KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 9. Kinh Dịch qua ngôn ngữ và truyền thuyết Việt Nam. II-1. Khung Tiên Thiên.

 

ý kiến của bạn

1. Khung Tiên Thiên:

Ở khung Tiên Thiên, có số nào vô cùng đặc biệt?. Các nghệ nhân trống đồng đã chứng tỏ họ biết diễn tả số 0, có nghĩa họ đã biết và cảm nhận được số 0. Và logic làm ra Diệc thư của họ cũng bằng số học thuần tuý. Vì thế, một điều chắc chắn họ biết Khôn=Không. Tuy họ hay diễn tả Khôn bằng 8 vật nào đó(ví dụ như 8 hình người trong trống đồng Sông Đà chẳng hạn, bởi vì khi diễn giải tới một quái nào đó, người ta không thể nào không vẽ gì cả). Nhưng nếu tính 8=0(mod 8) thì số 8 cũng chính là số 0 mà thôi. Trống Đồng Sông Đà đã chứng minh được logic số học của việc xây dựng Bát Quái Hậu Thiên. Vậy,

Khôn: xuất phát từ Không. Bằng chứng là khôn lường.

Càn: xuất phát từ Cóè  Cònè  Càn.

Hai từ Càn Khôn đối nhau. Và từ những phân tích trên, lúc nào người Việt cổ cũng dùng số của quái. Số của Khôn=0 hay =8(mod 8). Vậy Khôn xuất phát từ Không là hợp lý. Đổi lại, Càn là số hiện hữu tượng trưng cho sự tồn tại nghịch với trống rỗng. Vậy có thể, Càn đầu tiên mang ý nghĩa hay còn, và dần về sau đọc trệch ra Càn. Không ít dân tộc trên thế giới đọc chữ o thành chữ a (dân tộc Nga chẳng hạn). Khác với Âm Dương của sách Dịch Trung Hoa, sự tính toán số của các quái chứng tỏ dân tộc Việt hiểu hai bản thể vũ trụ là Có và Không. Sự đối nhau giữa sự hiện hữu và trống rỗng đã làm cho người Việt xưa gọi tên hai quái này như vậy: Có Không, Không Có, Còn Không, Không Còn với từ Còn Không hoàn toàn trùng âm với Càn Khôn!

Tiếp theo, ta nhận thấy hiện hữu có rất nhiều cung độ biểu diễn, còn trống rỗng chỉ có một mà thôi. Số Không chỉ có một, nhưng số khác không thì nhiều: 1, 2, 3,…Vậy để đối lại Không người Việt cổ có khả năng lấy số 1. Cuối cùng, họ đánh số bát quái với mục đích giải nghĩa (hơn là mục đích sử dụng để phát triển lý thuyết tiếp sau. Khác với độ số của Dịch Trung Hoa, người Trung Hoa dùng độ số để phát triển tiếp lý thuyết). Bởi vì khi giải nghĩa các quái, số Không không thể đối với một số tuỳ tiện được, mà có lý nhất nó phải đối với số 1. Từ lý luận này người Việt cổ có thể dùng các số đánh dấu sau: Càn=1, Khôn=0, Đoài=2, Ly=3, Chấn=4, Tốn=5, Khảm=6 và Cấn=7. Rất giống độ số. Khác ở chỗ Khôn người ta dứt điểm hiểu là 0, vì nếu lấy Khôn bằng 8-0=8, nhưng qua mod 8 quen thuộc ta lại nhận được 0. Còn tổng các số đối diện không phải bằng 9 mà bằng 1. Tức 9 mod 8=1. Số một chỉ rõ tổng của hai quái đối diện bằng với tổng của trục thiêng liêng là Càn-Khôn. Từ quan điểm số học, có thể người xưa nhận thức như sau:

Đoài=Hai (đồng âm, số kế theo 1)

