Nhà Văn Võ Hồng

Chương II  :   TÁC PHẨM

 

Nguyễn Thị Thu Trang - 2013

 

1. Truyện     2. Thế giới nhân vật          3. Đề tài quê hương         4. Hiện thực và hoài niệm

 

1. Truyện

Sáng tác của Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại khác nhau, nhưng sự nghiệp văn chương chủ yếu của ông là truyện. Truyện ngắn là thể loại có số lượng tác phẩm lớn và thành công hơn cả.

 

Xin bắt đầu bằng những cái tên truyện. Nếu bạn xếp tất cả những tên truyện của Võ Hồng, đọc lên bạn sẽ thấy ông hoàn toàn khác biệt với mọi người ngay từ cách đặt tên cho tác phẩm. Suốt trong hơn 70 truyện ngắn và những truyện dài, tiểu thuyết đã xuất bản chỉ có một truyện lấy tên nhân vật làm đầu đề : Hà Vi, có ba truyện dính tên nhân vật : Những bí mật của anh Đỗ Cúc, Thế giới của Năm Nhiều, Hãy an nghỉ Abdul Rahim. Những cái tựa đề dù có kèm tên nhân vật như vậy cũng nói nhiều tới ý tưởng, cảm xúc hơn là cho ta ấn tượng về cuộc đời và số phận của một nhân vật - một con người.

Kiểu đầu đề truyện của Võ Hồng phản ánh rất rõ khuynh hướng thẩm mỹ của nhà văn. Sự lựa chọn của ông thiên về tình cảm có tính chất nhẹ nhàng, êm dịu nhưng lại trầm lắng chiều sâu suy tưởng. Một loạt những tên tác phẩm như:

Hoài cố nhân, Ngày xưa, Rồi cây trái sẽ chín, Ngày xuân êm đềm, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Tháng năm sương mù, Những giọt đắng, Con suối mùa xuân, Dấu chân sa mạc, Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Trầm mặc cây rừng, Mong manh một thoáng, Thương mái trường xưa v.v... dường như đều là sự bắt đầu cho một tứ thơ, mở ra nguồn cảm hứng chủ đạo sẽ xuyên suốt tác phẩm. Thấm thía, khắc khoải từng dòng trong truyện Những giọt đắng là nỗi cô đơn, tâm hồn khát khao được chia sẻ, giãi bày, là cuộc tranh đấu âm thầm giữa tình yêu với bổn phận và danh dự. Người đàn bà - nhân vật chính trong truyện - bị giằng xé  giữa một bên là mong muốn hạnh phúc với một bên trách nhiệm gia đình. Và cái chính là bà cảm nhận được "những giọt đắng" đau thương đang rơi trong nội tâm mình :

"Chúng ta lớn lên, được nuôi dưỡng trong những ý niệm khắc khổ về bổn phận, về trách nhiệm, về danh dự. Vô tình mà chúng ta đã trở thành những con chim hải âu vướng víu với đôi cánh quá dài" (1).

 

Tên truyện của Võ Hồng phù hợp với nội dung diễn đạt của truyện. Thường ông không phải sửa tên, thay đổi tên cho tác phẩm như một số nhà văn khác. Chính Vương Hồng Sểnh trong Hơn nửa đời hư cũng tự bạch về việc chọn tên truyện : "Tập truyện viết xong, ban đầu lựa nhan đề là "Một kiếp người". Sau đó đổi "Anh Vương tự thuật" nhưng tất cả đều chưa vừa ý. Sau xóa hết và chọn "Hơn nửa đời hư" có nghĩa hơn phân nửa đời người, giận mắm muối, rõ ràng hơn, đã quá nửa đời người, hổng nên thân gì ráo trọi" ( Vương Hồng Sểnh - Hơn nửa đời hư - Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1992). Nhiều tác giả có khi cho xuất bản tác phẩm rồi vẫn chưa bằng lòng với tên gọi và vẫn thay đổi khi in lại đợt sau. Gần đây như quyển Thân phận tình yêu được đổi thành Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

 

Cách đặt tên truyện của Võ Hồng thật khác với đầu đề các truyện ngắn Nam Cao. Những cái tên như : Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Dì Hảo v.v... thô mộc như cuộc đời của những y, thị, hắn, lão mà Nam Cao miêu tả một cách nghiệt ngã, chua xót. Nam Cao không có quan điểm sáng tác giống Võ Hồng. Xa hơn một chút, ta liên tưởng đến tên một loạt vở bi kịch nổi tiếng của Shakespeare. Các vở bi kịch đều lấy tên nhân vật: Romeo and Juliet, Hamlet, King Lia, Othello, Macbeth... Dĩ nhiên duy nhất cái tên không đủ làm nên sự thành công cho tác phẩm cũng như không thể căn cứ vào tên truyện để đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó, nhưng tên truyện bao giờ cũng có liên quan đến nội dung tác phẩm. Đầu đề là những ký hiệu đại diện cho tác phẩm. Riêng với nhà văn Võ Hồng, ông rất coi trọng chi tiết nghệ thuật này, chú ý đến tính thống nhất và tính dự báo của đầu đề với nội dung tác phẩm. Tên truyện Võ Hồng gợi cảm hứng thơ, cảm hứng lãng mạn hơn là cảm hứng hiện thực.

Nhiều người trong đó có Nguyễn Quốc Trụ (2) cho rằng khi đọc văn


 

 (1) Những giọt đắng - Nxb Lá Bối, 1969, trang 139.

(2) Nguyễn Quốc Trụ - Tiền Tuyến số 951 ra ngày 14.7.1968.

 

Võ Hồng nhớ tới giọng văn của Alphonse Daudet. Văn A.Daudet cũng dồi dào chất thơ. Võ Hồng yêu thích cách viết của Daudet. Chính ông đã dịch truyện ngắn Những ngôi sao từ tiếng Pháp để giảng cho học trò và đọc nhiều lần tác phẩm của nhà văn này. Nhưng nghệ thuật sẽ không có giá trị nếu chỉ là sự lặp lại hoặc bắt chước máy móc. Có thể điều Võ Hồng muốn hướng tới hoặc học tập A.Daudet là cái đẹp trong sáng, ý vị của tác phẩm. Truyện Võ Hồng từ tên gọi liên tục đến tác phẩm là một giọng văn bàng bạc chất thơ, một giọng văn chuyên chở nhiều những xúc cảm, suy tư, trắc ẩn. Võ Hồng rất gắn bó với tác phẩm nên ông chú trọng việc đặt tên như đặt tên cho đứa con yêu quý của mình. Các đầu đề của truyện Võ Hồng là con mắt, là linh hồn, là sự nhân lên của quan điểm thẩm mỹ vốn rất nhất quán của nhà văn.

Võ Hồng đã dẫn dắt người đọc đi vào truyện bắt đầu từ tên truyện.

 

Võ Hồng đã trả lại cho truyện ngắn cái hình thức ban đầu, cơ bản của nó : là chuyện kể. Đúng. Mỗi truyện của Võ Hồng là một câu chuyện kể, là một tâm sự hết sức chân thật. Hoài cố nhân, Ngày xưa là những chuyện tình, Trận đòn hòa giải, Xuất hành năm mới... là truyện về những đứa trẻ thiếu mẹ. Truyện Ngày xuân êm đềm là làng quê trong những ngày Tết của tuổi thơ cậu bé An. Lá vẫn xanh là nỗi lòng, tâm sự, cuộc sống nhiều lo toan và hy vọng của con người. Niềm tin chưa mất kể về một người bạn tên Tộc, một người bạn mà tâm hồn "như căn phòng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối", trong trẻo, rộng lượng và hồn nhiên như khoai lúa...

Truyện của Võ Hồng không có cấu trúc phức tạp cũng không dẫn dụ người đọc bằng những chi tiết ly kỳ, gay cấn. Cái hấp dẫn nhất của truyện Võ Hồng là sự hòa điệu giữa cảm xúc và những lời dẫn dắt, giữa màu sắc, âm thanh và tình cảm trong sáng, trầm lắng. Và rõ ràng nhà văn đã cố tạo nên trong truyện những âm hưởng hài hòa đặc biệt để lôi cuốn người đọc hơn là xây dựng một kiến trúc độc đáo và lời văn tân kỳ.

Nhiều truyện của Võ Hồng mở đầu rất mộc mạc, quá sức mộc mạc:

-"Mỗi lần hướng mắt quay lui nhìn về quá khứ là tôi thấy bóng dáng của ông Bác tôi hiện lên, bao trùm cả một quãng đời thơ ấu của tôi..."

(Mở đầu truyện Người về đầu non)

-"Có tiếng la ồn ào ở nhà sau, tiếp tới tiếng đóng cửa sầm và tiếng gà quang quác chạy ra ngoài sân.

Lại con gà mái đen gây tai hại..."

(Mở đầu truyện Mẹ gà con vịt)

Cũng có một vài truyện nhà văn phải dẫn dắt từ xa. Ví dụ truyện Niềm tin chưa mất bắt đầu bằng chuyện đứa con tự dưng thích dang nắng vì sợ trắng trẻo quá bị bạn bè trêu chọc là "con heo luộc". Từ màu da tác giả nói tới sự thay đổi của quan điểm thẩm mỹ và dẫn dắt liên tưởng đến một người bạn thơ ấu - nhân vật chính trong truyện.

Những cách mở đầu như vậy hầu như không có sự chi phối của "kỹ thuật phục bút" nào cả, không dự báo một không khí giàu kịch tính, căng thẳng trong truyện. Nó tương phản với nhiều truyện ngắn của Nam Cao hoặc Nguyễn Công Hoan. Đọc Chí Phèo chẳng hạn, ngay từ đầu chúng ta đã cảm nhận một không khí báo thù, điều khác thường xuất hiện cùng với nhân vật. Nam Cao còn thành công trong việc pha trộn phức tạp giữa ngôn ngữ gián tiếp (trần thuật các sự kiện) và ngôn ngữ trực tiếp là ngôn ngữ tính cách. Nhân vật Chí Phèo xuất hiện gắn liền ngay với hành động. Lời dẫn vừa mô tả vừa đánh giá. Nhịp điệu truyện tăng nhanh, dồn dập :

"Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao : đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại, ai cũng nhủ : "chắc nó trừ mình ra !". Không ai lên tiếng cả. Tức thật ! Tức thật ! Ồ ! Thế này thì tức thật ! Tức chết đi được mất. Đã thế hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp ! Thế có phí rượu không ? Thế thì có khổ hắn không ? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra thằng Chí Phèo. Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết ! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết".                                 (Đoạn mở đầu truyện Chí Phèo của Nam Cao)

Chữ dùng của Nam Cao tỉnh táo và sắc lạnh. Câu văn ngắn. Cách miêu tả giàu kịch tính, vừa bông đùa dí dỏm, vừa tàn nhẫn chua chát. Ngay từ đầu, đập vào cảm giác người đọc là hình ảnh một Chí Phèo mất bình thường.

Các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan mở đầu thường cũng bằng cái bất thường, dự báo một xung đột kịch sẽ xảy ra. Để kết thúc truyện gây bất ngờ cho độc giả; để tư tưởng chủ đề chính của truyện được bộc lộ một cách kín đáo, thâm thúy; phần đầu truyện Nguyễn Công Hoan bao giờ cũng sử dụng một kỹ thuật phục bút độc đáo. Ví dụ cái thông báo hết sức long trọng và nực cười của quan tri huyện Lê Thăng đầu truyện Tinh thần thể dục. Truyện Đồng hào có ma cũng vậy. Cách mở đầu hấp dẫn, hài hước. Ông nêu lên một lý thuyết kỳ quặc, ngược đời bằng một giọng hùng biện, quả quyết lạ thường để bênh vực cho lý thuyết của mình : những người béo khỏe ở đời là do họ thích ăn bẩn chứ không ăn sạch :

"Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống sạch sẽ...Thuyết ấy sai. Trăm lần sai. Vì tôi thấy sự thực ở đời này, bao nhiêu những anh béo đều là những anh thích ăn bẩn cả".

