Bàn về việc thưởng tiền cho nghiên cứu sinh có bài báo quốc tế

Vietsciences- Nguyễn Đăng Hưng            16/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Thưởng 1000 USD/bài báo
Bàn về việc thưởng tiền cho nghiên cứu sinh có bài báo quốc tế
Sáng kiến 1.000 đô la tiền thưởng
Thưởng 1.000USD/bài báo - không phải việc của Nhà nước


Trong buổi thăm và làm việc với trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội ngày 23/9 Phó Thủ tướng (PTT) kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ thưởng 1.000 USD/lần, cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Cũng trong dịp này PTT cho biết trường ĐHQG Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương này.

Trong bối cảnh tụt hậu từ mấy thập kỷ nay tại Việt Nam ta, song song với ý kiền cần phải có bài báo đăng báo quốc tế mới được bảo vệ luận văn tiến sỹ, đây là một ý kiến tương đối mới mẻ, một tín hiệu tích cực. Tín hiệu tích cực vì người đứng đầu các quan chức bộ GD-ĐT đã thấy được sự khiếm khuyết trầm trọng của nhân tố quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trong nội dung các luận văn tiến sỹ được bảo vệ trong nước. Sự kiểm định quốc tế chính là thước đo đảm bảo chất lượng của các công trình khoa học. Ở đây ông PTT muốn nói không với tình trạng tụt hậu về phát triển khoa học.

Tuy nhiên, cũng như chiến dịch nói không với tiêu cực trong giáo dục, một lần nữa, ông PTT thấy bóng tối của đường hầm nhưng chưa tìm ra được ánh sáng của lối đi ra. Thật vậy, cũng như TS Nguyễn Quang A mới đây đã viết trên báo điện tử Tuần Tin Tức - Vietnamnet, tôi cũng rất buâng khuâng vì thấy chưa chắc đây là giải pháp tốt nhất cho việc khuyến khích nghiên cứu khoa học. Xin đơn cử thêm những lý do sau đây :

1. Việc quan trọng nhất cho việc khuyếch trương học thuật, khuyến khích nghiên cứu khoa học là tạo cho được một môi trường thông thoáng, thân thiện, cởi mở, là xây dựng những trường phái, những cây cỗ thụ đích thực, xứng đáng làm chỗ dựa cho tuổi trẻ dấng thân vào con đường khoa học. Vì vậy cái phải được ưu tiên khuyến khích chính là cơ sở từ đó phát xuất ra bài báo, là ê kíp có người đầu đàn đã âm thầm lao động nghiêm túc và bài bản từ nhiều năm để thoát thai ra những cá nhân có trình độ quốc tế. Việc ưu tiên là tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cơ sở khoa học này có điều kiện phát huy: luơng bỗng, phòng thí nghiệm, thiết bị, tạp chí khoa học, tài chính phụ cấp tài trợ cho việc tham gia hội nghị khoa học quốc tế... Khi đọc một luận văn tiến sỹ, việc quan trọng nhất là phải biết luận văn được bảo vệ ở đâu, do giáo sư nào hướng dẫn, phát xuất từ ê kíp khoa học nào. Khi đọc một bài báo khoa học, nên chú ý tác giả cám ơn ai trong phần mở đầu. Khoa học ngày nay luôn luôn dựa trên khoa học hôm qua, một bài báo được đăng báo có chất lượng quốc tế luôn luôn phát xuất từ những người đi trước, đầu tiên và quyết định nhất là giáo sư hướng dẫn, người có khả năng nắm bắt trình độ quốc tế, thấu hiểu và cập nhập thường xuyên những bước tiến của lĩnh vực mình...

