Ibn Séoud

Vietsciences-Nguyễn Hiến Lê        10/2005
 

3

VI/Thống nhất xứ A Rập

Tuy Rashid bị giết, nhưng xứ Hail chưa quy thuận. Một bộ lạc ở giáp ranh Koweit, bộ lạc Mutair không chịu phục tòng. Ibn Séoud đem quân tới, đốt cháy làng mạc, treo cổ hào mục vừa xong thì ông phải trở về phương Nam để diệt bộ lạc Ajman. Cũng san bằng hết các châu thành, bắt được mười chín tên trong đảng Ám sát, đem chém đầu mười tám tên ở giữa  chợ, còn một tên, tha chết để về kể lại chuyện đó cho mọi người nghe. Trước  khi giải tán, vỗ về quần chúng:

- Các người là thần dân yêu mến của ta. Phải trừng trị các người, ta đau lòng lắm. Vậy đừng bắt ta

phải ra tay lần nữa. Các người về lựa lấy một viên thống đốc nào trung thành có thể tin được, ta sẽ để cho các người tự cai trị lấy nhau, miễn là đừng phản ta.

Ông dư biết tính của người A Rập, họ trọng nhất sức mạnh và sự công bằng. Ông đã tỏ cho họ thấy rằng ông có đủ hai điều đó. Từ nay họ sẽ theo ông. Thế là tình hình nội bộ được yên.

Nhưng tình hình ở ngoài có vẻ đáng lo. Năm 1908, đảng Thanh niên Thổ làm cách mạng, thành công, vua Héhemet V lên thay Abdul Hamid, và nội các mới của Thổ muốn gây lại lực lượng, củng cố các thuộc địa trong số đó có A Rập

Lại thêm các lực lượng của Anh mỗi ngày một tăng. anh trước kia giúp Mubarrak chống lại với Rashid là có ý dòm ngó Koweit. quả nhiên năm 1903, Koweit phải nhận sự bảo hộ của Anh. Rồi Anh với Nga thỏa thuận nhau để chia xẻ Ba Tư: phía Bắc Ba Tư về Nga, phía Nam về Anh. Anh lại chiếm kinh Suez và "đấm mõm" cho Pháp xứa Maroc.

Ibn Séoud đâm lo: bầy chó sói đó bao vây khắp phíarồi, không còn đường ra biển nữa, chịu chết cháy trên bãi cát và đá này ư? Chưa hết cái nạn Thổ, đã đến cái nạn Anh, mà tụi Anh mạnh mẽ xảo quyệt gấp mười tụi Thổ.

Càng nguy thì càng phải tính gấp. Phải mở một đường ra biển. Con đường gần nhất là chiếm cứ xứ Hasa ở phía Đông Nedjd. Xứ đó là thuộc địa của Thổ, mà Koweit ở phía Bắc Hasa là xứ bảo hộ của Anh. Chiếm Hasa thì sợ Anh can thiệp, như vậy phải đương đầu với Anh lẫn Thổ. Đành phải chờ Mubarrak dò ý người Anh trước đã.  Mubarrak bảo chính phủ Anh rằng cần phải đuổi người Thổ ra khỏi vịnh Ba Tư, mà chính người Anh chiếm Hasa thì các nước khác sẽ la ó, còn để Ibn Séoud chiếm thì chỉ là nội bộ giữa các dân tộc A Rập với nhau, sẽ không lớn chuyện. Anh nghe bùi tai, bằng lòng làm ngơ.

Ibn Séoud bèn cho người vào nội địa Hasa dọ thám, rồi xuất kỳ bất ý, đương đêm cho quân lính leo thành, tới sáng thì chiếm được kinh đô Hasa mà dân chúng ngủ say không hay gì cả.

Các nhà cách mạng Syrie thấy chiến công của ông oanh liệt, muốn nhờ ông tiếp tay để đuổi Thổ ra khỏi Syrie, ông từ chối, tự xét thấy chưa đủ, cần phải tổ chức lại nội bộ cho mạnh đã.

