Nhà Văn Võ Hồng

Chương II  :   TÁC PHẨM

 

Nguyễn Thị Thu Trang - 2013

 

 1. Truyện     2. Thế giới nhân vật          3. Đề tài quê hương         4. Hiện thực và hoài niệm

 

 

3. Đề tài quê hương

"...Tôi đền ơn cho quê hương, tôi trả hiếu cho quê hương bằng cách suốt những năm dài nhẫn nại tay cầm bút". Đó là câu trả lời chân thành của nhà văn Võ Hồng khi ông nói đến những tác phẩm của mình.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, quê hương là đề tài xuyên suốt trong tất cả các trang viết của ông. Từ thưở còn là cậu học trò chơi trò chơi văn chương, một cách tự nhiên ông đã kể về làng quê thân yêu của mình : cảnh gặt lúa ở cánh đồng Gò Dài một buổi sáng tinh sương có đàn ông huơ liềm, vung hái, đàn bà con nít ngồi trên bờ, cò trắng sáo đen đứng trên lưng trâu (Truyện Mùa gặt đăng ở Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1939). Và trong Hoài cố nhân - tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1959, còn là nỗi hoài cố hương. Quê hương với những ngày đi học, lớp đồng ấu rồi trường huyện, trường phủ - cảnh sinh hoạt của một miền quê hiện rõ như đang diễn ra trước mắt.

Làm một cuộc du lịch lý thú về thăm quê Phú Yên qua các tác phẩm Võ Hồng, bạn đọc sẽ được đi khắp các vùng từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, xuống biển Mỹ Á, Sông Cầu, lên mạn thượng nguồn rừng núi. Và bao giờ cũng vậy, hình ảnh hiện tại sẽ kéo về những mắc xích xa xưa. Theo một Chuyến về Tuy Hòa (1)  khi "xe đang chạy trên cánh đồng Hiếu Xương", bạn sẽ lần lượt thấy : "... những đụn rơm. Những bụi chuối. Chợ Xéo, Bàn Thạch, Phú Lâm, Cầu Đà Rằng một màu đen nghiêm nghị" (trang 131). Đến Tuy Hòa trung tâm của tỉnh, đi trên đường phố bạn không khỏi bật cười vì cách ví von, dí dỏm của Võ Hồng. "Đường Trần Hưng Đạo đâm xuyên qua thành phố từ đầu trên xuống đầu dưới như cây lụi xuyên qua mình con gà" (trang 137). Trên mình "con gà" đó, bạn sẽ lên chỗ cao nhất là núi Nhạn để ngước nhìn lên ngôi tháp Chàm rêu phong cổ kính đứng "âm thầm giảng giải bài học hưng phế ở đời" (trang 140). Đọc truyện Võ Hồng như xem lại những trang tư liệu sống động về một thời đã qua, cảnh sinh hoạt nối tiếp thay đổi. Tuy Hòa - vùng trấn biên dinh - một thời có : "rạp hát Bang Hưng rộn rịp kèn trống ngày nào, thời của Dũ Ký, Bầu Nụi" (trang 138) giờ đã khác trước nhiều.

 

(1) Chuyến về Tuy Hoà (truyện ngắn) - Võ Hồng - in trong tập TRẦM MẶC CÂY RỪNG, Nxb Lá Bối, 1971.

Chúng tôi về thăm quê làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An của nhà văn Võ Hồng vào một buổi sáng mùa thu. Nắng vàng trong trẻo trên dòng sông Phường Lụa. Tôi nhớ đoạn văn ông tả trong truyện ngắn Lễ cúng trường : "Thật đẹp là những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Hội Phú, rặng dương liễu ở Mằng Lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm toàn một màu vàng rất nhạt, sáng óng ánh mặt trời".

Làng xóm giờ đã đổi khác nhiều so với 40 năm trước đây khi ông giã từ. Đập Tam Giang, đập Đồng Cháy mà ông mô tả trong truyện đã được xây dựng lại qui mô hơn. Điện về đến mỗi nhà. Dòng sông Cái (sông Phường Lụa) chảy ngang qua trước mặt nhà ông bị xâm thực ăn sâu vào bờ bên này và người ta phải làm kè đá để giữ. Võ Hồng có lần nói vui rằng ông thực mâu thuẫn với trường hợp nhà thơ Tú Xương - Với Tú Xương thì :

"Sông kia giờ đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò".

Dòng sông tuổi thơ Võ Hồng không mất, trái lại nó mở rộng sát vào trước nền nhà cũ của ông. Nhưng, những chuyến đò qua sông đông vui vào ngày mùa, ngày Tết mà ông kể trong truyện không còn nữa. Người ta đã xây một chiếc cầu xi măng chắc chắn bắt qua sông gọi là cầu Lò Gốm. Lác đác trên sông những chiếc thuyền câu trôi lững lờ, êm ả. Không còn những nhân vật như Lão Nhảy trong truyện Lễ cúng trường quanh năm làm nghề chống đò chở khách qua sông. Chỉ có làng Lò Gốm vẫn là làng Lò Gốm với những lò nung đồ gốm hầu hết đã xiêu vẹo, cũ kỹ hoặc bỏ hoang không dùng nữa (nghề này đã thu hẹp lại). Rải rác trong các nhà những cái chậu, vại, hỏa lò... bằng đất nung đỏ bày la liệt. Võ Hồng trong tiểu thuyết Như cánh chim bay đã xây dựng nhân vật lão Tâm, một lão nông nghèo hăng hái tham gia công tác kháng chiến là thợ làm đồ gốm truyền đời từ năm 7, 8 tuổi - từ rất nhiều những người thợ gốm ở quanh ông. Nhà văn hẳn không quên những từ chuyên môn mà ông đã ghi trong truyện về nghề gốm như : "Vói đất, vực đất, đắp bộng, sửa chóe, đổ ngói, trồng lò, dõ lò... Chậu cắt, chậu thùng, chậu cục, chậu ghè, bộng chiếc, bộng đôi, hỏa lò tàu, hỏa lò ta..."

Trên những con đường quê nối liền An Thạch với An Thổ, An Dân, An Mỹ... vẫn là bóng dáng của những người nông dân như lão Túc trong Tình yêu đất, bà Xự, ông Trùm Đẹt trong truyện Bên đập Đồng Cháy, lão Tâm, ông Năm Nhiều, cô Ba Hường v.v... Đến nhà thờ Mằng Lăng với họ đạo đông đúc được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ (từ năm 1882) mà có lần trong Người về đầu non và nhiều truyện khác nhà văn hay kể đến, thật xúc động và ngạc nhiên khi nghe cha Bích - vị linh mục giảng đạo của nhà thờ nhắc đến Võ Hồng với một câu nói trong Trầm tư

 

(1) : "Này con - hãy học theo thái độ của dòng sông : gặp trở ngại, khó khăn thì đi vòng tránh, chớ không đi lui" (câu 346).

 

Ký ức về tuổi thơ, về quê hương sống nguyên hình trong trí nhớ của nhà văn đến nỗi đọc tác phẩm của ông người ta thấy hiện rõ từng tư thế, hình dáng của cây sung, cây bồ lời, hương vị của hoa mù u bay trong buổi chiều, con đường làng lổn nhổn mẻ sành... Đó cũng là cuộc đời thực của bất kỳ làng quê nào. Với Võ Hồng, mối liên hệ nối con người với mảnh đất ruột thịt "chôn nhau cắt rốn" bao giờ cũng bắt đầu bằng chính những tình cảm hồn nhiên, trong trẻo của ngày thơ bé : "Tôi thương yêu cái xóm nhỏ của tôi, con đò bằng nan tre chèo qua lại trên dòng sông, những người láng giềng nghèo nàn. Tôi thương yêu những đứa trẻ chăn bò vốn là bạn chơi đáo, chơi bi..." (Hoa bươm bướm - trang 163).

Tình yêu, sự gắn bó tha thiết đó dẫn dắt nhà văn đến những câu chuyện kể về quê mình. Vì vậy đối với ông, quê hương không chỉ là đề tài. Nó là máu thịt, là kỷ niệm... luôn thôi thúc từ bên trong. Nhà văn tâm sự : "Khi cầm bút tôi tâm niệm là ít nhất mình cũng mô tả được những mặt sinh hoạt của quê hương mình" (2). Quả thực ít ai viết mà nghĩ đến mục đích của tác phẩm một cách nghiêm túc và tha thiết như nhà văn Võ Hồng :

 

(1) Trầm tư - Võ Hồng - Nxb Trẻ, 1995.

(2) Chân dung các nhà văn tự họa - Nxb Hội nhà văn, Tập 1 - Trang 126.

 

"Nếp sống của quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến... Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ... Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn..." (1).

Trên con đường trở về quá vãng, Võ Hồng gặp Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... Họ cũng giống nhau ở điểm : hướng về quê hương, cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng so với các tác giả của Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Vang bóng một thờiThương nhớ mười hai..., Võ Hồng gần với Thanh Tịnh hơn. Thanh Tịnh cũng người miền Trung, khi còn đi học cũng yêu thích văn của Alphonse  Daudet, cũng có thời gian làm nghề dạy học. Văn Thanh Tịnh đằm thắm, chải chuốt, mượt mà, gợi cảm.

Thạch Lam viết trong lời tựa của tập truyện Quê mẹ : "Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối dây liên lạc nối ông với đồng nội, quê hương, những dây liên lạc nhẹ nhàng như tơ đồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vít và quyến luyến. Gió mùa của cả một vùng làng mạc và đồng ruộng ấy, chúng ta thấy lướt qua trong các tác phẩm của ông, trong những truyện ngắn mà hầu hết khung cảnh là lũy tre của một xóm nhỏ, hoặc dòng sông con chảy qua ruộng lúa xanh tươi".

Thanh Tịnh là người Huế, ông viết Quê mẹ năm 1941 và được xem là tác phẩm thành công. Nhưng làng Mỹ Lý (một dặm đẹp) - tên trong truyện chỉ là một cái làng được hư cấu, không có thật trên bản đồ, tượng trưng cho một miền quê mà tác giả muốn kể. Với Võ Hồng, mục đích của ông là tái hiện những cái có thật. Những cái tên : Lò Gốm, Phường Lụa, Gò Dài, Đập Đồng Cháy, núi A.Man, An Thổ, Định Trung, Hóc Lá, Sông Cầu, Tuy Hòa v.v... đọc lên nghe cảm giác thân quen, gần gũi nhất là đối với những người cùng quê hoặc đã từng biết đến. Nếu Thanh Tịnh :  " muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê" (như lời Thạch Lam), thì Võ Hồng lại chú ý hơn đến nếp sinh hoạt, thói quen một thời của người dân. Ông muốn lưu giữ qua văn chương cuộc sống và cả tâm hồn, tình cảm của làng quê.

                                                                   

(1) Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh - Tạp chí Văn số 299 ra ngày 1.9.1972.

 

Trong 8 tiểu thuyết và truyện dài (đã xuất bản và chưa) của Võ Hồng có ba quyển hoàn toàn nói về Phú Yên : Ngôi sao nhỏ, Người về đầu nonNhư cánh chim bay. Các quyển khác qua nhân vật hoặc chi tiết trong truyện đều có nhắc đến quê hương. Rất nhiều truyện ngắn của Võ Hồng lấy bối cảnh quê nhà và con người nông thôn làm đề tài và nhân vật chính. Đặc biệt trong tập Chúng tôi có mặt, Võ Hồng đã để các nhân vật là những con thú nói rặt giọng Phú Yên.

Tiểu thuyết Như cánh chim bay là truyện dài nhất của nhà văn Võ Hồng được nhiều người biết đến.

Giới hạn trong những làng quê của tỉnh Phú Yên, Như cánh chim bay ghi lại những hoạt động của một giai đoạn lịch sử kéo dài từ 1946 đến 1954. Luân, Quỳ... những nhân vật chính, cuối tập 1 (Hoa bươm bướm), dù khó khăn nguy hiểm... đã vượt một chặng đường dài đầy bom đạn về đến quê của Luân - vùng kháng chiến. Truyện mô tả đầy đủ những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Cảnh phá đường, tập huấn quân sự, canh gác; cảnh tăng gia sản xuất, trồng khoai lang bồ, trồng bí, trồng sắn; cảnh dạy học đóng cổng đố chữ của phong trào Bình Dân Học Vụ... diễn ra sống động trong truyện. Đây là quang cảnh buổi lễ vận động thanh niên nhập ngũ :

"Buổi lễ tổ chức tại sân vận động. Một khán đài cao chăng vải trắng, giữa nổi bật lá Quốc kỳ đỏ chói. Các đoàn thể xã : Phụ lão cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Thiếu nhi cứu quốc... đứng sắp thành hàng ngũ. Cán bộ thông tin phát loa kêu gọi trật tự, kiểm điểm hàng ngũ, tuyên bố chương trình.

Sau phần nghi thức chào cờ mặc niệm, sau lời giới thiệu của ban tổ chức, Phó Chủ tịch huyện lên kêu gọi tinh thần xung phong của các thanh niên. Tiếp tới đại diện Phụ nữ cứu quốc lên đọc lời hiệu triệu. Giọng the thé không át nổi tiếng rầm rì, lại nữa, chữ viết trên tờ giấy có lẽ quá nhỏ nên nhiều hồi cô đại biểu nhìn hoài không thấy mặt chữ. Tuy vậy mỗi lần thấy cô giơ tay lên hô "Đả đảo, cương quyết, hoan nghênh" giữa nội dung bài hiệu triệu thì cả rừng người gào lên như thác lũ "Đả đảo, cương quyết, hoan nghênh". Những tràng vỗ tay thật lực xóa hết mọi khuyết điểm kỹ thuật. "Đế quốc xâm lược, thực dân phong kiến, dã man tàn sát, ngoan cố bóc lột...". Chỉ cần những chữ ấy là đủ bốc lửa trong lòng mọi người.