Ông lấy dẫn chứng từ ông quan huyện Hinh : quan niệm ăn uống của ông ta, cách ông ta làm việc, xử lý công việc (tiếp đơn kiện của bà Nuôi) để cuối cùng Nguyễn Công Hoan kết luận một cách bất ngờ cho lý thuyết đã nêu :

"Ông huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. Rồi khi thấy nó đi đã khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giày ra một tí, và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống, thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giày bám vào rồi bỏ tọt vào túi".

Huyện Hinh ăn giỏi đến mức biết phù phép ma ám cho đồng hào của bà Nuôi chắt bóp, vay mượn bị rớt biến mất vào túi mình.

Giá trị của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nằm ở nghệ thuật xây dựng xung đột và giọng văn hài hước, dẫn dắt người đọc tự nhiên đến xung đột ấy.

Trong các truyện ngắn của Võ Hồng chỉ có một truyện mà diễn biến của hành động trong truyện có vẻ căng thẳng hơn cả là truyện Đụng độ. Truyện kể về một lần coi thi của các thầy giáo. Thí sinh hỗn láo chặn đánh giám khảo. Thầy cô coi thi hoặc thủ thế hoặc khép nép hoặc giận dữ phản đối. Không khí trường thi căng thẳng, hỗn loạn. Luân (tên một thầy giáo là nhân vật chính trong truyện) một tối ra phố kiếm đồ uống giải khát, trên đường về bỗng phát hiện ra có kẻ đuổi theo mình, chàng cố đi nhanh. Người sau cũng gấp. Hoảng hốt. Lo sợ. Cuống quít nghĩ cách đối phó. Nhưng khi chạm mặt hóa ra anh học trò cũ chạy theo chào thầy. Mạch truyện nhanh, tốc độ diễn biến dồn dập đầy kịch tính, khác với nhiều truyện khác của Võ Hồng bao giờ cũng kéo dài với những suy tư, liên tưởng, so sánh... Nhưng cả với truyện Đụng độ khi kết thúc, giá trị của truyện cũng không nằm ở chỗ xung đột, thắt nút của hành động, nó bộc lộ tế nhị qua cái nhìn hóm hỉnh của nhà văn : - Cuộc đời thường không tốt quá cũng không xấu quá như ta tưởng !

Truyện của Võ Hồng mở đầu thường giản dị và kết cấu truyện cũng giản dị. Mỗi câu truyện của ông đều có hình thức quen thuộc, gọn ghẽ như ngôi nhà ba gian phân chia rạch ròi. Trong ngôi nhà ấy ta bắt gặp những hình ảnh thân quen, nhưng trong những hình ảnh thân quen đó ta khám phá ra những chi tiết thú vị của cuộc sống, của tình cảm. Đây là chi tiết đứa bé ngạc nhiên vì thái độ của chú điệu trong chùa Châu Lâm :

"Tôi ngạc nhiên hết đỗi. Ở nhà mỗi lần bị cha tôi bắt nằm xuống đánh xong cho ngồi dậy là tôi vừa khóc hu hu vừa ra hiên múc nước rửa mặt. Lần nào cũng vậy như một nghi thức không thay đổi. Lần đầu tiên thấy một người bị đánh lạy tạ người vừa đánh mình, lòng tôi nảy sinh một cảm giác lạ. Một sự kính trọng bồi hồi".

(Mái chùa xưa - Nxb Lá Bối - trang 9)

Có thể ai cũng có cảm giác như nhân vật cậu bé xưng tôi nhưng cũng rất có thể không ai lưu tâm đến cái nhỏ nhặt đó. Cái nhỏ nhặt diễn tả chính xác tâm hồn trẻ thơ trong trẻo và rộng mở sẵn sàng ghi nhận những cái có ý nghĩa lẫn vô nghĩa của cuộc đời.

Tôi nhớ chi tiết suýt chết đuối hồi nhỏ của nhân vật Luân trong tiểu thuyết Hoa bươm bướm. Luân tự nhiên nhớ lại chuyện đi tắm sông và suýt chết đuối - giữa một ngày căng thẳng, ác liệt của bom đạn chiến tranh. Chi tiết có vẻ lạc lõng trong truyện - cũng như sự liên tưởng có vẻ ngẫu nhiên nhưng thực ra nó lại nói rất nhiều tư tưởng của tác giả : Đâu là ý nghĩa của cuộc đời, ý nghĩa to lớn của sự sống, chết ? Nhìn một cách tỉnh táo cái chết cũng tầm thường như sự sống, trôi tuột ngoài tầm tay với của con người : "Thằng bạn, người chủ trọ không ai lưu tâm đến sự chết và sự sống lại của mình. Mình không nói gì hết, mặc quần áo vào, ngồi nghỉ một lát rồi lủi thủi ra về. Sống chết là chuyện riêng tư của mình. Thật là vừa mừng, vừa buồn" (Hoa bươm bướm - Nxb Trẻ tái bản 1989 - Trang 179). Luân bị ám ảnh không phải là nỗi sợ chết mà chính là thái độ dửng dưng của con người đứng trước cái chết hay nói khác hơn trước nguy cơ chết chóc. Người ta không sợ chết mà chính là sợ phải đối diện với nỗi thất vọng lớn lao với cuộc đời. Cả cái chết cũng hoàn toàn vô nghĩa, cô đơn. Truyện nhiều lần lặp lại cái ý nghĩa về sự sống, chết như sự trăn trở đi tìm chính bản thân mình của nhân vật tên Luân.

 

Đứng ở góc độ người sáng tác, chi tiết là phương tiện khái quát hiện thực có giá trị, thay thế được nhiều lời dẫn giải dài dòng. Một chi tiết sắc sảo là bằng chứng đánh giá chính xác tài hoa của người nghệ sĩ. Đối với độc giả, chi tiết ngoài việc đem lại cảm xúc thẩm mỹ còn được coi như những tín hiệu phát sáng, nhắc người ta nhớ đến bản thân câu chuyện.

Trong nhiều truyện, Võ Hồng đã tạo được những chi tiết tích cực như vậy.

Chi tiết bức thư của em bé út Tri Thủy cuối truyện Xuất hành năm mới kết thúc rất đẹp câu chuyện đi thăm mộ đầu xuân, nâng cao lên một bực tình cảm thương yêu, nhân ái của con người đồng thời cũng là sự cụ thể hóa nét hồn nhiên, ngây thơ của đứa trẻ.

 

Hình ảnh con ong trên cành mai trong truyện ngắn Dốc hiểm nghèo cũng là một chi tiết đắt, quán xuyến toàn bộ truyện và mở ra một vấn đề lớn : Con người và cái đẹp !

Đôi khi chi tiết còn mang ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ giống như trong ngôn ngữ thơ ca. Đọc truyện Người thứ ba đoạn tả cảnh đám cưới Nguyệt - người yêu của Long đi cưới Phú - người gia đình nàng chọn, chỉ bằng hình ảnh cây phượng :

"Nguyệt đi lấy chồng vào mùa hè. Hai cây phượng trước cổng nhà nàng hoa nở đầy cành trông xa như những cánh tay quằn quại dưới sức nặng của lễ vật màu đỏ".                        (Vết hằn năm tháng - trang 57)

Cái màu đỏ trĩu nặng, nhức nhối đó càng tô đậm sự bất lực của Long và thái độ cam chịu của Nguyệt. Cành phượng làm dấu ngang nối vừa dính dáng tới kỷ niệm vừa phân chia ranh giới Long và Nguyệt.

Trong truyện của Võ Hồng chi tiết quan trọng hơn cốt truyện. Nhiều truyện của ông dường như không sử dụng cốt truyện. Mạch truyện hồn nhiên mở đầu và dẫn dắt người đọc theo những ý tưởng, những tâm sự miên man. Với những truyện như vậy, chi tiết và giọng văn góp phần đáng kể. Truyện Mẹ và em chỉ là suy nghĩ về mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Truyện Ảo giác màu xanh là những mẫu đối thoại, những hoạt động rời rạc nhưng qua đó nó lại diễn tả khát vọng vươn lên của con người trong đời sống thường nhật khó khăn. Truyện Vết hằn năm tháng phơi bày trần trụi cuộc sống tinh thần của con người : mệt mỏi, nhàm chán, đơn điệu.

Ngòi bút của Võ Hồng thích hợp với những liên tưởng tình cảm và phân tích tinh tế những chi tiết nhỏ nhặt bình thường trong cuộc sống. Ông hết sức tránh những công thức, sự miêu tả giả tạo và những lời véo von vô nghĩa. Ông không đi xa quá tầm suy nghĩ bình thường của người đọc nhưng sự nhạy cảm, óc quan sát tinh tường của ông lại có khả năng làm mới mẻ những sự việc vốn rất quen thuộc, bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Chuyện về con gà ấp trứng vịt nở ra vịt con. Những con vịt con bắt chước nhau một cách khờ khạo (Truyện Mẹ gà con vịt). Chuyện về một cô bán sách báo :"Ái Hoa đẹp hơn sự đòi hỏi của một chân bán hàng" (Hãy an nghỉ Abdul Rahim) v.v... Những điều tưởng như vu vơ ấy lại là những mảng sống của cuộc đời, cho dù bình dị hoang sơ... vẫn luôn tỏa hơi ấm của sự hồn nhiên, chân thật, đáng yêu. Đàng sau cái hiện thực quen thuộc trong truyện Võ Hồng là cái nhìn thông minh, nhân hậu và những triết lý về cuộc sống. Với nhà văn, tầm vóc tư tưởng thực sự có ý nghĩa hơn việc bày đặt ra những hình thức. Tôi thích kiểu viết chơi chơi mà đặc biệt sâu sắc của ông trong một số truyện về các con thú trong tập Chúng tôi có mặt.

 

Truyện của Võ Hồng dù truyện dài hay truyện ngắn đều sử dụng một mạch văn giống nhau. Chính vì điều đó Tuệ Sĩ đã có lần nhận xét :

"Truyện dài của ông phần lớn là những truyện ngắn được ráp lại" (1). Nói như vậy là hơi phiến diện, tuy nhiên cũng cần nhận thấy rằng dường như tác giả không đi theo cốt truyện mà chịu sự dẫn dắt của cảm xúc là chính. Với những truyện như Hoài cố nhân, Ngày xưa, Dấu chân sa mạc có nhiều đoạn người viết để cho nhân vật sa đà vào những hồi ức, quá khứ, kỷ niệm thơ ấu... khiến cho mạch truyện bị giãn ra, kéo dài và bố cục truyện trở nên lỏng lẻo. Nhưng xét ở chiều hướng cảm xúc tiếp nhận thì đây là ưu thế của Võ Hồng. Ông đưa người đọc một cách tự nhiên trở về vùng tình cảm thân quen với những gì hồn nhiên, khó quên nhất. Ông gợi những mối liên hệ êm đềm, tha thiết bên trong của mỗi người.

Truyện của Võ Hồng là những khúc trầm ca, và cho dù có nói đến chuyện tình yêu, hạnh phúc, niềm vui sống như Lương mai, Mẹ và em, Mong manh một thoáng thì âm hưởng chính của truyện vẫn là những suy tưởng, những cảm nghĩ bâng khuâng dịu dàng :

"Vị vú sữa ngọt nhẹ nhàng thoang thoảng, có thật và như không có, lẩn quất mơ hồ. Giống như cái không khí bao vây hai người. Từ cái tư cách quen biết còn nhuộm đầy tính chất xã giao ở Công ty Điện lực, đột nhiên cả hai không gặp mặt nhau trong một thời gian dài cho đến ngày bỗng có một bức thư luân lưu gửi đến. Rồi cả hai gặp lại hôm nay nói chuyện cởi mở tự nhiên như là hai người bạn thân. Sự diễn biến tâm lý có vẻ bất thường khiến mấy lần Vũ chợt bồi hồi, tưởng chừng đây chỉ là một ảo tưởng, một huyền hoặc".

