Những bài
cùng tác giả
Giải Nobel vật lý 2008
Khởi động máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới nhằm tìm
hiểu sự hình thành của vũ trụ
Ngày mồng 10 tháng 9 vừa qua, một tin khoa học nóng
hổi và quan trọng hàng đầu vừa xẩy ra ở Trung tâm Âu
châu Nghiên cứu Hạt nhân (CERN) đặt ở biên giới
Pháp-Thụy sĩ cạnh thành phố Genève, một sự kiện mà
các nhà vật lý và thiên văn toàn cầu hồi hộp đợi chờ
từ hơn mười năm qua. Hôm ấy bắt đầu khởi động máy
gia tốc hạt LHC (Large Hadron Collider) nằm sâu hơn
trăm thước trong lòng đất với chu vi 27 cây số. Khắp
năm châu duy nhất chỉ có máy này làm đầu tầu thế
giới - trong đó các hạt nhân nguyên tử proton
(hadron) đạt tới năng lượng cực cao (large) va chạm
nhau (collider) - để khám phá, đào sâu tìm hiểu,
thống nhất các định luật cơ bản tận cùng của vạn
vật, gói ghém trong một ngôn từ ngắn gọn gọi là Mô
hình Chuẩn của các hạt cơ bản[1]. Nền tảng của mô hình
chuẩn dựa trên sự hiện hữu thiết yếu của hạt Higgs[2]
vô hướng, tràn ngập không gian để cung cấp khối
lượng cho tất cả các hạt khác khi tương tác với nó.
Tựa như một đại dương vô hạn tràn đầy một cái gì
(hạt Higgs), ở trong đó khi các hạt cơ bản khác (như
electron, proton) dao động sẽ bị cản trở và di
chuyển chậm đi như mang theo một khối lượng. Khám
phá ưu tiên của LHC là việc săn tìm hạt cơ bản
Higgs[3] này, hạt tạo ra khối lượng cho vạn vật, đề
tài mũi nhọn, chìa khóa mở đường cho sự thống nhất
hoà quyện giữa hai trụ cột của vật lý hiện đại,
Lượng tử với Tương đối (hẹp và rộng). Thực vậy xin
nhắc lại khối lượng là căn nguyên khởi đầu cho sự
xuất hiện của không gian và thời gian, của vật chất,
của vũ trụ. Không có khối lượng tức là năng lượng -
thuyết tương đối hẹp, qua phương trình
E = mc² của
thế kỷ, chẳng bảo cho ta là năng lượng và khối lượng
tuy hai mà một sao ? - thì chẳng có gì hết, kể cả
không gian và thời gian trong đó vận hành vạn vật,
bạn cùng tôi. Khối lượng tạo ra không gian và thời
gian ư? Vâng thuyết tương đối rộng bảo ta thế, toàn
bộ Không gian, Thời gian, Lực, Vật chất chẳng sao
tách biệt, cặp không-thời gian (cái vỏ chứa) và cặp
lực-vật chất (cái được chứa) chồng chéo gắn kết bên
nhau, cấu trúc không phẳng mà cong uốn của
không-thời gian (cái vỏ) được xây dựng bởi chính cái
nội dung vật chất chứa đựng trong vỏ. Năng lượng là
gốc nguồn chung cho tất cả, từ đó vật chất, lực,
không gian, thời gian được tạo dựng nên[4]. Thuyết
tương đối rộng đã được kiểm chứng vô cùng chính xác
bằng thực nghiệm ngay từ năm 1919 (ánh sáng bị uốn
cong bởi mặt trời, cùng với hiện tượng tuế sai của
quỹ đạo hành tinh Thủy quay chậm 43’’ trong một thế
kỷ), chứng nghiệm mới đây nhất của thuyết này là Hệ
thống Định vị Toàn cầu (GPS) trang bị các phương
tiện vận tải trên trời dưới biển, kể cả điện thoại
di động và iPod. Trên vệ tinh GPS, thuyết tương đối
rộng (hẹp) bảo cho ta đồng hồ tích tắc nhanh (chậm)
hơn so với mặt đất, mà sự chính xác khoảng một phần
ngàn tỷ giây của nhịp độ đồng hồ là điều kiện tối
quan trọng cho GPS thành công[5]. Sự co dãn thời gian