Trưởng ban thông tin phát loa :

- Xin mời người xung phong đầu tiên. Ai là kẻ vinh dự ghi tên đầu trong danh sách xung phong ? Ai ? Yêu cầu... (Giọng loa nhỏ lại) Hả ? Yêu cầu nói to lên...Nguyễn ? À, Nguyễn Sáu. Ở dưới Hội Tín ? Dạ. Nghe rồi (tiếng trong loa to lên) Dạ. Người đầu tiên ghi tên xung phong là anh Nguyễn Sáu ở thôn Hội Tín. Xin toàn thể đồng bào vỗ tay. Hoan nghênh anh Nguyễn Sáu !..."

                                        (Như cánh chim bay  - Trang 103, 104)

Trong Như cánh chim bay, Luân, Quỳ đã hòa nhập, chứng kiến không khí kháng chiến sôi động đó và tham gia vào các phong trào như những người dân bình thường khác. Bên cạnh Luân, Quỳ còn có đủ mọi tầng lớp khác nhau. Nổi bật là những người dân hết mình vì kháng chiến như chị Nữ, chị Tha, chị Hậu, lão Tâm... Họ không nề hà gian khổ, cũng không chút mặc cảm cá nhân hay mặc cảm tự ti nào. Họ vui vì được cống hiến công sức cho tập thể, cho tổ chức Cách Mạng. Nhân vật lão Tâm, một lão nông có tuổi, đưọc miễn giảm công việc vẫn hăng hái tham gia  buổi phá đường thực hiện nhiệm vụ "tiêu thổ kháng chiến" :

" ...Người chủ cái cuốc là một bần nông, đã dè dặt cản lão lại :

-Ông đã quá tuổi rồi ai bắt đi mà đi ? Ở nhà nằm nghỉ mai có sức đi làm.

Thực tình anh ta sợ lão không thạo nghề cày, nghề cuốc, cứ nhè đá ba lát và nhựa đường mà bổ nhào xuống làm cuốn lưỡi cuốc, làm mẻ lưỡi cuốc của anh.

Nhưng lão Tâm cũng khá sành tâm lý :

-Kệ nó mà. Tao không làm hư cuốc của mày đâu. Tao cuốc đất chớ không xắn đá đâu " (Trang 159).

Lịch sử được làm nên bởi những con người bình dị đó. Lịch sử không phải chỉ là những trận tập kích, công đồn, lịch sử còn là những cuộc chạy tản cư tránh bom đạn của người dân với ba lô, ruột nghé gạo; sự ra đời của những cái chén nung bằng đất sét, thuốc trị sốt rét bằng vỏ cây rau dền giã nát, rây nhỏ in thành viên; dép cao su và dụng cụ xỏ dép... Võ Hồng đã miêu tả sự vận động của lịch sử bằng những đổi thay trong cuộc sống và nếp sinh hoạt của người dân ở ngay quê hương mình.

Viết Như cánh chim bay Võ Hồng không hướng tới mục đích tuyên truyền chính trị. Đơn giản là ông muốn ghi lại một hoàn cảnh cụ thể mà ông đã sống, đã chứng kiến.

Lịch sử ngẫu nhiên thử thách lòng yêu nước của mỗi người. Như cánh chim bay là những bằng chứng của lòng yêu nước đó. Lòng yêu nước bắt đầu từ lòng yêu ngôi nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, yêu cuộc sống, yêu những con người cùng nhau chia sớt vui buồn, gian khổ.

Nhân vật Luân coi trách nhiệm của mình đối với công việc được giao không phải là nhiệm vụ bắt buộc mà là bổn phận tất yếu đối với quê hương, mảnh đất nuôi dưỡng mình.

Đọc Như cánh chim bay một lần nữa ta được trở lại với vùng không gian quen thuộc, cố định của Võ Hồng : Vùng quê Phú Yên. Ở đó cuộc sống dù có cực nhọc, thiếu thốn vì sự bất thường của chiến tranh vẫn chan chứa một mối tình quê tốt đẹp. Chính vì vậy, những người xa quê bao giờ cũng tha thiết nhớ về quê. Họ mang theo trong mình mối liên hệ tình cảm bền vững với làng quê cũ. Võ Hồng trong truyện ngắn Chuyến về Tuy Hòa :

"Lúc nãy đi ngang Cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi. Mằng Lăng là một địa điểm xã tôi, nổi danh vì ngôi nhà thờ lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. Như một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ đến đất thánh của mình ".

          (Trích Tập truyện ngắn Trầm mặc cây rừng - Trang 142)

Đoạn văn trên làm ta liên tưởng đến nỗi nhớ quê trong hồi ký Mưa thu nhớ tằm của Bình Nguyên Lộc. (Nguyễn Hiến Lê nhận xét :"... Muốn hiểu biết miền Nam thì phải đọc Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc" (1)  ). Nhân vật trong tác phẩm là một người quê  gốc  Quảng

                                                                  

(1) Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - Nxb Văn học, 1993.

 

Nam - Bác Y trước ở quê làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sau di cư vào đất Sài Gòn bất đắc dĩ phải làm một anh thợ kỹ nghệ. Khi được hỏi trúng vào nỗi nhớ của mình :

"... Bác Y bẽn lẽn như người con gái bị người ta đoán trúng tim đen, nhưng lại sung sướng đến mọc óc trên da mặt. Bác quên tôi là người lạ, nắm lấy tay tôi, nói một thôi không ngớt :

-Những hôm trời ủ dột như vầy, tôi nhớ nhà thì ít mà nhớ tằm sao mà như nhớ người tình nhơn đầu. Tôi nhớ "hén" lạnh, tôi nhớ "hén" đói vì dâu ướt át suốt ngày khó tìm ra dâu ráo cho "hén" ăn" (1).

Bác Y nói đến con tằm mà như người ta nói đến một người bạn, một người thân. Bác dùng tiếng "hắn" để kêu nó và cái giọng Quảng Nam thành ra là "hén" nghe ngộ nghĩnh mà tha thiết lạ. Thương nhớ con tằm xưa đến mức giữa cơn mưa thu Sài Gòn, bác Y mang tơi nón ra che mưa cho cây dâu trồng trước sân. Nỗi nhớ quê hương, nhớ thời quá khứ ấy gắn liền với tình cảm gắn bó với công việc nghề nghiệp. Bác Y "nhớ nghề" nhiều hơn !

 

Tình quê hương trong tác phẩm Võ Hồng gắn liền với tình yêu xứ sở, những kỷ niệm thân thiết về mái ấm gia đình và cuộc sống hồn nhiên bình dị ở quê nhà.

Có thể nói đứng ở góc độ nào nhà văn cũng để tâm hồn mình trở về với quê hương, cội nguồn và ông thể hiện điều đó trên từng trang viết như sức hấp dẫn của một lực hút. Một đứa trẻ xa quê nhớ về cha mẹ, tổ ấm gia đình (Nhánh rong phiêu bạt), một ông ngoại luôn để trí nhớ lãng đãng trôi về cố hương và những ngày xưa cũ (Ông ngoại của bạn tôi). Luân trong Hoa bươm bướm, Nhàn trong Gió cuốn, Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đều trăn trở với tình yêu quê hương của mình.

Võ Hồng viết về quê mình tha thiết giống như Vũ Bằng nhớ về xứ Bắc khi đang trôi dạt ở trời Nam. Nhớ từng chi tiết, từng kỷ niệm..., như đang sống thực với nó. Chỉ khác là Võ Hồng không dùng nhớ thương tô điểm cho quê hương mình, ca ngợi thời trân sản vật quê mình, ca ngợi thú thưởng thức thanh  tao trà  lan, thưởng  nguyệt, tháng ba hồng,  tháng năm nhãn... như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Miền Trung dung dị, hiền lành và chân chất trong tác phẩm Võ Hồng.

 

(1) Mưa thu nhớ tằm - Bình Nguyên Lộc, xuất bản 1965.

 

Văn chương Võ Hồng diễn tả cái êm đềm, hồn nhiên của đời sống quê nhà. Ông có câu thơ :

"Đâu phải chỉ Người mới không sai hẹn

Cuối tháng Giêng, Tu hú gọi vang trời"

(Trích Hồn nhiên tuổi ngọc - Trang 53)

Thiên nhiên còn chung thủy, luyến lưu huống chi con người ! Và nhà văn luôn dành cho "Vùng trời thơ ấu" của mình cái nhìn trìu mến, ấm áp đó.

Ai xa quê, hàng năm vẫn đi mua hoa cho ngày Tết đọc Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng mà không xúc động, bùi ngùi nhớ đến "hàng vạn thọ trồng quanh mép sân nhà". Ở quê, nhà nào cũng trồng trước sân hoa vạn thọ và cây hoa dân dã, trang nghiêm này chính thức khai mạc cho không khí Tết. Chữ "Tết" được nhắc đến thân thiết, ngọt ngào !

"Cùng với dãy cúc vạn thọ, cái Tết cũng như lớn dần manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải; cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tần ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà" (1).

Rồi người ta tất bật mua sắm, buôn bán chuẩn bị cho Tết. Những chuyến đò chen chúc xuôi ngược trên sông... Nhưng có lẽ náo nức, sung sướng và hồi hộp nhất vẫn là tâm trạng đón Tết của chú bé An trong truyện. Tâm hồn cậu bé mở rộng, hồn nhiên thâu nhận những đổi thay của cảnh vật. Đáng chú ý nhất là cảnh bán pháo tre ở chợ quê :

"Bác bán pháo là một người đàn ông vạm vỡ, chỉ bán có pháo tre và pháo thăng thiên bác đựng trong một cặp bồ lớn. Một số pháo bày làm mẫu được dàn trên một chiếc chiếu nhỏ. Người mua pháo bắt đốt thử. Bác tháo ở gắp tre lấy một chiếc pháo, bóc giấy (miếng giấy xanh đỏ dán đè lên ngòi) rồi đặt lên một tấm gạch cách xa bác một sải tay. Bác cầm cây hương cháy châm lên ngòi. Ngòi pháo xì khói, bác quay mặt sang một bên và một tiếng nổ "đùng" rền lên, chát tai. Xác pháo là một vòng nan tre bị cháy sém bay tung lên cao rồi rớt xuống" (2).

                      

(1) Ngày xuân êm đềm - trích LÁ VẪN XANH  trang 57.

(2) Ngày xuân êm đềm - trích LÁ VẪN XANH  trang 62.

 

Hình ảnh của pháo tre, đèn chai, hoa vạn thọ... giờ đã lui vào quá khứ nhưng nó đã "hóa tâm hồn", thành hoài niệm tha thiết trong trang văn Võ Hồng.

 

Ai có thể quên thời thơ ấu của mình, cha mẹ và mái nhà thân yêu ? Tình yêu ruột thịt đó biến thành nỗi day dứt không nguôi khi chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh. Biến cố lịch sử đã để lại trong tâm hồn nhạy cảm của nhà văn một vết thương không lành. Võ Hồng lên án chiến tranh vì chiến tranh đã tàn phá cái đẹp, cái nhân tính. Cụ thể hơn, bom đạn chiến tranh đã hủy diệt nếp sống hiền lành, yên bình của quê hương.

Những năm Bắc Nam cách ngăn, bom đạn thật hãi hùng. "Bom đạn không những tàn phá thân xác, bom đạn còn phá nát những gia đình, để lại những lỗ hổng hun hút trong nhiều gia đình. Người còn lại vá víu những lỗ hổng đó, và chính những mảnh vá gây nên chứng ung thư trầm trọng. Nhưng không phải là chiến tranh chỉ trực tiếp phá hoại, phá ồn ào bằng chất nổ TNT có kèm tiếng nổ. Chiến tranh còn tàn phá âm thầm hơn"...

(Thiên đường ở trên cao - Trang 32)

Chiến tranh làm đảo lộn mọi giá trị, dày xéo cả những nơi vẫn gọi là "tổ ấm yêu thương". Với Võ Hồng mất cội nguồn là mất luôn chỗ dựa về tinh thần. Nhân vật Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đoạn tuyệt không muốn về thăm quê vì bom đạn đã giết chết cha, anh cô, làm tan nát gia đình cô nhưng Tuyết biết rằng, mất quê hương mình chỉ còn một "khoảng trống sau lưng" không gì bù đắp được.

Võ Hồng cũng không lớn tiếng khoa trương cho tinh thần hòa bình, dân tộc chung chung. Trước sau Võ Hồng vẫn hướng về quê hương của mình với những lo lắng, day dứt khôn nguôi :

"Biết bao nhiêu bà con khác ở quê tôi phân tán đi đến miền nào tôi chưa biết hết. Giống như những mảnh giấy vụn bị gió lốc cuốn đi, có mảnh bay xa, có mảnh tấp gần, trên các chặng đường ra vô lên xuống họ đều hiện diện. Và xơ xác như những mảnh giấy"

(Khoảng mát - trang 133)

Có thể cuộc sống riêng tư của nhà văn đã chịu nhiều mất mát nên khi viết về quê hương, ông luôn bảo vệ cuộc sống êm đềm xưa cũ. Ông sợ sự bất trắc, thay đổi, chuyển dịch nhất là sợ mất đi vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo của đời sống thôn quê. Ông xót xa với thực tại. Bị bứt khỏi ruộng vườn, con trâu, cái cày, những người dân quê trở nên lạc lõng, tội nghiệp. Và trong mệt mỏi, bất an... của cuộc sống hiện tại những người dân quê càng hướng về "chốn cũ".

Giá văn chương có thể làm ngưng tiếng súng, tôi nghĩ giọng nói nhỏ nhẹ, tha thiết, chân thành của Võ Hồng sẽ có hiệu quả thuyết phục lớn.