(Mong manh một thoáng - trích TRONG VÙNG RÊU IM LẶNG - Trang 20)

Võ Hồng kế thừa sự thành công của văn học lãng mạn tiền chiến ở chỗ tạo những câu văn đẹp, trong sáng cả ý lẫn lời. Thêm vào đó ông có cách diễn đạt quá chân thành, tha thiết. Không thể không bị lôi cuốn với những truyện như Chuyến về Tuy Hòa, Trầm mặc cây rừng, Trở về... Giọng văn êm đềm trôi chảy tự nhiên như tuôn từ nội tâm, tình cảm thực của mình. Những đoạn như :

 


 

(1) Tuệ Sĩ - Chiến tranh, Tình yêu, Hoài niệm và Truyện ngắn Võ Hồng - Giai phẩm Văn số đặc biệt về Võ Hồng - Trang 13.

          "Những buổi chiều ở Đà Lạt thật buồn. Mùi nhựa ngo cháy thơm trong bếp pha với hơi sương lạnh nhắc tôi nhớ đến những ngày hồi cư, những ngày chạy giặc phiêu lưu ở Cầu Đất, Trạm Hành. Mùi nhựa ngo dính liền với buổi chiều, với sương mờ đục, với hơi lạnh ẩm ướt"

(Trở về - Trích BÊN KIA ĐƯỜNG - Trang 162)

Giọng văn đã tạo nên sắc thái tình cảm cho tác phẩm. Cộng lẫn với hồi tưởng của nhân vật xưng tôi (trong đoạn trích), cảnh buổi chiều Đà Lạt được vẽ nên bằng một màu tối buồn, thấm đượm cảm xúc. Cái buồn không trĩu nặng, nó len lỏi, bao phủ, lẩn quất như mùi nhựa ngo, như hơi sương lạnh. Câu văn nhẹ, thanh âm bằng trắc trải đều.

Nếu muốn tìm sắc thái riêng của truyện Võ Hồng thì có thể dẫn chứng mặt mạnh vừa nêu : chi tiết truyện, giọng văn, câu văn và màu sắc tình cảm của riêng ông. Ông hầu như không đi tìm một lối thể hiện độc đáo, tân kỳ. Ông mở đầu và dẫn truyện giản dị, chân thực. Nhưng đó cũng là kiểu của ông.

 

Truyện của Võ Hồng cũng có những tác phẩm đạt đến trình độ hoàn hảo, xứng đáng được xếp vào số những truyện ngắn hay nhất. Ví dụ truyện Tình yêu đất, Bên đập Đồng Cháy, Thế giới của Năm Nhiều, Con suối mùa xuân... Đây là những truyện thể hiện được một cách tập trung ưu điểm, phong cách viết của ông. Bố cục truyện chắc, văn viết súc tích, giàu cảm xúc và hình tượng nhân vật sống động. Đặc biệt hơn, truyện đã thể hiện được bản chất nhân ái trong văn chương Võ Hồng - tình yêu và sự hướng tới cái đẹp của ông. Nhân vật lão Túc trong Tình yêu đất là hình ảnh ngàn đời của người dân quê miền Trung nghèo khó, chân thành và tha thiết với đất. Lão Túc chết khi đang hái bông bí, khi đang hăm hở với nhiều dự định đơm hoa kết quả từ đất. Lão Túc ngã xuống vì một con rắn. Suýt chút nữa nhà văn rơi vào chủ nghĩa định mệnh, kiểu như "thân cát bụi lại về với cát bụi" nếu như ông không có cái nhìn trân trọng yêu thương đối với một số phận, một cuộc đời lam lũ, nghèo khổ này. Lời trăn trối cuối cùng của lão Túc cũng là "Miếng đất Gò Đình"... và ước muốn trao lại cho con. "Tình yêu đất" cũng là sức bền của đất.

Các truyện Bên đập Đồng Cháy, Thế giới của Năm Nhiều... cũng là con người thôn quê, làng xóm, nét hoang sơ dân dã, sự gắn bó mộc mạc, máu thịt... nhưng đó là quê hương, cội nguồn của con người.

Giữa cuộc sống đời thường, giữa cái xấu và cái tốt, hạnh phúc và bất hạnh... truyện của Võ Hồng như con thuyền tâm tưởng chở nhiều ưu tư, trăn trở, thương cảm, lặng lẽ hướng tới bến bờ tốt đẹp ở đàng xa.

Thỉnh thoảng cũng có những truyện như lát cắt ngang cuộc đời : tươi rói, sinh động. Truyện gà và ba tôi, Những nỗi khổ vụn vặt... là những hài thoại nhỏ. Nhưng mục đích của nhà văn không phải là để châm biếm, đả kích một tính cách. Ta thử so sánh với một đoạn văn của Nguyễn Công Hoan :

..."Thấy ông huyện lặng nhìn tử thi đương xông lên một mùi khẳm lằm lặm, ông Cửu não ruột nói :

-Xin rước quan về nhà nghỉ cho đỡ nắng.

Ông huyện chẳng biết vô tình hay cố ý, lấy tay xua ruồi, và khạc nhổ rồi đáp :

-Ừ, kẻo ở đây tởm lắm. Nó đã trương to, mà ruồi, nhặng, cá, quạ cứ sán vào. Lại còn phải phơi nắng, đợi thầy thuốc mổ xẻ nữa, thì biết bao giờ mới được chôn"

          (Thịt người chết - Tuyển tập TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM               (1930-1945) trang 205)

Lòng tốt của ông quan huyện tưởng đâu chỉ là chuyện tìm bằng chứng để minh xác cho cái chết trôi của con ông Cửu nhưng thực ra chỉ là cố vét cái túi tiền của gia chủ. Trước tình cảnh vợ gào khóc, xác con đã trương phềnh vì nắng vì bị ngâm nước, lở lói vì lũ cá, ruồi, quạ..., ông Cửu đành phải bằng lòng "Khấn quan bảy mươi đồng" dù trong nhà không có đủ. Cái cười của Nguyễn Công Hoan trước cái chết không đúng ngày, không đúng chỗ của anh Xích trong truyện là cái cười ra nước mắt, đến chỗ uất hận căm ghét những "đại diện cho dân" tham ăn đến mức ăn cả thịt người chết. Kết thúc truyện Nguyễn Công Hoan viết :

"Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá tiếc ngẩn ngơ.

Chúng có biết đâu rằng quan huyện tư pháp đã tranh mất miếng mồi ngon của chúng"

(Thịt người chết)

Bộ mặt thật của ông quan huyện bên cạnh cái xác chết đang bốc mùi đó bị nhà văn vạch trần đến ghê tởm.

Các truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan đều hướng tới những thói xấu, những cái đồi bại để đả kích châm biếm như vậy.

Cái cười của Võ Hồng khác. Hầu như nhà văn không bao giờ mô tả cái xấu, cường điệu cái xấu. Tấm lòng nhân ái của ông luôn hướng tới điều tốt đẹp, rộng lượng, vị tha cả với những khuyết tật của con người. Cái cười của Võ Hồng là cái cười vui vẻ, chan hòa với mọi người, với cuộc đời. Tiếng cười không định kiến. Mục đích truyện của Võ Hồng cũng khác. Đọc truyện Những nỗi khổ vụn vặt những đoạn ông giáo Chính giả vờ vui vẻ khi nhận lệnh đi chấm thi, giả vờ bệnh để ở nhà, khổ sở lo lắng chạy vạy xin điểm cho con... thật hài hước gây cười.

Một góc của những cuộc thi cử nghiêm túc hé ra trong tiếng thì thào của ông giáo :

"- "Vu'' cho cháu nó đủ "moi - en"

-Cho thế nào được ?

Khoa quay lại nhìn ông, tròng mắt chao lên nhiều vòng sau lần kính trắng :

-Làm sai hết thế này mà.

-"Vu" nói nho nhỏ vậy. Thôi "vu" bớt đi 1 cho cháu nó 9 điểm.

-Không được. Bài đáng 5, cho thêm 1 là 6.

-Chết "vu" giết "moa". Thôi cho cháu bảy điểm rưỡi"  (Trích)

Ông giáo Chính thật khổ, đau đầu đau óc còn hơn thằng Liêm con ông đi thi : 

"Thật tai ác là thằng Khoa". Ông Chính nghĩ.

Mình cứ tưởng chỗ quen dễ nài, hóa ra không phải thế. Chả bù với hai vị giám khảo chấm Sử Địa và Công Dân Giáo Dục, ông Chính không quen biết lần nào nhưng khi kể lể gia cảnh (cần nói láo một chút) và chỉ vào mái tóc có dăm sợi bạc của mình là các vị nới rộng điểm ra ngay. Thật là những người dễ dãi hào phóng. Cô giáo Lý Hóa, - không phải cô Nhã, tất nhiên - trông thế mà cũng nghiệt ra phết. Chỉ "vâng... dạ... đồng ý chấm nới tay..." nhưng nhất định không cho biết là mấy điểm. Chẳng lẽ lại a vào ngồi cạnh cô để nài. Bài luận Quốc văn thì biệt tăm không biết do ai chấm. Ông chỉ còn trông chờ ở số vận may. Thằng Liêm lý luận không hay nhưng chữ của nó viết đẹp sáng sủa. Ông Chính trông sao cho bài làm của nó rơi vào tay một ông giám khảo nhớ nhà. Ông ta sẽ đọc lại cái nhập đề và cái kết luận. Ông ta sẽ tìm vài lỗi chính tả để gạch cho đỏ bài nhưng bài không có lỗi chính tả... " (Trích)

Công phu và mệt nhọc như vậy cho nên cái khổ cuối cùng của ông chỉ là ngày coi kết quả. Đoạn kết của truyện thật bất ngờ :

"...Ông lật nhanh đến Nguyễn Thanh Liêm số ký danh 612. Ông lặng im đưa mắt nhìn, lẩm nhẩm tính từng cột điểm. Đoạn để tập giấy xuống bàn, ông lặng lẽ bước ra hiên. Nét mặt đăm chiêu, ông nhìn bãi bể Gành Ráng. Đôi con mắt nheo lại và môi mím trong vẻ suy nghĩ. Anh Khoa ra uống nước lại gần hỏi :

-Sao buồn thế bác ? Cháu Liêm hỏng rồi à ?

Ông lắc đầu không trả lời

-Tôi đã cho đủ 7 điểm rưỡi theo bác yêu cầu mà

-Vâng, tôi nhớ

-Thế thì sao mà hỏng được ?

-Không. Đâu có hỏng.

Nghe tiếng "hỏng", vài giám khảo đứng gần đó quay lại hỏi :

-Sao ? Con cụ hỏng rồi à ?

-Chết chết ? Hỏng thật sao ?

Mấy giám khảo ngồi trong phòng cũng quay mặt ra. Có cả cô giáo Lý Hóa và hai vị chấm Sử Địa và Giáo dục công dân dễ tính. Người nào cũng lộ vẻ ái ngại cho người đồng nghiệp tốt bụng của mình. Mọi người, nhất loạt đều thấy lương tâm rỉa mình khe khẽ vì ai cũng nghi rằng bài của con người bạn đã rơi vào tay mình. Rồi có người chép miệng :

-Tội nghiệp. Đứa nào cho điểm ác.

-Ông ta có thể xin chủ khảo...

-Cụ ấy người có tuổi, dáng đứng đắn chắc không thèm hạ mình xin xỏ lôi thôi.

Tiếng xì xào im bặt khi ngoài hành lang ông Chính chậm rãi mà ưu tư nói :

-Thưa các bác, cháu không hỏng ạ.

-Chứ sao ?

-Cháu đã được đỗ ạ.

-Đỗ mà sao cụ buồn thế kia ?

