KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

 

ý kiến của bạn

 

Chương 9. Kinh Dịch qua ngôn ngữ và truyền thuyết Việt Nam.

Chương 9.

Kinh Dịch qua ngôn ngữ và truyền thuyết Việt Nam.

Có rất nhiều học giả rất uyên bác khi giải thích các chữ Việt, Lạc, Hùng, Trưng Trắc Trưng Nhị… dẫn ra những chữ tiếng Hán từ cổ chí kim để thuyết minh, trình bày. Thật ra, theo chúng tôi tất cả các giải thích này có mục đích làm tôn sự thông thái của học giả hơn là đi đến sự thật. Bởi vì, chúng không có logic và vô cùng gượng ép. Ví dụ như sau: Có hai ông từ nước Ou đi đến nước Phi, vì không hiểu tiếng nhau, nên họ nói chuyện với cư dân nước Phi vừa bằng tiếng nói, vừa bằng ánh mắt, nét mặt và lẫn bằng các điệu vung tay vuốt tóc. Người nước Phi hỏi họ: “Các ông từ đâu đến?”. Hai ông này hiển nhiên không hiểu câu này, nhưng cũng như việc Robinson Cruso dạy chữ cho Thứ Sáu, nhìn cách vung tay của người đối diện, họ cũng đoán ra người kia muốn hỏi họ từ đâu đến. Họ trả lời: “Chúng tôi từ nước Ou đến.”. Cũng như vậy, người kia hiểu là hai ông nọ đến từ nước Ou nhưng khổ nỗi họ không hiểu từ Ou đó là gì và họ đành bê ngay một chữ của nước họ là từ Âu để hiểu ra: “Hai ông này đến từ nước Âu.”. Vậy, có ai trong số các học giả dám khẳng định từ Ou có nghĩa là Âu (cái nghĩa mà cư dân nước Phi hiểu). Hẳn nhiên không! Và chính vì thế, tất cả các chữ Âu có sẵn của nước Phi cũng không thể nào diễn tả nghĩa thật của chữ Ou (nghĩa mà dân Ou hiểu). Vậy thì lấy gì làm bằng chứng cho tính chính xác, đúng đắn của bộ này bộ kia??? Dĩ nhiên cũng không thiếu những trường hợp ngẫu nhiên từ Ou (theo cách hiểu của người Ou) có ý nghĩa tương đương hoặc gần đúng với từ Âu (theo cách hiểu của người Phi). Nhưng đó chỉ một vài chữ chứ không có tính quy luật. Có nghĩa nguyên tắc lấy bộ này bộ khác của nước Phi ra để giải thích từ của nước Ou là việc làm vô bổ. Muốn hiểu các từ của nước Ou phải đi từ hướng tìm hiểu các phương ngữ và thổ ngữ của dân nước Ou. Dĩ nhiên, về chữ thì cũng có thể người nước Ou có biểu tự riêng dành chỉ họ (trong đó có mang những đặc tính văn hóa của dân tộc họ). Qua quá trình giao lưu thì có thể người Phi dùng luôn cả chữ này hoặc dùng nó để làm ra chữ khác để viết “người Ou”. Tuy nhiên, nghĩa bản thân ban đầu của nó phải do người Ou đặt ra cho mình. Người Ou gọi họ là Ou tộc hẳn nhiên từ Ou có một ý nghĩa văn hóa xã hội nào đấy của dân tộc họ lúc bấy giờ. Chúng tôi không hề muốn làm giảm xác suất có những từ Hán chỉ một số từ ngữ Việt; nhưng việc này chỉ nói lên một điều: có thể một số từ Việt đã được người Việt dùng (trong ngữ văn của mình và ngữ văn này hiện nay đã biến mất hoàn toàn) hay chúng đã được biết (được diễn tả) qua những hình tượng quá rõ ràng nào đó (được cả người Việt lẫn Hoa thời đó biết đến). Và người Trung Hoa đã dùng những hình tượng có sẵn này để cấu tạo những từ mới cho chính người Trung Hoa dùng khi để chỉ các danh từ của Tiếng Việt. Như vậy, kể cả trường hợp này thì chữ Trung Hoa chỉ là hình thức còn nội dung chứa đựng bên trong vẫn là cách hiểu của người Việt (có thể khi nhìn từ đó thì người Trung Hoa lại hiểu nội dung hoàn toàn khác. Đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng nghĩa của chữ đó đúng nhất vẫn là nghĩa theo cách hiểu người Việt).