 

Võ Hồng viết về đề tài quê hương thành công không chỉ bởi tình cảm chân thực mà còn do khả năng sử dụng tiếng địa phương tài giỏi.

Người ta thường căn cứ giọng nói để đoán nhau về gốc gác quê quán cũng như xét ngôn ngữ nhân vật, giọng văn để biết "địa phương tính" của tác phẩm.

Võ Hồng sử dụng trong văn chương mình đầy đủ sắc thái biểu cảm, biểu nghĩa của giọng miền Trung.

Đọc Tình yêu đất khó quên giọng điệu cáu kỉnh của mụ vợ lão Túc :

-"Đồ quỷ sứ, ăn hỗn ăn hào. Đụng chỗ nào cũng thọc mỏ"...

(Vết hằn năm tháng - Trang 93)

 

..."-Con mụ Cốc đó hả ? Mồ tổ cha mày sao mày không đem cái chày trả cho tao ? Nói mượn một chút mà giữ chết ở đằng đó. Nhà tao có ai đâu mà sai. Ôn hoàng dịch tể hại mày..."

(Vết hằn năm tháng - Trang 94)

Đoạn đối thoại của hai ông bà :

-"Hổm rày bà chưa xuống đất thăm, bắp đã trổ cờ dưới đó.

-Mệt, tưởng năm sở bảy sở gì. Có một vạt đất bằng bàn tay mà cũng làm rộn"

(Vết hằn năm tháng - Trang 99)

Đó là những đoạn phát ngôn mang cá tính người rõ nét. Có thể thấy ở đó cả cuộc sống của họ.

Ai xa quê bỗng nghe giọng nói người vùng mình mà không bồi hồi, xúc động ! Vậy nên cậu bé An trong truyện Lễ cúng trường lớn lên, xa quê vẫn nhớ về thời thơ ấu cũ, nhớ ông lão chèo đò và lời mắng muôn thưở của ông với lũ học trò nghịch ngợm :

"Ai biểu ? Coi, lại nhảy dành đạp lủng mê sõng. Tao nện cây sào một cái u óc. Đồ quỷ phá. Ngồi xuống hết"

(Bên kia đường - Trang 89)

Đặc biệt là kiểu diễn đạt giống như ông Câu Đô - nhân vật trong tiểu thuyết Như cánh chim bay :

"Nhà tui có một mình nó đỡ đần công "chiện". Nó đi thì tui cua tay. Tui có ba thằng con thì hai đứa đã gia nhập bộ đội rồi. Xin để lại tui thằng nhỏ"

(Như cánh chim bay - Trang 114)

Ngôn ngữ địa phương làm nhân vật cũng như không khí trong truyện thật hơn, sống động hơn.

Ngòi bút của Võ Hồng rất có duyên trong việc miêu tả. Chẳng hạn một lớp học nhà quê :

"Vào giấc ba giờ chiều, ngọn gió mát ở dưới đồng vùn vụt thổi lên, thổi bay luôn cái linh hồn nhẹ nhàng của lũ nhỏ đang dính chặt vào lời giảng của thầy bằng một sợi tơ tưởng tượng nào rất mảnh"

(Lễ cúng trường - Trích BÊN KIA ĐƯỜNG - Trang 92)

Đằng sau nụ cười là hình ảnh dung dị của làng quê, ruộng lúa. Ở ông là cái nhìn nhân hậu, tinh tế và nụ cười u - mua. Nhà văn kể về việc một ông thầy dạy học trò làm văn (Những bí mật của anh Đỗ Cúc), một cảnh cúng bái (Lễ cúng trường) bằng một giọng hóm hỉnh. Hóm hỉnh cả khi nói về cái nghiêm túc lẫn điều khiếm nhã.

Còn nhớ cảnh xử kiện của vua Diêm vương trong truyện Những cái cân cũng thường sai : Mụ rắn hổ mang vừa ì ạch bò, vừa thở và nói khi kết thúc phiên tòa :

"Luật pháp giống như... phì phò... những cái mạng nhện, chỉ bắt được những lũ ruồi nhỏ... phì phò... Dịch vật thằng Bò, già đầu còn u mê... phì phò... báo hại".

Suốt tập Chúng tôi có mặt là những vở hài kịch nhỏ mà nhân vật là các con thú hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu. Con bò cộ, con trâu, con ngựa, con cá rô, con chim chìa vôi, con gà cồ tía... thậm chí con còng gió, con ốc, ruốc, tép, chuột... đều được diễn qua sân khấu với những hình dáng và tính cách hết sức đặc biệt. Bối cảnh vẫn là vùng quê Phú Yên. Những cái tên như núi Nhạn, Chóp Chài, rừng Cấm, Phong Thăng, Long Hòa, Đồng Miếu... kéo theo một vùng không gian quen thuộc. Trong vùng không gian ấy, âm vang giọng nói dân dã của quê hương. Chưa bao giờ, ngay cả với nhiều truyện dài, tiểu thuyết, việc sử dụng giọng điệu địa phương lại triệt để như tập Chúng tôi có mặt. Tôi có cảm giác cái tiếng nói ấy thật hồn nhiên, tự tin bước lên sân khấu văn chương mà không cần chút hóa trang, tô vẽ. Đây là đoạn trích trong truyện Khi khốn khó mới biết ai là bạn :

..."Nhưng đây đó vắng lặng. Chợt từ xa một chú Mèo Rừng lưỡng thưỡng đi săn mồi về. Thấy Bông Lau mình đầy máu, mặt mũi sưng húp, môi vều răng gãy, Mèo Rừng hỏi :

-Sao vậy ? Sao tang thương vậy ?

Nghe Bông Lau hổn hển kể lại sự việc, Mèo Rừng chép miệng :

-Tệ chưa ! Đã phục kích mà còn kêu viện trợ tới ba bốn đứa ! Rõ ràng là thời đại thiếu Đạo Đức trầm trọng. Bá đạo và tiểu nhân. Thôi, gắn lết về nhà cho vợ nó băng bó. Mình về rửa mặt tắm táp rồi đi có chút việc.

Một lát sau cụ Beo Già thò đầu ra ngoài hang, nói với :

-Về biểu con vợ mày... hừ hừ... chạy xin chút nước đái đồng tiện rồi trong uống ngoài thoa cho nó tan máu bầm.

-Dạ, cháu lết hết nổi rồi, cụ ơi ! Chúng nó vây cắn gần đứt lìa cái cẳng.

-Không sao đâu. Chó liền da. Gà liền xương. Mày là chồn thì cũng... đâu đó. Hừ hừ... thôi để tao về trông chừng mấy đứa cháu nội..."

(Trích trong tập Chúng tôi có mặt)

Kiểu nói như : "lưỡng thưỡng đi, về biểu con vợ mày, lết hết nổi, đứt lìa cái cẳng..." là ngôn ngữ thông dụng hàng ngày của đồng bào miền quê Phú Yên tôi (vùng Bình Định, Khánh Hòa cũng gần giống như thế).

Có thể coi tác phẩm Võ Hồng như phòng triển lãm về tiếng địa phương Nam Trung bộ qua các thời kỳ từ 1930 trở đi. Những năm 30-40 người ta thích nói giọng Bắc (ảnh hưởng văn chương). Sau năm 1945 thanh niên vùng Tuy An ưa nói những câu có tiếng như "Chời ơi ! Quá xá, dữ quá, xao dậy" do bắt chước cán bộ miền Nam ra đóng ở đây (trong tiểu thuyết Như cánh chim bay). Những năm 60-70 những cô gái như Ái Lan trong truyện Như con chim sơn ca thích đặt những cái tên hoa hòe và sử dụng điệu nói : "Mốc xì, Thiệt hả, Nghiệt quá ! Ngon hết lớn!"... Tiếng nói của một vùng cũng thay đổi theo thời gian. Với Võ Hồng, ngôn ngữ địa phương đã làm truyện của ông có một sắc thái riêng, tự nhiên, sinh động. Ông tôn trọng con người trong đó có tiếng nói.

 

Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nền văn hóa, làng mạc của người miền Trung mà ít người biết đến. Văn chương có giá trị như chiếc cầu nối giao lưu tâm hồn đến những tâm hồn. Võ Hồng đã mang những hình ảnh quê hương vào trong tác phẩm (mang cả giọng nói và nỗi nhớ thương !). Và một Phú Yên - vùng quê yêu dấu - sẽ được nhân lên trong mỗi người. Cũng như người ta nói đến Hà Nội là nhắc đến văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, tranh Bùi Xuân Phái, nhạc Phú Quang v.v... Phú Yên - sẽ còn được nhớ trong văn Võ Hồng.

Nhà văn có lần nói: "Một nhà văn chân chính bao giờ cũng nặng tình với mảnh đất nơi nó cư ngụ".

 

 

4. Hiện thực và hoài niệm

Võ Hồng không khái quát hiện thực bằng những điển hình nhân vật như các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao hoặc nhiều nhà văn khác. Ông cũng không tô điểm cuộc sống bằng cái nhìn lãng mạn cá nhân. Có thể ví văn chương của Võ Hồng như một tảng băng trôi. Phần nổi trên mặt nước là hiện thực cuộc sống. Phần chìm dưới nước nặng hơn, nhiều hơn là hoài niệm. Giữa cuộc đời nhiều bất trắc đổi thay, nhà văn hướng con người trở về cội nguồn thương yêu và quá khứ không thể mất.

Võ Hồng hay viết về cái đã qua. Ông có biệt tài trong việc làm sống động những kỷ niệm êm đềm của một thời.

Tìm hiểu qua tất cả những truyện dài, truyện ngắn của Võ Hồng chúng tôi thấy có điểm chung nhất là cái nhìn hoài niệm của nhân vật. Cái nhìn ấy chi phối giọng điệu và kết cấu tác phẩm.

Nhiều người cho rằng việc hồi tưởng quá khứ, gợi lại những hình ảnh xưa cũ... làm truyện Võ Hồng thiếu sự năng động, linh hoạt cần thiết, nhưng chính nhược điểm đó lại là chỗ mạnh để nhà văn vượt qua được sự tầm thường, nhàm chán của một cốt truyện đơn giản.

Có thể lấy dẫn chứng ngay bằng truyện ngắn đầu tiên được in ra của Võ Hồng : tác phẩm Hoài cố nhân. Truyện kể về cuộc đời và mối tình của nhân vật chính tên Hoàng Gia Lý. Lý yêu Xuân và tình yêu gặp nhiều trắc trở về phía gia đình. Lý nhiệt tình trong việc phụng sự Tổ quốc nhưng ngộ nhận về con đường chính trị. Cuối cùng Lý cũng cưới được Xuân, lãnh một chức nhỏ phụ giúp ở Ty cứu tế xã hội trong chính quyền kháng chiến và chết vì bệnh sốt rét. Xuân còn lại nuôi con nhỏ, rồi sau đó đi lấy chồng. Nhưng đọc Hoài cố nhân, người ta dễ dàng bỏ qua cốt truyện ấy mà giữ lại một tâm sự, một nỗi xúc động về cuộc đời. Mở đầu Hoài cố nhân tác giả viết :

"Một ngày đầu tháng chín năm 1942, tôi nhận được bức điện tín : "12 tháng 9 tới ga Hà Nội. Stop. Tìm dùm chỗ trọ. Stop. Hoàng Gia Lý"

(Hoài cố nhân - xb 1959 - Trang 3)

Tiếp theo đó từ bức điện tín - người kể (nhân vật xưng tôi) liên tưởng đến quá khứ - những ngày đi học ở trường làng, trường phủ, trường tỉnh. Từ chuyện ngôi trường, ông thầy mặc áo dài và mang guốc, ông Thanh tra đi chiếc xe hơi phải đẩy; đám học trò nhà quê đi học mang muối theo ăn với lá dang, lá é... đến chuyện anh học trò Hoàng Gia Lý - gia thế, việc học và mối tình của anh nghe qua lời đồn đại... Đoạn liên tưởng dài đến 12 trang (từ trang 3 đến trang 15 - khổ giấy in 13 x18 cm) nhưng người đọc không cảm thấy khó chịu mà trái lại cảm thấy thú vị khi đi theo lời kể duyên dáng để trở về vùng quá khứ thơ ấu. Võ Hồng đã biến kỷ niệm thành hiện thực sinh động đang diễn ra trước mắt. Sự liên tưởng tự nhiên gắn liền với cảm xúc người kể :

"Thật tội nghiệp cho cái thời xa xôi mà lũ nhỏ chúng tôi mới bắt đầu tiếp xúc với cơ khí. Nhiều đứa mỗi lần nghe còi xe vang lên ở đầu cầu là rủ nhau vội vã chạy xuống dốc trường. Khi xe chạy vụt qua, các anh nhảy xổ ra giữa đường hít lấy hít để đám bụi mù sặc mùi ét - xăng rồi kháo nhau : Thơm quá ! Thơm quá !" (Trang 5).

Tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo và khờ khạo được lưu giữ trong ký ức người kể và chỉ cần một mối liên hệ nhỏ là tuôn chảy thành dòng. Càng gắn bó mật thiết với quá khứ, kỷ niệm càng nhiều, càng chất chồng, phong phú. Trong Hoài cố nhân sự liên tưởng đến quá khứ không chỉ dừng ở 12 trang đầu câu chuyện, nó được lồng trong hình ảnh thực tại, trong giọng kể của người thuật truyện :

"Khi tiễn anh ra cổng, tôi cứ nghĩ mãi đến "đám cưới" và "cái chăn". Oái ăm hết sức là hôm nay anh sang thăm tôi lại mặc bộ nĩ màu xanh rêu mà cách đây hai năm chính tôi đưa anh đến hiệu may Hàng Trống chọn hàng và đặt may cho anh. Cái ca-vat màu xanh lục thắt khéo hòa hợp với màu áo. Tự nhiên tôi nhìn sang cái chăn dạ màu nâu cũ. Một chút nghẹn ngào dâng lên làm tôi hơi khó thở. Hạnh phúc một cuộc đời, cuộc đời của một người say mê khao khát, ôm ấp nhiều hy vọng và hứa hẹn nhiều triển vọng, hạnh phúc đó cuối cùng chịu bằng lòng xây dựng bên cạnh màu chăn dạ cũ kỹ kia sao ?" (Trang 35).

