Trò chuyện về đánh giá khoa học và sở hữu trí tuệ

Vietsciences-  Nguyễn Văn Tuấn    06/09/2014

 


Xin giới thiệu một bài “trò chuyện” giữa tôi và phóng viên báo Lao Động tuần vừa qua. Phóng viên gửi đến rất nhiều câu hỏi, và tôi tưởng họ đăng hết nhưng trong thực tế chỉ đăng vài câu! Thật ra, bài phỏng vấn chẳng có dính dáng gì đến vụ kiện gây ồn ào gần đây do Trường ĐH Tôn Đức Thắng khởi xướng, nhưng báo Lao Động lại để bài phỏng vấn trong mục vụ kiện đó! Đây là bản gốc và xin giới thiệu cùng các bạn.

http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/08/tro-chuyen-ve-anh-gia-nha-khoa-hoc-va.html

Lao Động (LĐ): Người ta thường hay nói môi trường khoa học rất bình đẳng. Xin hỏi Giáo sư trong khoa học có phân biệt đẳng cấp không?
 

NVT: Cộng đồng khoa học cũng như bất cứ cộng đồng quần thể nào, đều có tổ chức và tôn ti trật tự. Nghiên cứu khoa học có công trình với phẩm chất cao, nhưng cũng có công trình với phẩm chất làng nhàng. Như anh thấy, trong hệ thống khoa bảng, người ta phân biệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảng viên. Sự phân biệt đó đều có tiêu chuẩn. Nhưng mỗi đại học có tiêu chuẩn riêng của họ. Vì thế, đẳng cấp trong khoa học không chỉ thể hiện qua phân tầng nhà khoa học mà còn phân nhóm các trường đại học và các viện nghiên cứu. Trường đại học nằm trong bảng “top 100” (hay đẳng cấp quốc tế) phải khác với trường làng nhàng về nhiều khía cạnh khoa học và danh tiếng. Nhà khoa học hàng đầu phải khác với nhà khoa học làng nhàng về mức độ đóng góp và danh tiếng. Do đó, câu trả lời ngắn là: khoa học có đẳng cấp.
 

LĐ: Xin Giáo sư cho biết thế nào là nhà khoa học hàng đầu? Lấy tiêu chuẩn gì để xác định là nhà khoa học hàng đầu?
 

NVT: Cái gọi là “nhà khoa học hàng đầu” và những tính từ tiếng Anh đi kèm như eminent, prominent, renowned, well-known, celabrated, distinguished,world-class, v.v. là sản phẩm của truyền thông, của PR, chứ chẳng có tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định ông A là nhà khoa học hàng đầu còn bà B thì không. Tuy nhiên, đối với người trong ngành, người ta có thể đánh giá đẳng cấp một nhà khoa học qua công bố quốc tế, tầm ảnh hưởng của nghiên cứu, và sự ghi nhận của đồng nghiệp trong ngành.
Công bố quốc tế thể hiện qua số bài báo khoa học, và những tập san khoa học mà nhà khoa học thường công bố, và tần số trích dẫn. Những nhà khoa học nổi danh quốc tế thường có một bề dày nghiên cứu khoa học rất tốt, có người có cả 300-600 bài báo khoa học. Nhưng con số bài báo không quan trọng bằng chất lượng, và chất lượng phản ảnh qua tập san. Nếu một nhà khoa học công bố toàn trên các tập san hàng đầu (có impact factor [IF] cao) thì rõ ràng là thuộc đẳng cấp cao, còn một nhà khoa học chỉ công bố trên tập san làng nhàng hay IF thấp thì thuộc đẳng cấp thấp. IF không phải là chỉ số hoàn hảo, nhưng là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng tập san mà nhà khoa học công bố. Tầm ảnh hưởng thì có thể đánh giá qua số lần trích dẫn. Nếu hai nhà khoa học cùng ngành và có cùng thời gian nghiên cứu, nhưng nếu ông A có hơn 10,000 trích dẫn, còn ông B chỉ có 1000 trích dẫn thì rõ ràng đẳng cấp của họ rất khác nhau.
Nhưng đó là những cách đánh giá mang tính định lượng, cần phải có đánh giá định tính. Những chỉ số định lượng trên cần phải kết hợp với ý kiến khách quan của các chuyên gia trong ngành thì mới có một đánh giá chính xác hơn. Tuy nhiên, với các nhà tuyển dụng và đánh giá hồ sơ thì những chỉ số trên được xem như là tiêu chí hàng đầu để xếp hạng nhà khoa học.
LĐ: Nếu một nhà khoa học có 200 bài báo khoa học. Theo Giáo sư, ý nghĩa của số lượng công trình khoa học là như thế nào?
NVT: Con số này chẳng có ý nghĩa gì nếu không phân chia theo thể loại. Có nhiều người nói họ có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng họ tính cả những bài trong hội nghị, những bài trong kỉ yếu hội thảo, báo cáo nội bộ, v.v. nên làm cho đánh giá khó khăn. Khi nói “bài báo khoa học” hay papers, giới khoa học chỉ nói những bài công bố trên các tập san có bình duyệt trong hệ thống danh mục ISI, hoặc những bài có tiêu chuẩn khoa học tương tự. Những bài trong kỉ yếu hội nghị hay báo cáo kĩ thuật không bao giờ được xem là “bài báo khoa học” vì không qua quá trình bình duyệt nghiêm chỉnh.
 