-Dạ... cháu được 142 điểm. Chỉ còn thiếu 14 điểm nữa là được Bình Thứ. Tức thế. Phải các bác nới tay cho cháu một chút thì cháu đã đỗ Bình Thứ rồi. Bậy quá. Tiếc quá"

(Những nỗi khổ vụn vặt - Trích)

Ông Chính buồn. Tưởng con ông thi rớt, uổng công ông chạy vạy mấy ngày liền. Người quen và người không quen ông đều ái ngại. Nhưng té ra ông buồn vì con ông không đỗ Bình Thứ. Thật là một con người không hết khổ, không hết buồn vì những chuyênû vụn vặt không đâu ! Như đầu đề của truyện đã nêu, điều căn bản không phải là nhà văn châm biếm tính giả dối, luồn lọt của ông giáo Chính, ông chỉ muốn trình bày một mảng đời thường của con người, của cuộc sống qua cái nhìn hóm hỉnh, sắc sảo. Tưởng ông Chính vui vì con đỗ hóa ra không phải. Khi tính con chỉ còn 14 điểm nữa là đỗ Bình Thứ ông lại buồn ngay và tiếc ! Không khen, không chê, không bài xích, Võ Hồng chỉ nêu lên một hiện thực như nó vốn có. Thành công của Võ Hồng ở những truyện ngắn này là khả năng nắm bắt tâm lý hết sức nhạy và một giọng văn hài hước, tinh nghịch. Trong khi ngòi bút đả kích của Nguyễn Công Hoan hướng tới thói hư tật xấu của con người nhất là tầng lớp quan lại thì Võ Hồng tỏ ra quan tâm tới biểu hiện của nhân cách. Điều tưởng "vụn vặt" lại không "vụn vặt" !

Nhiều người khen kết cấu truyện ngắn : Những bí mật của anh Đỗ Cúc. Mở đầu là một bí mật : tài văn chương của Đỗ Cúc. Bí Mật được khám phá, chân tướng về một con người khuôn sáo được phơi bày. Nhưng kết thúc truyện cũng bằng một bí mật : Đỗ Cúc sẽ dạy học trò - những người kế thừa - như thế nào ? Truyện có cấu trúc theo một đường vòng lý thú, cái mới chồng lên cái cũ và nảy sinh sự tương quan sinh động. Nhưng nét hấp dẫn của truyện lôi cuốn người đọc nhiều hơn không phải là kiến trúc truyện. Cũng như các truyện ngắn khác, Võ Hồng có lối miêu tả hết sức sống động, giọng văn dí dỏm, súc tích. Đoạn tả cảnh thầy giáo phê bình bài viết học trò, nhân vật Đỗ Cúc trong lớp học, những bài tập làm văn... là những màn kịch gây cười hồn nhiên, tạo không khí nhẹ nhõm cho truyện.

Văn chương Võ Hồng là loại văn chương không nặng nề đến mức ám ảnh, gây bức xúc cho người đọc. Ông bao giờ cũng xóa đi ranh giới định kiến cực đoan và hướng người đọc tới cái CHÂN, cái THIỆN.

 

Tác phẩm dài hơi nhất của Võ Hồng đã in là tiểu thuyết Như cánh chim bay, quyển thứ hai tiếp theo sau tiểu thuyết Hoa bươm bướm. Sách dày 382 trang khổ 13 x 19 cm. Khó có thể xếp nó vào tiểu thuyết sinh hoạt hay lịch sử vì Võ Hồng có cả hai mục tiêu đó. Lịch sử vận động, thay đổi, cuộc kháng chiến chống Pháp ở một vùng quê được ghi lại chân thực đến cả giờ, ngày, tháng ! Nhưng chủ yếu nhất là bức tranh sinh hoạt, phong tục, cuộc sống đời thường của người dân quê trong kháng chiến. Cảnh đố chữ, trồng khoai lang bồ, tăng gia sản xuất, phá đường, dạy học... được miêu tả sống động.

Truyện ngắn ngắn nhất của Võ Hồng là những truyện trong tập Chúng tôi có mặt. Truyện Cố vấn luôn có lý (Đã đăng trên Văn Nghệ Nha Trang - số xuân 1992) chỉ gồm 3 trang in kể chuyện con bò cộ vì muốn chiến thắng con bò Bỉnh - kẻ tình địch - đã nghe lời cố vấn dê, heo, cò thay đổi dung mạo : thay đuôi, thêm bờm, cưa sừng và cuối cùng thất bại. Truyện ngộ nghĩnh, hấp dẫn và tạo sự liên tưởng sâu sắc : về nghệ thuật và việc đánh giá nghệ thuật ! Truyện Trị giá của giá trị (Đăng trên báo Văn Nghệ tháng 11.1994) cũng có dạng ngắn, súc tích như vậy. Lời dẫn bông đùa, dí dỏm. Ý tứ thâm trầm, đắt.

 

Nếu tính cả những truyện trong tập Chúng tôi có mặt (xuất bản năm 2000) thì số lượng truyện ngắn đã viết của Võ Hồng lên tới con số 100 truyện. Trong tất cả những truyện đó chúng ta khó mà tìm ra một mẫu số chung thích hợp. Có truyện ngắn đạt đến dung lượng một truyện vừa như truyện Dấu chân sa mạc, Hoài cố nhân, Bên đập Đồng Cháy v.v... nhưng cũng có truyện quá ngắn, quá giản lược. Thực ra không thể căn cứ vào số lượng chữ mà phân biệt truyện ngắn, truyện dài. Tiêu chí để phân biệt thể loại truyện ngắn với các thể loại văn xuôi khác nhiều chỗ cũng không rạch ròi trong tình hình văn học phát triển hiện nay. Ý kiến sau đây của V. Ke-rô-len-cô xem ra có vẻ hợp lý : "Truyện ngắn là không dài - cái điều tuyệt đối này là tất nhiên, song nó cũng là tương đối và chính là tương đối với sự phát triển của chủ đề : truyện ngắn có thể rất co giãn. Cần phải tránh để độc giả dừng lại lâu ở những chi tiết vụn vặt của cái mà độc giả đã biết và thậm chí có thể vượt qua bằng trí tưởng tượng" (1). Như vậy vấn đề phân chia thể loại không quan trọng bằng việc định giá chất lượng của tác phẩm. Võ Hồng là nhà văn coi trọng yếu tố chân thực cả trong việc lựa chọn hình thức truyện nên truyện ông có kết cấu rất giản dị, quen thuộc. Mặt mạnh của ông là tạo được mạch văn lôi cuốn, truyền cảm đi sâu vào thế giới tinh thần của con người.

Nhiều truyện ngắn của Võ Hồng đi gần đến loại tùy bút, hoặc có thể nói Võ Hồng thích hợp với một thể văn tự do kết hợp, pha trộn giữa truyện với tùy bút, hồi ký. Dấu chân sa mạc, Mái chùa xưa, Thơm ngát hương cau, Chào vùng đất Cao nguyên là kiểu truyện như vậy.

Võ Hồng được đánh giá thành công với thể loại truyện ngắn không phải vì số lượng tác phẩm đã viết mà cái chính là ông đã tạo được cho mình một bản sắc riêng. Ông thực sự đã góp phần vào sự phát triển của văn học dân tộc.

Đứng ở góc độ đề tài, chủ đề, Trần Phong Lan trong công trình nghiên cứu : "Những đóng góp của Võ Hồng đối với dòng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam" (Luận văn tốt nghiệp Đại học) đã chia truyện của Võ Hồng (gồm tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn) ra làm 3 mảng chính : "1.Về cuộc kháng chiến chống Pháp     1945-1954; 2. Xã hội miền Nam và sự băng hoại sa đọa dưới gót giầy quân xâm lược; 3. Ngợi ca quê hương và hình ảnh người lao động".

Sự phân chia trên không sai nhưng chưa bao quát sự nghiệp văn chương của Võ Hồng nhất là với khối lượng tác phẩm truyện ngắn, truyện dài rất lớn của ông. Võ Hồng còn có một bộ phận không nhỏ tác phẩm dành cho tuổi học trò. Thứ nữa tên gọi về các mảng đề tài đó không phản ánh được bản chất văn chương của Võ Hồng. Trần Phong Lan viết luận văn năm 1997 và có thể chưa có điều kiện đọc kỹ về Võ Hồng. Truyện của ông thường tránh chuyện dùng chữ phô trương hình thức. Ông chỉ thiên về những gì bản thân ông trải qua, nhận biết.

Tác phẩm viết về cái gì, điều đó ai cũng dễ nhận ra khi đọc tác phẩm. Tôi nghĩ Võ Hồng cũng như nhiều tác giả khác còn cái gì ngoài :
 

(1) V.Kerôlencô - Các nhà văn Nga bàn về văn học - tập 3, trang 640.

quê hương, kỷ niệm, cuộc sống, tình yêu... và xa hơn một chút là lịch sử dân tộc, cuộc chiến... Vấn đề quan trọng là nhà văn viết như thế nào, xử lý như thế nào cũng với từng đề tài ấy ? Khác với một Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn trong cái nhìn quê hương, đánh giá thời cuộc. Khác với Túy Hồng, Thụy Vũ... khi nói về những dằn vặt nội tâm, trạng thái tâm lý con người. Và cũng hoàn toàn khác với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan trong kỹ thuật xây dựng truyện ngắn, lời văn, nhân vật. Văn chương Võ Hồng có kiểu diễn đạt nhẹ nhàng riêng biệt, có sự hài hòa giữa cảm xúc và âm thanh, hình ảnh câu văn. Nhiều người cho truyện của Võ Hồng là dấu nối giữa các tác giả lãng mạn tiền chiến với văn chương mới. Điều đó có lý vì Võ Hồng luôn dè dặt trong cách thể hiện. Khi chưa tìm ra hình thức mới thích hợp, ông chọn lối đi quen thuộc, cổ điển. Giữa Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam và Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Võ Hồng gần gũi với các tác giả lãng mạn hơn.

Truyện của Võ Hồng chính là hình ảnh chân thực của thời đại ông sống, một thời đại có quá nhiều biến cố đau thương. Có thể việc né tránh vấn đề chính trị và những thiên kiến xã hội... khiến nhà văn dè dặt trong cách đánh giá. Nhiều truyện kết thúc lơ lửng, chỉ mở ra cho người đọc cảm xúc, suy nghĩ mà không hướng tới cái gì cả. Nhiều truyện như một bài thơ về nỗi nhớ thương, đau khổ, chia ly... nhưng chủ yếu vẫn chỉ là cảm xúc. Cảm xúc mở ra những liên tưởng, suy tư.

Nếu muốn tìm một cốt truyện đa dạng, phức tạp, những tình tiết hồi hộp gay cấn hoặc chọn lựa nhân vật có cá tính đặc biệt, gây ấn tượng mạnh - truyện của Võ Hồng có thể không đáp ứng được điều đó. Người đọc yêu thích truyện Võ Hồng vì tính chất nhẹ nhàng, hiền hòa mà sâu lắng rất riêng của nó. Mỗi truyện như một sự thao thức, kiếm tìm sâu trong tiềm thức, trong hoài niệm nhớ thương để từ đó khám phá ra những rung động, những sắc thái tình cảm vừa quen thuộc vừa mới lạ của con người. Mỗi truyện như một lời tâm sự riêng tư.

Trong rừng truyện ngắn Việt Nam, truyện Võ Hồng là sự tiếp nối, bổ sung... cho mảng truyện ngắn hiện thực trữ tình, đặc biệt trong đó có Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ DZếnh và nhiều cây bút khác.

Võ Hồng đã đem đến cho truyện ngắn Việt Nam một giọng nói mới và những khuôn mẫu nhân vật mới.

 

2. Thế giới nhân vật

Nhân vật là yếu tố quan trọng để xây dựng nên tác phẩm. Trong truyện, nhân vật thể hiện rõ nhất quan điểm sáng tác và tài năng của tác giả.

Thế giới nhân vật của Võ Hồng cũng có những nét đặc trưng riêng. Đó là Xuân - Lý trong Hoài cố nhân, Luân trong Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay, lão Túc trong Tình yêu đất, bà Xự trong Bên đập Đồng Cháy, Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều, cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc, ba đứa trẻ trong những truyện viết về đứa con thiếu mẹ... Gồm 6 tiểu thuyết và truyện dài, gần 100 truyện ngắn và hàng loạt truyện viết cho thiếu nhi, khối lượng nhân vật Võ Hồng xây dựng không phải là ít.