Hoài cố nhân là một câu chuyện về tình yêu nhưng bao la hơn ở đằng sau nó là những suy tư, trăn trở về một cuộc đời, một lý tưởng được lồng trong một bối cảnh lịch sử trải qua nhiều biến động. Màu sắc của thời gian, của sự hồi tưởng tạo cho chuyện cảm giác rưng rưng xúc động. Câu chuyện không chỉ nói về Lý mà đang kể về quá khứ của mỗi người, những được mất trong thực tại chúng ta.

Một truyện ngắn khác là Chuyện cái răng, đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 115, 116 ra ngày 15.10 và 1.11.1961, sau được in chung với các truyện khác trong tập Khoảng mát (Nxb An Tiêm, 1966). Chuyện cái răng chỉ là câu chuyện về một cái răng đau của Vân (tên nhân vật trong truyện). Một cái răng ! Có nghĩa lý gì trong cuộc đời của bộ răng tới 32 cái. Nhưng trong cái tầm thường đó truyện lại được làm nổi bật ở chỗ : "Vân có những kỷ niệm không mấy êm đềm về những cái răng của mình". Từ đó ký ức được viết ra bằng một thứ ngôn ngữ trong trẻo lọc qua nhiều tầng lớp thời gian. Chuyện cái răng của Vân gắn liền với cuộc sống của Vân tương quan đến cả những thay đổi của tiến trình thời đại. Cái răng trở thành một chứng tích của các đoạn đường đời khác nhau. Hồi nhỏ Vân phải đi học xa nên ở trọ nhà người ta, một cái răng đau nhức khiến Vân không ăn cơm được, nằm im trên ván ôm má, lén nhìn cảnh sum vầy, đầm ấm của gia đình người chủ trọ mà nhớ đến mẹ, đến chai dầu và sự quan tâm săn sóc ở gia đình mình. Vân nhớ nhà, nhớ làng, nhớ xóm. Năm 19, 20 tuổi - đang học ở Hà Nội, cái răng Vân lại có vấn đề. Cái răng có những chấm đen và phải chịu nạo, trám... Cái răng lại gắn với cuộc sống và những kỷ niệm về Hà Nội, về tuổi thanh xuân. Đến khi Vân có tuổi, bận rộn lo toan với con cái, cuộc sống gia đình, cái răng đau lại ám ảnh Vân.

Cứ như thế chuyện cái răng như là chuyện của số phận. Ký ức đuổi theo cuộc đời gắn liền ngày hôm nay với dĩ vãng xa xăm.

Cái răng đau đem đến cho cuộc đời Vân những kỷ niệm khó quên, làm tâm hồn chàng thêm phong phú, sâu sắc. Bằng chứng là khi nhổ cái răng đi, trong những ngày phải bỏ trống chờ lành để trồng răng mới, Vân đã khám phá ra nhiều cái mới thú vị như chuyện nhai, nói, phát âm, đứng trước lớp, thái độ mặc cảm và không mặc cảm v.v... Ý nghĩa nhân sinh đó làm người ta yêu cuộc sống biết bao !

Cái còn lại, đằng sau câu chuyện Hoài cố nhân là nỗi nhớ. Nỗi nhớ gắn liền với cuộc đời và con người. Đằng sau Chuyện cái răng là sự mở ra của tâm hồn cần cảm thông, chia sẻ. Tâm hồn gắn với thể xác và chịu sự tác động của thể xác.

 

Hiểu một cách cụ thể, hoài niệm là nỗi tưởng nhớ về quá khứ như vậy - nhưng sâu hơn, xa hơn trong cái nhìn hoài cảm của nhà văn là thái độ đối với thực tại.

Văn chương của Võ Hồng là sự tiếp nối, làm biến thái mạch văn học tiền chiến từng đi vào nuối tiếc dĩ vãng thơ mộng xa xăm. Đó là Nguyễn Nhược Pháp với Ngày xưa; Vũ Đình Liên với Ông Đồ; Lưu Trọng Lư với Khói lam chiềuTrong chiếc cáng xanh; Thanh Tịnh với Quê mẹ, Chị và em; Ngậm ngải tìm trầm... Còn thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính thì luôn quay trở về với thế giới hôm qua. Thơ Nguyễn Bính đưa người ta hoàn toàn trở về với cuộc sống hài hòa, êm đẹp cũ, có hàng cau, giàn trầu, bến nước, cây đa, hội hè và những đêm xuân đầy mộng của các cô gái quê xinh đẹp, ý nhị.

Võ Hồng khác. Võ Hồng nhìn về quá khứ. Nhà văn đứng ở thực tại để hồi tưởng quá khứ. Thực tại mới là đối tượng chính của những trăn trở, lo âu, của những hoài niệm. Giữa một ngày hỗn loạn vì bom đạn, xáo trộn với những đoàn quân, đoàn người di cư, Luân (nhân vật chính trong Hoa bươm bướm) tình cờ gặp lại người quen (Kim) trên một đoàn tàu đang đứng ở ga. Trong câu chuyện giữa hai người, Luân được tin bạn của mình tên là Minh đã hy sinh. Luân choáng váng và dồn dập trong ký ức Luân là hình ảnh và nỗi nhớ người bạn cũ :

"Thằng Minh chết rồi. Minh học một năm trường Luật bỏ nhà ra đi kháng chiến. Mẹ khóc ròng nài nỉ ở lại. Minh là con một. Ông bà Hội đồng nhà giàu có lớn ở mãi Sóc Trăng. Hồi nhỏ được cưng đến nỗi ba tuổi còn bú mẹ. Mỗi lần Minh làm nũng khóc quấy thì bà Hội đồng chìa vú cho Minh. Minh cắn vú mẹ và bà Hội đồng đau quá chảy nước mắt ra nhưng vẫn cố cười dỗ con. Những hồi Minh ngứa nướu mọc răng, bà cũng đưa vú cho con cắn để cho con đỡ ngứa. Minh lớn, rụt rè nhút nhát. Đi học thường bị chúng bạn ăn hiếp. Minh bỏ học đi theo kháng chiến. Lầm lì ít nói nhưng đánh giặc rất hăng. Thằng Minh chết rồi. Chắc chắn đám bạn hữu chưa ai biết được tin đó, chắc chắn đa số còn chưa biết cả tin Minh đã đi kháng chiến. Thằng Minh... Tiếng còi tàu huýt lên. Tiếng còi xếp ga tu tu. Tiếng hơi xì ở đầu máy. Máy chuyển... Máy chuyển... tàu chạy nhè nhẹ. Minh ơi, hiện giờ mày như thế nào ? Hôm uống cà phê với mày ở hiệu Thanh Thanh, mày nói kháng chiến một năm yên rồi mình ra Hà Nội học lại. Lúc bấy giờ mình già đi, khôn ra và lý luận rành mạch.. Má moa sợ đánh giặc chết nên cứ khóc hoài. Năm bảy ngày được một cái thư và mỗi cái thư ít nhất cũng có mười chữ "má khóc"... Con Thúy Nga ở phố Hàng Quạt, tao yêu nó mà tao nhút nhát không dám nói. Nó cũng yêu tao mà mãi sau này tao mới biết. Để hôm nào kháng chiến thành công, tao trở về Hàng Quạt... Thằng Minh chết rồi. Thôi hết; cuộc đời, tình yêu và kháng chiến. Minh ơi, mày khỏi cần về Hà Nội học lại, khỏi gặp con Thúy Nga, má mày sẽ khóc nhiều nhưng mày còn đâu nữa để má mày viết mười lần "má khóc". Má mày khóc thầm trong đêm tối bởi vì bây giờ mày là đêm tối".

(Hoa bươm bướm - Trang 170, 171)

Đoạn văn trên là sự hồi tưởng về Minh. Minh lúc nhỏ, Minh hồi đi học : tính tình, yêu đương, dự định tương lai v.v... Dĩ vãng, kỷ niệm thức dậy sống động. Trong sự nhớ thương hoài cảm, nghe âm vang điệp khúc ''Thằng Minh chết rồi!'' như sự đối lập nghiệt ngã giữa hạnh phúc và bất hạnh. Minh chết rồi ! Chính nỗi đau của thực tại làm người kể xót xa nghĩ về những ngày Minh còn sống. Chuyện Minh bú mẹ, cắn vú mẹ, bà Hội đồng cưng chiều con... tưởng như lan man, vô định... nhưng đó mới chính là hình ảnh của sự mất mát. Cái chết đã cướp đi mạng sống của Minh đồng thời mang theo luôn tình yêu cuộc sống của anh, mang theo luôn những khát vọng và tấm lòng của một bà mẹ vì con. Xen lẫn với lời kể là tình cảm, lồng trong tình cảm là những suy tư. Nhưng đằng sau những bóng dáng lộn xộn của quá khứ là cái nền của hiện tại : ''Tiếng còi tàu huýt lên. Tiếng còi xếp ga tu tu. Tiếng hơi  nước ỏ đầu máy. Máy chuyển...Máy chuyển...''.

Luân quên mất mình phải xuống ga và ngẫu nhiên đi theo con tàu chính vì cái tên Minh chết hay chính xác hơn chính vì tâm trạng nặng nề thương cảm đó, Luân nói với Kim :

''-Mới nghe tin một người bạn chết. Buồn quá, không muốn di chuyển một bước.

 -Ai vậy?

 -Thằng Minh đóng ở Blao.

 -Em tiếp xúc với cái chết hằng ngày nên hết biết cảm động.

 -Đó mới là mối nguy lớn nhất của con người. Đời sống con người lần lần được định giá quá rẻ và người ta xâm phạm đến nó mà không thấy lạnh ở con mắt''.

(Hoa bươm bướm - Trang 172)

Tư tưởng của nhà văn nằm trong mấy chữ ''định giá quá rẻ'' đó. Chiến tranh hủy diệt cuộc sống, hủy diệt luôn giá trị của con người; tình cảm gắn bó đồng loại. Minh và quá khứ của Minh tượng trưng cho cái đẹp, cho ánh sáng. Minh chết, quá khứ cũng mất và chỉ còn ''bóng tối''. Nhưng, cuộc sống sẽ ra sao nếu mất luôn cả cái đẹp và sự xúc cảm khi đứng trước cái đẹp ?

 

Thời đại của Võ Hồng sống trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Đứng trước sự tàn bạo của súng đạn, Võ Hồng cũng như nhiều người cầm bút khác đều nói lên lòng đau đớn của mình. Chỉ có điều Võ Hồng thâm trầm hơn, ông muốn lấy quá khứ soi bóng lên thực tại để tìm ra những giá trị bền vững. Đó là cái đẹp của cuộc sống yên lành, cái thiêng liêng của tình yêu thương. Hoài niệm không đơn giản là sự nhớ lại; hoài niệm là sống lại những gì tha thiết nhớ nhung, không hận thù, không định kiến, đố kị. Văn chương Võ Hồng mang bản chất như thế.

Nhân vật nào của ông trên bước đi của thực tại cũng có dĩ vãng níu kéo :

''Luân thấy lại mình còn nhỏ, thẩn thơ trên con đường làng giữa trưa, rình rập bắt những con chuồn chuồn bay vật vờ ở các bụi táo nhơn thấp. Hàng tre mọc hai bên đường giao cành lá vào nhau ở trên cao. Ánh nắng lọt qua khe lá thêu thùa mặt con đường đất. Chàng thấy mình ôm cặp sách đi học, măc áo bà ba, đầu đội mũ trắng''.  

(Hoa bươm bướm - Trang 64)

Ký ức tuổi thơ thường xuyên xuất hiện nhất trong các tác phẩm của Võ Hồng. Cũng như Luân luôn nhớ về những ngày còn nhỏ, lão Túc, lão Tâm nhớ về những ngày thơ ấu gian khổ. Nhàn, Huệ... nhớ về làng quê..., nhân vật cậu bé An trong Ngày xuân êm đềmLễ cúng trường chính là hình ảnh của quá khứ sống động, tươi đẹp. An sung sướng và bình yên trong khung trời hồn nhiên và bao bọc đó. Nó trở thành chỗ dựa, một cõi đi về cho tâm hồn giữa cuộc đời bất trắc.

Viết về những hoài niệm tuổi thơ tưởng không có quyển nào giống như cuốn Người về đầu non. Truyện dài này được xem như tự truyện của tác giả. Ở đó có những trang dường như không phải chỉ thuật lại quãng đời của một người cụ thể mà là tuổi thơ ấu chung cho mọi người. Lớn lên trong tình yêu thương, trong nếp sống chân thực quê mùa của quê hương làng xóm, tâm hồn của cậu bé (nhân vật trong truyện) được nuôi dưỡng, bồi đắp phong phú. Và cho dù lớn lên, ở tận nơi đâu, con người đó vẫn bùi ngùi nhớ về quê cũ :

"Quê hương của tôi đây, tuổi nhỏ của tôi đây ! Nhưng sao mà xa cách hững hờ như tôi là người khác lạ ? Lỗi của tôi hết. Tôi ra đi mười năm không hề dừng bước ghé thăm một ngày. Con chim bay về tổ cũ và đang ngẩn ngơ nhìn cái tổ ngày nhỏ của nó".

