Vài ý kiến về tính “Khách quan-Trung thực-Công bằng” trong nghiên cứu sử học

Vietsciences- Hồng Lê Thọ            11/11/2008
 

Những bài cùng tác giả

---sách vở và đời thường---

Tại cuộc hội thảo về công-tội của triều Nguyễn dưới tên gọi rất hùng hồn ”Hội thảo quốc gia” về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" đã diễn ra tại Thanh Hóa ngày 18/10/2008, nhiều nhà sử học Việt nam đã mạnh dạn “sờ” vào những “vùng cấm” khi nêu ý kiến có phần đi ngược lại với những quan điểm phê phán vua quan triều Nguyễn đã hình thành từ sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, nhất là nêu lên những quan điểm phê phán bao biện đã từng tồn tại trong hơn nửa thế kỷ qua.

GS Phan Huy Lê trong phát biểu khai mạc hội thảo đã nêu lên một thực tế không mấy xa lạ rằng “Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử. Không riêng các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà những nhân vật lịch sử liên quan, và rộng ra cả vương triều Mạc trước đó, đều bị đánh giá theo quan điểm chưa được khách quan, công bằng như vậy”(1). Qua đó, chúng ta thấy rằng yếu tố “khách quan”, “công bằng” và “trung thực” trong thái độ nghiên cứu sự kiện lịch sử rất cần thiết, nếu không thì kết quả nghiên cứu sẽ rơi vào ngõ cụt vì một thiên kiến hay tư duy chính trị áp đặt, bóp méo theo ý đồ có sẵn. Điều nầy có thể thấy rất rõ trong những công trình nghiên cứu lịch sử cận hiện đại như trường hợp Nguyễn Ánh và Nhà Tây sơn, triều đại Nhà Nguyễn kéo dài từ thế kỷ XVI-XIX hay vai trò của các bậc sĩ phu từng hợp tác với thực dân Pháp trong thời kỳ nầy như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…trước đây. Phải thừa nhận rằng những cuộc hội thảo như trên là điều cần làm để tránh những lối mòn trong phương pháp luận kinh điển(hay truyền thống) bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng máy móc không còn phù hợp với xã hội hiện đại, mang tính giáo điều như GS Phan Huy Lê nhận định. Dù vâỵ, nội hàm của những tính từ: “khách quan”, “trung thực” hay “công bằng” để chỉ thái độ trong việc tiếp cận với những đề tài “chưa được làm sáng tỏ” trong sử học là gì thì hầu như chưa được đề cập một cách cụ thể. Nói khác đi, muốn đạt được điều nầy thì cần phải theo những chuẩn mực khoa học như thế nào, không thể dừng lại ở phạm trù “định tính” mãi được, cần xác lập một phương pháp luận nghiên cứu sử học cụ thể, đặt ra hàng loạt vấn đề trong khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu như phương pháp khai thác và thao tác, kiểm định nguồn tư liệu, sử dụng thông tin nhiều chiều để đối chiếu thực hư, so sánh phản diện, thậm chỉ phản biện với những nhận xét, quan điểm đã hình thành từ trước, không kể việc khái quát hóa hay mô tả những bối cảnh lịch sử, tác động qua lại của những diễn biến và diễn tiến trong quá trình vận động của xã hội đương thời thuộc phạm vi của đối tượng nghiên cứu. Muốn được như vậy, thiết nghĩ môi trường nghiên cứu cần được tôn trọng, tư duy và cơ chế cho nhà nghiên cứu thoáng đạt, rộng mở, tự do trong học thuật mới tránh được lối tư duy sáo mòn hay hẹp hòi mà chúng ta thường thấy. Người ta thường thắc mắc rằng tại sao các nhà “Việt Nam học” ở nước ngoài thường thành công dễ dàng trong nghiên cứu lịch sử Việt nam với nguồn tư liệu tham khảo đồ sộ, có bề dày và đi đến những kết luận rất đáng tham khảo trong khi những công trình nghiên cứu sử học trong nước mãi loay hoay tìm lối ra trong suốt mấy mươi năm, ít có công trình nào nổi bật mặc dù là sự kiện lịch sử nước nhà ! Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký*, Phạm Quỳnh…hay các vị vua yêu nước bị lưu đày như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy tân… không kể những “công –tội” của triều Nguyễn vẫn chưa được phổ cập trong sách giáo khoa cho thấy chúng ta chưa vượt qua được những “hạn chế lịch sử”(barrière—rào cản) đã có trước đây. Cao Tự Thanh nhận định“Việc chối bỏ triều Nguyễn còn làm sử học Việt Nam hiện nay chưa tổng kết được quá khứ dân tộc một cách đúng đắn và toàn diện, mà tiêu biểu nhất có lẽ là việc thờ ơ với cả cái phần lịch sử Việt Nam thời họ”(2). Chính vì lẽ đó mà việc nghiên cứu-học tập trong khoa sử học tại đại học hay môn sử ở nhà trường phổ thông trở nên nhàm chán, không hào hứng và thậm chí là tạo ra thói quen coi thường lịch sử dân tộc, không nhìn ra được những gì gọi là “khách quan, trung thực, công bằng”, chui vào ống đồng của định kiến một cách đáng tiếc.Theo GS Tương Lai “một khi cái giả biến thành cái thật, được đem rao giảng cho thế hệ trẻ thì khác nào chất axít gậm nhấm tâm hồn họ. Sự thật lịch sử bị vùi lấp, xuyên tạc bởi bất kỳ lý do gì cũng làm giảm sút, nao núng lòng tin, lòng tự hào về lịch sử dân tộc của lớp trẻ - chất ximăng kết dính những tâm hồn Việt Nam. Nhìn lại lịch sử triều Nguyễn chính là cách Việt Nam nâng cao bản lĩnh dân tộc” (3)