Thần dân của ông gồm có hai hạng người: hạng làm ruộng, buôn bán định cư ở làng mạc, châu thành - hạng này là thiểu số- và hạng du mục, lang thang khắp nơi, nay đây mai đó. Hạng trên trung thành với ông, còn hạng dưới thì không thể tin được. Họ rời rạc như những  hạt cát, hễ nắm chắt  lại thì còn ở trong tay mà mở tay ra thì trôi theo những kẽ tay mất. Tinh thần cá nhân của họ rất mạnh, họ rất phóng túng, không chịu một sự bó buộc nào, tính tình thay đổi, nay thân người này, mai đã phản lại, sản xuất thì ít mà phá hoại, cướp bóc thì nhiều, không thể dùng làm lính được vì không chịu kỷ luật, chỉ hùa theo kẻ thắng để lột kẻ bại.

Muốn cho quốc gia A rập mạnh lên, phải nhào họ thành một khối bằng tinh thần tôn giáo như Mahomet hồi xưa đã làm, rồi phải định cư họ, biến họ thành nông dân để kiểm soát họ, bắt họ sản xuất, khỏi cướp bóc nữa. Chương trình này thực sự mới mẻ và táo bạo, từ xưa các vua A Rập chưa ai nghĩ tới.

Ibn Séoud biết rằng sức phản động của các giáo phái sẽ mãnh liệt vì chẳng những ông đi ngược tục  lệ cổ truyền mà còn làm trái cả lời trong Thánh kinh Coran. Trong  kinh có câu: "Cái cày vào gia đình nào thì sự nhục nhã vào theo gia đình ấỷ. Ông phải triệu tập các nhà tu hành lại, giảng cho họ hiểu kế hoạch phú quốc cường binh của ông, trả lời tất cả những  lời chất vấn, đả đảo tất cả những  lý lẽ cổ hủ của họ; vừa mềm mỏng, vừa cương quyết, như vậy suốt một tuần lễ họ mới chịu nghe và bằng lòng tạo một đội quân phụng sự Chúa, đội Ikwan. Họ đi khắp xứ tuyên truyền cho chính sách mới, chính sách lập đồn điền, và họ khéo tìm đâu cho được một câu của Mahomet đại ý nói rằng "tín đồ nào cày ruộng là làm một việc thiện" để bênh vực chủ trương của nhà vua.

Mặc dầu vậy, dân chúng vẫn thờ ơ. Họ vẫn thích cái đời phiêu bạt hơn, vẫn sống theo câu tục ngữ: "Tất cả hạnh phúc trong đời người là ở trên lưng ngựa" , vẫn chỉ muống nghe tiếng gọi của gió trên sa mạc, tiếng hí của ngựa trên đồi vắng, dưới nền trời lóng lánh những vì sao. Rút cc khắp nước chỉ có ba chục người nghe ông mà định cư.

Ibn Séoud không cần gì hơn. Trước  kia ông chỉ có bốn chục thủ hạ, còn chiếm nổi sơn hà trong tay địch, nay có ba chục người sao không tạo nổi một đồn điền? Ông biết cái luật bất di bất dịch này là muốn tạo cái gì vĩ đại thì bắt đầu phải tạo một cái nho nhỏ đã.

Ông dẫn ba chục người đó lại ốc đảo Artawiya ở giữa đường từ Nedjd tới Hasa, một nơi hoang vu vào bậc nhất chỉ có bốn năm cái giếng nước cạn, dăm chục cây chà là và vài mẫu đất cằn. Tuyệt nhiên không có lấy một cái chòi. Ông cho họ rất ít tiền, sai họ chỉ cách cày bừa, tát nước, xây cất nhà ở và một giáo đường nho nhỏ. Rồi ông bảo họ:

"Các người có nhiệm vụ thiêng liêng là mở đường cho một cuộc cải cách lớn lao. Tương  lai xứ sở ở trong tay các người... Phải tin tưởng. Kẻ nào ngày nay chế giễu các người sau này sẽ ân hận. Ta muốn cứu vớt họ ra khỏi cảnh đói khổ, ngu dốt mà họ không biết. Phảo đoàn kết với nhau. Chúa sẽ che chở các người và ta cũng che chở các người."