(Người về đầu non - Trang 123)

Người về đầu non không có những lời dẫn giải dài dòng. Tự thân những hình ảnh của kỷ niệm gợi lên bao nhớ thương hoài cảm, tự thân ký ức lưu giữ cái đẹp hồn nhiên, trong trẻo của một thời :

"Tết xong, thầy dẫn học sinh đi thi thử. Ba trường ước hẹn, trường Trung Lương, trường Ngân Sơn đi xuống Hội Phú thi với trường Tiên Châu. Y như ba đạo quân của thời kỳ Đông - Châu - Liệt - Quốc phó hội ăn thề...

Một đoàn chừng bốn mươi học sinh tuổi trung bình mười một, mười hai mặc áo dài đen đội mũ, tay ôm giấy bút mực, đi sắp hàng đôi đi suốt năm hay mười cây số để tới trường thi, cảnh ấy làm ngạc nhiên những người đi lại trên đường. Họ đứng lại trầm trồ chỉ trỏ và tôi chắc trong thâm tâm nhiều người muốn có một đứa con như chúng tôi..."

(Người về đầu non - Trang 33)

Nhân vật của Võ Hồng quý trọng và nâng niu dĩ vãng tuổi thơ của mình. Đến như Tộc - một nhân vật trong truyện Niềm tin chưa mất - vốn lúc nhỏ là một học sinh kém, thường bị thầy trách mắng, lớn lên vẫn tha thiết nhớ về tuổi học trò không chút mặc cảm :

"...Bây giờ ngồi nhớ lại thầy tôi thấy thương thầy hết sức. Đành rằng tôi học chẳng đỗ đạt gì, nhưng đó toàn là lỗi của tôi. Tôi học dốt mà lại lười quá. Giá vào tay một thầy giáo khác thì tôi đã bị đuổi học lâu rồi. Thế mà thầy vẫn chịu đựng, vẫn chấp nhận tôi, vẫn cố dạy cho tôi biết rằng la mare là cái ao, le kilo là quả cân... Những kiến thức đó, ra đời tôi không dùng được gì nhưng chúng cho tôi một cảm tưởng êm đềm là ngày thơ ấu của tôi không đến nỗi bạc đãi".

(Lá vẫn xanh - Trang 114)

Tộc là một biểu hiện về nhân cách của nhà văn Võ Hồng. Vấn đề không phải Tộc tốt bụng, vị tha mà chính tâm hồn Tộc không biết nghĩ đến cái xấu, không che đậy cho cái xấu cả trong quá khứ. Tâm hồn ấy trong suốt.

Nhắc nhở, hồi tưởng dĩ vãng nhất là kỷ niệm tuổi thơ, Võ Hồng không chỉ dựa vào kinh nghiệm, vốn sống sẵn có của bản thân mình, ông muốn nói nhiều hơn đến nhân cách của một con người luôn gắn bó với cội nguồn thương yêu. Cũng như với nhân vật Tộc, hoài niệm quá khứ không có giá trị về vật chất nhưng nó đem đến sự giàu có phong phú về tinh thần - nhất là cảm giác trong lành, bình yên. Cái nhìn rộng lượng, chân thành với dĩ vãng đã qua giúp người ta vững tin hơn trong cuộc sống thực tại.

Vả chăng quá khứ là cái đã qua, đã cố định trong khi thực tại đang biến động, thay đổi. Một thực tại nhiều xáo trộn lo âu càng khiến con người khát khao những giá trị bền vững.

Cần phải thấy rằng không phải truyện nào của Võ Hồng cũng xuất phát từ tấm thảm xanh êm ái của dĩ vãng rồi tiến về cuộc sống hiện thực, tương lai hoặc từ hiện thực mà quay lui về quá khứ. Truyện của Võ Hồng là cuộc sống thực tại qua cái nhìn hoài niệm. Nhân vật luôn đứng ở một vị trí xác định về không gian và thời gian. Vị trí đó cho thấy rằng hoài niệm không phải chỉ đơn thuần là nhớ về quá khứ :

"...Tôi đã 32 tuổi rồi, đã biết thế nào là hy vọng quá cao và thất vọng xót xa. Tôi tập hạn chế hy vọng, lúc nào cũng chuẩn bị đón nhận những sự bất như ý thật lớn, chịu đựng những thiệt thòi quá mức để mong rằng sự thực không đến nỗi tồi tệ như vậy".

... "Xa rồi buổi bình minh có ánh nắng đùa trên gợn nước, hoa dại rung rinh và lảnh lót chim ca. Tôi đã cố gắng hết sức mình. Tôi đã vội vàng..."

(Con suối mùa xuân - Trang 10 và 22)

Đó là tâm trạng của Loan trong truyện ngắn Tháng năm sương mù. Loan mong muốn có hạnh phúc nhưng không tìm được hạnh phúc. Chiến tranh, chết chóc, đàn ông khan hiếm, những cuộc chạy đua để giành giật tình yêu. Loan mệt mỏi, thất vọng. Nhưng đọc kỹ đoạn văn trên, không thấy có hành động của Loan. Hay nói đúng hơn không có hành động vật chất, chỉ có hành động của ý thức, của tinh thần : "hạn chế hy vọng, chuẩn bị đón nhận, chịu đựng, cố gắng...". Nhân vật Loan mang tâm trạng hoài niệm. Cái nhìn hướng đến những giá trị tinh thần. Cái nhìn hướng vào nội tâm khám phá ra những nếp gấp hằn sâu trong tâm hồn mình. Đó cũng là tâm trạng của Doãn trong Vết hằn năm tháng, nhân vật người phụ nữ trong Những giọt đắng, người đàn ông trong truyện Trở về, Huy trong Bên kia đường...

Nhân vật của Võ Hồng không trốn trong quá khứ, không lấy quá khứ để thay thế hiện tại; cái nhìn hoài niệm tìm kiếm chính là một thế giới tinh thần trong trẻo, hồn nhiên, vị tha và bình yên. Tuổi thơ và cuộc sống êm đềm ở làng quê những ngày thơ ấu mang những nét đặc trưng đó.

Tình yêu hòa bình, yêu cuộc sống chân thực, yêu cái đẹp chan chứa trong văn chương Võ Hồng :

"Khi hoa mãn khai, hoa nở trọn vẹn, xòe rộng hết mọi cánh, phô bày hết mọi vẻ đẹp thì đó là lúc mà nếu có ý thức thì hoa phải bắt đầu buồn. Y như ngày Tết chấm dứt vào tảng sáng mồng một".

(Truyện ngắn chọn lọc - Trang 255)

Hoa nở, hoa tàn. Năm tháng kế tiếp nhau trôi qua. Thời gian không bị cách trở nhưng chính thời gian lại mang đến hoài niệm, suy tư. Với Võ Hồng thời gian được xác định cụ thể trong quá khứ nhưng lại khó xác định trong thực tại. Mục đích của nhà văn là chắt lọc trong dòng chảy thời gian tìm ra một cái đẹp bền vững, khó phai tàn.

Võ Hồng khác với Xuân Diệu về những ám ảnh thời gian. Xuân Diệu trong thơ luôn là sự  hối hả, thúc giục - cả trong tình yêu :

"Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ

                               Em ơi em tình non sắp già rồi"

Tình mới chớm, Xuân Diệu đã sợ phai tàn, tình còn non Xuân Diệu đã thấy trước tình "sắp già". Sự đổi thay mau chóng của thời gian khiến nhà thơ luôn ở trong trạng thái cực đoan : yêu nồng nhiệt, cháy bỏng và thất vọng cũng ghê gớm cùng cực. Xuân Diệu kéo trước tương lai về với thực tại.

Trong khi đó, thời gian trong tác phẩm Võ Hồng chính là sự dồn nén của quá khứ trở về thực tại. Xuân Diệu nôn nóng, vội vàng. Võ Hồng trầm tĩnh, tư lự. Ông dè dặt với bước đi của thời gian. Ông sợ mất cái đẹp đã có trong quá khứ.

 

Tôi muốn nói đến những truyện tình của Võ Hồng, những truyện tình mà ông Cao Huy Khanh gọi là "những truyện tình bâng khuâng"  vì nó trôi chảy chậm chạp và được bao phủ bởi một không khí êm đềm, thi vị cổ điển.(1)

Mối tình Xuân - Lý trong Hoài cố nhân, Diệp và Thu Vân trong Ngày xưa, Hà và Tường Vi trong Hà Vi... là những khúc nhạc dạo nên thơ, thánh thót nhưng chỉ vang ngân trong dĩ vãng nhớ thương. Kết cục, Lý chết - Xuân đi lấy chồng. Thu Vân không lấy được Diệp và Diệp bâng khuâng với ba thước lụa hồng không biết mua để tặng ai. Hà và Tường Vi đã từng có giây phút chung đôi thơ mộng ở Hà Nội, nhưng cuộc đời biến động Hà Vi lại là con của Tường Vi với người cha đã mất chứ không phải của Hà. Hà dạy học cho Hà Vi có nghĩa hàng ngày đối diện lại với hình ảnh của ngày xưa cũ. Nhân vật trong các truyện tình của Võ Hồng luôn luôn nuôi dưỡng quá khứ, cho dù tình yêu trong quá khứ không có kết quả hiện thực.

Trong truyện ngắn Mùa hoa soan, Phúc và Liên yêu nhau, đồng cảm nhau nhưng Liên vẫn im lặng giữ tình cảm riêng tư kín đáo của mình và Phúc vẫn về quê cưới vợ theo sự xếp đặt của mẹ. Nhân vật âm thầm tự biện hộ với mình :

"Tình yêu vô vọng có một cái vẻ gì đau xót... có lẽ đẹp hơn, bền hơn những mối tình có kết quả"

(Con suối mùa xuân - Trang 99)

Tôi chắc nhà văn không muốn đánh mất cái đẹp ban đầu của tình yêu. Những nhớ mong, hồi hộp sung sướng và âu lo nhẹ nhàng, mới chớm đó quyến rũ người đọc. Truyện tình của Võ Hồng thường không đi đến một kết quả hạnh phúc nhưng giá trị của nó lại ở chỗ hướng tới cái đẹp của nhân cách, của tâm hồn.

Có thể nhắc lại tình yêu của Long và Nguyệt và truyện ngắn Người thứ ba.

Long yêu Nguyệt nhưng không được gia đình Nguyệt chấp thuận và Nguyệt cưới Phú, một người bạn của Long. Long giận Nguyệt, giận cuộc đời nhưng trong thâm tâm vẫn nuôi dưỡng một tình yêu vô vọng. Long càng cố xa Nguyệt càng xích lại gần Nguyệt trong mối hờn ghen xót xa.  Long ghét hoa phượng  vì ngày xưa  hai  người  hay đi  dưới   tàn

 

  


 

(1) Cao Huy Khanh : Võ Hồng - Những truyện tình bâng khuâng - Tuần báo Khởi Hành số 84.

 

phượng đỏ và Nguyệt đã lên xe hoa vào mùa hè, khi hoa phượng rực rỡ ở cổng nhà nàng.

Kỷ niệm xưa cũ sống động nhức nhối vì bị ngăn trở trong thực tại. Khi Phú (chồng Nguyệt) chết, Long lại rơi vào tình thế khó xử. Quá khứ bị lẫn lộn với thực tại : Nguyệt trong bộ đồ tang trắng làm "Long bàng hoàng như mình vừa qua một giấc mơ ngắn. Màu da mặt ấy với màu vải trắng kia chính là màu quen thuộc của Nguyệt khi nàng còn là học trò, mặc áo dài trắng và xõa tóc bên vai. Chính Nguyệt đã yêu anh với màu trắng ban sơ ấy" (1).

Nhưng sự hóa thân của quá khứ trong thực tại làm Long hoài nghi thực tại, không chấp nhận thực tại. Long muốn giữ cái vị ngọt ngào pha mùi cay đắng của tình yêu sáu năm về trước. Long không muốn mình làm người chiến thắng tầm thường.

Con đường đi của các nhân vật Võ Hồng không phải là hướng trở về quá khứ, nó chỉ bắt đầu trong quá khứ và các nhân vật không bỏ quên những gì đã trải qua sau lưng mình. Mang theo hành trang tinh thần đó, nhân vật của Võ Hồng không có những bước dấn thân liều lĩnh trong thực tại nhưng lại nặng nề những suy tưởng, âu lo. Bao phủ trong các truyện là không khí hoài cảm, câu văn nhẹ nhàng, cách mô tả bao giờ cũng mang ý niệm thời gian :

"...Chòi canh cao bay phất phơ lá cờ. Một người lính ngồi ôm súng nhìn không gian chập chùng đồi núi. Lô cốt. Trại lính. Hai mươi năm đủ đào tạo một thế hệ. Người lính đang ngồi trên chòi canh đó có thể là con của người lính tôi đã gặp hai mươi năm trước, đứng canh gác cầu này. Các thế hệ kế tiếp nhau đã chuyền cho nhau tiếng nói và cây súng. Nước chảy dưới cầu. Những đồi cát nằm im giữa lòng sông".

(Bên kia đường - Trang 145)

Thời gian đang vận động : "Các thế hệ kế tiếp nhau", "nước chảy dưới cầu"... nhưng đó là sự vận động trong tĩnh lặng. Chính cái tĩnh lặng đó làm cho suy tư đọng lại, trăn trở : "Người dân không có thì giờ để nghỉ ngơi. Hai mươi năm đủ để đào tạo một thế hệ !...". Không có bóng dáng nào của tương lai, của ngày mai.

 

  


 

(1) Vết hằn năm tháng - Trang 70, 71.