Thật ra ngôn ngữ Việt Nam khá bi đát hơn ví dụ trên. Vì lúc người Trung Hoa hiểu một số từ tiếng Việt qua cách của họ thì cũng là lúc họ bắt đầu bành trướng xuống phía nam. Kết quả là đất nước ta bị xâm lược, bị lệ thuộc đến gần nghìn năm. Người Hoa bắt đầu nô dịch văn hoá dân tộc ta, họ bắt đầu dạy cho chúng ta quên đi nghĩa một số từ chúng ta đi mà lấy nghĩa từ hệ thống ngôn ngữ của họ. Cuối cùng các trí sỹ Việt Nam theo mốt đó đã sử dụng hầu hết các nghĩa của Trung Quốc ban tặng mà giải thích từ nước mình. Ví dụ như từ Việt: theo cách hiểu Trung Hoa đó là các dân tộc ở ngoài (tức là vượt qua) những tập tục văn hoá của Trung Nguyên. Vô lý! Chẳng nhẽ khi đặt tên cho đất nước mình, dân tộc mình, người Việt xưa lại lấy một từ đầy tự ti như thế, đầy tính thiên kiến tôn vinh nước Trung Hoa như thế. Người Việt cổ giới thiệu họ từ “nước Việt tới” thì từ Việt bản thân nó đối với người Việt đã có nghĩa gì đó rồi chứ?!

Dĩ nhiên, chúng tôi tin rằng có sự giao lưu văn hoá hai chiều. Người dân, không kể người Hoa hay người Việt, họ dung dị hơn nhiều, không mang nặng tính dân tộc cực đoan như các nhà chính trị. Cái gì hay thì họ dùng, không kể nó có nguồn gốc ở đâu. Chính vì thế mới có hai chiều xâm nhập văn hoá song song nhau. Chắc chắn, có những từ tiếng Việt cổ người Hoa đem về dùng và cũng như người Việt có dùng những từ, hay những tập tục văn hoá của người Hoa. Điều này không có gì lạ lùng cả. Khổ nỗi, vì bị nô dịch văn hoá nên dân ta về lâu dài lại tưởng những từ họ dùng được mượn của tiếng Hán cả. Tuy nhiên, có những từ mang tính tự tôn, tự hào khá lớn, ví dụ như tên gọi của dân tộc mình, tên gọi của Đất Nước mình thì hẳn trước khi được khoác lên cái nghĩa của người khác ban tặng, chúng phải có một nghĩa gì đó chứ. Thật vô lý, khi một người Việt giới thiệu “tôi là người Việt.” lại lấy ý nghĩa của từ Việt của ngôn ngữ nước khác. Rồi có nhiều học giả lại cho hệ thống ngôn ngữ nước ta có đến 60-80% tiếng Hán-Việt. Chả ai chứng minh được điều này cả. Trong giao lưu văn hoá có sự vay mượn nhau là quá thường tình. Chả nhẽ, nếu chúng ta mượn một mức độ từ, tiếng lớn như vậy thì trước đó dân tộc ta không biết nói à??? Tiếng Bạch Nga và tiếng Nga rất giống nhau, nhưng chúng tôi chưa hề nghe một học giả nào người Bạch Nga lại cho rằng ngôn ngữ của họ có đến 60-80% tiếng Nga-Bạch Nga cả!!!