của các vật chuyển động khác nhau, tiên đoán bởi
thuyết tương đối, đã được thực nghiệm kiểm chứng
nhiều lần với độ chính xác cực kỳ. Còn lượng tử, trụ
cột thứ hai của vật lý ? xin nhắc rằng một phần ba
tổng sản lượng kinh tế của cường quốc số một thế
giới hiện nay có gốc nguồn từ những ứng dụng trực
tiếp của công nghệ lượng tử với vi điện tử, quang
điện tử, spin-điện tử mà điện thoại và máy vi tính
di động tân kỳ chỉ là tảng băng nổi. Tất cả minh họa
biết bao ứng dụng thực tiễn trong đời sống con người
hầu hết khởi đầu từ những công trình nghiên cứu
thuần cơ bản. Ngoài hạt Higgs ra, còn bao câu hỏi
thâm sâu khác đang đợi chờ câu trả lời bởi thực
nghiệm ở LHC, trong đó xin tạm kể:
(i) Đâu rồi phản vật chất ? Sự hiện hữu của phản vật
chất là hệ quả sâu sắc nhất của bản giao hưởng tuyệt
vời giữa tương đối hẹp và lượng tử. Máy chụp hình
nổi PET (Positron Emission Tomography) trong y học
ngày nay là một ứng dụng trực tiếp của hạt positron
(phản electron) để rọi sáng chi tiết vi mô trong não
bộ. Số lượng vật chất và phản vật chất phải bằng
nhau, chẳng cái nào nhiều hơn cái nào vì vài phút
sau Big Bang từ năng lượng thuần khiết ban đầu,
chúng đều được hình thành theo từng cặp. Mà vật chất
chính là nguyên tử, khí và thiên thể giăng đầy vũ
trụ ngày nay, còn phản vật chất lại chẳng thấy tăm
hơi, tại sao vũ trụ ngày nay lại chỉ có vật chất? Đó
là một bí ẩn của mô hình Big Bang vì ba lực (mạnh,
điện từ và hấp dẫn) trong bốn tương tác cơ bản đều
tuân theo luật đối xứng vật chất-phản vật chất (đối
xứng CP) không có sự dị biệt giữa chúng. Chỉ tương
tác yếu mới vi phạm phép đối xứng CP, theo đó tương
tác yếu của phản vật chất và của vật chất không
giống y hệt nhau mà khác đôi chút. Sự khác biệt đó
được diễn giải hoàn hảo trong mô hình chuẩn hạt cơ
bản và được kiểm chứng vô cùng chính xác bằng thực
nghiệm. Nhưng sự vi phạm nhỏ của phép đối xứng vật
chất-phản vật chất trong các phòng thí nghiệm trên
trái đất không giải thích nổi về mặt định lượng tại
sao trong vũ trụ ngày nay, vật chất lại áp đảo toàn
diện phản vật chất, tại sao cái này lại biến đi ngay
từ trong trứng nước thời Big Bang ? Tại sao mô hình
chuẩn hạt cơ bản thành công mà mô hình chuẩn vũ trụ
Big Bang lại thất bại trong cách diễn giải sự vi
phạm đối xứng CP ? Đó là đề tài nghiên cứu ưu tiên
của LHC cùng với sự săn tìm hạt cơ bản Higgs.
(ii) Năng lượng tối
(mang tính chất đẩy ra) để làm
dãn nở vũ trụ, cái năng lượng tối đầy bí ẩn này chưa
ai biết là gì tuy nhiên nó chẳng phải do vật chất
tạo thành mà lại mang đặc tính năng lượng của chân
không và chiếm đến chừng 73% năng-xung lượng trong
hoàn vũ.
(iii) Vật chất tối
(mang tính chất hút vào) nắm đến
23% khối lượng trong vũ trụ, nó không bức xạ mà chỉ
có vai trò giữ cho các thiên hà góp thành chùm chứ
không tung bay khắp phía, khác lạ với vật chất bình
thường (chỉ chiếm khoảng 4% khối lượng vũ trụ) của
những thiên hà sáng ngời mà ta quan sát được, một đề
tài nóng hổi của vũ trụ học và vật lý hạt cơ bản.