Truyện của Võ Hồng ít đề cập tới tương lai (nếu có - tương lai đó cũng thuộc về quá khứ - Ví dụ ước mơ ngày bé, điều mong muốn của người bạn đã chết v.v...) nhưng xuyên qua những trầm tư, tiếc thương quá khứ đó ta vẫn bắt gặp một hoài vọng âm thầm, tha thiết.

Nhàn trong Gió cuốn trở về quê hương, vì tin cậy vào kỷ niệm tuổi thơ và cuộc sống ở quê nhà. Tộc và quá khứ của Tộc tạo "niềm tin chưa mất" trong cuộc đời.

Nhìn về quá khứ, Võ Hồng mang theo niềm khát khao về một tương lai tốt đẹp, trong sáng, bình yên.

Nâng niu dĩ vãng, thái độ của Võ Hồng đối với thực tại là khẳng định những giá trị tinh thần, những gì tốt đẹp đã có trong cuộc sống.

Truyện của Võ Hồng đi trong hoài niệm !

Thường xuyên ta bắt gặp trong tác phẩm là những chữ : "hồi tưởng lại", "nhớ lại", "thấy lại", "cách đây ba năm", "Năm tôi lên...tuổi", "nhắc đến", "những hồi", "những lúc" v.v...

Đi theo những chữ mở đầu giản dị dường như không cần có đó, là những dòng cảm xúc miên man. Giọng văn Võ Hồng mới chính là biểu hiện cụ thể của sắc thái hoài niệm :

"Nơi đây tôi đã sống những ngày buồn. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Tôi muốn tìm một cái gương để soi nhìn bóng mình. Tôi muốn nhìn lại bóng dáng mình bước những bước cô đơn trên con đường heo hút này, trên lối đi trải đầy lá ngo rụng này, trong khu vườn nhỏ mọc rải rác những bụi cà phê, những thân hoa anh đào, hoa hương mộc"...

(Bên kia đường - Trang 147)

Võ Hồng không hay dùng từ ngữ lạ, nhưng sự mô tả của ông luôn hấp dẫn ở chỗ sự vật được lồng trong cảm xúc thời gian. Mối liên hệ giữa ngày hôm qua với hôm nay chìm và nổi trong các trạng thái sự vật "con đường heo hút này", "lối đi trải đầy lá ngo rụng này", "khu vườn nhỏ" v.v... Tất cả những sự vật cụ thể đó vừa xác định bức tranh sống động của hiện thực, vừa gợi lên cái bóng mờ của quá khứ : "Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua...".

Có cái gì đó không hẳn là tiếc nuối mà là chút vương vấn, bâng khuâng của tâm hồn. Hiện tại không chỉ gợi về quá khứ, hiện tại nhắc nhở thời gian - Cái gì sẽ vĩnh cửu trong dòng chảy thời gian ?

Hoài niệm là tâm sự, suy tư về thực tại. Câu văn Võ Hồng ít có hành động nhân vật, ít có biến thái thay đổi. Câu văn Võ Hồng là trạng thái tĩnh lặng chở đầy hành động của cảm xúc : "Tôi đã sống những ngày buồn", "tôi muốn tìm", "tôi muốn nhìn" v.v...

Những dòng cảm xúc đó đưa người đọc phiêu lưu vào một thế giới tinh thần quen thuộc mà kỳ lạ, ta bắt gặp mình trong những hình ảnh đó và ta cũng mang tâm trạng hoài niệm.

Vả chăng khi con người có tâm trạng hoài niệm ta thường biết vượt lên trên cái tầm thường, hữu hạn của cuộc đời, và chỉ còn lòng thương yêu, thành tâm, rộng lượng...

 

 

5. Viết cho tuổi học trò

Miguel de Cervantes Caavedra (1547 - 1616) - một nhà văn lớn Tây Ban Nha đã từng nói : “Cái gì mà chúng ta học được ở tuổi thơ thì luôn luôn còn mãi”.

Võ Hồng là một nhà văn, một nhà giáo nhưng trước hết ông cũng là người trải qua thời thơ ấu với những bài học không thể quên trong ký ức. Ông hiểu giá trị của quãng đời hồn nhiên, trong trẻo này.

Hơn một phần ba số đầu sách đã xuất bản của Võ Hồng là những tác phẩm dành cho tuổi học trò. Từ khi nghỉ hưu (1982) ông càng tập trung viết về đề tài sinh hoạt trường lớp, việc học tập và tính cách hồn nhiên của trẻ thơ.

Trước 1975, truyện của Võ Hồng được chọn đưa vào chương trình Giảng Văn phổ thông. Lớp Đệ Thất - Sách Giảng Văn do ông Đỗ Văn Tú biên soạn có bài Học sinh quê mùa - trích trong tác phẩm Hoài cố nhân. Chương trình lớp Đệ Lục - cũng của soạn giả Đỗ Văn Tú có bài Tấm ảnh trích từ truyện ngắn Trận đòn hòa giải. Nhiều học sinh đã khóc vì đoạn văn này. Đặc biệt cuốn sách được in đầu tiên Hoài cố nhân và cuốn tự truyện Người về đầu non lại được chú ý và đưa vào chương trình dạy nhiều nhất.

Như vậy không những chỉ có những tác phẩm viết về đối tượng chính là những em nhỏ tuổi hồng, tuổi ngọc, mà trong nhiều truyện khác, Võ Hồng luôn nhắc tới chuyện trường lớp và quãng đời học sinh trong quá khứ. Sự gợi lại dĩ vãng của ông nối liền con đường tới lớp cho nhiều thế hệ cắp sách tới trường. Trong văn chương ông người ta tìm thấy hình ảnh cậu học trò hôm qua trong cậu học trò bảnh bao của ngày hôm nay.

Những năm gần đây, khi truyện Thương mái trường xưa, Một bông hồng cho cha của ông được ấn hành, Võ Hồng nhận được rất nhiều thư của độc giả gửi đến. Trong đó cảm động nhất là thư của những người cha, người mẹ, người con kể về hoàn cảnh gia đình mình. Họ trân trọng cất giữ những tác phẩm của ông như gìn giữ giềng mối quan hệ tình cảm trong gia đình mình. Tác phẩm của nhà văn đã giúp họ có được ý thức đó. Ông Bùi Thanh Danh - Địa chỉ : huyện Hóc Môn - Thành phố Hồì Chí Minh viết thư có đoạn :

“...Tôi đưa (quyển Một bông hồng cho cha) cho mấy đứa con tôi đọc, đứa nào cũng con mắt đỏ hoe. Nhứt là đứa con gái út, đứa con mà tôi trong một lúc nóng giận không kiềm chế được mình đã dá tay lên định tát cho một cái. Tôi đưa cho nó đọc và hai cha con tôi ôm lấy nhau, cùng khóc. Và sau đó, thấy nhẹ nhàng con tôi hiểu tôi hơn, tha thứ cho tôi, còn tôi thì - không bao giờ muốn lìa nó, dù một bước”...

Ngày 13 tháng 10 năm 1994, học sinh chuyên Văn trường Lương Văn Chánh và thư viện Hải Phú (Phú Yên) đã tổ chức một cuộc tọa đàm về tác phẩm Một bông hồng cho cha. Nhiều em như Nguyễn Vũ Bằng, Lê Thiếu Nhơn... đã có những ý nghĩ sâu sắc về công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy từ bản thân mình khi đọc những trang viết của Võ Hồng.

Hành trang tình cảm đó có thể sẽ theo các em đến suốt cuộc đời.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, Võ Hồng là một cây bút thành công khi viết về đề tài thiếu nhi. Hơn nữa những tác phẩm của ông còn dành cho người lớn, vì sự quan tâm giáo dục và tình thương yêu ông gửi gắm trong đó.

Võ Hồng đánh thức trái tim nhạy cảm của mỗi người đang càng ngày càng chai lỳ, dạn dày... theo nhịp đi của năm tháng, thời cuộc.

 

Giá trị lớn nhất dễ dàng nhận thấy trong văn phẩm của ông là một thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo. Nếu như ở Hoài cố nhânNgười về đầu non là những ký ức tuổi thơ nguyên vẹn gắn liền với con đò, dòng sông, những người dân quê hiền lành chất phác thì Vẫy tay ngậm ngùi, Áo em cài hoa trắng, Thương mái trường xưa, Vùng trời thơ ấu, Hồn nhiên tuổi ngọc... là cuộc sống thực của học sinh ngày hôm nay. Bản chất hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ thời đại nào cũng giống nhau.

Cậu bé nhà quê trong Người về đầu non nghe đọc truyện Lục Vân Tiên mà hình dung ra nhân vật Trịnh Hâm là ông Hy chống đò quen thuộc trước khúc sông nhà mình. Mặt Trịnh Hâm còn giống mặt lão Đấu, một người hay làm con nít sợ. Và khi nghe thấy tên gọi một cái xe - “xe cam nhông”, cậu bé liên tưởng ngay đến trái cam “chắc vì nó màu xanh như da trái cam”. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng mà những dòng đầu tiên ghi nhận ở cuộc đời là khó xoá mờ nhất. Có khi nó ngô nghê không giải thích được. Đoạn trích trong truyện Vẫy tay ngậm ngùi có hai nhân vật là hai anh em tuổi chưa đến trường :

“-Thuỷ ơi !

Tôi dạ.

-Mày ở đâu ?

-Em ở trước sân.

-Chỗ nào ?

-Ở gốc cây trứng cá.

-Làm gì ngoài đó ?

-Coi hai con chim nó tha rác.

-Đợi tao ra coi với.

...Và anh nhảy ra ngồi ở chạng cây trứng cá với tôi. Hết coi chim tha rác, chúng tôi lại nhìn ra dãy xe cộ nối đuôi nhau chạy ngoài đường. Chán nhìn xe cộ, chúng tôi nhìn sang những sân nhà láng giềng... Nhà số 52 có thằng Hùng, thằng Hạ, con Nhơn. Mỗi lần mẹ chúng nó đi chợ về vừa bước tới cổng là chúng nó chạy ùa ra lục giỏ, mỗi đứa lãnh một củ khoai hay một trái bắp đi nghêu ngao, vừa cạp vừa múa hát. Tôi nói nhỏ với anh tôi : -Ăn bắp mà tụi nó không gỡ mấy sợi râu ở đầu...”

(Vẫy tay ngậm ngùi - trang 19, 20)

Thế giới trẻ thơ của Võ Hồng trong suốt và rộng mở. Ở đó một tiếng chim, một tiếng lá rơi cũng vang ngân tha thiết. Và bản năng tốt đẹp, nhân tính ở mỗi con người cũng bộc lộ trong những phản ứng, hành động ngây thơ hồn nhiên. Một đứa trẻ lo lắng vì món quà sẽ biếu cho thầy ngày Tết (Lễ cúng trường). Niềm vui của những ngày chuẩn bị đón xuân, những bâng khuâng rạo rực trước cảnh thay đổi của cây cỏ, chim muông... và không khí rộn ràng, tất bật ùa vào tâm hồn cậu bé An (Ngày xuân êm đềm). Những em bé còn biết làm thơ, ráp đúng những câu chữ ngộ nghĩnh theo vần bằng trắc. Chẳng hạn bài Chân dung tự họa sau đây :

Mới đó mà tôi đã lớn hung

Nhớ hồi năm tuổi chạy lung tung

Tết đi theo mẹ ra coi chợ

Tiếng nói inh tai, pháo nổ đùng

(Hồn nhiên tuổi ngọc - Trang 77)

Tâm hồn Võ Hồng gần gũi với tuổi thơ. Ông nhìn ngắm nó với sự say mê, thích thú chứ không mô tả theo ý mình nghĩ. Những người quen hay lui tới thăm ông đều được “diện kiến” với các em bé - nhân vật trong các tác phẩm của ông. Ông chơi với chúng hồn nhiên, nghịch ngợm và không ngừng khám phá những biểu hiện tình cảm đôi khi hết sức bất ngờ, ngạc nhiên của chúng :

Ông ngoại để chi ?

-Để ngồi hút thuốc

(Hồn nhiên tuổi ngọc - Trang 3)

Người đọc quan tâm đến tác phẩm Võ Hồng nhiều nhất bởi vì ông luôn nói về những mối quan hệ trong gia đình, nhà trường với ý hướng giáo dục tốt đẹp. Viết về vấn đề này, Võ Hồng không thuyết giáo đạo đức, ông đi từ nền tảng nhân tính cổ xưa, những tình cảm nẩy sinh tự nhiên trong mỗi con người. Đứa trẻ lớn lên yêu thương cha mẹ, ông bà và mảnh đất nuôi nấng mình tự nhiên như cây lúa mọc rễ hút chất dinh dưỡng từ lòng đất mà trổ bông, kết trái. Thiếu tình yêu đó, con người sẽ nghèo nàn về tâm hồn và không thể có giá trị tinh thần để làm nên nghị lực ý chí vươn lên. Nói về Võ Hồng, người ta hay nhắc đến những nhân vật quen thuộc là ba đứa con thiếu mẹ của ông nhưng chính bản thân ông cũng kể về tình yêu mẹ với nhiều chi tiết cảm động trong truyện Người về đầu non :

...”Tôi suy nghĩ về câu hát và cứ lo lắng bồn chồn ngày này qua ngày khác. Mẹ họ Lê và cứ năm ngày là mẹ phải xuôi đò dọc đi chợ Đồng Dài. Tôi sợ ma- da gây trận đò chìm và dìm chết mẹ tôi. Đêm đêm nghe tiếng gọi đò tôi giật mình nhìn ra khoảng tối trước sân, tưởng rằng trên bãi sông vắng ẩm ướt sương đêm, những con ma đang tụ họp nhau lại, rét run vì lạnh vừa bàn tính cách dìm chết người. Những buổi chiều phiên chợ Đồng Dài tan, đò dọc trở về tiếng tù và tu tu trên bến sông, lòng tôi mừng rỡ rộn ràng vì mẹ sắp về, mẹ đã thoát nạn. Khi nhìn dáng mẹ manh mảnh đi vào trong sân, tôi muốn chạy lại ôm mẹ và nói :

-Mẹ ơi, con mừng vì mẹ còn sống trở về.

