KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 5. Các nghi án Kinh Dịch. 3. Hà Đồ và Tiên Thiên.

_________________________________________________________________________________

ý kiến của bạn

3.     Nghi án Hà Đồ và Tiên Thiên:

Hà Đồ nếu có thật có lẽ có dạng sau:

 

  1. Vì sao lại gọi là nghi án? Vì những hình vẽ trong các cổ sử Trung Quốc không có cái hình vẽ này. Thế nhưng, có một dân tộc lại có mã của Bát Quái Hậu Thiên với kiểu logic này (logic: Âm kết vào nhau và Dương thì tách rời riêng lẻ.).
  2. Không có con Long Mã nào xuất hiện cả nhưng trong Kinh Dịch, triết thuyết lớn của Á Châu, mà vẫn bảo từ Hà Đồ ngài Phục Hy làm ra Tiên Thiên (cái có thật). Vậy, có thể lý luận ông Phục Hy đã nhìn thấy tấm đồ hình có thật. Từ đây, chúng ta có thể rút ra hai kết luận: thứ nhất, người Trung Hoa không làm ra Hà Đồ (ngay cả giỏi như ông Phục Hy cũng chỉ xem nó thôi, chứ không làm ra nó); thứ hai, ít ra, trước khi ông nhìn, đã có người nào đó làm ra cho ông nhìn chứ (bởi vì phải bỏ qua câu chuyện Long Mã vớ vẩn). Mà người nào, dân tộc nào đã đánh rơi cái Hà Đồ cho ngài Phục Hy bắt được để nhìn cũng là chuyện tối quan trọng. Bởi vì, ta lại tự vấn mình, họ làm ra cái Hà Đồ để làm gì? Với mục đích gì?
  3. Ngoài ra, theo chúng tôi cần phải gọi đây là đại trọng án vì người Trung Hoa khăng khăng bảo Tiên Thiên Bát Quái được suy luận từ Hà Đồ nhưng lại không có một giải thích tối thiểu nào cho suy diễn này. Họ hoàn toàn không dẫn ra logic luận nào để giải thích mối quan hệ hỗ tương giữa Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái. Nếu như nói, ông Phục Hy nhìn thấy các xoáy từ 1, 2,…,8 và đã tạo ra bát quái Tiên thiên thì cũng còn có lý. Nhưng có lý với hai điều kiện: thứ nhất, cần giải thích vì sao quái này cần phải tương ứng với số này, quái nọ cần phải tương ứng với số nọ; thứ hai, cần giải thích rõ vì sao phải đặt thứ tự như Tiên Thiên bây giờ. Ngay cả hai điều kiện tối thiểu này, Kinh Dịch Trung Hoa cũng chưa đưa ra giải thích thoả đáng. Vậy nếu có một hệ thống suy luận khác đặt trên nền móng toán học và hệ nhị phân có thể tạo ra chuỗi quan hệ hỗ tương giữa Tiên Thiên Bát Quái và Hà Đồ thì chúng ta có thể phân biệt Chân Giả chăng? Và nếu có chuỗi suy luận logic này thì liệu chúng ta có thể suy ra: người Trung Hoa đã thấy đâu đó Hà Đồ và Tiên Thiên; họ không hiểu chúng có quan hệ dây mơ rễ má thế nào, chỉ thấy chúng đặt gần bên nhau thì họ liền quy chụp ngay Tiên Thiên Bát Quái được suy từ Hà Đồ chăng?
  4. Dưới đây xin dẫn chứng minh của chúng tôi rằng, giả sử Kinh Dịch được người Trung Hoa làm ra thì phải đổi hai cụm 9-4 và 8-3 với nhau mới giải thích hợp lý việc Tiên Thiên Bát Quái được dựng bởi Hà Đồ được:


Khi đưa ra thay đổi cụm (8-3) cho cụm (9-4) chúng tôi dựa trên những lý sau:

1. Lý Tượng số:

Chữ Hán là chữ tượng hình. Tức là thấy hình thì hiểu tượng. Rút ra hiểu cái nghĩa của hình đó. Và cũng như thế, cái quan hệ Tượng Số cũng khắng khít không kém. Thấy số là hiểu Tượng. Nếu nói Đông hợp ứng với Thiếu Dương của Tứ Tượng và Mộc là hành đặc trưng cho Đông (phía đông cây cối mọc tốt tươi, đồng thời cây cối tuy có gốc rễ dưới đất nhưng ngọn của chúng vươn lên trời nên Mộc đặc trưng cho bên Dương Nghi là hợp lẽ). Như vậy, nhìn cụm 8 khoen đen và 3 khoen trắng khó có thể hình dung ra tính Dương của Mộc. Vì thế, đổi Mộc có 9 khoen trắng, 4 khoen đen là hợp lý, là nhìn số mà thấy Tượng vậy.
2. Lý của Số:

Rõ ràng lẻ thuộc dương, chẵn thuộc Âm. Vậy vì lẽ gì cụm (7-2) vòng ngoài là 7 thuộc Dương mà khi qua cung Đông, Mộc thuộc Dương vòng ngoài lại là 8. Vậy cụm (9-4) biểu thị cho Dương là hợp lý hơn (8-3).

3. Lý của Thái cực đồ và Tiên Thiên:

Theo Thái cực đồ và Tiên Thiên thì phần Dương Nghi thuộc tính Dương tăng từ Đông Bắc đến Nam và phần Âm nghi thuộc tính Âm tăng từ Tây Nam đến Bắc. Cần lưu ý, người Trung Quốc cổ đại đã phát minh ra số hữu tỷ từ lâu vậy những số hữu tỷ 7/9, 8/11, 9/13 không lạ với họ. Và cũng dễ hiểu về mặt toán học, người xưa có thể dùng một hình chữ nhật cố định và cho vào đó những phần đỏ (7,8,9) và những phần đen (2, 3, 4) tương ứng. Và họ suy ra: tính Dương tương đối của 7/9>8/11>9/13. Ở đây lưu ý, các hướng kết hợp như Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam là kết quả của hai thành phần của nó hợp thành. Vậy từ đó nếu dùng (9-4) thuộc Mộc sẽ hợp với chiều tăng (mũi tên màu đỏ ngoài) từ Đông Bắc sang Nam cho Dương và chiều tăng (mũi tên màu xanh ngoài) từ Tây Nam sang Bắc cho Âm hơn khi dùng (8-3). Và vòng tăng của Âm (mũi tên màu xanh trong) trong Dương nghi, của Dương (mũi tên màu đỏ trong) trong Âm Nghi cũng thay đổi hài hoà hơn. Cho Dương Nghi là (2,3,4,5) còn cho Âm nghi là (1,2,3,5). Thực ra số 5 của Âm phần Dương Nghi tôi cho là ngẫu nhiên. Nhưng có một cách giải thích Vì Tây Nam và Đông Bắc là giai đoạn chuyển hoá từ Âm sang Dương từ Dương sang Âm nên sự lệch biến hoàn toàn có thể.
4. Lý của cân bằng Âm Dương:

Ta không thể phủ nhận số khoen Âm lớn hơn số khoen Dương. Một phần vì khi vũ trụ hình thành thì nó đã có Hình thuộc Âm nên chuyện Âm lớn hơn là hợp lẽ. Nhưng cơ chế nào bù đắp cho cái dôi ra của Âm này. Các bác hãy chú ý, không phải vô tình mà người ta dùng 7,9 là số lẽ tượng trưng cho Dương. Chung quy sự vật tồn tại khi nó thành, nên vòng tròn Thành(phía ngoài) của Hà Đồ đóng vai trò chủ đạo. Nó chủ đạo còn vì lẽ nó mang trong mình cái khí Âm hay khí Dương của nó. Nếu vòng ngoài màu đen thì Tượng ở đó mang tính Âm, nếu màu Trắng thì Tượng mang tính Dương. Như vậy cho vòng ngoài là vòng chủ đạo là hợp lý. Các phần ở giữa các cực ta tính là trung bình của hai cực bên nó (Rõ ràng trong các sách về Kinh Dịch cũng nói mối quan hệ giữa các quái nằm giữa với hai quái nằm hai bên nó). Ví dụ hướng Đông nam bên trái là Đông (9-4) bên phải Nam (7-2) lấy trung bình ta được (8-3). Tuy nhiên, hướng Đông Bắc và Tây Nam cùng có dạng (5-5). Nhưng như tôi đã nói, vòng chủ đạo là vòng ngoài nên ta so sánh hai số vòng ngoài. Ví dụ, Đông Bắc có vòng ngoài phía Đông là 9 và vòng ngoài phía Bắc là 6. Vậy với vai trò chủ đạo vòng ngoài thì Đông Bắc thêm một chênh lệch tương trưng nữa là 3. Phân tích như thế chúng ta có vòng ngoài của Đông Bắc là 8, còn Tây Nam là 6. Chúng ta cộng lại các giá trị thành của các quái trong Tiên Thiên: phần Dương Nghi ta có 7+8+9+8=32, phần Âm Nghi ta có 6+7+8+6=27. Như vậy, ngay trong vòng chủ đạo Dương Nghi lại thắng Âm Nghi là 5. Chính số 5 Dương này khắc chế số 5 Âm dôi thừa ra. Nếu các cụm khoen không thay đổi thì khó giải thích được điều này.

 

Vậy từ đây, ta có thể rút ra một trong hai kết luận:

  1. Hoặc Hà Đồ sai, Hà đồ đúng để hợp với Tiên Thiên phải có hai cụm số 3-8 và 4-9 đổi cho nhau.
  2. Hoặc Hà Đồ đúng, nhưng chúng dùng để mã hoá đồ hình khác.

 

Lý luận nào cũng chỉ ra Hà Đồ theo sách chữ Hán không ăn nhập gì với Tiên Thiên Bát Quái cả. Chúng tôi thiên về kết luận hai. Hà Đồ dùng để mã hoá một đồ hình khác quan trọng hơn.

e.       Từ đây, lại sản sinh thêm một nghi án: Vậy đồ hình số nào để biểu thị cho Tứ Tượng, cho Tiên Thiên? Sử sách Trung Hoa không có đồ hình này. Theo lý luận logic , chúng ta cũng dễ thấy từ Thái Cực Đồ có thể vẽ ra Tiên Thiên Bát Quái. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy độ phức tạp của Thái Cực Đồ đối với Tiên Thiên: Tiên Thiên là Bát Quái được dựng từ những quái sắp xếp theo cách chồng các vạch Âm Dương lên nhau.

Tại sao lại sắp xếp như vậy? Tại sao không dùng cách đơn giản nhất là CànĐoàiLyChấnTốnKhảmCấnKhôn thứ tự ngược chiều kim đồng hồ mà phải là hình chữ S. Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích thì phải theo quy luật dương nhiều đối Âm nhiều và Dương ít đối Âm ít. Hay đơn giản hơn, chúng ta lý giải cần phải đặt các quái vào vòng tròn như thế nào đó để cho tổng các lượng số của nó bằng 7. Như vậy, từ lý luận đó ta thấy Tiên Thiên Bát Quái được xây dựng khá đơn giản theo quy luật đối xứng và sau đó theo số mà người ta lập ra đường chữ S. Từ đường chữ S này ta có thể vẽ Thái Cực Đồ[15] như theo kiểu Trung Hoa:

Hay theo kiểu vẽ trong dân gian Việt:

Vậy Thái Cực có sau Tiên Thiên và chúng không dùng để ký hiệu Tiên Thiên. Chúng chỉ là một hệ quả của Tiên Thiên. Vậy đồ hình số nào dùng để biểu thị Tiên Thiên, Tứ Tượng. Sách Dịch Trung Hoa từ cổ chí kim không có đồ hình đó.