Vấn đề: Báo Tuổi trẻ
(09-11-2006) cho biết: Theo dự thảo đề án học phí trong các cơ sở
giáo dục quốc dân mới được Bộ Giáo dục – Đào tạo soạn thảo, học phí sẽ
tăng ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo từ năm 2007. Bộ GD-ĐT đánh
giá “so với mức học phí hiện hành, mức tăng học phí bình quân ở các
cấp học và trình độ đào tạo từ trung học cơ sở đến sau đại học
đều tăng đáng kể từ 4-10 lần”. (http://www.tuoitre.com.vn/...)
Quan điểm chúng tôi:
Trả
lời phóng viên Mai Lan (SGGP, 2-12-06) về vấn đề “học phí (HP) và công
bằng xã hội (CBXH)” để sinh viên (SV) có thể được hưởng thụ giáo dục đại
học (GDĐH), GS Phạm Phụ cho biết: “Cung cấp tài chính cho GDĐH là một
trong vài nội dung cơ bản của cải cách GDĐH phổ biến trên thế giới trong
suốt vài thập kỷ qua. Trong đó bài toán CBXH luôn là vấn đề “đau đầu”
của hầu hết các nước. Để giải quyết bài toán này, khoảng 10 năm gần đây,
nhiều nước như Anh, Úc, Thái Lan… đã nghiên cứu và áp dụng chính sách
cho SV vay vốn với mức lãi suất thấp, chỉ phải trả sau khi tốt nghiệp và
có việc làm với một mức lương tương đối khá, trong thời gian 10-20 năm.
Nghĩa là, chuyển sự chi trả của SV từ hiện tại sang tương lai và Nhà
nước gánh phần lớn rủi ro cho họ.” (LAD nhấn mạnh).

GS Phạm Phụ (Đại học Bách khoa TP.HCM)
(Ảnh mượn của
www.vnn.vn/giaoduc/vande/2004/02/52249/)
Khuôn
khổ trả lời phỏng vấn có lẽ không cho phép GS Phụ nói rõ chi tiết để
giúp người dân VN dễ nhìn được cụ thể chính sách cho SV vay vốn ấy hoạt
động ra sao, thực sự giúp ích các gia đình nghèo thế nào. Vì vậy, chúng
tôi xin lấy ngay trường hợp nước Anh (như GS Phụ đã nêu) để tham khảo
cho bài toán HP ở nước ta.
Thủ
tướng Anh có một website chính thức, tên gọi là “10 Downing Street” --
lấy tên từ địa chỉ tư dinh và văn phòng của ông Tony Blair -- có thể
truy cập tại: http://www.number-10.gov.uk. Từ đây (tại trang
.../Page5135.asp), ta có thể tìm được các dữ liệu về chính sách cho SV
vay nợ ở Anh.
Cải cách GDĐH không phải là tăng thêm
gánh nặng HP
Dự
luật GDĐH (the Higher Education Bill) được đưa ra Hạ viện Anh (the
House of Commons) ngày 8-1-2004 (xem toàn văn tại:
http://www.publications.parliament.uk/pa/cm200304/cmbills/035/2004035.htm).
Đây là một nội dung nằm trong các kế hoạch cải cách GDĐH (plans to
reform higher education) của chính phủ Anh, nhưng cải cách GDĐH ở
Anh không phải là tăng thêm gánh nặng HP, tăng thêm sức ép với người
dân, tăng thêm nguy cơ SV bỏ giảng đường. Các biện pháp cải cách GDĐH
được khẳng định là nhằm: (1) bảo vệ các SV nghèo nhất ở cả bậc đại học
và sau đại học; (2) giúp đỡ cha mẹ họ; và (3) cho các trường đại học
được tự do, được đầu tư theo nhu cầu ngõ hầu cạnh tranh với các đại học
tốt nhất trên thế giới. (The measures are designed to protect the
poorest students and graduates, help parents of students, and give
universities the investment and freedom they need to compete with the
best in the world.)
Được chuẩn phê ngày 1-7-2004, Dự luật ấy chính thức mang tên Đạo luật
GDĐH 2004 (the Higher Education Act 2004) và có hiệu lực thi
hành từ tháng 9-2006. Theo đó, SV nghèo được hưởng quyền lợi như sau:
1. Bãi bỏ mọi khoản phí trả trước
(up front fees
removed).
Trước khi nhập học và trong suốt thời gian học, SV hay cha mẹ SV không
phải đóng bất kỳ khoản phí nào.
2. SV chỉ bắt đầu trả nợ sau khi ra trường và
chỉ khi nào đã kiếm được trên 15.000 bảng Anh mỗi năm.
Cái ngưỡng phải trả nợ (repayment threshold)
hiện nay là 10.000 bảng. Khi tăng ngưỡng trả nợ lên 15.000 bảng, chính
phủ giúp SV tốt nghiệp trả nợ mỗi năm được bớt đi 450 bảng.
3. Tiền trả nợ không tính theo số
nợ vay: nợ dù lớn cũng không buộc hàng tuần phải trả nhiều tiền cho
tương ứng, mà chỉ tùy theo thực tế thu nhập. Lương ít
trả nợ ít, lương nhiều trả nợ nhiều. Nếu thất nghiệp, hay nếu lương dưới
15.000 bảng/năm, khỏi phải trả nợ. Việc trả nợ thông qua hệ thống thuế
vụ.