Ông thường lại thăm họ, có khi trò chuyện với họ suốt đêm, ngủ chung với họ. Lần lần lúa  mọc lên, tươi tốt. Xóm nhà đã thành một làng có trường học, rồi thành một châu thành. Dân làng trong có mấy năm đã ra khỏi thời Trung cổ mà bước vào thời hiện đại. Các  nơi khác cũng  bắt chước, và trong vòng  năm năm, đội Kwan mới đầu chỉ có ba chục người, tăng lên tới năm vạn người. Mà năm vạn người đó là năm vạn chiến sĩ có kỷ luật, đoàn kết với nhau thành một khối.

Ông có một quân đội đáng kể rồi, muốn khuếch trương thế lực, phải chinh phục xứ Hedjas chiếm những thánh địa Médine và Mexque có vậy mới thống nhất xứ A Rập được. Nhưng người Anh có để yên cho ông hoạt động không?

***

Vừa may thời cơ tới. Đại chiến thứ Nhất bùng nổ, vang dội qua phương Đông. Các chính khách Anh, Đức, Pháp, Ý, Thổ, Nga và cả Nhật nữa ùa nhau tới Suez, Bassorah, Téhéran để mua chuộc dân bản xứ. Thổ đứng về phe Đức, chống lại Anh. Anh, Thổ, Đức đều ve vãn Ibn Séoud.

Mới đầu ông do dự, xét tình hình xem phe nào thắng sẽ nhập vào phe đó, cho nên tiếp đãi sứ thần Anh rất niềm nở, nhưng  không hứa hẹn gì cả. Thổ hay tin Anh thương thuyết với ông, đem quân đánh, ông chống cự  kịch liệt, sau cùng thắng, nhưng tổn thất khá nặng. Anh thấy lực  lượng của ông  mạnh, tặng ông  một số tiền (năm ngàn Anh kim mỗi tháng) và khí giới, để cho ông đứng trung  lập.

Ông vẫn rình cơ hội để chiếm Hedjaz, nhưng Anh giúp Hedjaz để Hedjaz tuyệt giao với Thổ mà đứng về phe mình, thành thử ông không dám tấn công  Hedjaz, đành chờ cơ hội khác, nhưng ông bảo thẳng vào mặt sứ thần Anh rằng viện trợ cho Hussein, quốc vương Hedjaz, là một điều lầm lẫn vì Hussein vô dụng, dân chúng  Hedjaz theo ông chứ không theo Hussein.

Thực  vậy, Hussein rất thất nhân tâm, không có tinh thần quốc gia, trước  làm tay sai của Thổ, giờ làm tay sai của Anh, mục đích chỉ là để củng cố địa vị, vơ vét của dân, bắt những tín đồ hành hương tới nơi thánh địa Mecque phải chịu một thuế cư trú rất nặng, biến đổi thánh địa thành một nơi buôn bán trụy lạc

Đại tá Lawrence trong cơ quan Arabia Office của Anh ở Caire nhận xét lầm Hussein, tưởng ông ta có uy tín, mua chộc ông ta để làm hậu thuẫn trong khi Anh chiến đấu với Thổ ở Syrie, lại hứa  với ông ta khi chiến tranh kết liễu sẽ cho làm thủ lãnh các quốc gia A Rập