Trên thực tế liệu có thể có biến âm đ è  h không? Chúng tôi chợt liên tưởng đến câu: “Đêm hôm khuya khoắt, anh đi đâu một mình?”. Câu đó vô tình tôi nhận thấy sự đồng âm và nghĩa từ giống nhau giữa “Đêm và Hôm”. Nên nhớ rằng “Hôm” được dùng để đối với “Mai” trong các danh từ sau: “Sao hôm” và “sao Mai”. Vậy tiếng Việt ta có cách biến đặc biệt như vậy chăng? Rất nhiều, thưa quý vị độc giả:

a)      Hai tĩnh từ giống nhau tạo thành tĩnh từ cũng đồng nghĩa: đìu hiu, đỏ hỏn, đành hanh…

b)      Hai động từ giống nhau tạo thành động từ đồng nghĩa: đòi hỏi, đằng hắng (đằng biến thành dằn. Ta thấy dằn giọng và hắng giọng gần giống nhau.), đôi hồi, đoái hoài (với nghĩa đoái trông và hoài trông).

c)      Hai danh từ giống nhau tạo nên danh từ (dùng như trạng từ) có cùng nghĩa: đêm hôm, đội hội (đội người và hội người).

Vậy chữ đ hoàn toàn có cơ sở được biến âm thành chữ h. Như vậy, Đoài biến âm thành Hai có cơ sở đứng vững. Chữ đ biến thành chữ h trong thời Tiên Thiên cũng được lặp lại trong thời Hậu Thiên. Chính vì sự cùng nguyên tắc biến âm này mà lập luận của tôi càng có cơ sở đứng vững. Thời Hậu Thiên thì Đoài biến thành Hồ, cũng cùng nguyên tắc biến Đ thành H. Điều này không có gì khó hiểu cả. Có thể nguyên thuỷ, người xưa gọi số hai là Đoài nhưng dần biến âm thành Hai. Họ cũng đọc trệch Đoài thành ra Hồ chỉ một vùng nước được bao bọc xung quanh.

Trong khung Tiên Thiên này, tôi cho rằng rất hợp lý là người ta không cần phải đặt tên các quái theo số 1, 2, 3,…mà họ sẽ dùng các quái một cách có ý nghĩa hơn. Các số thì đến số hai đã quá đủ bởi vì đã có 0 để chỉ hư không, trống rỗng và có 1 để chỉ tồn tại. Số 1 chỉ 1 của Nọc (1 vòng tròn) đối với 2 của Nòng (hai vòng tròn). Như vậy, có số 0, 1, 2 cũng đã đủ để biểu diễn cả số lẫn hình của hai lưỡng thể đầu tiên là Nọc(số và hình đều bằng 1) và Nòng (số=0, hình=2). Đến đây, người ta sẽ lấy các nghĩa khác mang tính số học bao trùm hơn để chỉ các quái còn lại.

Ly=Lẻ (số lẻ đầu tiên.). Ngoài đồng âm một cách rõ ràng ra còn có sự đồng nghĩa. Ví dụ: chia ly, ly tán=xé lẻ, tan đàn xẻ (lẻ) nghé.

Chấn=Chẵn (số chẵn đầu tiên.).

Chúng tôi cho rằng lý luận lẻ đầu tiên=3 và chẵn đầu tiên bằng 4 là chính xác tuyệt đối. Bởi vì lấy quán chiếu qua số của Trời, số của Thái Dương ở giữa, số của Bắc Đẩu bằng 7, thì số bảy cũng bằng hai số đối nghịch đầu tiên: 7=3+4. Ở đây, khi đánh số từ Càn=1 với mục đích làm cho đối với 0 nên lại có Ly, Chấn thành 3, 4. Chỉ với ý đồ đơn giản là đặt tên cho các quái theo ý nghĩa số học.

Trong quyển “Kinh Dịch-Cấu hình tư tưởng Trung Quốc” của hai tác giả Lê Anh Minh và Dương Ngọc Dũng có viết về phát hiện khảo cổ ở Mã Vương Đôi và tìm ra bảng Trùng Quái khác. Trong bảng Trùng Quái này, Tốn có nghĩa và được đọc là Toán (tức tính toán), Khảm được đọc là gòng (công) hay có thể biến thành Cám, Cấn đọc thành Căn. Khi phát hiện ra điều này, trong tôi đã nảy sinh ra hai cách giải thích khác nhau.