2. Những nhà khoa học chân chính là những người có lòng đam mê khám phá, có tình yêu khoa học. Phần thưởng quan trọng nhất mà nhà khoa học mong mỏi là được giới khoa học trong lĩnh vực mình công nhận tôn vinh. Phần thưởng này trước hết phải đến từ giới khoa học quốc gia cũng như quốc tế, từ uy tín của những giải thưởng. Uy tín của những giải thưởng luôn luôn đi theo uy tín của hội đồng khoa học bao gồm những nhà khoa học đã được quốc tế thừa nhận qua những thành quả đã công bố lâu hằng thập kỷ. Bởi vậy, phải có một hội đồng có chuyên môn tương ứng, vừa độc lập với chính quyền, vừa có uy tín quốc tế. Nếu tiền thưởng chỉ là ban phát theo kiểu phong trào, phân phối đại trà thì không sớm thì muộn sẽ có những hậu quả nguợc lại. Nhà khoa học chân chính thường không chạy theo tiền thưởng và lợi nhuận thuần tuý. Mọi khám phá thể hiện qua một bài báo quốc tế thường là kết quả của quá trình lao động miệt mài. Một bài báo có giá trị có chất lượng quốc tế cần không những trình độ cao cấp, tư duy sắt bén mà còn là khả năng đeo đuổi bám sát không mệt mỏi, đầu tư sức lực, trí tuệ và tài chính. Phải nói thật một ngàn đô la cho công sức bỏ ra là quá khiêm tốn. Không khéo sẽ có rất đông người được thưởng mà họ không phải là tác giả những công trình khoa học, những phát minh, sáng chế được công động khoa học công nghệ chân chính thừa nhận.

3. Ngoài ra, những ai đã từng nghiên cứu khoa học đăng báo quốc tế đều biết rõ không phải báo Âu Mỹ nào cũng có chất lượng cả. Ngành nào cũng có có thượng vàng hạ cám. Bởi vậy, việc làm trước tiên là xác định các tiêu chí cần thiết, xác định cho mỗi ngành, cho từng lĩnh vực danh sách những tờ báo thật sự có chất lượng, những tạp chí có hội đồng thẩm định nghiêm túc. Muốn làm việc này phải tham khảo các chuyên gia, các nhà khoa học thực thụ, các bậc thức giả khách quan vô tư. Ở đây, nhất định không thể ngồi bàn giấy hay cởi ngựa xem hoa mà ra quyết định được. Ở đây, cần phải làm thực, làm chuyên nghiệp, càng ít hành chính càng có hiệu quả... Hiện nay, theo chỗ tôi biết đã có những báo khoa học quốc tế, không có hội đồng không thẩm định, chỉ cần đóng chửng 100 đô la là được đăng. Không khéo Việt Nam sẽ có lạm phát bài báo quôc tế vì 900 đô la thặng dư đấy !

4. Một chi tiết nhỏ nữa cần thêm ở đây. Tại sao một biện pháp khuyến khích nghiên cứu khoa học, sử dụng công quỹ quốc gia lại chỉ áp dụng tại trường ĐH Quốc Gia Hà Nội hay những trường trọng điểm? Không hiểu tại sao tính bình đẳng trong cơ may, cơ sở căn bản của tinh thần xã hội nay lại lần lần bị bỏ quên như thế ? Tôi nghĩ cũng phải để ý đến những trường ĐH khác, các đại học miền Trung, vùng đồng bằng sông Cữu Long, những vùng trũng, vùng gồ ghề dốc núi, đã quá lâu bị thiệt thòi đủ thứ. Còn phải nghĩ đến những trường dân lập hay tư thục nữa. Tai sao ta vẫn cứ tiếp tục phân biệt đối xử đối với các trường có nhân tố tư nhân ? Đừng quên nhân tài càng ngày càng hướng về các cơ sở tư nhân, kinh tế sản xuất cũng như giáo dục đào tạo. Xu hướng tất yếu này chính là sự điều tiết của thị trường sau những tác hại kéo dài của cơ chế bao cấp.

Cuối cùng tôi nghỉ là quyết định này sẽ là một tin vui thật sự cho giới trẻ khoa học Việt Nam nếu trong giai đoạn triển khai, các cơ quan chức năng có cơ chế và biện pháp cần thiết để ý, nhất là giải toả được những vấn nạn trên đây.

Liège, Bỉ quốc ngày 1/10/2008
 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Đăng Hưng