Nhưng một cơ quan khác, Indian Office, không tùy thuộc  bộ ngoại giao Anh mà tùy thuộc chính phủ Ấn, lại ủng hộ Ibn Séoud, biết rằng ông này có tài. Do đó mà chính sách của Anh ở A Rập có nhiều mâu thuẫn, làm cho cả Hussein lẫn Ibn Séoud bất bình. Tệ hơn nữa, Anh lại ngầm thương thuyết với Thổ để ký một hiệp ước  tay đôi, kéo Thổ về mình hầu diệt Đức cho lẹ. Hiệp ước đó bán đứt A Rập. Ibn Séoud lợi dụng những  mâu thuẫn đó để sau này đập lại Anh

Đại chiến thứ nhất kết liễu. Đế quốc Thổ bị phân ra thành vô số tiểu bang, hoặc độc lập, hoặc tự trị, hoặc bán tự trị. Các cường quốc Pháp, Anh, Ý trong hội nghị Paris cắt xén vá víu những xứ như Kurdistan, Irak, Syrie, Liban, Palestine, Transjordanie, Hedjaz, Yemen, gây ra nhiều vấn đề rất khó giải quyết cho ổn thỏa. Anh lúc đó mạnh nhất, chiếm trọn từ Ai Cập tới Ba Tư. Miền đó hợp với Ấn Độ, thành một đế quốc mênh mông mà họ gọi là Đế quốc Trung Đông (Middle Eastern Empire). Thế là cái mộng của Disracli, Gladstone đã thực hiện được Chính ph Anh xoa tay khoan khoái.

Nhưng làm sao giữ nổi những thuộc địa và bán đảo thuộc địa đó? Lính Anh, sau bốn năm trên mặt trận chỉ đòi được giải ngũ để về với cha mẹ, vợ con. Ở Luân Đôn, dân chúng biểu tình rầm rộ, hô lên khẩu hiệu : "Cho con trai chúng tôi về nhà". Quốc hội lại đòi giảm ngân sách đến mức tối thiểu để nhẹ thuế  cho dân vì dân đã hy sinh quá lớn trong bốn năm rồi. Chiến tranh đã hết thì người ta  phải nghỉ ngơi, vui thú với gia đình, may sắm, tiêu khiển chứ!

Vì vậy chính phủ Anh phải rút bớt quân ở các thuộc địa, tìm những tay sai A Rập để đưa họ lên hàng thủ lãnh giữ trật tự trên bán đảo A Rập. Lawrence  trong cơ quan Arabia Office đề nghị Hussein, Philby trong Indian Office lại đề nghị Ibn Séoud. Danh tiếng Lawrence lúc đó đương lên, nên đề nghị của Lawrence được chấp thuận. Ibn Séoud chua xót nhận thấy rằng  mình vẫn chỉ được làm chủ ba miền Nedjd, Hail, Hasa, mà cái mộng thống nhất A Rập càng khó thực hiện hơn trước: Th đi thì Anh tới mà tụi Anh thì tráo trở và cáo già không tưởng tượng được. Đành lại phải nhẫn nhục đợi.

Vậy Hussein được chính phủ Anh  đề cử làm thủ lãnh các quốc gia liên hiệp A Rập. Nhưng quốc gia nào mà chịu phục Hussein, con người già nua quạu quọ, và tham lam đó. "Chỉ biết có vàng thôi, kiếm vàng cho thật nhiều, mỗi ngày một nhiều". Thuế má tăng vùn vụt. Người ta tìm mọi cách để rút tỉa của dân đen. Dọc đường hành hương lại thánh địa Mecque, tín đồ thập phương muốn uống nước trong các giếng của sa mạc, cũng  phải trả tiền cho Hussein. Có những kẻ không có tiền phải chịu chết khát. Dân chúng phẫn uất vô cùng.