4. SV nghèo, cha mẹ thu nhập thấp, mỗi
năm được
chính phủ trợ cấp 2.125 bảng không phải hoàn lại.
5. Nợ vay của SV không
được
tính lãi. Chính phủ trợ cấp
chi phí cho vay. Do đó, dù SV tốt nghiệp phải nghỉ việc (career
break) hay phải kéo dài
thời gian trả nợ, họ cũng không bị “phạt” (penalised).
Trường hợp lạm phát, chính phủ sẽ định một lãi suất (rate of interest)
để đảm bảo tiền trả nợ tương thích với khoản đã vay. Và đó thực sự cũng
là CBXH.
6. Văn phòng
bảo vệ quyền công bằng
được
vào đại học
(OFFA: the Office
for Fair Access;
http://www.offa.org.uk)
là cơ quan công quyền, ở ngoài các bộ, hoạt động độc lập, nhằm bảo vệ SV
nghèo. Các trường đại học phải ký một thỏa ước (an access agreement)
với OFFA mới có thể tính HP mỗi năm cao hơn 1.125 bảng. OFFA cũng buộc
các trường đại học áp dụng HP cao phải dùng số thu nhập thặng dư làm các
khoản trợ cấp (bursaries)
cho SV nghèo.
Bảng sau đây cho thấy quy định mức trả nợ của SV tùy theo mức lương:
Lương gộp/ năm (£ = bảng Anh) |
Thu nhập/tuần |
Trước 9-2006:
Trả nợ / tuần
(% trả nợ / lương) |
Từ tháng 9-2006:
Trả nợ / tuần
(% trả nợ / lương) |
£10.000 |
£192 |
£0,00 (0,0%) |
£0,00 (0,0%) |
£15.000 |
£288 |
£8,65 (3,0%) |
£0,00 (0,0%) |
£16.000 |
£308 |
£10,38 (3,4%) |
£1,73 (0,5%) |
£17.000 |
£327 |
£12,12 (3,7%) |
£3,46 (1,0%) |
£18.000 |
£346 |
£13,85 (4,0%) |
£5,19 (1,5%) |
£19.000 |
£365 |
£15,58 (4,3%) |
£6,92 (1,9%) |
£20.000 |
£385 |
£17,31 (4,5%) |
£8,65 (2,2%) |
£25.000 |
£481 |
£25,96 (5,4%) |
£17,31 (3,6%) |
£30.000 |
£577 |
£34,62 (6,0%) |
£25,96 (4,5%) |
Với chính sách này, chính phủ đã buộc các trường đại học “khoan sức dân”
(mượn lời Nguyễn Trãi) để mở rộng cánh cửa đại học và sau đại học cho
người nghèo, khuyến khích lớp trẻ đi học để có thêm nhân tài cho đất
nước, tạo điều kiện cho SV mới ra trường vừa trả được nợ vừa đảm bảo
cuộc sống vì tỷ lệ trả nợ rất thấp và chính sách hoàn nợ hợp lý, hợp
tình.
Nghịch lý giáo dục VN thời hậu WTO?
Thách thức của VN thời hậu WTO là hàng nhập các loại sẽ phong phú hơn,
chất lượng cao hơn và giá rẻ hơn hàng trong nước, tức là hàng nội
sẽ phải tìm cách bán bằng hoặc rẻ hơn hàng ngoại để tồn tại. Thế nhưng,
trong lãnh vực giáo dục thì khác: đã vào WTO rồi, giá cả giáo dục VN cần
phải … đẩy cao lên để tăng sức cạnh tranh! Người dân dễ hiểu thế khi xem
báo thấy GS Phụ giải thích: “Vả lại VN cũng đã vào WTO, nước
ngoài sẽ đến VN để đầu tư vào GDĐH với học phí rất cao và “chi phí đơn
vị” lên đến 3.000, 5.000 USD… GDĐH VN cũng như chất lượng nguồn lao động
được đào tạo sẽ không đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh đó. Do vậy, thiết
nghĩ, cần phải tăng học phí.” (LAD nhấn mạnh).
Đại đa số dân nghèo chắc khó “thông” được nghịch lý giáo dục VN hậu
WTO, dẫu cho ý kiến của GS Phụ là khoa học!


Sinh viên nghèo luôn canh cánh nỗi lo
học phí mỗi khi làm thủ tục nhập học.
(Ảnh mượn của Đại học Hà Nội:
www.hufs.edu.vn/student_news/...)
Đặt ra một chính sách giáo dục đúng, công bằng, hợp lòng dân là tạo một
đòn bẩy hiệu quả để xây dựng đông đảo nhân tài cho đất nước, là tạo sức
bật lâu dài và vững vàng cho dân tộc. Bài toán HP không thể nằm ngoài lý
lẽ ấy. Tha thiết mong được như vậy thay!
03-12-06
Bài
đã đăng tuần san SGGP thứ Bảy số 819,
ngày 9-12-2006.