LĐ: Còn chất lượng thì sao, thưa Giáo sư?
 

NVT: Chất lượng khoa học rất quan trọng. Con số bài báo khoa học chỉ phản ảnh mức độ hoạt động nghiên cứu, chứ không phải chất lượng. Nhà khoa học có thể rất tích cực trong nghiên cứu, nhưng nghiên cứu không có tác động cao thì không thể được đánh giá cao. Cách đánh giá chất lượng tốt nhất là đọc bài báo và xem xét chi tiết trong đó. Nhưng đối với nhiều nhà tuyển dụng họ không có thì giờ để đọc hàng ngàn bài của hàng trăm ứng viên, nên họ có con đường tắt: xem chỉ số IF của tập san.
Có những nhà khoa học nổi tiếng chỉ có vài chục bài nhưng trên toàn những tập san danh tiếng như Science, Nature, Cell, PNAS, v.v. thì đó là một thể hiện về đẳng cấp và chất lượng hơn những người có hàng trăm bài trên các tập san loại xoàng. Tôi biết nhiều nhà khoa học có hàng trăm bài trên các tập san ISI, nhưng chẳng có bài nào trên các tập san loại “đỉnh”, và do đó rất khó xem là có đẳng cấp quốc tế.
 

LĐ: Trong quyển sách “Đi vào nghiên cứu khoa học”, Giáo sư có đề cập đến chỉ số H của một nhà khoa học. Chỉ số H của các nhà khoa học là gì và ý nghĩa ra sao, thưa Giáo sư?
 

NVT: Đây là một chỉ số giới khoa học hay ưa dùng. Năm 2005, nhà vật lí học Jorge Hirsch (Đại học California - San Diego) đề xướng chỉ số H để đánh giá tầm ảnh hưởng của một nhà khoa học. Chỉ số H được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn. Nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 10 có nghĩa là nhà khoa học này có 10 bài báo với mỗi bài được trích dẫn ít nhất là 10 lần trở lên. Chỉ số H thường khác nhau giữa các ngành, nên người ta phải chuẩn hoá, và cách chuẩn hoá là lấy ngành vật lí làm chuẩn.
Như tôi nói, đại đa số giới khoa học sử dụng chỉ số H để đánh giá một nhà khoa học. Kinh nghiệm tôi cho thấy các hội đồng đề bạt chức danh, các cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học, các nhà tuyển dụng, v.v. đều dùng chỉ số H để đánh giá. Cá nhân tôi, khi làm đơn đề bạt chức danh giáo sư, người ta yêu cầu tôi phải báo cáo chỉ số H và so sánh với những đồng nghiệp có cùng chức danh. Theo cách hiểu chung, là giáo sư khá phải có chỉ số H từ 20 trở lên. Một nhà khoa học xuất sắc thường có chỉ số H trên 30. Có một nghiên cứu cho thấy trong số các nhà khoa học y sinh học, vật lí học, hóa học từng chiếm giải Nobel thì thấy 84% có chỉ số H trên 30. Phân tích trên 147 nhà khoa học ở Hà Lan cho thấy hệ số tương quan giữa chỉ số H và uy tín cũng như số lần trích dẫn lên đến 0.90. Dù chỉ số H vẫn chưa hoàn hảo vì vấn đề đa tác giả và thời gian, nhưng nói chung chỉ số H có tương quan đến tầm ảnh hưởng và danh tiếng của nhà khoa học.
 