Hussein lại nóng nảy, cầm gậy đuổi  sĩ quan Anh ra khỏi cung điện, mắng thẳng vào mặt Lawrence -ông vua không ngai ở A Rập- là quân gian trá, lừa gạt mọi người, bán đứng dân A Rập, vì chính phủ Anh không cho ông ta quyền hành gì cả, mà người Pháp vẫn đóng ở Syrie, người Do Thái vẫn còn ở Palestine. A Rập. "A Rập về người A Rập" mà như vậy à? Thế là Hussein sẽ bị cô lập: dân chúng đã ghét, mà người Anh cũng ghét. Hết hậu thuẫn và cũng hết kẻ đỡ đầu.

Thời cơ thuận lợi đã tới. Ibn Séoud  động viên quân Ikwan tinh nhuệ nhất, tấn công chớp nhoáng, quét quân Hedjaz ở Taif như quét là khô rồi tiến tới Mecque. Dân chúng nổi lên, bắt Hussein phjải nhường ngôi cho con:

- Đuổi giặc đi, nếu không được thì cút đi!

Có kẻ phá hàng rào, ùa vào cung. Hussein đành thu thập vàng bạc, châu báu và các tấm thảm quý , chất lên mười hai chiếc xe hơi -cả xứ Hedjaz hời đó chỉ có mười hai chiếc xe đó là của nhà vua- rồi chạy lại Djeddah. Một chiếc du thuyền của Anh đã chực sẵn ở đó để đưa ông ta lại đảo Chypre. Sao mà giống Méhémet VI của vua Thổ đến thế? Ít năm sau, Hussein vì thiếu nợ mà bị kết án

*      *

    *

Chính phủ Anh không ngờ rằng tay sai của mình lại yếu hèn đến thế, miệng thì nói thánh nói tướng mà chống cự với Ibn Séoud không được bốn mươi tám giờ đã bỏ cả giang san mà chạy trốn. Tự nghĩ nếu giúp đỡ Ali, con trai của Hussein thì thất sách vì gây thù với người A Rập mà lại phải đem    thêm quân từ Anh qua, dân chúng Anh sẽ bất bình, nên Anh làm bộ quân tử , tuyên bố như các chính phủ thực dân muôn thuở rằng "việc đó là việc nội bộ của người A Rập, người Anh  không muốn can thiệp vào. Thế là Ali, người nối ngôi Hussein, cũng  phải trốn luôn.

Ibn lúc đó không còn đóng quân ở Taif, vội quay về Ryhad, phái sứ giả đi khắp các nơi trong sa mạc để báo tin thắng trận và yêu cầu các tiểu quốc đúng hẹn, phái đại diện tới Thánh địa Mecque để cùng bàn với nhau về việc bàu cử  người thay quyền các tín đồ và giữ thánh địa.

Rồi giàn nhạc dẫn đầu, đội quân tập hậu, ông cưỡi lạc đà, tiến vào Thánh địa. Suốt hai bên đường, dân chúng dắt díu đi đón ông.

Khi ông đã vượt dãy núi ở chung quanh thành Mecque, khi đã nhìn thấy Thánh địa  rực rỡ trong ánh chiều ở dưới thung  lũng, ông xuống lạc đà,  cởi bỏ ngự bào, trao gươm cho một thị vệ rồi bận bô đồ vải trắng, đi dép da, đầu trần, lên ngựa đi, y như các tín đồ hành hương  khác. Tới dãy lũy bao thánh địa,  ông xuống ngựa, đi chân đất; tới cửa Chánh điện, ông để các thị vệ đứng ngoài, một mình bước vào sân điện. Phút đó cảm động nhất trong đời ông. Giọng sang sảng, mặt cúi xuống, ông tụng kinh:

-"Kính thưa Chúa

Đây là Thánh địa của Ngài,

Kẻ nào vô được Chánh địa của Ngài  sẽ được giải thoát

Điện này là nhà của Ngài, chỗ ở của Ngài, Thánh địa của Ngài;

Là chỗ lưu trú của sự giải thoát

Hỡi Chúa!

