Để tiếp thị một thuốc mới, công ti dược phải
chứng minh thuốc có hiệu quả trong việc điều trị
bệnh qua những nghiên cứu lâm sàng với hàng trăm
triệu đô-la. Những nghiên cứu lâm sàng phải được
thực hiện ở các trung tâm y tế và bệnh viện, dưới sự
quản lí của giới khoa học và y khoa. Bù lại, ngân
sách nghiên cứu phải được công ti dược tài trợ.
Trong môi trường thiếu tài trợ từ chính phủ, giới
khoa học và y khoa cũng cần đến sự hỗ trợ tài chính
của các công ti thuốc để trang trải và nâng cao cơ
sở vật chất cho nghiên cứu khoa học. Do đó, mối
liên hệ giữa giới khoa học và các công ti dược, nói
theo ngôn ngữ hợp đồng, là “đôi bên cùng có lợi”.
Tuy nhiên, mối liên hệ này có khi trở nên mất cân
đối khi các công ti dược lợi dụng khả năng tài chính
của mình để gây áp lực cho giới khoa học, và đó
chính là đầu mối của rất nhiều mâu thuẫn làm tốn
biết bao giấy mực của báo chí trên thế giới.

 
Procter & Gamble (P&G) là một trong những công ti
dược hàng đầu thế giới có tổng hành dinh đặt ở
Cincinnati (bang Ohio, Mĩ). Một trong những sản
phẩm quan trọng của công ti là thuốc phòng chống
loãng xương có tên là Risedronate (tên ngoài
thương trường là Actonel®). Nhiều
nghiên cứu lâm sàng cho thấy Risedronate có hiệu quả
giảm nguy cơ gãy xương ở những phụ nữ với chứng
loãng xương sau thời kì mãn kinh, nhưng cơ chế ảnh
hưởng của thuốc vẫn còn là một vấn đề trong vòng
tranh cãi.
Một
“đại gia” khác trong kĩ nghệ dược phẩm là Merck, một
công ti có lịch sử cả trăm năm, và có tổng hành dinh
đặt ở New Jersey (bang Connecticut, Mĩ). Một trong
những dược phẩm hàng đầu của Merck là thuốc phòng
chống loãng xương có tên là
Alendronate
(tên ngoài thương trường là Fosamax®).
Cũng giống như trường hợp của Risedronate,
Alendroante là một thuốc đã được chứng minh có hiệu
quả giảm
nguy cơ gãy xương ở những phụ nữ với chứng loãng
xương sau thời kì mãn kinh, và cũng như Risedronate,
cơ chế ảnh hưởng của Alendronate vẫn chưa được làm
sáng tỏ.
Loãng xương không phải là một bệnh mới, nhưng nhờ sự
“ưu ái” của giới truyền thông và “giúp đỡ” của các
đại gia trong ngành dược, loãng xương trở nên một
bệnh được nhiều người biết đến. Loãng xương là một
bệnh khá phổ biến ở các phụ nữ sau thời kì mãn kinh,
nhất là ở các nước Tây phương. Theo nhiều ước tính,
có đến gần 1 phần 5 phụ nữ sau mãn kinh và 10% đàn
ông trên 50 tuổi bị chứng loãng xương. Tuổi thọ của
người dân trên thế giới càng ngày càng gia tăng, và
do đó, số phụ nữ sau thời kì mãn kinh cũng như số
đàn ông cao tuổi càng ngày càng tăng nhanh chóng
trong dân số, và đó là một thị trường rất lớn (nhiều
tỉ đô-la) cho các công ti dược trên thế giới.
Vì cả hai thuốc Alendronate và Risedronate đều sử
dụng cho việc điều trị loãng xương, cho nên hai đại
gia P&G và Merck trở nên hai “đối thủ” cạnh tranh
quyết liệt trong thị trường loãng xương. Cả hai
công ti tiêu ra khá nhiều tiền để làm nghiên cứu
nhằm một mặt tìm hiểu cơ chế ảnh hưởng của thuốc,
mặt khác nhằm “chứng minh” thuốc của công ti mình có
hiệu quả cao hơn thuốc của công ti kia.
Trong nghiên cứu loãng xương có 3 tiêu chí để đánh
giá hiệu quả của một thuốc: tỉ lệ gãy xương, mật độ
chất khoáng trong xương, và quá trình chuyển hóa
xương. Trong ba tiêu chí này, tỉ lệ gãy xương là
quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất, còn hai tiêu chí
kia thường được xem là ảnh hưởng phụ. Một số nghiên
cứu lâm sàng cho thấy nếu lấy tỉ lệ gãy xương làm
tiêu chí thì hai thuốc này có hiệu quả tương đương
nhau. Tuy nhiên, nếu lấy tỉ lệ tăng mật độ chất
khoáng trong xương làm tiêu chí thì Risedronate có
hiệu quả thấp hơn so với thuốc Alendronate của
Merck, và các chuyên gia thị trường của Merck dựa
vào sự thật này để “tuyên truyền” rằng thuốc của họ
có hiệu quả cao hơn Risedronate.
P&G đâu thể khoanh tay để Merck “tấn công” như thế!