LĐ: Ngoài các chỉ số định lượng, còn yếu tố nào khác để đánh giá nhà khoa học?
 

NVT: Ngoài các tiêu chí định lượng, còn có những tiêu chí khác mà giới khoa học dùng thuật ngữ “recognition” (tạm dịch là “thừa nhận”) để mô tả chung. Thừa nhận ở đây có nghĩa là được mời viết tổng quan cho các tập san danh tiếng có IF cao, được mời giảng hoặc chủ toạ trong các hội nghị lớn, được mời giảng bài khoáng đại trong các hội nghị. Ngoài ra các giải thưởng do các hiệp hội khoa học trao tặng cũng là một tín hiệu cho thấy nhà khoa học có đóng góp quan trọng. Cần phân biệt với các giải thưởng mang tính cộng đồng vì nó không có giá trị khoa học. Ở Úc có những giải thưởng cao quí như AO, AM do Nhà nước trao tặng, nhưng trong khoa học những giải thưởng đó không quan trọng bằng những giải do các hội đoàn chuyên môn trao tặng.
 

LĐ: Nhưng ý kiến đánh giá của đồng nghiệp cũng quan trọng chứ, thưa Giáo sư?
 

NVT: Dĩ nhiên, ý kiến của đồng nghiệp là quan trọng, nhưng đồng nghiệp thường không khách quan, và đánh giá của họ cũng tuỳ thuộc vào bối cảnh. Trong khoa học, đồng nghiệp quen nhau thường khen nhau vì họ muốn giúp nhau. Tôi đọc hàng trăm thư giới thiệu (reference letters) ứng viên, tôi không thấy thư nào đánh giá nghiêm chỉnh về ứng viên, mà chỉ toàn là khen, có khi khen “tận mây xanh” mà tôi nghi ngờ là không thật. Có lần chúng tôi xem xét một ứng viên chức danh giáo sư được các đồng nghiệp đánh giá rất cao, nhưng chỉ số H của ứng viên chỉ 11 và số trích dẫn chưa đầy con số 500, nên chúng tôi biết những đánh giá của đồng nghiệp là không chính xác. Ngược lại, có đồng nghiệp có thể do có vấn đề cá nhân, nên khi tôi hỏi họ thì toàn nghe những đánh giá tiêu cực, có khi quá đáng mà tôi biết là không đúng. Do đó, đánh giá của đồng nghiệp trong ngành tuy quan trọng nhưng chỉ có tính bổ sung, chứ rất khó dựa vào đó mà quyết định được.
 

LĐ: Theo Giáo sư, sản phẩm trí tuệ là gì?
 

NVT: Đây là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, theo cách hiểu chung của giới khoa học thì sản phẩm trí tuệ là những ứng dụng ý tưởng để phát triển thành một cái gì mới và nguyên gốc (original). Những “cái gì” có thể là một bài báo khoa học, phương pháp phân tích mới, sáng chế mới, một thương hiệu, thiết kế, hay sản phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, trong khoa học có những cái không được xem là sản phẩm trí tuệ. Những dự án mang tính cơ sở vật chất, như xây phòng lab mới, xây dựng bộ môn mới, xây dựng nhóm nghiên cứu, làm tạp chí mới, v.v. thì không phải là sản phẩm trí tuệ. Nhưng bản thiết kế xây dựng và bản đề cương cho các đề án thì có thể xem là sản phẩm trí tuệ.
 

LĐ: Nếu đề cương của đề án được phát triển, thì đó là sản phẩm của tác giả hay của nhà trường?
 