Cách giải thích 1: Toán=Cộng (tức có nghĩa cộng vào), Khảm có nghĩa là (jiãn-trừ ra) và giống nhưng jing qua tiếng Việt thành Khảm. Cấn=Căn có nghĩa là căn nguyên của tồn tại trong sự trống rỗng đã quá lớn. Cách này sau một thời gian đăng trên diễn đàn không thấy ai phản hồi cả. Rất tiếc là vậy. Cách này có vài ba điểm rất không phù hợp. Thứ nhất, jiãn của tiếng Trung Hoa khi đọc qua tiếng Việt có thể đọc là Kám chứ khó có thể là Khảm. Thứ hai, tất cả chữ các quái mà người Trung Hoa hiểu không có bóng dáng của số học (trừ chữ Toán), vì thế nếu đó là từ “gõng” thì bất luận thế nào cũng khó đọc ra “jiãn”, cũng như khó hiểu ra được để sau đó biến thành chữ Khảm của Việt Nam. Như vậy, cần một tiếp cận khác đúng đắn hơn. Thứ ba, nếu nói 0 và 1 đại diện cho trống rỗng và hiện hữu thì cũng có hàm chứa nghĩa số học. Nhưng giải thích Cấn=Căn là căn nguyên của tồn tại thì hoàn toàn không thể có nghĩa số học. Nó hàm chứa nghĩa triết học hơn. Nhưng khi làm ra bát quái Tiên Thiên, người xưa chắc phải dựa trên những nguyên tắc đơn giản, tức là đặt nghĩa cho các quái cũng rất đơn giản. Vậy cũng phải có lối tiếp cận đơn giản hơn.

Cách giải thích 2: Khi viết bảng nghĩa của các quái trong khung Tiên Thiên, chúng tôi đã gần như tin rằng Cấn có nghĩa là Trừ ra. Vì sao? Vì người Việt ta hay nói từ “cấn ra” có nghĩa là trừ ra. Ví dụ, như ta nợ người nào đó 10 đồng, nhưng trước đó anh ta lấy của ta mười cái áo là 9 đồng. Thì ta có thể nói: “Nợ 10 đồng nhưng cấn qua số tiền áo 9 đồng. Vị chi còn 1 đồng.”. Từ này, ngày nay chúng ta còn nghe nói nhiều chứ không phải không. Có thể những người Việt Nam ở xa Tổ quốc lâu rồi thì ít nghe, nhưng những người ở quê nhà chắc chắn nghe nhiều từ này. Nhất là trong các trường hợp cấn nợ qua lại nhau. Thế nhưng, Khảm thì chúng tôi không tài nào biến hoá nó ra thành Cộng được. Bây giờ, thấy cách đọc của các quái trong bản Bạch Thư Chu Dịch Mã Vương Đôi, tôi càng tin tưởng vào logic nghĩa số học của mình. Và từ đó, cũng tin chính xác các quái này được người Việt đặt ra. Cũng chính trong Bạch thư chu dịch từ gõng (công) có thể đọc thành Cám à Khảm. Nhưng có điều trong tiếng Hán cả chữ Cám và Khảm (Hai từ này có cùng vận bộ và là giá tả cận âm) đều có nghĩa là hố sâu, chứ không hẳn là nước. Mà nếu nó có nghĩa chính là Nước thì phải vận dụng nghĩa của hệ ngôn ngữ khác. Người Việt xưa đặt tên cho các quái thời Tiên Thiên bằng các từ có nghĩa số học. Sau đó biến âm các quái này để đọc cho giống các hành thể thời Hậu Thiên-ứng với quan niệm vũ trụ của họ. Và dần dần họ dùng song song hai chữ dùng chỉ một sự vật, một hiện tượng. Ví dụ, khảm và nước. Quan trọng là xây được một logic hoàn chỉnh để giải thích tất cả những vấn đề nêu ra.