Xin Chúa cứu con khỏi cảnh lửa địa ngục

Xin Chúa thịt và máu con khỏi bị lửa đốt,

Và cứu con khỏi cơn thịnh nộ của Chúa, vào cái ngày phục sinh của những kẻ phụng sự Chúa"

Ông hôn phiến đá đen ở trong điện rồi quỳ xuống cầu nguyện cho tới tối.

Hôm sau ông tiếp đại diện của các dân tộc theo đạo Hồi hồi ở trong điện của Hussein. Chúng ta biết rằng đạo đó có  tín đồ ở khắp thế giới, từ Ai Cập, A Rập, Ba Tư tới Ấn độ, Mã Lai... Vấn đề đem ra bàn là giao Thánh địa cho ai cai quản. Người Ấn Độ đòi quyền đó vì số người Ấn theo đạo đông hơn số các dận tộc khác. Người Ai Cập phản đối viện lẽ rằng từ mấy thế kỷ nay họ vẫn kiểm soát sự hành hương. Không ai nhịu nhường ai. Ibn cương quyết tuyên bố:

- "Thưa chư vị đại biểu, xin chư vị tin chắc điều này là không khi nào tôi để cho người ngoại quốc kiểm soát đất đai của tôi. Nhờ Chúa phù hộ, tôi sẽ giữ cho miền này được độc lập . Mà tôi nghĩ rằng  không  có dân tộc Hồi-hồi nào gởi đại diện lại đây hôm nay có thể đảm bảo sự tự do cho xứ Hedjaz vì lẽ rất giản dị rằng trong số những dân tộc đó không có một dân tộc nào tự do. Người Ấn Độ, người Irak, người Transjordanie, và người Ai Cập đều ở dưới quyền người Anh. Còn Syrie, Liban thì là thuộc địa của Pháp; Tripolitaine là thuộc địa của Ý. Giao sự cai quản Thánh địa cho những dân tộc đó có khá cgì đem dâng Thánh địa cho thế lực Da Tô không?

Tôi đã chiếm được Thánh địa do ý chí của Allah, nhờ sức  mạnh của cánh tay tôi và sự trung thành của dân tộc tôi. Ở đây, chỉ có một mình tôi là tự do. Vậy chỉ có mình tôi là đáng cai trị khu đất thiêng liêng này...

Không  phải tôi không muốn thống trị xứ Hedjaz đâu. Tuyệt nhiên tôi không có ý đó! Chúa đã trao cho tôi xứ đó thì tôi xin nhận cho tới khi nào dân xứ Hedjaz  có thể tự bầu cử một vị thống đốc -một vị thống đốc tự do, chỉ biết phụng sự cho Islam thôi- thì tôi sẽ trả lại."

Các đại biểu câm miệng. Ibn Séoud đã theo gót được  Mahomed. Làm chủ được thánh địa là làm chủ được xứ A Rập. Ông phải chiến đấu ít nữa để đuổi Ali ra khỏi Djeddah mà chiếm nốt Hedjaz. Người Anh lúc đó mới thấy ngôi sao của ông là rực rỡ.

Lawrence trước kia ủng hộ Hussein, gạt Ibn Séoud, "tên đầu cơ lưu manh" ra, nay thấy chính phủ bỏ rơi Hussein làm cho mình mang tiếng với người A Rập, với thế giới, đâm ra phẫn uất viết một bức thư cay đắng cho Anh hoàng George V, không thèm tiếp thủ tướng Anh mà Anh hoàng phái tới để an ủi; trả hết những bằng cấp, huy chương cho bộ Quốc phòng; rồi làm những nghề khổ sở nhất, như nghề giữ ngựa, thợ lặn, chăn heo tự đọa đày tấm thân, có ý như để chửi vào mặt chính phủ Anh: "Khi người ta không giữ được lời hứa với bạn đồng minh của mình , thì làm tên chăn heo còn vinh dự hơn là ngồi trên ngai vàng.