(iv) Không gian chỉ có ba chiều sao ? Siêu dây là
thuyết duy nhất đầu tiên trong vật lý xác định được
con số D = 10 chiều của không-thời gian (trước siêu
dây, số chiều 4 của không-thời gian ta quen dùng chỉ
là một định đề tiên nghiệm ta tự cho ta, do cảm nhận
và quan sát) minh họa không-thời gian là bộ phận
chẳng thể tách rời khỏi vật chất mà thuyết tương đối
rộng đã hé mở cho ta thấy. Sáu không gian còn lại bị
cuốn tròn quá nhỏ để ta không quan sát được trong
đời sống hàng ngày. Máy gia tốc LHC tìm kiếm gián
tiếp không gian ẩn này, qua cái gọi là hiện tượng
‘bất bảo toàn năng lượng ảo’, vì ta chẳng đo lường
nổi một phần năng lượng bị thu hút vào cái không
gian ngoại vi đó. Dẫu mang quá khứ huy hoàng, hoạt động khoa học và
nghiên cứu ở Âu châu - quê hương của Lượng tử và
Tương đối mà hơn ai hết Max Plank và Albert Einstein
đã đóng góp vào - bị lu mờ phần nào trong nửa thế kỷ
sau Đệ nhị Đại thế Chiến 1939-1945 thảm khốc và phân
hoá Đông-Tây. Năm nay 2008 mở đầu một bước ngoặt
đánh dấu sự phục hưng của nền vật lý ở châu lục này
mà sự nghiệp xây dựng nên CERN quả là một bài học
vượt xa đối tượng khoa học thuần tuý. Trên cánh đồng
hoang ở Ferney-Voltaire biên giới Pháp-Thụy sĩ, ngay
sau Thế chiến này nhiều nhà vật lý Âu châu di tản
khắp nơi vì nạn phát xít đã trở về cố hương cùng
đồng nghiệp ở lại xây dựng nên Trung tâm Âu châu
Nghiên cứu Hạt nhân. Vì hòa bình và phát triển qua
nghiên cứu cơ bản, với sự hỗ trợ tích cực của một số
chính khách Pháp, Đức, Anh có tầm nhìn xa, họ đã
chung sức mở đường cho sự hồi sinh và hoà giải của
các nước Âu châu. Vì mỗi nước riêng lẻ không sao đủ
nhân sự và phương tiện để hoàn thành sứ mạng, nguyên
tắc tổ chức của CERN - tập hợp đóng góp tài năng,
ngân quỹ từ nhiều nước châu Âu - đã tiên phong làm
mô hình cho nhiều ngành hoạt động khác phỏng theo từ
thiên văn, sinh học, thậm chí cả kinh tế, chính trị
(CERN ra đời nhiều năm trước Liên hiệp Âu châu).
Mạng lưới toàn cầu (world wide web) của internet ra
đời ở CERN khoảng năm 1990 là một trong nhiều thành
công kỳ diệu từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng của
cơ quan này, máy chụp hình scanner trong y học, kỹ
thuật siêu dẫn điện từ dùng trong máy LHC là vài thí
dụ khác. Năm 1992 (đúng 500 năm sau khi Columbus
khám phá ra châu Mỹ) máy gia tốc hạt SSC
(Superconducting SuperCollider) đầu tầu thế giới về
vật lý hạt cơ bản đang được xây ở Dallas, Texas (Mỹ)
bị cắt đứt hỗ trợ. May thay CERN được sự đồng tình
ủng hộ của các chính quyền Âu châu, quyết tâm thay
thế sự hẫng hụt này và trong mười năm xây dựng nên
LHC (http://public.web.cern.ch/Public/) để mở đầu
chu kỳ thăng trầm rời Mỹ sang Âu của ngành vật lý
hạt mũi nhọn này. Hơn nữa CERN còn giang tay đón mời
sự cộng tác của những tài năng đến từ khắp mọi miền
trên trái đất, đặc biệt những nước đang phát triển
để tận mắt tận tay học hỏi rồi sáng tạo. Một cơ hội
ngàn vàng đối với Việt Nam. Nếu tham gia vào đề án
khổng lồ này, với những đóng góp khiêm tốn của mình,
Việt Nam sẽ có một chứng minh hùng hồn và thuyết
phục trước thế giới về một chính sách Đổi Mới quan
trọng trong Nghiên cứu Khoa học. Hàn quốc thời xa
xưa khi còn hàn vi cũng tham gia vào CERN. Sự tham
gia đó sẽ mở ra triển vọng lớn để các tài năng trẻ
Việt Nam tiếp cận nghiên cứu quốc tế trong chương
trình cực kỳ quan trọng LHC này, ở những lãnh vực
thuộc biên giới của tri thức nhân loại đang nóng
bỏng. Đó chẳng phải là quốc sách để nâng vị trí khoa
học của Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế
hay sao? Chẳng phải nó sẽ cổ vũ thế hệ trẻ xung
phong lên phía trước trên mặt trận khoa học hay sao?