Trước hết dễ nhận thấy nhất là Võ Hồng không cá biệt hóa tính cách nhân vật, lấy tính cách nhân vật để lý giải bản chất xã hội như quan điểm các nhà văn hiện thực phê phán : Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Chí Phèo không phải là người thực nhưng nhân vật Chí Phèo với những vết sẹo ngang dọc trên mặt xuất thân từ một cái lò gạch bỏ hoang, kẻ đâm thuê chém mướn này là đại diện cho một lớp người bị xã hội không thừa nhận. Nam Cao miêu tả Chí Phèo trong bi kịch muốn làm người mà không được làm người để khẳng định bản chất xã hội chính là nguyên nhân đẩy Chí Phèo vào con đường tuyệt vọng, không lối thoát. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng không sống trong một làng quê như làng Vũ Đại của Chí Phèo nhưng từ một đứa bé đầu đường xó chợ, thị thành tân tiến, phố xá giả dối đã dạy Xuân Tóc Đỏ lớn khôn. Chí Phèo còn có lúc tỉnh để nhận ra con người thực của mình, mơ ước được làm người lương thiện bình thường còn Xuân Tóc Đỏ thì không. Cái giả và cái thực lẫn lộn, Xuân Tóc Đỏ đã học như vẹt cái giả dối của mọi người đến mức quên luôn con người thực của mình. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng trở thành biểu tượng khôi hài của một thời đại nhố nhăng, đảo lộn mọi giá trị.

Những Luân, Quỳ, Nhàn, Khải... của Võ Hồng không giống thế,  dù có mang nét lãng mạn thì cũng khác với những nhân vật như Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên, Lộc trong Nửa chừng xuân, Duy trong Con đường sáng... Ngọc yêu cảnh đẹp và yêu Lan cũng như yêu cảnh đẹp. Giữa kinh kệ, cúng tế, đăng đàn... Ngọc chỉ nghĩ đến hai chữ "ái tình" và mỗi tuần đạp xe lên chùa Long Giáng cũng chỉ để ngắm chú tiểu Lan ! Lộc trong Nửa chừng xuân là người tốt nhưng suốt mấy năm liền Lộc không thể đem hạnh phúc đến cho Mai và cho bản thân mình thì làm sao Lộc có thể đem ý chí, nghị lực mà phục vụ cho ai được ? - cho dù có được thức tỉnh gì đi nữa. Duy trong Con đường sáng là con người đẹp nhưng mộng ước và hành động của Duy cũng chỉ là để làm đẹp một thực tế không có thực.

Nhân vật Võ Hồng chân thực và gắn bó với thời đại ông đang sống, thể hiện rất rõ tâm trạng của thời đại.

Không đại diện cho một cá tính, không khẳng định cho một bản chất xã hội, nhân vật Võ Hồng là những con người bình thường. Quan điểm của nhà văn là tránh tô vẽ, cường điệu. Ông muốn nhân vật ông bước vào tác phẩm tự nhiên như ngoài đời thực. Lý lịch của các nhân vật được miêu tả trong truyện chi ly, rõ ràng và hầu như không có dấu hiệu đặc biệt. Nhân vật đi lại, hành động, nói năng... như những con người bình thường của cuộc sống thực.

Võ Hồng cũng chưa bao giờ ghép cho nhân vật mình một nhãn hiệu nào để cố định tính cách của họ. Nhân vật của ông dù xấu, tốt khác nhau vẫn được trình bày với thái độ thương yêu, trân trọng. Ái Lan chẳng hạn. Ái Lan là một cô bé nông dân sống ở vùng "giải phóng" hay còn gọi "tạm chiếm" trước 1975. Ái Lan đi lên núi gài chông gặp trúng buổi lính Đại Hàn càn, Ái Lan chạy về đạp trúng ngay bàn chông mình gài. Võ Hồng lên án cái vô lý của chiến tranh, nhưng điều chính nhất ông thể hiện qua nhân vật Ái Lan là tâm hồn hồn nhiên, vô tư của cô gái : "Như con chim sơn ca mổ hạt lúa và con sâu ở cánh đồng bên này rồi bay vụt qua cánh đồng bên kia, lại mổ con sâu, hạt lúa"

  (Như con chim sơn ca - trích TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC - trang 270)

Sống ở vùng nào Ái Lan cũng bộc lộ bản chất vô tư, trong sáng đó. Ái Lan làm mọi việc như một sự tiện tay không đắn đo, câu nệ. Cô gái ấy đáng được hưởng hạnh phúc nếu không có chiến tranh, bởi chiến tranh và cuộc sống vội vã trong cuộc chiến có thể sẽ là những điều kiện thuận lợi để uốn cong cuộc đời một cô gái "cái gì cũng có thể vui vẻ làm, không bận tâm suy nghĩ băn khoăn" như Ái Lan.

Võ Hồng không giản lược hóa sự phức tạp của tính cách, cũng không tách con người ra khỏi mối liên hệ ảnh hưởng của môi trường. Ở vùng giải phóng, Ái Lan đi gài chông, làm cỏ, hát hò. Sống nơi tập trung, tạm chiếm, cô phải đi ở, năm sáu gia đình bị dồn vào một toa xe lửa, chịu nắng nóng... Chiến tranh đã bứt Ái Lan ra khỏi khung cảnh thanh bình êm ấm của làng quê và có nguy cơ bôi xấu nét hồn nhiên đáng yêu của cô gái. Hình ảnh cô tiếp viên trong quán ở cuối truyện dự báo điều đó. Mục đích của nhà văn là bảo vệ cho giá trị của con người. Tình cảm nhân đạo của Võ Hồng không mơ hồ, chung chung. Ông để cho cô gái tiếp viên - cùng hoàn cảnh, giọng nói giống như Ái Lan - chân thành bộc bạch : "Sao ác vậy anh ? Đồng bào của mình đó chớ ai..." (Trích Như con chim sơn ca). Những con người trong thế giới nhân vật của Võ Hồng là "đồng bào" nói chung như vậy, quan hệ mật thiết với nhau bình dị trong cuộc sống thường ngày, không có những điểm khác thường dị biệt.

 

Võ Hồng viết nhiều về hai loại người trong xã hội mà ông gần gũi nhất : người trí thức và người nông dân.

Lão Túc trong Tình yêu đất, bà Xự trong truyện Bên đập Đồng Cháy, Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều, cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc... là những chân dung tiêu biểu bổ sung đáng giá cho bộ mặt của những người nông dân Việt Nam trong văn học. Những mảnh đời của họ không tách rời cái nền đồng ruộng, quê hương. Lão Túc suốt đời gắn bó với Đất. Tình yêu đất trong con người lão Túc tiềm ẩn một ý chí phấn đấu, một tinh thần tự lực ghê gớm để tạo cho mình một sản nghiệp dù nhỏ. Lão Túc hì hục cày cuốc, đổ mồ hôi cục, mồ hôi hòn, bỏ công khai phá mảnh đất hoang đầy mồ mả, gai góc, rắn rết. Lão không đi ngược lại với mọi người, trái lại hình ảnh của lão, hành động của lão bộc lộ bản chất chắt chiu, dè sẻn, chịu thương chịu khó ngàn đời của người nông dân. "Nhổ một bụi cỏ dại nhưng trước khi vất đi vào bụi rậm, lão phải cẩn thận đập chùm rễ cho bao nhiêu đất bám vào đó phải rụng xuống cái giang sơn của lão. Nhiều lần thuận tay chụp một hòn đất định ném theo một con dông đang đào hang bới những rễ khoai, lão chợt ngừng tay lại bỏ hòn đất xuống rồi đảo mắt tìm một mảnh sành, một viên đá"                                                      (Truyện ngắn chọn lọc - Trang 57)

Lão Túc tiếc với cả... một hòn đất. Tiếc đến mức thuận tay định cầm để ném theo một con dông lão cũng vội bỏ tìm thay bằng một mảnh sành, viên đá cũng đã thấy sự gắn bó của lão với đất : "Lão thương đất như thương con, như thương chính da thịt mình"

(Truyện ngắn chọn lọc - Trang 57)

Đất nuôi sống con người và tâm hồn, ước mơ của lão Túc. Ông Cao Thế Dung rất có lý khi cho rằng :

"Đọc nhân vật lão Túc người ta liên tưởng đến những người nông dân Trung Hoa cần cù, cam chịu trong thế giới tiểu thuyết của Pearl Burk. Nhân vật lão Túc còn phảng phất khuôn dáng của con người rất mực và đầy khí thế đối kháng với thiên nhiên trong truyện của Tchekhov"(1).

Thực vậy, lão Túc là hình ảnh của muôn vàn người nông dân quê mùa, lam lũ, nghèo khó. Họ sống trong sự quên lãng của cuộc đời nhưng vẫn âm thầm vươn tới. Con lão Túc bỏ đi, vợ lão cáu cẳn, chỉ có đất là tri giao, thân mật, hòa cảm với lão. Thật cảm động trước tấm lòng mộc mạc, chân thành của lão Túc. Cuộc đời của một người nông dân quanh năm chỉ có cái cuốc vác trên vai, mê nón đội trên đầu đó tưởng đâu sẽ bình yên, trôi chảy. Nhưng cuộc sống mới như cơn lốc đã thổi đến tận cái xó làng quê heo hút - ở đó có lão Túc. Con Tỵ theo bà cô rời làng rồi đi làm sở Mỹ; thằng Lợt - con lão Túc - cũng bỏ vào thành phố. Lão giận con và dồn tình thương cho đất. Thằng Lợt bị xe nhà binh cán trúng chân trở về, lão Túc mừng vì nghĩ : "Có bị thành phố hắt hủi nó mới cam chịu an phận bên luống cày". Cái đẹp của Tình yêu đất cũng như nhân vật lão Túc là miếng đất nở hoa bởi tình yêu và công sức của lão. Lão đã ôm được những bông hoa đẹp ấy vào lòng như chừng đã cầm giữ được niềm mơ ước, hạnh phúc trong tay nhưng lão đã bị rắn cắn và lão ngã xuống : "Vạt áo bị tuột ra, hoa bí rơi tung tóe xuống đất, nằm gác trên lá"

(Truyện ngắn chọn lọc - trang 85)

 

 

  


 

(1) Cao Thế Dung : Tiểu thuyết Võ Hồng - Quê hương, Trí nhớ và Con người - Báo Quần Chúng số 11 và 12 tháng 5, 6/1969.

Miếng đất của lão vốn là miếng đất hoang bỏ không. Cái hạnh phúc rất tầm thường so với một đời người ấy, cuối cùng lão cũng không có được. Gắn liền với đất, nhân vật lão Túc mới bộc lộ hết bản chất, tính cách tốt đẹp của mình. Tách rời, lão hoàn toàn cô đơn.

Xây dựng nhân vật lão Túc, nhà văn lấy nguyên mẫu từ những người nông dân chất phác vốn rất quen thuộc với tuổi thơ ông. Cuộc đời của những người như lão Túc có thể bị quên lãng nhưng tình cảm thương đất như thương người, sự gắn bó chắt chiu, cần cù với đất, khát vọng được sở hữu đất là cái muôn đời còn mãi. Võ Hồng muốn hướng tới điều đó.