NVT: Tôi nghĩ là sản phẩm của cả hai. Ý tưởng trong đề án là của tác giả, nhưng tài liệu đề cương là của trường. Do đó, chúng ta thấy khi nhà khoa học nghỉ việc, họ không được đem theo những đề cương đã phát triển ở trường cũ. Bệnh viện tôi công tác mấy năm trước sa thải một bác sĩ cao cấp, và bệnh viên niêm phong tất cả tài liệu ông đang có trong văn phòng, vì họ sợ ông đem những đề cương nghiên cứu sang chỗ khác. Dĩ nhiên, ông bác sĩ có thể đem ý tưởng đi và phát triển đề cương mới, nhưng ông không có quyền đem đề cương sang chỗ khác.
 

LĐ: Nếu Giáo sư công bố một bài báo khoa học trên một tập san, ai là người chủ của bài báo, Giáo sư hay là trường đại học mà giáo sư đang công tác?


NVT: Trong công bố khoa học, khái niệm “chủ” hay “sở hữu” hơi khó để phân định, vì trong thực tế ít ai đặt ra vấn đề này. Khi tôi công bố một bài báo khoa học, đó là một sản phẩm trí tuệ, thì tôi là sở hữu chủ của ý tưởng trong bài báo. Nhưng nhà xuất bản thường thường giữ tác quyền (copyright) những hình ảnh, biểu đồ, bảng số liệu, v.v. trong bài báo! Điều này có nghĩa là sau này nếu tôi muốn sử dụng các biểu đồ trong bài báo đó tôi phải xin phép nhà xuất bản! Trường đại học nơi tôi công tác không phải là sở hữu chủ của bài báo, nhưng trường có quyền xem đó là bài báo của trường vì trong địa chỉ công tác tôi có ghi tên trường. Lí do đơn giản là vì tôi làm nghiên cứu dùng cơ sở vật chất của trường, có thể do trường trả lương, và tôi cũng có khi nhờ thương hiệu của trường. Do đó, trường có quyền liệt kê bài báo của tôi như là một sản phẩm của trường.
 

LĐ: Nhưng nếu nhà khoa học có hơn một địa chỉ công tác trên bài báo thì nơi nào là sở hữu chính?
 

NVT: Điều anh nói là tình trạng một nhà khoa học có nhiều nơi công tác hay “affiliation”. Affiliation rất quan trọng đến thương hiệu. Chẳng hạn như khi tôi công bố nghiên cứu, tôi có đến 3 hay 4 affiliation (tuỳ theo công trình) như Viện Garvan, Bệnh viện St Vincent, Đại học UNSW, Đại học UTS, v.v. thì mỗi nơi đều có quyền liệt kê bài báo của tôi như là sản phẩm của trường. Còn nơi sở hữu chính là nơi tôi làm nghiên cứu. Đó chính là lí do tại sao trong các bảng xếp hạng đại học “top 200”, người ta tính cả những công trình mà các nhà khoa học đã từng thực hiện tại trường trong quá khứ dù hiện nay nhà khoa học không còn công tác ở trường nữa. Do đó, kí tên một bài báo hay một đề cương dưới danh nghĩa một trường đại học cũng có nghĩa là đồng ý để nhà trường xem đó là sản phẩm trí tuệ của họ.
 

LĐ: Nếu Giáo sư sáng chế ra phương pháp và có khả năng thương mại hoá, Giáo sư có được sở hữu 100% giáo trị thương mại?
 

NVT: Câu trả lời đơn giản là: không. Đụng đến tiền bạc thì các trường đại học và viện nghiên cứu rất … quan tâm. Nếu tôi phát minh ra một phương pháp, đăng kí bằng sáng chế, và thương mại hoá thì số tiền thu được từ sản phẩm sẽ được chia giữa tôi và trường đại học. Tỉ lệ chia thì còn phụ thuộc vào qui định từng nơi, nhưng thường thường trường lấy nhiều hơn nhà khoa học. Có trường qui định tỉ lệ 60-40 (trường hưởng 60%, nhà khoa học hưởng 40%), nhưng cũng có vài nơi “rộng rãi” hơn. Nhưng nói chung, nhà khoa học không được hưởng 100% vì sản phẩm trí tuệ còn là của trường.
 

LĐ: Giáo sư có thể mang sáng chế sang đại học khác, và trường cũ không còn hưởng?
 