Mặc dầu vậy, lương tâm của ông vẫn bứt rứt, sau cùng ông đổi tên, đầu quân làm binh nhì -chúng ta nhớ trước  kia ông làm đại tá và được biệt hiệu là "vua không ngai của xứ A Rập" - rồi chết năm 1935 trong  một tai nạn xe máy dầu. Khi chết, nét mặt ông vẫn giữ vẻ buồn vô tả. Một người bạn thân, nhớ lại hai câu thơ ông viết trong sa mạc A Rập, đặt một bó hồng bên thi hài ông. Hai câu thơ ấy như vầy:

"Thưa Chúa, được tự do lựa tất cả tất cả những bông hoa của Chúa đã tạo ra, con đã mựa những bông hồng ủ rũ của thế giới. Vì vậy chân con bây giờ mới rớm máuvà mắt con mới mờ vì mồ hôỉ

Vị "gentleman" của Anh đó đã phải thua Ibn Séoud (1)

Năm 1926, Ibn Séoud giải thoát xứ Aziz ở phía Nam Hedjaz khỏi nanh vuốt của một ông vua tàn bạo. Ông muốn tiến quân xuống thằng  miền Ỳmen, miền trù phú nhất trên bán đảo, những người An,h làm chủ Aden, một địa diển quan trọng trên đường qua Ấn Độ, vội phái sứ giả lại yết kiến ông để điều đình.

Lần này người Anh tỏ ra rất lễ độ, không xấc láo như những lần trước. Ông thấy vậy, giữ một th&i độ cương quyết, rút cục hai bên thỏa thuận với nhau rằng Ibn Séoud hoàn toàn làm chủ cac xứ Nedjd, Hail, Hasa, Ataiba, Hedjaz, Asir, Ruba. Al Khali làm chủ những thánh địa Mecque và Médine, còn những xứ Oman, Hadramount, Ỳmen thì được độc lập, không thuộc ảnh hưởng của một nước nào hết. Người Anh lại hứa sẽ thuyết phục các cường quốc Âu châu để họ nhận rằng Ibn Séoud là quốc vương chính thức của xứ A Rập.

Năm đó là năm1928. Sau khi chiến đấu trong một phần tư thế kỷ, Ibn Séoud đã xây dựng được một quốc gia mênh mông từ bờ Hồng Hải qua vịnh Ba Tư. Trên bán đảo A Rập, chỉ còn một dãy ở Tây Bắc, bên bờ Địa Trung Hải và một dãy ở Đông Nam, bên bờ Ấn Độ dương là ở ngoài ảnh hưởng của ông. Quốc gia đó, người ta gọi là xứ A Rập của giòng Séoud (Arabie Séoudite). Ngày 1 tháng 11 năm 1928, ông triệu tập hết đại biểu các miền lại Ryhad để nghe lời bá cáo của ông.

Ông nhập đề câu mà tôi đã dẫn ở đầu bài này

"Khi tôi tới với các ông, thì tôi thấy các ông chia rẽ nhau, chém giết lẫn nhau, cướp bóc lẫn nhau không ngừng..."

Rồi ông giảng lý do ông đã mời họ lai. Ông muốn mở lòng cho họ hiểu ông, giải với họ những nỗi xích mích ngầm giữa họ và ông. Ông bảo:

"Nếu có ai muốn trách tôi điều gì thì cứ nói thẳng ra cho tôi biết rằng có muốn cho tôi biết rằng có muốn cho tôi cầm quyền hay không hay là muốn cho người khác thay tôi. Kẻ nào dùng cách dọa dẫm hay sức  mạnh mà cướp quyền của tôi thì không khi nào tôi nhường. Nhưng tôi sẽ vui vẻ trao quyền lại các ông nếu các ông muốn, vì tôi tuyệt nhiên không  muốn cai trị  một dân tộc không thích cho tôi làm vua của họ... Các ông quyết định đi "

Ngạc nhiên vì những  lới đó - từ xưa tới nay có ông vua nào lại nói với thần  dân như vậy đâu.- quần chúng đứng  im phăng phắc rồi bỗng nhiên muôn miệng như một, họ hoan hô Ibn Séoud, yêu cầu Ibn Séoud giữ quyền binh.