Bà Xự trong truyện Bên đập Đồng Cháy cũng có một cuộc sống nông thôn như lão Túc. Bà Xự suốt đời gắn bó với mảnh đất, ruộng vườn. Sợi dây ràng buộc bà Xự không phải chỉ là Đất mà còn là những kỷ niệm, cuộc sống gia đình và những người thân. Hình ảnh : "Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má" (1) là hình ảnh của một bà mẹ Việt Nam, bà mẹ nông thôn cơ cực trong những năm chiến tranh khói lửa. Những mạch độc thoại nội tâm dài tác giả để nhân vật tự bộc lộ mình một cách tự nhiên. Bom đạn, chết chóc, cuộc tản cư gấp rút... làm cái nền tang tóc cho những cuộc đời, những gia đình như bà Xự, bà Kính, bà Thủ Hai, ông Trùm Đẹt... Bứt đi khỏi đồng ruộng, xóm làng họ như những chiếc lá lìa cành, khô héo, vật vờ trên những nẻo đường, phố phường xa lạ. Không phải đập Đồng Cháy đã níu chân bà Xự mà cái đập cản nước này là vật chắn cuối cùng bà Xự không thể vượt bằng tình cảm của mình. Sự dồn nén của kỷ niệm, sự nuối tiếc... khi phải giã từ, rời xa những gì đã gắn bó, chia xẻ... đã cùng một lúc níu chân bà Xự :

"Hết rồi ! Hết rồi ! Không ! Tôi không đi đâu hết. Tôi đã mất hết cả rồi. Tuổi xuân xanh. Chồng tôi. Con tôi. Chỉ còn đập nước này mà tiếng ào ào tuôn đổ không hề thay đổi. Nó đã nhìn thấy tôi tóc đen mướt và má tròn phúng phính. Nó đã thấy tôi trẻ đẹp và được thương yêu. Chỉ có nó. Nó nhắc nhở đến chồng tôi. Đến hạnh phúc của tôi" (2).

 

  


 

(1) Trích Võ Hồng - Truyện ngắn chọn lọc - Trang 225.

(2) Trích Võ Hồng - Truyện ngắn chọn lọc - Trang 243.

Bao phủ, giằng xé trong nội tâm bà Xự là kỷ niệm và chỉ có kỷ niệm. Nhân vật bà Xự là thái độ phản đối thực tại của tác giả. Bà Xự không thể rời khỏi mảnh đất, làng quê cũng có nghĩa là không chấp nhận sự thay đổi bằng một cuộc sống khác. Thông qua nhân vật bà Xự, thực trạng tiêu điều làng quê miền Trung trong những năm chiến tranh hiện ra rõ nét. Ở đó cuộc sống tinh thần của con người cũng hoang vắng như những nấm mồ; chỉ còn những tủi nhục mất mát. Bà Xự không vượt qua được bãi trống đó để tiếp nối sự sống. Bà ở lại bên này đập Đồng Cháy.

Cuộc đời nhân vật bà Xự được lồng trong ký ức - trôi về bằng những dòng độc thoại nội tâm của chính nhân vật nhưng cuộc đời đó lại sống động, tha thiết. Tình yêu cuộc sống, yêu mái ấm thanh bình chan chứa trong từng câu văn.

Nhân vật có thói quen đặc biệt khó quên đó là anh Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều. Năm Nhiều mang đặc điểm của nhiều người nông dân vùng quê ưa cúng giỗ. Óc quan sát tinh tường của nhà văn đã phát hiện ra nhiều biểu hiện sinh động của nhân vật. Cái hay của nhà văn Võ Hồng là đã không thể hiện một Năm Nhiều như là hiện thân của tệ nạn mê tín, dị đoan. Năm Nhiều có môi trường thích hợp nhất để hoạt động tích cực đó là dịp cúng giỗ. Anh có một nền tảng triết lý thô mộc mà có gốc rễ sâu sắc là niềm tin thiêng liêng vào những điều huyễn tưởng thần bí. Làm ruộng gặp lúc bị chuột đồng cắn phá thì gánh một gánh chè ra cúng vái "ông Tí, bà Tí", trẻ con bệnh, ấm đầu cúng ông Táo, làm ăn buôn bán cúng các đẳng v.v... Còn có buổi cúng khai tâm trước ngày đầu tiên đi học :

"Con gà luộc nằm trong cái đĩa lớn ngửng mặt nhìn trời. Mình nó vàng bóng loáng những mỡ. Hai bên là hai đĩa xôi trắng. Anh Năm tắm rửa cho tôi rồi bắt mặc quần áo mới. Anh đẩy tôi lại gần con gà, nơi cha tôi đang đứng lầm rầm khấn"

(Truyện ngắn chọn lọc - trang 189)

Cho tới sau này nhân vật xưng tôi trưởng thành, Năm Nhiều vẫn tin sự giỏi giang đỗ đạt của người kể là nhờ vào buổi cúng khai tâm phần lớn. Từ Năm Nhiều cái gọi là đời sống tinh thần, cội nguồn dân tộc cũng biểu hiện một cách giản dị.

Năm Nhiều quyền uy và long trọng trong địa hạt cúng giỗ, từ việc nấu nướng, xếp dọn mâm cỗ, cho đến khấn vái. Ở đó anh bộc lộ tự nhiên, mộc mạc, chất phác thói quen đã trở thành tính cách, quan niệm sống của anh :

"Phải nhìn Năm Nhiều vin nhẹ cành bông điệp để lựa bẻ từng cành, xếp tỉ mỉ vào lọ hoa, đặt thận trọng lên bàn thờ, phải nhìn anh mặt đỏ rực lấm tấm mồ hôi xào nấu nếm ngửi trong bếp, nghiêm trang và say mê như một nhà khoa học đứng trước bầu thủy tinh và ống nghiệm mới hiểu rõ cái lòng chí thành của anh đối với tục lệ"

(Truyện ngắn chọn lọc - trang 204 )

Tựa như bản năng, như một lòng tin không thể thiếu, Năm Nhiều đi giữa cuộc đời với khói hương và cúng kỵ như vậy. Khi bẻ bánh tráng nướng, anh cung kính đội lên đầu, "khi rót rượu anh cũng lễ độ đúng mực. Tay phải cầm bình rượu chúc xuống còn tay trái vòng ngang để giữ vạt áo dài"

(Truyện ngắn chọn lọc - trang 186)

Vượt quá môi trường "cúng quải" đó, Năm Nhiều lúng túng và khó khăn trong đời thường, trong việc tìm kiếm một mối tình dù là đơn giản nhất. Những đoạn tả cảnh Năm Nhiều tán chị Gần, soi gương nặn mụn, để mất chị Ba Răng Vàng... là những đoạn văn hài hước, sinh động trong đó nhân vật anh Năm hiện rõ với những thất bại không tránh khỏi :

"Mối u tình anh dành cho chị Ba Răng Vàng nung nấu trong lòng anh cho đến một tối kia anh cầm gậy đi canh ở xích hậu. Đi qua đám bắp ông Chánh Bát, anh nghe có tiếng nhỏ to rì rầm, lấy tư cách tuần phiên, anh dõng dạc hỏi to :

- Ai đó ?

Có tiếng trả lời yếu ớt :

- Dạ tôi.

- Tôi là ai ?

Anh bước trờ tới : chị Ba Răng Vàng.

- Còn ai kia ?

Anh nổi giận quát lớn.

- Tôi.

- Tôi là ai ? Nói mau.

- Tao.

Một người đàn ông đứng dậy bước lại gần anh. Nhìn vào mặt thấy rõ là xã Tám, anh vội vàng bước lui một bước, đưa tay trái lên gãi đầu theo thói quen, lí nhí nói :

- Dạ thưa cậu

- Mày đi canh hả ?

- Dạ

- Ừ, thôi đi đi.

Năm Nhiều lê cái gậy nặng nề bước..."

(Truyện ngắn chọn lọc - trang 200)

Năm Nhiều lại trở về với "cái bàn thờ uy nghiêm và khoảng hẹp trước bàn thờ" để đi hết cuộc đời, kết duyên cũng bằng cái bàn thờ ông Táo và nén hương môi giới. Đằng sau lưng Năm Nhiều ta nhìn thấy một góc tâm hồn quê hoang sơ, chất phác và đằm thắm tình thương yêu.

Còn có hai nhân vật khá nổi trong tác phẩm Võ Hồng là cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc và Tộc trong truyện ngắn Niềm tin chưa mất. Đây là hai nhân vật tính cách trái ngược nhau và đường biểu đồ cuộc đời cũng mâu thuẫn nhau. Cô Ba Hường là hình ảnh của một người đàn bà có của ở nông thôn : khôn ngoan, tính toán, ích kỷ và cô độc. Trái lại Tộc là một đứa trẻ nghèo lớn lên từ cơ cực. Tộc tốt với tất cả mọi người, tốt với cả người vẫn xấu với mình. Tộc vô tư như cây cỏ, khoai sắn đón ánh mặt trời và phân phát màu xanh hoa trái cho đất. Cô Ba cuối đời chết trong cô đơn, nghèo khó. Hai nhân vật ở hai truyện khác nhau nhưng có sự tương quan tính cách và số phận. Nhà văn muốn gửi gắm rất nhiều những tâm sự về cuộc đời nhất là qua nhân vật cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc. Cô Ba là bài học về sự thăng trầm của một đời người, giá trị của một đời người, về hạnh phúc. Một thời giàu sang, uy quyền, Cô Ba là ước muốn của nhiều người nhưng cuối đời cô suy tàn nhanh chóng. Nhà văn trình bày đoạn cuối theo những lời đồn đại, dự đoán để kết luận rằng sự suy sụp của cô chính là do cô đã quá khôn ngoan, giàu có và tự tin như vậy. "Con gấu hung tợn đó bây giờ đã nhu mì. Vuốt đã hết bén rồi và khí huyết cũng không sung mãn nữa. Con gấu mò về cửa Tam Quan, cúi nhìn xuống thân phận mình và gối đầu lên cái chết"

(Con suối mùa xuân - Trang 169)

          Cô Ba Hường chết trong sự quên lãng nghiệt ngã của cuộc đời. Số phận của người đàn bà này được nhà văn tái hiện trên một bối cảnh quê hương làng xóm tuy có êm đềm nhưng vẫn trĩu nặng xót thương và bất trắc. Khác với cô Ba Hường, tính cách nhân vật Tộc đem lại cho con người niềm tin vào cái tốt đẹp, vào bản tính nhân hậu vị tha của con người.

Nét chung nhất trong hầu hết các nhân vật nông dân của Võ Hồng là sự chân chất ngay thẳng của họ. Khôn ngoan, tính toán như cô Ba Hường thì cũng là cái tính toán được bộc lộ cụ thể, biểu hiện rõ ràng không phải che đậy, màu mè. Năm Nhiều cũng vậy - tin vào sự cúng kính và hồn nhiên, chân thành bộc lộ niềm tin đó. Đó cũng là bản chất, phần tốt đẹp của những con người không bị nhiễm bởi những lọc lừa, giả dối của thành phố. So với các nhà văn khác khi xây dựng nhân vật, Võ Hồng ít phải dùng đến thủ pháp gây ấn tượng, hành động đặc biệt để lôi cuốn người đọc. Tất cả những nhân vật nông dân trong các truyện ngắn đã nêu đều xuất hiện trong một bối cảnh quen thuộc đó là làng quê miền Trung của Võ Hồng.

Nhưng, thân thuộc hơn hết vẫn là bản thân mình. Ngoài cuốn Người về đầu non được xem như một cuốn tự truyện, nhân vật Luân trong Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay thể hiện nhiều nét cuộc đời tác giả nhất. Qua Luân, nhà văn muốn khái quát hình ảnh của một thế hệ thanh niên trí thức, nhiều ước mơ, bị xoay vần lận đận trong thời thế chiến tranh. Nhân vật Luân có quá khứ là cuộc sống êm đềm bình dị ở một làng quê, những ngày đi học đầy ắp những vui buồn tươi trẻ. Tình yêu làng quê, yêu đất nước bắt đầu bằng sự gắn bó tha thiết với những cái đã có đó. Sự biến động của lịch sử bắt Luân phải đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn và suy tư, dằn vặt. Luân làm ta nhớ đến câu nói của E.M.Remarque :

"Chiến tranh làm chúng tôi thành những kẻ vô dụng.

...Chúng tôi vừa mười tám tuổi và bắt đầu yêu cuộc sống, yêu mến nhân gian, đùng một cái chúng tôi bị bắt buộc xả súng bắn bừa lên những thứ đó. Quả tạc đạn đầu tiên ném ra đã rơi vào giữa tim chúng tôi. Chúng tôi không còn thiết đến cố gắng, hoạt động và tiến bộ nữa. Chúng tôi không tin vào đó nữa, chúng tôi chỉ tin vào chiến tranh".