NVT: Nếu tôi chuyển sang trường khác, thì trường cũ vẫn hưởng phần trăm như qui định, bởi vì họ xem đó là sản phẩm của họ, và tôi vẫn hưởng lợi tức như qui định, không có gì thay đổi. Trường mới không dính dáng gì đến bằng sáng chế mà tôi làm ở trường cũ, trường mới không thể hưởng bất cứ lợi tức gì từ bằng sáng chế của tôi.
 

LĐ: Vấn đề sỡ hữu trí tuệ đối với những đồng tác giả của một sản phẩm khoa học thì được hiểu như thế nào, thưa Giáo sư?
 

NVT: Cái này còn tuỳ theo thoả thuận của nơi công tác. Thông thường khi làm chung trong nhóm, ai cũng biết ai là tác giả chính và ai là tác giả phụ, nên việc đứng tên đăng kí bằng sáng chế không có vấn đề gì. Chẳng hạn như có bài báo có đến 6 tác giả, nhưng khi đăng kí bằng sáng chế thì chỉ có 3 người đứng tên. Nếu có tranh chấp tác giả thì phải dựa vào tiêu chuẩn quốc tế ICMJE để xác định ai đủ tư cách tác giả. Thông thường để đứng tên tác giả một sản phẩm trí tuệ thì phải đáp ứng ít nhất 2 tiêu chuẩn chính: có đóng góp về ý tưởng và thiết kế, và soạn thảo văn bản đầu tiên.
 

LĐ: Liên quan đến đề tài sở hữu trí tuệ, có quan điểm cho rằng tạp chí khoa học là của nhà khoa học, trường đại học không được đụng đến. Giáo sư nghĩ quan điểm đó đúng không?
 

NVT: Tôi nghĩ quan điểm đó không đúng với những gì tôi biết trong thực tế. Trước hết, “nhà khoa học” là ai? Kế đến, thế nào là “của”, tức sở hữu. Nếu hiểu sở hữu chủ có nghĩa là ông chủ điều hành và quán lí, thì thông thường các hiệp hội chuyên ngành và thỉnh thoảng trường đại học là sở hữu chủ tạp chí khoa học. Nếu tạp chí do nhà xuất bản lập ra thì sở hữu chủ là nhà xuất bản. Chắc chắn tạp chí khoa học không phải của một cá nhân nhà khoa học! Ngay cả nhà khoa học trong vai trò tổng biên tập cũng không phải là sở hữu chủ của tạp chí. Thật ra, cá nhân nhà khoa học chẳng có quyền gì trong tạp chí khoa học. Ngay cả nộp bài cho tạp chí còn phải trả tiền, và khi bài đã đăng thì bản quyền lại thuộc nhà xuất bản. Đây chính là một xung đột giữa nhà xuất bản và nhà khoa học, nhưng đây là một đề tài khác.
 

LĐ: Trong quá trình làm nghiên cứu, chắc Giáo sư đã nhận được nhiều sự tài trợ. Trách nhiệm của Giáo sư đương nhiên là phải làm ra sản phẩm khoa học như đã cam kết. Ngoài ra, Giáo sư còn quan tâm vấn đề gì nữa không?
 

NVT: Thật ra, ở các nước phương Tây, các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu khoa học không đòi hỏi nhà khoa học phải làm ra sản phẩm gì, hay công bố bao nhiêu bài báo và công bố ở đâu. Tuy nhiên, họ kì vọng phải có sản phẩm trí tuệ, và sản phẩm phải có chất lượng. Còn tiêu chuẩn về chất lượng thì như tôi đã đề cập trong phần đầu.
Trong khoảng 20 năm nay, nhiều tổ chức tài trợ yêu cầu nhà khoa học phải ghi lời cảm tạ tổ chức tài trợ ở bất cứ sản phẩm nào và bất cứ nơi nào có dùng dữ liệu liên quan đến tài trợ của họ. Có tổ chức có hẳn những cách viết mà nhà khoa học phải tuân theo. Nhưng các nhà khoa học nói chung đều có đạo đức tốt và lòng tự trọng cao, nên dù không có yêu cầu, họ vẫn ghi cảm tạ trong tất cả sản phẩm trí tuệ họ có được từ tài trợ.

https://www.facebook.com/drtuannguyen/posts/10203025469544768

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences2.free.fr   Nguyễn Văn Tuấn