe thầy cô giảng Lịch sử và chắc chắn không hề mở sách giáo khoa ra lần nào trong năm học cuối. Thi vào Đại học là kiểm tra trình độ văn hóa, trình độ nhận thức. Tôi không hiểu có bao nhiêu nước trên thế giới chia ra các khối ABCD…như ở nước ta hay không?

 

Nếu tôi nói về văn học, có thể những người thuộc lĩnh vực này sẽ khó chịu. Nhưng thực tình, tôi phải chịu đựng hậu quả của việc dạy văn trong nhà trường. Tôi chịu trách nhiệm mục Hỏi gì đáp nấy của báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều chương trình Hỏi đáp của VTV, HTV.... Hàng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của các em học sinh phổ thông. Nhưng các em viết sai chính tả đến không thể tưởng tượng được, bệnh “ngoài da” viết là “ngoài ra”, câu không có chấm, phẩy, sai hết ngữ pháp cơ bản. Thế thì học văn để làm gì. Học văn ở phổ thông theo tôi nên nhằm giúp để các em viết cho đúng, viết cho hay và biết hưởng thụ, yêu thích văn học. Tôi xin phép nói rằng, tôi cảm thấy học sinh đang học văn học sử với các trích đoạn rời rạc. Sang Mỹ, tôi gặp một học sinh lớp 10 đang đọc cuốn Chiến tranh và Hòa bình dày cộp (xin nói thêm, đó là sách mượn của Thư viện chứ không phải mua). Tôi hỏi tại sao, nó trả lời rằng thầy giáo bảo phải đọc hết mới trả lời được các câu hỏi. Trong khi ở mình thì thấy một tí Lão Hạc, một tí Mùa Lạc, một tí Chị Dậu… Tôi không hiểu học như thế để làm gì? Có những tác phẩm tuy có giá trị lịch sử cao nhưng trúc trắc, khó nhớ như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, thơ của Á nam Trần Tuấn Khải… Tôi không hề coi thường những trước tác ấy, nhưng đấy là những tác phẩm dành cho người nghiên cứu, hoặc sinh viên chuyên khoa chứ đâu cần cho học sinh (!). Chương trình ngữ pháp phổ thông thì vô cùng rắc rối. Nói thật, cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng không trả lời được câu hỏi: “Ngừng nghỉ tiếng chim kêu - Câu này là câu gì?”.

Phân tích cú pháp là việc của các nhà ngôn ngữ, của các sinh viên ngữ văn chứ… Không hiểu loại câu hỏi này trong các lần tái bản sách giáo khoa đã được thay đổi hay chưa? Những môn học có nhiều số liệu cần học thì đâu còn hợp so với thời đại ngày nay. Giờ đây, người ta chỉ cần học kiến thức cơ bản, số liệu không cần nhớ. Chỉ một cú click chuột vào mạng là biết ngay. Các cụ thường nói: Nên đào tạo những bộ óc chứ không nên đào tạo những tủ sách!

Không riêng gì ngành Sử học , Văn học mà tất cả các ngành khoa học cơ bản khác hiện rất ít thí sinh đăng k‎ý dự thi Đại học. Thật là nguy hiểm. Khoa học cơ bản là nền móng của các ngành kinh tế xã hội của một quốc gia. Chúng ta không cần thật đông sinh viên thi vào các ngành này, nhưng phải là những sinh viên ưu tú. Muốn vậy phải có chính sách đặc biệt cho các ngành khoa học cơ bản. Sinh viên các ngành này được miễn học phí, được học các thầy cô giáo thật sự giỏi giang, khi tốt nghiệp được ưu tiên phân công về các vị trí công tác thích hợp…

        

Theo Dự thảo tờ trình của Bộ GD và ĐT thì sẽ có chuyện tích hợp ở cấp  TH Cơ sở ba môn Lý- Hóa- Sinh thành môn Khoa học tự nhiên và tích hợp hai môn Sử Địa thành môn Khoa học xã hội. Điều cải tiến này đã hợp lý hay chưa?