 Sơ đồ LHC và các phòng thí nghiệm (ảnh CERN)
 Một đoạn đường hầm của LHC (ảnh CERN)
Chú thích
1
Tóm tắt Mô hình Chuẩn hạt cơ bản: Vật chất đều do
nguyên tử tạo thành, nhân lõi của nguyên tử do quark
gắn bó bởi lực mạnh mà ra, chúng trao đổi gluon với
nhau. Bởi lực điện từ, electron trao đổi photon với
nhân lõi nguyên tử để hợp thành nguyên tử, phân tử
và vật liệu nói chung. Lực cơ bản thứ ba trong tự
nhiên là lực yếu chi phối sự phóng xạ nhân lõi
nguyên tử do tác động của hai hạt W, Z. Lực cơ bản
cuối cùng là trọng lực kéo giữ chúng ta trên mặt
đất. Thành phần cơ bản cấu tạo nên vật chất là quark
và lepton (electron). Chúng tương tác với nhau qua
sự trao đổi các photon (lực điện từ), các gluon (lực
mạnh), các W và Z (lực yếu). Tất cả các hạt cơ bản
(trừ hạt cuối cùng Higgs) của Mô hình Chuẩn như
quark, lepton, gluon, photon, W, Z đều đã được khám
phá hết cả rồi với độ chính xác tuyệt vời. Các nhà
vật lý ngóng chờ hạt Higgs với tất cả hồi hộp, nếu
tìm thấy, mô hình chuẩn sẽ là hệ hình (paradigm) có
tính quyết định cho sự hiểu biết tận tường gốc nguồn
của khối lượng vật chất, và có tác động sâu xa đến
vũ trụ học. Nếu không, ta sẽ đứng trước một bước
ngoặt lịch sử của vật lý, nền tảng của Mô hình Chuẩn
sẽ bị lung lay vì thiếu nhất quán. Lịch sử khoa học
từng chứng tỏ có những bước ngoặt mở đầu một kỷ
nguyên mới cho nhân loại, không chỉ riêng cho khoa
học và công nghệ mà còn lan rộng sang nhiều khía
cạnh văn hoá, triết học, nhân sinh quan, vũ trụ
quan.. .
2 Peter Higgs, tên nhà vật lý xứ Scotland đã đề xuất
phải có hạt này để mang khối lượng cho vạn vật.
3 Xin kể cho vui một giai thoại thực 100% (trang 508
trong The Rise of the Standard Model, Cambridge
University Press, 1997): Năm 1964, Peter Higgs giảng
sư bình thường của một đại học nhỏ Newcastle upon
Tyne bên Anh gửi công trình ông vừa viết đến tạp chí
Âu Châu Physics Letters, bài bị chối từ bởi tổng
biên tập ở CERN (vì đề tài xa lạ với trào lưu thời
thượng bấy giờ). Higgs bèn gửi sang tạp chí Physical
Review Letters ở Mỹ và được chấp nhận ngay, bụt chùa
nhà không thiêng!
4 Mời bạn đọc coi bức thư Einstein gửi ngày mồng 9
tháng giêng năm 1916 cho Karl Schwarzschild (nhà vật
lý thiên văn Đức đã đầu tiên giải được chính xác
phương trình của thuyết tương đối rộng mà Einstein
vừa công bố tháng trước): ‘cái đặc điểm của thuyết
tương đối rộng là không gian và thời gian tự chúng
chẳng có tính chất vật lý gì cả. Nói đùa thôi, giả
thử mọi vật trên đời biến mất, thì theo cơ học cổ
điển Newton ta hãy còn một không gian rỗng tuếch
phẳng lặng mênh mang và mũi tên thời gian vẫn lặng
lẽ trôi, nhưng theo tôi thì tuyệt nhiên chẳng còn
chi hết, cả không gian lẫn thời gian và vật chất!’
Thực là một cuộc cách mạng về tư duy mà Einstein
mang đến cho nhân loại: chính vật chất trong đó có
da thịt tâm tư con người xây dựng ra vũ trụ. Vật
chất và không-thời gian chỉ là hai khía cạnh của một
bản thể duy nhất, cái này sinh cái kia, không có cái
này thì cũng chẳng có cái kia.
5 Thêm nữa, nếu không có thuyết lượng tử thì cũng
không có đồng hồ nguyên tử để đạt được độ chính xác
ấy. |