Chúng ta lại xét một chút ít về chữ Tốn mà trong Bạch Thư Kinh Dịch Mã Vương Đôi gọi là Toán với nghĩa là tính toán. Toán là gì? Hán Việt hay Thuần Việt? Chúng tôi cho rằng từ toán là thuần việt. Bởi vì, bên Trung Hoa không có cách biến âm từ t sang đ. Họ chỉ đọc được mỗi phụ âm t. Thế nhưng, trong tiếng Việt  lại có kiểu biến âm này. Có rất nhiều cặp từ bắt đầu từ t và đ có những nghĩa khá tương đương nhau: Toán-Đoán, Tổn (thọ)-Đoản (thọ)…hay các từ ghép tiêu điều, tương đương, …

Ngay trong chữ Toán cũng có anh em song hao với nó là Đoán. Chắc quý vị cho từ Đoán khác từ Toán, phải không? Khác có khác, nhưng không đến mức quá xa đâu. Đoán là quá trình tính Toán logic để nhận định kết quả một sự việc, một hiện tượng sẽ xảy ra. Không Toán (tức tính toán logic) thì làm sao mà Đoán được. Vậy cặp Toán-Đoán đã chỉ ra nguồn gốc Thuần Việt của Toán. Khi xây dựng được thuyết số học giải nghĩa các quái hoàn chỉnh thì điều này cũng chỉ ngược lại nguồn gốc của chữ. Và tất cả tên các quái nguyên thuỷ mang ý nghĩa số học hoàn chỉnh. Vậy Toán cũng chính là từ của người Việt. Chúng ta lại thấy có : tốn tiền hao của, tốn công tốn của…Từ này, chắc chắn 100% người Việt đều hay dùng hay nghe. Xem ra chữ tốn này không dính dáng gì đến gió cả. Chính xác là thế nhưng nó lại dính dáng đến số học và chữ Toán. Bạn hãy phân biệt thử hai câu hoàn toàn Việt sau: Ôi dào, đám cưới tốn tiền tốn của quá. Chỗ này tốn tiền, chỗ kia tốn tiền. Và: Ôi dào, đám cưới tốn tiền tốn của quá. Chỗ này tính(chi ra) tiền, chỗ kia tính(chi ra) tiền. Từ tính lại là đồng âm cũng có nghĩa tương đương với với toán (trong tính toán). Vậy chữ tốn ở đây hoàn toàn giải thích theo ngôn ngữ Việt để thành chữ toán được. Chữ Toán thời tiền sử đã được vận dụng vào những hoàn cảnh khác nhau vì hồi đó ngôn ngữ chắc chắn chưa phong phú như bây giờ. Cuối cùng, qua biến Âm mà đến bây giờ người Việt chúng ta có những từ khác hợp với triết lý mà họ đã làm ra:

Vậy, ta có nghĩa nguyên thuỷ các quái thời Tiên Thiên là: Càn: Còn, Khôn: Không, Đoài: Hai, Ly: lẻ, Chấn: chẵn, Tốn=Toán=Tính toán, Khảm=Cộng, Cấn=Cấn ra (Trừ ra). Từ đây, chúng ta cũng có thể thấy nguyên lý đặt tên các quái bằng nghĩa số học rất hợp lý và có ý nghĩa vô cùng: Có cặp (Không, Có) tượng trưng cho trống rỗng và tồn tại, có cặp (1, 2) tượng trưng cho Nọc đầu tiên và Nòng đầu tiên, có cặp (lẻ, chẵn) tượng trưng cho tính chất số. Khi có các cặp này rồi thì phải tính toán. Tính toán thì dùng phương pháp phổ biến là cộng và cấn. Ngoài ra, cũng dễ thấy thành ngữ sau đây rất đồng âm và láy nhau từng từ trong thành ngữ: “Cộng vào cấn ra”. Nếu kể cả các cách biến âm của người Việt với d thành v, r thành dz thì dễ dàng nhận thấy sự láy nhau thú vị sau: “Cộng dào Cấn dza”.