Mẹ tôi mất đã ghi những nét buồn sâu đậm trên tâm hồn tôi

(Trang 49)

Người mẹ gắn với ký ức. Ký ức tuổi thơ vừa trong trẻo vừa ngô nghê. Còn nhớ hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm, những đêm khuya giáp tết gần sáng còn ngồi bên những chảo mứt rim, giặt giũ, lau chùi, gói bánh chưng, bánh tét trong truyện Ngày xuân êm đềm. Người mẹ tạo nên bầu hoà khí trong gia đình và đứa con nào cũng tuyệt đối tin vào vòng tay của mẹ. Bài tuỳ bút Nghĩ về mẹ Võ Hồng không chỉ dừng lại ở chuyện văn thơ và 24 gương trong Nhị thập tứ hiếu. Ông viết :

Mẹ của người bạn cùng quê với tôi, anh Phạm Ngọc Ân, vốn không biết chữ Quốc ngữ như mọi bà mẹ thời đó. Khi Ân học vỡ lòng, anh lẫn lộn M với N, P với Q... rồi sang vần ngược thì càng tha hồ lẫn lộn. Cha giận vừa nạt nộ, vừa vụt roi. Mẹ thương con, lén đứng dòm, lẩm nhẩm nhớ để rồi bày lại cho con. Kết quả là bà đọc được Quốc ngữ và sau đó là Ân học hành giỏi, làm tới chức thanh tra giáo dục...”

(Một bông hồng cho cha - Trang 19)

Hình ảnh của người mẹ gắn liền với cuộc sống tuổi thơ. Với mẹ, đứa con nào cũng nhỏ bé và cần sự che chở, thương yêu. Võ Hồng không chỉ nói về mẹ, tình cảm cha con sâu đậm nhất với ông bởi mấy chục năm trời, ông một mình gà trống nuôi con cho đến lúc con trưởng thành. Có cái gì đó thức dậy nghẹn ngào từ nơi sâu thẳm lòng mình khi đọc những truyện như Xuất hành năm mới, Trận đòn hòa giải, Mẹ gà con vịt, Lạnh tuổi thơ... Người cha trong truyện hoàn toàn không thể thay thế vị trí người mẹ, nhưng đã cố gắng hết sức để bù đắp chỗ trống của các con. Những đứa trẻ lớn lên thương yêu, giận hờn, đùa nghịch và luôn gắn bó với nhau, với một người cha vừa phải dạy dỗ, vừa phải lo toan, tần tảo. Thường thì người ta chỉ dừng lại ở “Công cha như núi Thái Sơn” vừa mơ hồ vừa chung chung xa cách nhưng Võ Hồng lại chỉ cho ta thấy núi Thái Sơn ấy rất gần và ai cũng có thể trèo, với tới. Tình thương của cha với con kín đáo mà vững bền, tha thiết. Đọc Lời sám hối của cha mới thấy giọng “nghiêm đường” cảm động và chân thành đến mức nào. Người cha ân hận, ray rứt vì đã lỡ đánh con bằng một cái dây nịt trong cơn bực tức vì nhiều nguyên cớ. Lời “sám hối” ấy ông dành cho đứa con gái 9 tuổi của mình. Con có thể đau ít hoặc con có thể không nhớ nhưng cha thì đau nhiều, đau vì ray rứt lương tâm, vì thương con.

Mỗi lần đọc những truyện viết về thiếu nhi của Võ Hồng là một lần được tắm lại dòng sông tuổi thơ với những kỷ niệm ngọt ngào, những mơ ước liên tưởng ngộ nghĩnh; là được nằm êm trong vòng tay mẹ cảm giác được chở che từ mái ấm gia đình. Hơn thế nữa tuổi thơ còn là bạn bè, trường lớp và ấn tượng không quên về ông thầy giáo. Nhân vật của Võ Hồng thường gắn với thế giới học đường. Điều đó không có gì lạ bởi bản thân ông ngoài tuổi thơ ra ông còn có hơn ba mươi năm gần gũi với phấn trắng, bảng đen. Chũ  HỌC được coi trọng và đặt lên trên hết.

 

Viết cho tuổi học trò, Võ Hồng luôn hướng tới việc trau dồi kiến thức. Và ông trong các truyện của mình đã khéo léo lồng vào đó không những tình cảm trường lớp mà còn là những kiến thức cơ bản trong sách vở, khoa học và cuộc sống. Ông là một thầy giáo có tài trong việc tạo những giờ giảng “học mà chơi, chơi mà học” đầy lý thú như vậy.

Trong tập truyện Thương mái trường xưa, nhà văn nói về bài học đoàn kết, yêu lao động, thương bạn, kính thầy từ những hoạt động, việc làm cụ thể của học sinh. Tham gia làm một cái vườn sinh vật, một cái hồ nước thả cây thủy sinh, học sinh lớp 8 cũng như các lớp khác không chỉ để có những bài học về thực vật sinh động mà còn xây dựng mối liên hệ mật thiết với trường lớp. Trong màu xanh cây cỏ các em ươm có bao nhiêu là mơ ước, tưởng tượng hồn nhiên của tuổi học trò. Thú vị hơn là khi nhìn thấy những cây cỏ quen thuộc trong trường mang những bảng tên. Ví dụ “Cây BÔNG SỨ (hoa Đại)

Tên khoa học : Phomeria acutifolia Poir.

Họ Trúc Đào (Apocynaccac)

và lời thầy nói :”-Khi đi phải nhìn xuống đất để tránh gai, tránh đá. Điều đó tốt. Nhưng thỉnh thoảng cũng nhìn lên cao. Có bài học nơi đó”...

Có cảm giác rằng Võ Hồng đã dắt các thế hệ học sinh thân yêu tiến lên, bước gần đến lâu đài tri thức không phải với sự nhọc nhằn, khô khan, kinh điển mà đi qua những vòm lá xanh tươi, chim chóc và những trò vui chơi bổ ích. Tuổi thơ cần như vậy. Đọc và viết chữ tiếng Anh “Blackboard” mà liên tưởng đến “Bà lão ăn củ khoai bắt ông ăn rau dền” thì ngộ nghĩnh và dễ nhớ hơn. Học giờ Hóa mới thấy hóa chất gần gũi trong đời sống thường ngày và những điều khám phá hào hứng đó chính là khoa học. Thật bất ngờ :”Sắt mà lại mềm, màu trắng bạc ? Dốt nát nhất cũng biết nói câu tục ngữ “cứng như sắt”, quê mùa nhất cũng có đi coi hát bội để thấy ông Bao Công “mặt sắt đen sì”. Cho nên nghe nói “sắt mềm màu trắng” là cả lớp rào rào. Đến chừng nghe cô an ủi :”Cứng và đen thui như các em nói, đó là hợp chất của sắt” thì chúng tôi mắc cỡ nhìn nhau...”

(Thương mái trường xưa - Trang 126)

Tôi nhớ đến câu nói của Lomonosov khi đọc các tác phẩm của Võ Hồng “Hiểu biết thêm nhiều trái tim ta càng thêm hứng thú”. Khoa học, cuộc sống có muôn vàn bài học. Trường học, lớp học chính là nơi để các em tích lũy kiến thức. Võ Hồng đã thổi vào bài học những hào hứng đam mê và đưa vào văn chương bài học. Với ông sự nhàm chán, đơn điệu sẽ dẫn đến việc làm khô khan tâm hồn chúng. Những em học trò trong Thương mái trường xưa biết đùm bọc yêu thương nhau và có ý thức tự vươn lên chiếm lĩnh tri thức.

Nhưng ngộ nghĩnh hấp dẫn nhất vẫn là thế giới của những con thú trong tập Chúng tôi có mặt. Bạn có tưởng tượng nổi không trong các truyện rất ngắn, hồn nhiên đó vẫn có một lượng cần thiết về thông tin khoa học. Bài học nằm trong các câu chuyện dí dỏm, khôi hài như vậy. Chẳng hạn về vận tốc trong truyện Cố vấn luôn luôn có lý :

“...Chỉ có cách là làm sao chạy cho mau - Cộ nghĩ. Trời ơi ! Làm sao chạy cho mau đây. Nằm trong chuồng nghe radio ông chủ nói chuyện vận tốc trên thế giới mà thèm. Con chim ó bay mỗi giờ trên 100 cây số, chiếc xe lửa mỗi giờ 250 cây số. Máy bay mỗi giờ bay 900 cây số. Hỏa tiễn mỗi giờ bay 18 ngàn cây số. Ngôi sao chổi mà ông Newton phát hiện bay hai triệu cây số mỗi giờ... Mà thôi, trở lại Mặt Đất, trở về đồng cỏ. Hãy cứ chạy mau được như Ngựa ! Nhìn Ngựa chạy nước kiệu lúp xúp, phi nước đại vùn vụt... Bò Cộ thèm“.

Chao ôi ! Cái con Bò Cộ ham hiểu biết và hiếu thắng ấy còn muốn thay đổi cả dung mạo của mình để rồi dở khóc dở cười vì “Bò không ra Bò, Ngựa không ra Ngựa”. Cuộc đời cũng vậy, muốn đổi trắng thay đen không khó, vấn đề là phải tìm ra được con người thật của mình. Võ Hồng đã dung dị, bình thường hoá những triết lý cuộc đời tưởng như rất xa xôi. Óc tưởng tượng của ông tự dựng lên những cảnh hội họp náo nhiệt của các con vật : Cuộc phán xử theo “luật canh cải” của Vua Diêm Vương, bi hài kịch coi mắt vợ cho con của mẹ khỉ, con gà mái ỏn ẻn làm duyên xơi tái cả hai học giả Mối và Ruồi đang hùng hổ diễn thuyết... Chuyện tưởng chỉ là để đùa vui, nhưng không, ở đó hình ảnh của cuộc sống con người hiện ra rõ rệt nhất, hiện ra hồn nhiên, giản dị không chút kiểu cách, phấn son.

Mọi phát minh, mọi tư duy trừu tượng đều bắt đầu bằng những khám phá cuộc sống lý thú như vậy. Với Võ Hồng, chữ CHƠI gắn với chữ HỌC và chữ HỌC mở ra những hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh. Hiểu biết về quê hương - mảnh đất đã sinh dưỡng mình cũng là nguyên nhân để mình gắn chặt với quê hương hơn. Luôn luôn ông ý thức cho các bạn trẻ thấy rằng cần phải tìm hiểu về gốc gác tổ tông, sự thay đổi của mảnh đất mình đang sống. Sợi dây nối con người với cuộc sống không chỉ là miếng cơm manh áo của ngày hôm nay, nó còn dính dáng tới xa hơn là những giá trị tinh thần, đạo lý con người đã có tự ngàn xưa.

 

Cái gọi là ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc cũng được nhà văn nói tới, giản dị và gần gũi. Đó là lòng tự trọng của mỗi người và ý chí độc lập. Những tấm gương tuổi trẻ bao giờ cũng làm ông xúc động. Võ Hồng coi trọng nhân cách và ông rất chú ý tới giáo dục nhân cách. Em bé Thúy trong Nhánh rong phiêu bạt biết từ chối miếng kẹo người ngoại quốc tặng dù em đang rất đói vì em sợ người ta khinh mình. Thúy cố tìm mọi cách để học và thèm học. Thế giới học đường của Võ Hồng có đầy đủ các màu sắc cung bậc của những tính cách học trò. Từ những lớp học quê mùa ngày xưa mà học trò là những đứa trẻ lam lũ, rụt rè, chênh lệch nhau về tuổi đến những lớp học thị thành, học trò xa lạ với khoai lúa, con trâu, những buổi học sinh nghỉ học tranh đấu, cảnh trường thi nghiêm túc, dễ sợ và hỗn loạn. Nhưng cho dù thế nào thế giới đó cũng hết sức lý tưởng với tuổi học trò. Rời khỏi ngưỡng cửa học đường nhất là xa mái trường phổ thông tức là rời xa thầy cô, bạn bè yêu thương, những ngày hồn nhiên trong trẻo. Cái chính là sự hiểu biết đã tạo sức mạnh cho con người. Bài học của Võ Hồng trong các câu truyện kể của ông là hãy yêu thương, hòa đồng với mọi người, nhưng đừng để con người mình tầm thường, dễ dãi. Bé Thúy trong Nhánh rong phiêu bạt dù có rơi xuống vực thẳm, vũng bùn nào thì lòng trung thực, nhân ái mà em được dạy từ nhỏ cũng không dễ gì xóa được. Võ Hồng là một nhà văn viết về bài học danh dự cảm động và thấm thía. Con gà Cồ Tía trong truyện Aío tưởng đẹp hơn sự thật hãnh diện khoe tiếng gáy. Chuyện con hà mã, tê giác, gấu tập cong lưng để làm vừa lòng Đông cung thái tử Cọp mới lên ngôi (Nơi kẻ có quyền cái xấu cũng đẹp). Những con ruồi, kiến... tranh nhau giành cái tốt về mình... Danh dự không phải là cái bong bóng mà ai cũng ráng thổi phồng lên để che đậy con người mình. Với Võ Hồng, danh dự là lòng trung thực, tự trọng, là biết tự vươn lên. Danh dự là cái tâm trong sáng ghét thói tật xấu, chuộng điều tốt lành và không biết lợi dụng người khác. Võ Hồng không hay trưng bày những hình mẫu, những gương sáng nhưng qua những câu chuyện kể của ông, ông luôn nhắc nhở về những tính cách trong đời thường hàng ngày. Đứa trẻ quét sân, lời nhận xét dễ thương về con gà, con vịt, cây trái... một cây cỏ dại, một cái răng sâu... tất cả đều là những kinh nghiệm, những bài học cần thiết trên đường đời. Sống hồn nhiên, sống chân thành, gắn bó với tuổi thơ của mình, con người sẽ không thể thờ ơ, lạnh lùng với những việc xảy ra chung quanh. Và những nghĩa cử về lòng nhân ái, giúp người, cứu nước cũng bắt đầu như mọi hành động bình thường khác, bắt đầu từ cái vốn có là TÌNH NGƯỜI, là sự mong muốn mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Văn chương của Võ Hồng vẫn được coi là văn chương tình cảm - giáo dục nhận thức, giáo dục thẩm mỹ cũng bằng con đường tình cảm. Giọng văn nhỏ nhẹ, gợi chuyện giảng giải từ tốn và hóm hỉnh đáng yêu. Võ Hồng không lên lớp với bài học khô khan, cứng nhắc. Ông đóng vai trò người dẫn chuyện, người lĩnh xướng cuộc chơi để tuổi học trò hoà đồng và tự nhiên bộc lộ cái tốt cũng như cái xấu của mình. Những câu truyện của Võ Hồng là chuyện bình thường của cuộc sống bình thường. Chuyện con sẻ con tập bay rớt xuống nhà sống với những em bé nhỏ. Tình cảm của con sẻ với cậu bé út ngây thơ (Chia tay người bạn nhỏ). Một con sẻ con thôi ! Tâm hồn nhà văn nâng niu chăm chút từng mầm sống tuổi thơ. Đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên, bỏ lại sau lưng quãng đời thơ ấu, nhưng nó sẽ không quên những bài học đầu tiên của cuộc đời : bài học về giá trị con người.