 

Sau khi tích hợp như vậy số giờ cho ngần ấy môn gộp lại chỉ có 3 tiết một tuần. Nghĩa là phần Sinh học các em chỉ được học mỗi tuần có 45 phút. Đừng quên là hạnh phúc của mỗi người là được trang bị kiến thức cơ sở trong quãng đời học dưới mái trường phổ thông. Lên cấp III đã phân ban rồi cho nên nếu ở cấp II mà mỗi môn khoa học có từng ấy tiết thì liệu sẽ có dung lượng kiến thức được bao nhiêu. Vấn đề là cần xem lại có cần quá nhiều thời gian cho ba môn Đạo đức -Giáo dục công dân, Thể chất, Nghệ thuật. ba môn này chiếm đến 5 tiết mỗi tuần, mà đáng lẽ ra nên dành nhiều thời gian để xếp vào các hoạt động ngoại khóa đầy hứng thú. Thủ tướng yêu cầu sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng Bộ GD và ĐT giữ quyền lập Chương trình như vậy thì liệu có mấy ai muốn đứng ra biên soạn Sách giáo khoa Tự nhiên và Sách giáo khoa Xã hội. Tôi thấy các nước họ tích hợp kiểu khác. Ví dụ ở Pháp họ đã tích hợp Khoa học Sự sống với khoa học Trái đất thành môn học Sciences de la Vie et de la Terre, chứ có đâu tích hợp như Dự thảo của Bộ GD và ĐT. Xin Bộ cho biết có những nước nào trên thế giới đã tích hợp như vậy và với số tiết tương tự hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án: TH cơ sở 5 năm và TH cơ sở 4 năm. Liệu phương án nào hợp lý hơn?

Tôi tán thành phương án 1. Vì hai năm cuối mới nên phân ban. Hạnh phúc của mỗi đời người là được trang bị kiến thức phổ thông trong thời gian ngồi trên ghế của nhà trường phổ thông. Nếu phương án 2 mà chỉ phân ban ở lớp 11, 12 thì tôi cũng đồng ý, nhưng như vậy thì chả khác gì phương án 1.  Khi ở Quốc hội tôi đã phản đối việc gọi THCS, THPT, nó chả nói lên ý nghĩa gì cả. Lâu nay ta gọi Cấp I, Cấp II, Cấp III,  rất rõ ràng và có sao đâu mà phải thay đổi. Tăng lên 5 năm ở Cấp II để phân ban sâu ở cấp III là hợp lý. Vấn đề là nên tham khảo việc phân ban sâu của Nepal, một nước nghèo hơn ta nhưng kết quả của hệ thống giáo dục lại rất tốt.

 

Để kịp tiến độ công bố phương án chốt vào đầu năm học mới, hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực lấy ý kiến về kỳ thi quốc gia qua các kênh trên tinh thần làm sao để kỳ thi sẽ không gây xáo trộn quá lớn, quá khó cho học trò. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số chuyên gia giáo dục và giáo sư đầu ngành đã cho rằng, người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong câu chuyện này chính là các thí sinh, do đó, dù có hay không có “kỳ thi quốc gia” thì học sinh cũng không thể trở thành “chuột thí nghiệm” của người lớn.

Tôi cho rằng, cả ba phương án do Bộ đề ra đều không hợp lý. Tôi rất tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là đừng vội khẳng định sẽ dùng một trong ba phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu. Phương án 1 thi theo môn: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; thí sinh phải đăng ký 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Thi 4 môn dẫn đến học sinh sẽ học lệch và sẽ hình thành hai loại giáo viên: Giáo viên dạy môn sẽ thi và giáo viên dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò. Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay. Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT. Tôi chưa thấy nước nào thi theo kiểu tích hợp 11 môn thành 4 bài thi như thế này. Hơn nữa các môn Ngữ văn, Toán (tương lai cả môn Ngoại ngữ nữa) đều rất quan trọng không thể thi ghép vào các môn khác.

Việc coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia và các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả này để xét tuyển sinh viên cho trường mình thì tôi càng không thể đồng tình. Tôi nhất trí cao với hai ý kiến của GS. Đào Trọng Thi và GS. Ngô Bảo Châu. GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng được làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh thì không được, bởi Luật Giáo dục ĐH đã giao cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh rồi".

 

Còn GS. Ngô Bảo Châu thì đánh giá: "Theo tôi được biết thì từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi ĐH của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không. Không những vậy, kỳ thi chung này còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH. Nói như vậy không phải là kỳ thi “ba chung” sẽ có tiêu cực, song Bộ sẽ khó kiểm soát khi ôm hết việc tuyển sinh của các trường ĐH. Trong khi đó, kỳ thi ĐH mặc dù thi đề riêng hay đề chung thì các trường vẫn có quyền tự quyết và họ sẽ có trách nhiệm hơn khi đang tuyển sinh cho chính mình, trường nào cũng muốn tuyển cho mình những sinh viên tốt nhất".

Luật Giáo dục ĐH quy định quyền tự chủ của các trường ĐH cho nên nhất thiết không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. Mỗi trường có một yêu cầu riêng về tuyển sinh cho nên đấy là công việc của từng trường, Bộ chỉ cần giao chỉ tiêu tuyển sinh và kiểm tra việc thi cử xem có nghiêm túc hay không mà thôi.

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr   Nguyễn Lân Dũng