Ông đưa tay ra hiệu cho họ im, nghe ông nói tiếp:

"Vậy các ông giao cho tôi trách nhiệm cai trị các ông. Nếu tôi làm điều phải thì các ông giúp tôi. Nếu tôi làm điều trái thì các ông uốn nắn cho tôi. Nói sự thực ra cho nhà cầm quyền thấy là tỏ  lòng siêng năng và tận tâm. Giấu sự thực là phản bội... Nếu tôi làm trái luật Chúa và luật đấng Tiên tri (1) thì tôi không có quyền bắt thần dân vâng lờo tôi nữa...  Vậy có ai muôn trách tôi điều gì , muốn phàn nàn điều gì , hoặc bị thương tổn về quyền lợi, thì cứ thẳng thắn cho tôi hay... Tôi sẽ ra lệnh cho các  ông thẩm phán lấy công tâm mà xét. Nếu tôi có lỗi thì các ông thẩm phán cứ lấy phép công mà xử tôi, như xử một người dân thường... Lại cho tôi biết có điều gì phàn nàn các ông thống đốc không. Nếu các ông ấy làm bậy thì tôi chịu trách nhiệm vì chính tôi bổ nhiệm họ... Cứ nói thực đi, đừng sợ ai hết."

Tôi có thể chắc chắn rằng Ibn Séoud không hề biết Tứ thi và Ngũ kinh của đạo Khổng, nhưng đọc lời bá cáo đó tôi nhớ lời bá cáo của vua Thang chép trong Thượng thư.

"Kỳ nhỉ vạn phương hữu tội tại dư bất nhân, dư nhất nhân hữu tội, vô dĩ nhĩ vạn phương"

(Vạn dân có tội là tại một mình ta; cho nên một mình ta chịu tội, không  lụy gì đến vạn dân cả.)

Ý nghĩa phảng phất như nhau.

Ibn Séoud giữ đúng lời hứa: mấy hôm sau ông lập một tòa án đặc biệt để xét những  lời phàn nàn và thỉnh nguyện của quốc dân. Ông hiểu tâm lý họ: càng để cho họ bàn cãi, phê bình về hành vi của mình thì họ càng dễ bảo. Nhưng  ông cấm tuyệt họ giải quyết lấy những tranh chấp giữa cá nhân và giữa các bộ lạc. Quyền đó phải về ông, nếu không thì loạn, không còn kỷ cương gì nữa.

Trước khi giải tán các đại biểu, ông thết đại yến. Dân chúng hoan hô nhiệt liệt khi thấy sứ thần Thổ, Ý, Pháp, Anh, Đức, Hòa Lan, cả Mỹ và Nhật nữa dâng quốc thư lên ông. Họ thực là mau chân, nhưng  vẫn còn đi sau một nước, nước Nga, vì ba tuần lễ trước, xứ A Rập của giòng Séoud đã được Nga xô thừa nhận.

==========================

(1) T.E. Lawrence là một quân nhân kiêm chính trị gia và thi sĩ, hồi trẻ làm những nghể rất cực khổ ở Said, hiểu tâm lý người A Rập, được dân A Rập yêu mến. Chỉ vì ông quá tin chính phủ Anh và không  nhận thấy giá trị của Ibn Séoud mà ra nỗi đó. Ông viết ba, bôan cuốn sách, cuốn nổi danh nhất đã được dịch ra tiếng Pháp, nhan đề là Les sept pillers de la sagesse.

 

Xem tiếp bài 4

 

1 2 3 4 5

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Hiến Lê