KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 9. Kinh Dịch qua ngôn ngữ và truyền thuyết Việt Nam. II. Tính thuần Việt của các quái.

ý kiến của bạn

II. Tính thuần Việt của các quái.

Còn các quái trong tiếng Hán hoàn toàn không có. Tất cả các từ dịch từ quái ra, họ đều có từ khác đọc khác nhau mà viết cũng khác. Ví dụ như Càn-Thiên. Không ăn nhập vào đâu cả. Trừ ngẫu nhiên là từ Chấn-cũng có nghĩa sấm động (tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng từ Chấn trong Diệc thư có nghĩa là sấm. Đây chỉ đặt ra sự trùng nhau của nghĩa Hán mà thôi). Từ các chương trên chúng tôi đã chứng minh Kinh Dịch là sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Vậy khi họ làm ra một sản phẩm họ phải đặt tên cho sản phẩm chứ. Điều vô cùng chắc chắn là họ đã đặt tên cho các quái. Trong trống đồng Lũng Cú có khắc 8 từ như sau:

Điều lý thú là người ta đã khắc đúng 8 chữ trên trống đồng này. Từ các phân tích trên, chúng tôi đã chứng minh trống đồng có chứa những bản văn Kinh Dịch thì trống đồng Lũng Cú cũng không ngoại lệ. 8 từ ở trên chính để biểu thị cho 8 quái. Và người xưa đã đặt tên gọi cho tám quái của bát quái. Tuy nhiên, vẫn có hai chiều suy luận như sau: thứ nhất, tên gọi Càn Khôn, Đoài Cấn, Chấn Tốn, Ly Khảm là do người Trung Hoa tự đặt ra khi họ đã được thừa hưởng Kinh Dịch; còn các tên của người Việt đặt đã bị mất đi, thứ hai là các tên gọi đó đã do những người Việt đặt ra khi họ sáng tác ra kinh Diệc và người Trung Hoa thừa hưởng nó đồng thời với tư tưởng Dịch.

Để chứng minh thuyết thứ hai, chúng ta cần lý giải ít nhất hai vấn đề: thứ nhất, tại sao khi thừa hưởng Kinh Dịch và hiểu được ý nghĩa của nó người Trung Hoa không đổi luôn tên các quái. Ví dụ, đổi Càn thành Thiên…; thứ hai, trong ngôn ngữ dân tộc Việt Nam có các từ đó không, và sâu hơn nữa là các từ đó trong ngôn ngữ Việt Nam có mang ý nghĩa của số học không? (Bởi vì, nguyên tắc làm nên các Bát Quái, người Việt đều dựa trên số học hệ nhị phân).

Câu hỏi thứ nhất hầu như đã có câu trả lời: Các con long mã và con rùa là linh vật của nước ta. Sử Trung Hoa đã viết có sứ thần nước ta đem rùa thần có khắc lịch qua cống thới Đào Đường (Nghiêu). Người Trung Hoa gọi lịch này là Quy Lịch. Còn Long Mã thì khắc nhiều trên trống đồng. Có nghĩa, người xưa đã tặng cho các vua chúa Trung Hoa các đồ hình của Diệc thư trên đó có hình con giao long hoặc đồ thư được khắc trên da cá sấu và mai rùa. Người Trung Hoa cứ để nguyên vậy, không thay đổi mà chỉ huyền thoại hoá lên mà thôi: như câu chuyện Long Mã với các đốm xoáy xuất hiện trên sông Hà, Rùa thần xuất hiện trên sông Lạc. Nói chung, đó là tính cách bê nguyên và cải biên một chút. Trường hợp các quái cũng vậy, lúc ban đầu theo logic họ chỉ ghi lại những âm ngữ của các tên. Vì chưa biết chúng nghĩa là gì, bắt buộc họ đành phải dùng tên đó đã. Sau này, đã biết ý nghĩa của nó thì các tên kia đã có tính phổ cập trong dân chúng không tiện sửa đổi nữa. Ngoài ra, quà được tặng là của vua chúa. Với ý muốn tôn vinh tính siêu đẳng của dòng giống thiên tử, các ông vua được thừa hưởng Kinh Dịch bao giờ cũng muốn huyền bí nó. Mà huyền bí nó không gì hơn là dùng thứ tiếng khác để đọc các thành tố của nó.

Để giải quyết câu hỏi thứ hai rốt ráo, chúng ta cần phải lưu ý đến một vấn đề mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã đặt ra. Nếu nói Tiên Thiên Bát Quái là chỉ vũ trụ khi chưa thành hình (hay là Thái Cực), còn Hậu Thiên là vũ trụ đã thành hình vậy tại sao có thể lúc vũ trụ chưa thành hình mà đã có Đất, Núi, Trời, Gió được? Một câu hỏi vô cùng lý thú và xác đáng. Trên tất cả những chứng minh của chúng tôi ở trên, chúng tôi cũng khẳng định (bằng logic toán học) là Tiên Thiên chỉ vũ trụ chưa thành hình còn Hậu Thiên là vũ trụ đã thành. Vậy, phải chăng có hai khung cấu tạo ý nghĩa của các quái. Khung thứ nhất chỉ ý nghĩa các quái khi người Việt cổ làm ra Tiên Thiên, đến khi làm ra Hậu Thiên (sau này) họ lại áp dụng tên các quái của Tiên Thiên vào Hậu Thiên nhưng có những ý nghĩa khác hợp với Hậu Thiên hơn. Nhận thấy người Việt cổ làm ra kinh Dịch lúc nào cũng chiếu theo hệ nhị phân và số học thuần tuý, vì thế chúng tôi đã đưa ý tưởng khá táo bạo sau: tên của các quái lúc ban đầu có thể có những ý nghĩa số học và càng về sau, những tên đó bị biến âm và mang ý nghĩa khác dành miêu tả những cảnh vật của vũ trụ thời Hậu Thiên. Sau nhiều lần truy cứu chúng tôi đã có nhiều bằng chứng để khẳng định điều tiên đoán này.