Thật khó thay để định chuẩn của 3 tính từ “cảm tính “ này khi mà mọi nghiên cứu bị soi rọi bởi những tấm gương “chiếu yêu” vô hình và vô tình của “mặt trận tư tưởng”, nhất là khi nó đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm đối với chế độ hiện hữu ! Ngay như một sự việc đang xảy ra trong xã hội ngày nay như vấn nạn về tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, chạy chức quyền…vẫn thường bị phủ nhận, chối quanh hay gần nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường do công ty Vedan gây ra từ 14 năm trước, biết bao nhiều bức xúc của người dân trước những chứng cớ rành rành…các cơ quan điều tra, chức năng cũng đã nhảy vào để phanh phui sự thật…thế mà cuối cùng sau khi nộp phạt hành chính, Vedan vẫn được tiếp tục thải nước độc hại ra sông, lệnh cẩm xả nước của Bộ Tài nguyên-Môi trường có cũng như không khi bị tỉnh Đồng Nai từ chối thực hiện(!). Kẻ phạm tội thì nhởn nhơ trong khi cơ quan chức năng nhà nước thì đùn đẩy nhau về thủ tục pháp lý “xem ai đủ quyền hơn ai” !

Liệu các nhà sử học hiện đại phải có thái độ “khách quan”, “công bằng” và “trung thực” như thế nào khi nêu lên sự kiện nầy , đành nhắm mắt xem như “sự việc đã rồi”, hay bao biện theo kiểu phải “lo cho 3.000 công nhân thất nghiệp” nếu cấm Vedan tiếp tục sản xuất như ai đó đã phát biểu ! Thật chán ngán cho thái độ “cầu an”(?!) hay vì một lý do nào khác ? Thế mà đòi hỏi “khách quan, trung thực” hay “công bằng” cho triều Nguyễn xa xưa kia thì e rằng với đôi mắt nầy, nhà sử học sẽ hướng người học sử sang một lối-mòn-ăn-theo kiểu mới !..Phê phán” HÌNH THỨC để chứng tỏ ta đây “cấp tiến” hòng che đậy cái “ khó hiểu” kia là điều không mới mẻ gì tuy nhiên phải nói là nó có thể lừa gạt được một số người không am hiểu nhưng hiện ra rất rõ trong mắt những nhà nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng “sự đánh giá công bằng, khách quan của đời sống đương đại sẽ làm sáng tỏ vai trò của các chúa Nguyễn, chúa Trịnh và các vị vua triều Nguyễn vốn một thời mang nặng mặc cảm gắn liền với những biến động tiêu cực như chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài, thù địch và tiêu diệt “cách mạng” Tây Sơn, đàn áp khởi nghiã nông dân và cuối cùng là “cõng rắn cắn gà nhà”, bán nước rồi làm tay sai cho thực dân đô hộ. Bối cảnh chính trị của cuộc cách mạng “phản đế- phản phong” cùng lập trường đấu tranh giai cấp và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã kéo dài sự đánh giá một sắc màu tiêu cực về nhà Nguyễn”(4). Chính xác ! Nhưng tiếc thay trong “đời sống đương đại” mà nhà sử học nói không bao hàm những sự kiện của xã hội đang xảy ra hôm nay ? Không thể kêu gọi “khách quan”, “trung thực”, “công bằng”…trên sách vở, lý thuyết suông trong khi với những sự kiện trong đời thường thì lại nhắm mắt làm ngơ, trốn chạy thậm chí cố tình nhìn lệch tâm điểm theo ý đồ chính trị hoặc lợi ích riêng tư ! Lại càng không thể “cả vú lập miệng em” dù tự xưng là gì, đao to búa lớn đến mấy thì sự thật lịch sử hôm nay hay trước kia vẫn là sự thật của muôn đời cho dù che đậy hay bóp méo, se sua dưới bất cứ một dạng thức nào và tinh quái tột cùng đi nữa !

Vedan cố dùng mọi thủ đoạn hòng tìm cách chạy tội, mua chuộc, dấu nhẹm đến thế nào thì hàng triệu mét khối nước thải, khói bụi công nghiệp từ những phân xưởng của Vedan trong hơn 14 năm qua đã gây nhiễm bẩn môi trường và môi sinh nghiêm trọng, dòng sông Thị Vải trở thành ao tù dẫy chết vẫn là những bằng chứng khách quan nếu biết nhìn một cách trung thực. Chắc chắn hai chữ “vedan” sẽ đi vào lịch sử phát triển của Việt nam như một minh chứng về sự cẩu thả cố ý và dễ dãi của người đương quyền trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Sự “công bằng” của lịch sử chính là ở đây vậy.

Hồng Lê Thọ

8/11/2008

(*) trong bài viết “Kỷ niệm lần giỗ thứ 110 (ngày 1/9/2008) của Trương Vĩnh Ký - Một trí thức buồn”(Vietsciences free. fr) vào tháng 7/2008, tác giả đã đề cập đến phương pháp luận của các nhà nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký ngày trước…

Ghi chú:

(1) Phan Huy Lê “Khách quan-Trung thực-Công bằng về chúa Nguyễn, triều Nguyễn

(http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/tinhtrungthuclichsu.htm)

(2) Cao Tự Thanh”Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta”

http://blog.360.yahoo.com/blog-0lIwRp4yeqlSlANVd_hNqS7b?p=2607

(3) Tương Lai ”Tính trung thực lịch sử

(http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/khachquantrungthuccongbang.htm)

(4) Dương Trung Quốc: “Chuyển đổi cơ bản hay là…”

http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/10/810337/

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Hồng Lê Thọ