Chiến tranh quả thực đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều thanh niên như Luân. Nhưng điều ám ảnh Luân hơn hết không phải là sự vô nghĩa của cuộc chiến mà là sự chết chóc, tan tác, nguy cơ thiêu sống cái đẹp và mái ấm thanh bình :

"Lội qua suối nước bước lên đầu cầu bên kia thì sự im lặng càng tăng thêm, pha trộn đe dọa. Một bãi máu chảy lan rộng nay đã khô và trên đó đậu đen ngòm hàng bầy ruồi. Có tiếng chân đi qua, bầy ruồi bay vù lên, vo ve rồi vội vã đáp xuống. Mùi máu tanh lờm lợm. Chắc chắn đó là bãi máu của người lính Nhật bị đội viên ta bắn chết. Luân cũng muốn hỏi một câu vu vơ để phá bớt sự im lặng. Nhưng sao môi chàng thấy như cứng lại, như đang chịu một sức nặng nào đè xuống. Sự im vắng pha trộn đe dọa tưởng chừng có trọng lượng và dầy đặc đến có thể sờ nó được".

(Trích Hoa bươm bướm - Nxb Trẻ 1989, trang 140)

Luân nhạy cảm và quý trọng sự sống cho dù là của phe đối thủ. Nhưng ý thức dân tộc cộng với trách nhiệm của người thanh niên thời cuộc khiến Luân đứng vào hàng ngũ kháng chiến. Luân tự trọng và muốn bảo vệ lẽ phải. Ngay cả việc di tản để tránh nạn dịch hạch chàng cũng áy náy :

"Luân xót xa cảm thấy sự bất lực tàn nhẫn của mình, trốn chạy một tai họa và nhìn những người khác lăn lộn trong tai họa đó. Khi yên ổn thì nương tựa vào nhau, người địa phương, khách viễn xứ kết tình anh em, đến khi gặp việc chẳng lành thì ai lo thân nấy".

 (Hoa bươm bướm - trang 150)

Chiến tranh không phải là một nạn dịch nhưng sự tàn phá của nó cũng nguy hiểm và ghê gớm. Luân ý thức rằng lịch sử đã chọn nhằm thế hệ chàng để thử thách nhưng trái tim Luân vẫn không ngớt ray rứt vì điều đó. Cuối tập 1 (Hoa bươm bướm) nhân vật Luân vẫn chưa thoát ra được những dằn vặt suy tư nặng trĩu về thời cuộc dù anh đang trên đường trở về vùng tự do - vùng kháng chiến.

Thành công của Võ Hồng là ông đã cố gắng đề cập được cái phức tạp trong suy nghĩ và nhận định của người trí thức. Luân cảm nhận được số phận lịch sử dành cho mình nhưng anh lại quá tỉnh táo với các biến cố của thời đại. Luân nhạy cảm nhưng bản tính dè dặt, thận trọng. Anh là hiện thân của những trăn trở, lo âu trước sự hủy diệt của chiến tranh. Biểu hiện chính của nhân vật Luân trong Hoa bươm bướm không phải là cuộc tình với Mai Trang và Quỳ mà là Luân trong sự xoay vần của thời cuộc. Biến động lịch sử như cái trục quay và hành động, cuộc sống của các nhân vật bị cuốn theo đó. Con người và cái đẹp bị vùi dập như cánh hoa bươm bướm mỏng manh.

Võ Hồng đã xây dựng nhân vật Luân và nhiều nhân vật trí thức khác từ những nét đời thực của bản thân mình. Ông là nhà văn coi trọng sự chân thực trong việc khái quát hiện thực. Nhân vật trí thức của ông mang tâm trạng xã hội rõ nét : sự khắc khoải, cô đơn và luôn tìm kiếm bản thân mình, con người mình. Những suy tư nặng nề làm con người mất đi vẻ tươi tắn, sinh động và già hơn trước tuổi. Có thể đọc thấy điều đó trong truyện của Túy Hồng, Thụy Vũ.

Nhân vật Cam Thảo, Cỏ May, Trầm... của Túy Hồng là những phụ nữ khao khát tình yêu đến trần tục :

..."phải có những cái chạm nhẹ của người khác phái trên trán, trên mắt, trên môi mới chuyển nổi hăng hái vào gân, vào bắp thịt tay để người phụ nữ chăm chỉ cầm kim luôn hoặc vắt từng mũi kim nhỏ nhắn đều đặn, làm khéo với đời...

...Còn hai năm nữa. Tuổi ba mươi lăm. Hết thời học bán quân sự.

Chính phủ sắp chê mình già đây. Chính phủ còn muốn mình cô đơn nữa huống chi ai"

(Thở dài - Túy Hồng - Trang 35)

Nhân vật Cỏ May của Túy Hồng có tâm trạng âu lo về tuổi tác giống Loan trong Tháng năm sương mù của Võ Hồng. Trong cô đơn Cỏ May hướng tới Khôi, người quen đã ở xa :

"Anh Khôi, em ba mươi tuổi rồi, tóc anh chắc có sợi bạc. Không biết bây giờ anh ở đâu. Chỉ có anh mới thương và chịu chấp nhận em thôi..."

(Thở dài - Túy Hồng - Trang 35)

Cỏ May hy vọng Khôi có thể đưa cô ra khỏi bờ vực tuyệt vọng. Chỉ hy vọng, tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Nhân vật Loan của Võ Hồng mòn mỏi trong một khung cảnh đơn điệu, nhàm chán, muốn thoát ra ngoài nhưng lại quá tỉnh táo đến mức không thể  liều lĩnh :

"Phải âu lo và chỉ còn hy vọng trong một chu vi hữu hạn... chu vi ấy càng ngày càng thu hẹp kích thước lại". Loan được một bà chị giới thiệu với Thọ. Thọ không đẹp trai cũng không xấu nhưng sự tầm thường, nhạt nhẽo của Thọ khiến Loan không thể chấp nhận. Mục đích của Cỏ May là tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, mục đích của Loan là tìm sự bình yên cho tâm hồn : "Tâm hồn tôi suýt chao đi, xót xa như vừa mang những vết cắt vô hình... Tôi đã ngẫu nhiên nhìn rõ được trong nếp sâu tâm tư tôi" (Tháng năm sương mù).

Nhân vật của Võ Hồng luôn hướng tới sự đòi hỏi về giá trị tinh thần. Họ rất coi trọng hành vi nhân cách trong khi nhân vật của Túy Hồng là sự vùng vẫy, cố phủ nhận đạo đức, lễ giáo.

Không gian hẹp luôn đi kèm với nhân vật trí thức của Võ Hồng. Loan được giới hạn trong cái khung phòng khách, phòng ngủ và tự đào xới suy tư trong cái khung đó. Họ luôn sợ sự trắc trở, bất thường :

"Mấy nhân viên chú ý vào công việc, thu hẹp không gian sinh hoạt của họ trong một khoảng rất nhỏ : tập hồ sơ dưới tay, cái máy đánh chữ trước mặt" (Hai người đàn ông)

Không chấp nhận thực tại chật hẹp nhưng nhân vật Võ Hồng hầu như không dám phá bỏ. Họ đều ở trong tâm trạng "Còn quá sớm để mà tuyệt vọng nhưng lại chậm rồi để mà hy vọng" (Con suối mùa xuân - Trang 77).

Trong khi nhân vật Võ Hồng cố đem lý trí ra mà chế ngự tinh thần như vậy, các con người thực Túy Hồng miêu tả trong Thở dàiNhững sợi sắc không phiêu lưu và gục ngã trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Cam Thảo trong Vòng tay anh sau ba năm yêu Biên qua những bức thư tình, khi gặp Biên mới biết anh đã có vợ 5 con. Cũng trong lần gặp đó Cam Thảo mất đời con gái để rồi suốt đời ôm vết thương lòng nhức nhối.

Nhân vật Trầm trong Những sợi sắc không dấn thân vào trụy lạc đến trâng tráo :

"Tôi bây giờ hôn rất dài, hẹn hò rất tài, đi hoang rất tài, ân ái rất tài... dửng dưng như một cục sắt nguội, như bất cứ loài khoáng chất nào trong và ngoài vỏ đất"

(Những sợi sắc không - Trang 107)

Trầm xấu xa, suy đồi ? Không ! Điều đáng sợ là nhân vật đang nói về mình, đang kể về cuộc sống hư hỏng của mình dửng dưng, thờ ơ như đang nói về một người nào khác, một chuyện đơn giản nào khác. Nhân vật Túy Hồng trả thù thực tại bằng cách coi thường, đạp đổ các giá trị, trước hết là phẩm giá thiêng liêng của con người mình. Cảm xúc bị bào mòn, hành động của nhân vật đôi khi liều lĩnh đến cực đoan.

Nhân vật của Võ Hồng khác : Người phụ nữ trong truyện Hai người đàn ông dù khát khao hạnh phúc, muốn đi bước nữa nhưng vẫn cam chịu vì quá nặng trách nhiệm với con. Tuyết trong Khoảng trống sau lưng dù khinh ghét chồng vẫn quay về với chồng. Huệ rời bỏ quê hương, sống một cuộc đời khác nơi thành phố : làm gái bar, me Mỹ, Huệ vẫn tha thiết nhớ lại nụ hôn đầu thơm mùi é rừng sau rộc rau muống ở quê nhà (Khoảng mát). Nhân vật của Võ Hồng không dấn thân liều lĩnh và sự dằn vặt trong nội tâm không đi đến chỗ bế tắc, tuyệt vọng. Cho dù thế nào họ cũng giữ mình trong một giới hạn nhất định : bổn phận, danh dự, trách nhiệm, gia đình, công việc v.v... Trong giới hạn đó họ không thỏa mãn về tinh thần nhưng họ tự bằng lòng ở tư cách của mình.

 

Phá vỡ đi cái không gian hẹp, có giới hạn : phòng khách, công sở, lối đi cũ..., nhân vật Võ Hồng bị lúng túng và lạc lõng trong không gian rộng lớn. Luân dù được miêu tả như đại diện của một thế hệ thanh niên trí thức gánh vác trọng trách lịch sử nhưng suốt những năm biến động, cả khi tham gia kháng chiến ở quê nhà, Luân vẫn như người bộ hành đi bên lề thời cuộc, có góp công sức (theo khả năng, trách nhiệm) nhưng chủ yếu chỉ ghi nhận và quan sát lịch sử. Nhàn trong Gió cuốn cũng vậy, bật xa khỏi cơn lốc xoáy của sự bon chen, tiền bạc, công việc, Nhàn rơi vào con đường đạo đức nhân ái, mơ hồ : nhận con nuôi người khác, trở về quê cũ chăm sóc thương yêu những kẻ bần hàn !...

Sự tỉnh táo, hiểu biết khiến nhân vật trí thức Võ Hồng không sa vào con đường ngộ nhận, hành động trái với lẽ phải nhưng họ lại trăn trở suy tư nhiều quá, khôn ngoan quá hóa ra gò bó, thiếu sinh động. Trường hợp như Băng Trinh trong Thiên đường ở trên cao một cô gái 19 tuổi con nhà khá giả, học hành đàng hoàng bỗng dưng ghiền bạch phiến, bỏ học, đi làm điếm chỉ vì một cú sốc sĩ diện tự ái, thuộc loại hy hữu nhưng cũng không thuyết phục lắm. Băng Trinh biết triết lý và nhất là ý thức rất sâu sắc về bản thân mình. Băng Trinh không phải là sự dấn thân kiểu Cam Thảo, Trầm... của Túy Hồng. Băng Trinh biết đọc câu của Thomasd' Aquin bằng tiếng Pháp : "Les passions  ne  sonten  elles  - mêmes, ni  bonnes  ni  mauvases (những sự đam mê tự chúng không tốt, không xấu)". Băng Trinh ăn nói như một nhà đại trí thức già dặn. Cô tranh cãi về triết học với luật sư Khải :

"Chúng ta có bổn phận phải đồng ý với nhau. Thái độ của triết học là đặt những nghi vấn chứ không chú trọng những câu trả lời. Triết học không đưa ra một chân lý dứt khoát mà nó khích gợi lên những nỗi khắc khoải, băn khoăn. Không giống như khoa học. Em thích triết gia hơn khoa học gia bởi lẽ đó. Nguyên lý Archimede không cần tới Archimede mới có. Nhưng triết lý của Lão Tử thì không Lão Tử không thể có được"

(Thiên đường ở trên cao - Trang 202, 203)

Những lời thoại như vậy như con dao hai lưỡi trong truyện Võ Hồng; một mặt nó tô điểm cho nhân vật trẻ trí thức, lịch lãm, một mặt nó làm cho nhân vật nặng nề khó chịu. Trong Thiên đường ở trên cao, nhân vật Trâm, Thục Dung cũng có những lý sự dài dòng như vậy.