Võ Hồng hiếm khi dùng chữ, dùng câu sai, đặc biệt là lỗi chính tả. Cho tới khi tuổi già, sức yếu như hiện nay ông vẫn không ngừng sửa chữa, cân nhắc từng dấu phẩy, dấu chấm trong tác phẩm. Nếu tác phẩm được đưa ra bình giảng thì chẳng những nội dung mà hình thức, giọng văn, câu văn cũng vô cùng quan trọng. Võ Hồng có nhiều truyện có đầy đủ các điều kiện để được đưa vào chương trình giảng dạy các cấp để học sinh tham khảo thường xuyên.

Hơn nữa, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là Võ Hồng viết cho tuổi học trò chứ không viết cho tuổi thơ, tuổi mới lớn nói chung. Với ông, trẻ con không thể thiếu môi trường giáo dục. Bài học có thể chỉ là những trò chơi đơn giản hoặc các hình vẽ cây cỏ, chim muông... nhưng đó là hành trang mang theo của các em khi bước vào đời. Và bài học lớn chỉ có thể bắt đầu, góp nhặt từ những bài học nhỏ.

Võ Hồng là một nhà giáo, một người cha phải làm cả chức năng người mẹ nên ông tiếp xúc và hiểu kỹ thế giới trẻ thơ. Ông yêu trẻ tự nhiên như có sự đồng điệu, thông cảm giữa hai tâm hồn.

Võ Hồng đã đi gần hết cuộc đời mình khởi đầu từ một cậu bé nhà quê đi học chân đất. Hình ảnh đó không quên trong tâm trí ông. Sẽ có thiếu hụt không khi trong mảng văn chương giáo dục tình yêu cha mẹ, quê hương... cho học sinh thiếu vắng cây bút miền Trung dung dị ấy ? Quê hương hiện hình trong mỗi lời nói của ông. Thái độ trân trọng với quá khứ, với văn hóa dân tộc và tình thương mến tuổi thơ của ông có lẽ còn bắt nguồn từ tấm lòng của một thầy giáo Võ Hồng.

 

PHẦN KẾT

 

Con đường văn nghiệp của Võ Hồng êm ả, bằng phẳng, không có ghềnh thác, độ dốc nhưng miên man, trôi chảy cùng dòng thời gian suốt nhiều năm qua.

Võ Hồng viết đều đặn : 8 tiểu thuyết và truyện dài, gần 100 truyện ngắn, nhiều tùy bút và các thể loại khác hơn 10 tập truyện, thơ viết cho tuổi học trò và rất nhiều các bài viết, phê bình khảo cứu đăng trên các báo. Đó không phải là thành quả ít ỏi, nhất là đối với một nhà văn vừa làm nghề dạy học vừa viết.

Hơn ba phần tư thế kỷ đã đi qua cuộc đời ông. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, điều ông tâm niệm nhất là ghi lại được cuộc sống, nếp sinh hoạt của quê hương mình ! Tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, nhà trường... là những điểm mạnh được hoan nghênh trong tác phẩm của ông.

Võ Hồng rất thận trọng trong vấn đề sáng tác, vì ông tin rằng danh tiếng của một nhà văn không thể và không bao giờ được tạo bằng sự giả trá, thiếu chân thực.

Nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm Võ Hồng là những người nông dân, thầy giáo, trí thức, người cha, những đứa con trong gia đình thiếu người mẹ (người vợ)... Võ Hồng không tiểu thuyết hoá nhân vật của truyện, ông trình bày nó như vốn có ngoài đời sống thực tế.

Nếu muốn tìm một điểm “nhất dĩ quán chi” cho toàn bộ văn chương Võ Hồng thì điểm nhất quán đó là cái nhìn hoài niệm của nhân vật. Nói như ông Cao Thế Dung : “Truyện như cơn thức dậy của hoài niệm. Mỗi nhân vật được lồng trong một biến cố. Mỗi biến cố được mô tả như sự xuất hiện tình cờ của ký ức và ở đó, ta có thể nhìn một cách rõ rệt từng con người trong một con người, sáng tạo giữa không gian và thời gian”. Thái độ nâng niu, trìu mến dĩ vãng của mình và lòng mong muốn được tỏ bày, chia sẻ thông cảm của nhà văn Võ Hồng đã làm rung cảm người đọc.

Mặt khác những hoài cảm miên man, cộng với giọng kể có duyên của nhà văn đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp lãng mạn đặc biệt Võ Hồng.

Có thể cảm nhận truyện của ông như những bài thơ không luật mà tên tác phẩm là tứ đầu tiên mở ra cảm xúc bâng khuâng, nhẹ nhàng.

Võ Hồng may mắn được hưởng một nền học vấn cơ bản ngay từ nhỏ. Cuộc đời ông lại gắn bó sâu nặng với nghề dạy học nên văn chương ông luôn hướng tới điều tốt đẹp, có giá trị giáo dục nhất là với tuổi học trò. Từ thưở còn là một cậu bé rụt rè, nhút nhát ở trường làng Ngân Sơn rồi lên đến trường phủ, trường tỉnh, vượt cả ngàn cây số để ra Hà Nội học, nhà văn đã là một tấm gương sáng về sự cố gắng nỗ lực học của bản thân. Lời khuyên của ông dành cho các thế hệ trẻ là hãy thương yêu, gắn bó với cha mẹ, gia đình, trường lớp, biết ý thức tự hào quê hương và cố gắng học giỏi để xây dựng nó.

Hướng về cội nguồn tình cảm của con người, chúng tôi tin rằng văn chương Võ Hồng sẽ chứng minh được sức sống lâu bền của nó. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những hoài niệm tha thiết của nhà văn về tuổi thơ ấu, làng quê; tình thầy trò, bè bạn và cuộc sống bình yên dân dã v.v... sẽ không bao giờ cũ, sẽ không bao giờ thừa.

 

Những năm gần đây, tác phẩm Võ Hồng được xuất bản, tái bản khá nhiều. Bạn đọc trong Nam và cả ngoài Bắc biết đến Võ Hồng với những tác phẩm như : Vẫy tay ngậm ngùi, Áo em cài hoa trắng, Một bông hồng cho cha, Thương mái trường xưa, Võ Hồng - Truyện ngắn chọn lọc v.v... Bài của ông được đăng trên báo Văn Nghệ, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới...

Trên đường thiên lý vào Nam, ra Bắc bạn bè văn chương ghé Nha Trang thường đến thăm Võ Hồng. Ông là một trong số ít các nhà văn miền Trung còn lại có quá trình sáng tác gắn với nhiều thế hệ cầm bút.

Những cơn đau bệnh của tuổi già thật không như thơ, như văn phải có cảm hứng mới xuất hiện. Nhà văn Võ Hồng năm nay đã sang tuổi bát tuần, đã thuộc loại “tuổi già hạt lệ như sương” rồi. Con đường văn nghiệp của ông, phong cách nghệ thuật của ông có thể coi là đã ổn định.

Sáng tác của Võ Hồng chủ yếu tập trung ở giai đoạn 1954 - 1975. Nhưng văn chương ông là sự tiếp nối liền mạch với văn chương tiền chiến. Xét ở cách khai thác đề tài từ hiện thực cuộc sống, quan niệm về cái đẹp của nhà văn cộng với những đặc điểm nghệ thuật trong các tác phẩm của Võ Hồng, chúng tôi thấy ông có nhiều điểm gần gũi với các nhà văn như Thanh Tịnh, Thạch Lam... ở giai đoạn trước. Sau Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và nhiều nhà văn khác, Võ Hồng một lần nữa khẳng định văn học phát triển, canh tân luôn bắt nguồn, dựa trên nền tảng của văn học quá khứ.

Tiếp nối không có nghĩa là lặp lại, bắt chước mà là sự kế thừa đi lên từ thành tựu đã có bằng sự sáng tạo độc lập của cá nhân. Quan điểm và thực tế sáng tác của Võ Hồng đã làm nên sự thông suốt trên cả một chặng đường dài của văn học nước nhà. Võ Hồng đã chứng minh rằng, bản lĩnh của ngòi bút không chỉ ở việc tạo nên những hình thức mới cho văn học mà còn ở khả năng bền bỉ khám phá ra những đặc điểm thú vị trong đời sống tinh thần của con người. Con người đi suốt cuộc đời mình, vươn tới cái đích hạnh phúc, hoàn mỹ mang theo hành trang tinh thần của nhân loại. Văn chương đã góp phần lớn trong việc bồi đắp nên thế giới tinh thần ấy.

Võ Hồng là nhà văn ý thức rất rõ mục đích ghi chép thời đại, cuộc sống bằng cái nhìn trung thực của người cầm bút. Đóng góp của ông có giá trị bổ khuyết cho một giai đoạn văn học chịu ảnh hưởng nặng của không khí chiến tranh. Trong bộ phận văn học miền Nam dưới chính quyền Sài Gòn 1954 -1975, tiếng nói nhỏ nhẹ, tình cảm của nhà văn Võ Hồng gợi cho con người tình yêu, sự gắn bó với quá khứ tốt đẹp, với cuộc sống thanh bình êm ả đã qua; đồng thời nó cũng gợi niềm trắc ẩn đau xót về một thực tại bất an.

Khi chiến tranh đã qua, cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường. Những cái gọi là “lập dị”, “tinh thần tuyệt vọng” hoặc một số hình thức nghệ thuật nảy sinh hỗn loạn ở miền Nam trước 1975 dần dần bị thủ tiêu hoặc trở nên lạc hậu. Một trong những cái còn lại, lắng trong dòng chảy thời gian là tác phẩm nhà văn Võ Hồng. Tấm lòng nhân ái của ông gắn bó với mọi thời đại.

Nằm trong số những cây bút viết nhiều và tiến bộ ở miền Nam, nhà văn Võ Hồng nổi bật với bản chất trong sạch, ngay thẳng và tâm hồn nhạy cảm, dễ mến.

Trước ông và đến thời điểm này vẫn chưa có ai viết về vùng đất Phú Yên nhiều và tha thiết, sâu đậm như vậy. Võ Hồng đã tự mình ghi dấu địa chỉ quê hương miền Trung trên bản đồ văn chương ngang với các địa danh khác.

Nhà văn đã cống hiến cho văn học những chân dung đời thường, nhất là hình ảnh người nông dân Nam Trung bộ với nhiều nét đặc sắc, sinh động. Còn phải kể đến giọng văn uyển chuyển, giàu cảm xúc và rất dí dỏm của ông. Võ Hồng là một trong những nhà văn thành công trong việc sử dụng tiếng địa phương trong tác phẩm.

Trên bầu trời văn chương, Võ Hồng không vụt loé sáng rồi vụt tắt như một vài hiện tượng khác. Nhà văn cũng không đóng vai trò quan trọng việc lãnh đạo hoặc cổ súy cho một phong trào, một hình thức sáng tác nào. Lặng lẽ, khiêm nhường, ông là một ngôi sao biết tự tỏa sáng bằng năng lực bản thân, bền bỉ thao thức cùng cuộc đời.

Gần ba mươi năm qua, ông vẫn ở lại với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, vẫn viết, vẫn làm việc. Ngòi bút của ông đáng trân trọng ở chỗ nó luôn luôn đứng thẳng, không thách thức kiêu ngạo, cũng không định kiến, mặc cảm cá nhân. Trước sau ông vẫn giữ một thái độ trung thực, khách quan.

Những gì chúng tôi biết về Võ Hồng quá ít ỏi so với thực tế cuộc đời và văn nghiệp của ông. Công trình này cũng chỉ nhằm mục đích giới thiệu một cách khái quát về nhà văn Võ Hồng và những tác phẩm đã viết của ông. Còn có những tác phẩm ông đang viết, chuẩn bị viết hoặc sẽ viết. Hy vọng với thời gian, chúng ta sẽ có những đánh giá thỏa đáng về nhà văn.

 

 

© nhavanVoHong