Võ Hồng đã để cho nhân vật trí thức của ông chuyển tải quá nhiều tâm sự, triết lý, hiểu biết, nên nó thiếu vẻ tươi mát, sống động. Nhỏ như nhân vật Thúy (13 tuổi) trong Nhánh rong phiêu bạt cũng biết nói những câu chín chắn như người lớn :

"Cháu thấy người ngoại quốc thường tỏ ý khinh dân tộc mình vì một số lớn dân tộc mình có tính ưa xin xỏ. Xin không được thì ăn cắp...

... Nghèo nhưng chưa đến nỗi phải ăn xin. Giả tỷ không có người ngoại quốc tới đây thì xin ai ? Đã nghèo mà còn ưa xài sang. Hồi xưa tổ tiên mình đâu có uống cà phê, dùng nước đá, máy quạt ? Cháu nhớ hồi thầy giáo cháu có kể một câu chuyện... "         

(Nhánh rong phiêu bạt)

Thúy được giáo dục từ nhỏ, giàu tính tự trọng và nghị lực. Cái tốt, cái nhân ái... trụ vững vàng trong bản chất Thúy. Bên cạnh Thúy, nhân vật bà Đức Lợi sinh động và thật hơn; dù nhân vật này không phải là nhân vật chính trong truyện.

Có lẽ cái đẹp nhất trong hầu hết những nhân vật trí thức ta gặp trong truyện là sự hiểu biết và lòng nhân ái của họ. Khó có thể quên hình ảnh một chàng thanh niên như nhân vật Luân đi làm việc ở xa vẫn da diết nhớ về tuổi thơ và ngôi làng nhỏ của mình. Một người phụ nữ có học rời bỏ chốn êm ấm, giàu sang chấp nhận cuộc sống lam lũ, bần hàn nhưng vẫn giữ trong lòng mình cảm xúc yêu thương. Đó là người vợ trong truyện ngắn Ngày xưa, người vợ biết hát ru con những bài Besccure của Chopin, Ave  Maria của Schubert..., lặng lẽ ngồi trên bàn lướt mười ngón tay để nhớ lại một bản nhạc dạo trên dương cầm, nhớ lại khung trời thơ ấu cũ. Với một tâm hồn như thế, luật sư Khải tìm thấy tình yêu nơi Băng Trinh, một cô gái điếm nghiện bạch phiến vì anh cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp còn tiềm ẩn trong cô gái.

Với Võ Hồng, những người có học, hiểu biết luôn biết vượt lên trên những giới hạn tầm thường. Họ biết giữ nhân cách cũng như biết quý trọng phẩm giá người khác.

Viết về Võ Hồng, nhà phê bình Phạm Phú Phong nói : "Thế giới của riêng ông là thế giới của yêu thương. Dù cuộc đời "quá vô hậu", song những con người đáng yêu vẫn tụ về đứng chật tâm hồn ông. Con người, dù có sa ngã cũng được ông miêu tả quá trình hướng thiện của nó. Bởi lẽ bản chất con người là nhân ái" (1).

Võ Hồng rất nhất quán trong việc xây dựng nhân vật : ông thiên về đời sống tinh thần, tình cảm, mặt tốt đẹp của con người : James Huỳnh, Kiều Chân, những tên cướp..., trong Thiên đường ở trên cao, tâm hồn cũng lấp lánh lòng nhân ái, vị tha. Võ Hồng không thành công trong việc xây dựng nhân vật xấu hay nói đúng hơn ông rất tránh nói đến những tính cách xấu.

Nhân vật Võ Hồng không phải là sự tỏ bày chính kiến, mục đích của ông là đem yêu thương bù đắp cho cuộc đời còn nhiều chỗ trống. Con người trong các truyện của Võ Hồng ít hành động nhưng lại nặng trĩu suy tư. Mỗi nhân vật gắn liền với một trạng thái tình cảm, vừa cố định, vừa diễn biến phức tạp. Đến như ba đứa trẻ trong nhiều truyện ngắn của Võ Hồng cũng vậy. Đó là hình ảnh của ba đứa con thiếu mẹ rất  quen thuộc của nhà văn. Những đứa trẻ hồn nhiên, quan tâm đến cùng một sự cố nào đó : chuyện đi thăm mộ mẹ, chuyện ăn đòn, xem con gà đẻ, tranh nhau con vịt con v.v... Nhưng sâu đậm nhất trong tâm hồn chúng vẫn là nỗi khát khao tình mẫu tử. Võ Hồng không đi tìm nhân vật ở ngoài môi trường sống của mình, những con người trong tác phẩm của ông đều gần gũi nhau ở chỗ luôn trăn trở hướng về lương tri, lẽ phải.  Nhà  văn nói  về những người bình thường ở chung quanh ông và giống như ông. Họ xuất hiện trong truyện không phải như một số phận, một tính cách. Cái chính của họ là những tâm sự, thao thức cần được chia xẻ, tỏ bày. Đơn giản như nhân vật lão Túc trong Tình yêu đất thì niềm cô đơn của lão, những khát khao chân thành của lão về đất cũng là suy nghĩ của chúng ta về hình ảnh người nông dân cày ruộng. Chiều sâu của nhân vật chính là những tâm tư riêng biệt đó.            
 

(1) Phạm Phú Phong - Trần Thùy Mai, Đi tìm thiên đường ở trên cao, Văn Nghệ Nha Trang.

 

Võ Hồng thành công với hai loại nhân vật : người nông dân và người trí thức; nhưng xét trong cấu trúc tác phẩm, ông luôn có một nhân vật quan trọng nhất là nhân vật người dẫn chuyện. Thường ở vị trí ngôi thứ nhất số ít (xưng tôi) hoặc ngôi thứ ba số ít, nhân vật người dẫn truyện vừa đóng vai trò thuật lại vừa tham gia vào câu chuyện vừa trình bày cảm nghĩ, nhận xét, đánh giá về nội dung đối tượng đang kể.

Khảo sát trong 50 truyện ngắn đầu tính từ truyện Hoài cố nhân chúng tôi thấy có tới 30 truyện nhân vật người dẫn truyện ở vị trí kể, cụ thể - xưng tôi; có 10 truyện nhân vật dẫn truyện là nhân vật chính, xưng tên - ví dụ Dốc hiểm nghèo, Ngày xuân êm đềm, Lá vẫn xanh; có 2 truyện viết theo dạng bức thư, người viết xưng anh (em) với đối tượng nghe (đọc) là em (anh) : truyện Hai người đàn ông, Những giọt đắng; những truyện còn lại (8 truyện) nhân vật người dẫn truyện không xuất hiện rõ (không có người kể tham gia vào câu chuyện) nhưng mạch truyện vẫn được xây dựng, phát triển theo một nhân vật trung tâm trong truyện : truyện Bên đập Đồng Cháy diễn biến tuần tự theo tâm trạng, suy nghĩ của bà Xự - nhân vật chính trong truyện; truyện Tình yêu đất kể về lão Túc bắt đầu bằng hình ảnh lão cuốc đất đến lai lịch miếng đất và tình cảm, số phận lão gắn với miếng đất. Người dẫn truyện ẩn vào bên trong nhân vật chính.

Truyện của Võ Hồng không có sự chuyển hóa phức tạp giữa các ngôi. Cái nhìn của nhân vật kể - dẫn truyện có khả năng đi sâu vào nội tâm con người - nhất là khả năng tự phân tích mình. Từ vị trí của nhân vật người dẫn truyện trong tác phẩm Võ Hồng - nhất là truyện ngắn, chúng tôi thấy yếu tố chung nhất của tất cả là yếu tố kể. Nhân vật người dẫn truyện vừa trực tiếp tham gia vào câu chuyện vừa làm nhiệm vụ khách quan kể lại câu chuyện đó thông qua tâm trạng, hoàn cảnh riêng của mình. Điều đáng chú ý là sự lặp đi lặp lại ở nhiều truyện vị trí của người thuật truyện xưng tôi không làm cho truyện của Võ Hồng nhàm chán hoặc đơn điệu theo một công thức nhất định. Cái tôi đó hấp dẫn, phong phú ở chỗ nó là sự biến hóa của nhiều tâm trạng khác nhau, là sự tìm kiếm đào xới sâu trong những nếp cảm nghĩ của thế giới tinh thần. Và mặc dù người dẫn chuyện thường xưng "tôi" rất chủ quan nhưng câu chuyện lại được trình bày hết sức tự nhiên mà không khiên cưỡng, áp đặt. Có lẽ "tôi"ở đây là sự bày tỏ giản dị, bộc lộ tâm trạng chân thành của tác giả.

Nhân vật người dẫn truyện là thành tố liên kết, chi phối các thành tố khác trong truyện như kết cấu, nội dung, giọng văn, nhân vật khác v.v... Đơn cử truyện Công chúa lạc loài nhân vật xưng tôi ở đây là em bé 14, 15 tuổi kể về Ngọc - cô bé nhà quê nạn nhân của chiến tranh. Ngoài Ngọc còn có nhân vật người đàn ông ở vị trí cha của người thuật truyện. Truyện bắt đầu từ những hoài niệm về thời gian - những kỳ nghỉ hè - quê nhà và chuyện người bạn thân (Hòa) chết vì chảy máu cam mà không cấp cứu kịp trong hoàn cảnh chiến tranh. Từ những hoài cảm đó, người kể nói về Ngọc. Đoạn kết Ngọc bỏ về với mẹ để lại những suy nghĩ, bâng khuâng cho người kể. Kết cấu và diễn biến câu chuyện đơn giản. Người dẫn chuyện vừa mở đầu dẫn dắt truyện vừa thuật lại theo thứ tự sự xuất hiện của nhân vật chính tên Ngọc nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tâm trạng và suy tư của nhân vật dẫn truyện : Tâm trạng của những đứa trẻ mới lớn đang khám phá ra những buồn đau, mất mát của cuộc sống. Hòa, Ngọc là "công chúa lạc loài" giữa cuộc đời trần tục. Là "Công chúa" vì vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của chúng tương phản quyết liệt với một hoàn cảnh bất bình thường, nghiệt ngã của bom đạn chiến tranh. Giọng văn tha thiết, hơi triết lý, một vài chỗ không hợp với giọng của một em bé, nhưng chân thành, sâu lắng. Nhân vật xưng tôi trong Công chúa lạc loài trở thành nhân chứng cho câu chuyện, đang bày tỏ suy nghĩ, đang lo âu trong một trạng huống có thực.

Thế giới nhân vật của Võ Hồng, không có những kích thước kỳ vĩ về dung mạo; không có những tính cách, số phận dị biệt nhưng tầm vóc tâm hồn của những nhân vật - con người - trong tác phẩm của ông luôn đáng ca ngợi. Giữa cuộc đời thường họ không phải là anh hùng có quyền ưỡn ngực khoe chiến thắng, cũng không phải là nạn nhân rên xiết, nhưng trong sâu thẳm lòng họ luôn dằn vặt, trăn trở với trách nhiệm làm người, với lương tri, lẽ phải. Giữa cuộc đời thường họ là người làm chứng biết ghi nhận, quan sát và kể lại với một giọng điệu chân thành, chở nặng ưu tư. Truyện Võ Hồng đi theo mạch kể đó, gắn liền với đất nước, quê hương và những hoài niệm tha thiết, khôn nguôi.

 

 

© nhavanVoHong