Họ quyết định nghiên cứu các chỉ số sinh hóa về
chuyển hóa xương để “chứng minh” rằng Risedronate có
ảnh hưởng tốt hơn so với Alendronate. Tưởng cần
nhắc lại rằng xương là một tế bào năng động, với hai
nhóm tế bào tạo xương và hủy xương “cạnh tranh” nhau
từng giây phút trong cơ thể chúng ta. Trong độ tuổi
dậy thì và trưởng thành các tế bào tạo xương hoạt
động mạnh hơn các tế bào hủy xương, cho nên xương
tăng trưởng nhanh. Nhưng đến thời kì sau mãn kinh,
vì sự suy giảm của hormone nữ, các tế bào hủy xương
trở nên hoạt động mạnh hơn tế bào tạo xương, và do
đó dẫn đến tình trạng mất chất khoáng trong xương.
Do đó các thuật điều trị chống loãng xương thường
nhắm vào một trong hai cơ chế này: hoặc là tăng khả
năng tạo xương, hoặc là chống hủy xương. Cả hai
thuốc Risedronate và Alendronate được thiết kế với
chức năng chống lại các tế bào hủy xương (còn gọi là
anti-resorptive therapies). Do đó, một trong những
chiến lược nghiên cứu để giải thích hiệu quả của hai
thuốc này là phân tích quá trình chuyển hóa xương.
 |
 |
Richard Eastell |
Aubrey Blumsohn |
Để làm nghiên cứu đó, năm 2002, P&G kí hợp đồng với
giáo sư Richard Eastell và cộng sự của ông thuộc Đại
học Sheffield (Anh) để nghiên cứu về cơ chế ảnh
hưởng của thuốc Risedronate. Giáo sư Eastell đứng
đầu một nhóm nghiên cứu loãng xương có uy tín cao
trên thế giới, và cũng là khoa trưởng phụ trách
nghiên cứu khoa học của trường Đại học Sheffield.
Giáo sư Eastell được thế giới biết đến như là một
chuyên gia về chu trình chuyển hóa xương (bone
remodelling). Thực ra, người thực sự tiến hành các
nghiên cứu về chuyển hóa xương là Tiến sĩ Aubrey
Blumsohn (giáo sư Eastell chỉ là người đứng tên
chủ trì). Tiến sĩ Blumsohn cũng là
một chuyên gia có tiếng trong nghiên cứu loãng
xương.
Trong thời gian 2002 đến 2003, Tiến sĩ Blumsohn phân
tích hàng ngàn mẫu máu từ bệnh nhân loãng xương.
Đối với Tiến sĩ Blumsohn và giáo sư Eastell, họ cần
phải công bố công trình nghiên cứu đó dưới dạng các
bài báo khoa học. Việc công bố kết quả không chỉ do
áp lực từ Đại học Sheffield mà còn do áp lực từ đồng
nghiệp trong ngành loãng xương. Nhưng để có bài báo
khoa học, họ cần phải phân tích số liệu để biết kết
quả ra sao.
Tuy nhiên, theo hợp đồng, cả Blumsohn và Eastell chỉ
cung cấp số liệu cho P&G mà không được phép phân
tích các số liệu đó! P&G dành quyền phân tích số
liệu vì họ lí giải rằng họ có một nhóm chuyên gia có
kinh nghiệm cao về thống kê học và có thể đảm nhận
việc này. (Trong thực tế, các công ti dược thường
có hàng trăm chuyên gia về thống kê, chuyên thiết kế
thí nghiệm và phân tích số liệu cho hàng ngàn nghiên
cứu của công ti). Các chuyên gia thống kê của P&G
tiến hành phân tích số liệu, và ban giám đốc P&G
mướn một chuyên gia khác viết bài báo khoa học dựa
vào kết quả phân tích đó. Trong giới khoa học,
những người này còn có tên là ghost author – tác giả
ma.
P&G gửi bài báo khoa học đó cho giáo sư Eastell và
đề nghị Eastell đứng tên tác giả (còn các tác giả ma
thì hoàn toàn … vắng mặt). Nói tóm lại, P&G vừa
phân tích, vừa soạn thảo bài báo (với những bình
luận tất nhiên là có lợi cho P&G), nhưng họ không ra
mặt, mà chỉ để cho Eastell đứng tên! Điều đáng chú
ý là họ không đề tên của Tiến sĩ Blumsohn
trong bài báo, dù ông chính là người trực tiếp tiến
hành các phân tích sinh hóa!
Bài
báo được giáo sư Eastell gừi cho Tập san khoa học
nổi tiếng, Journal of Bone and Mineral Research
(JBMR), để được bình duyệt và công bố. Cũng như các
tập san khoa học khác, JBMR có chính sách yêu cầu
tác giả bài báo phải tuyên bố (bằng chữ) rõ ràng
rằng “Chúng tôi, các tác giả, tuyên bố rằng chúng
tôi đã xem qua số liệu và số liệu do chúng tôi quản
lí.” Giáo sư Eastell kí tên vào bảng tuyên bố đó,
dù như đề cập trên, ông không hề phân tích số liệu
và cũng chẳng có quản lí số liệu!
Bài báo qua bình duyệt được chấp nhận cho công bố
trên Tập san JBMR vào năm 2003. Kết quả này cho
thấy thuốc Risedronate có hiệu quả ngăn chận các tế
bào hủy xương và mức độ ảnh hưởng tương đương hoặc
thậm chí cao hơn thuốc Alendronate. Kết quả này
được P&G sử dụng trong các chiến dịch tiếp thị thuốc
Risedronate khắp thế giới, kể cả Việt Nam.
Nhưng sau khi bài báo được công bố trên JBMR, có một
số chuyên gia độc lập đặt nghi vấn về luận án của
bài báo, đặc biệt là luận án “ngưỡng ảnh hưởng”
(threshold effect) mà tác giả nhấn mạnh trên một
biểu đồ trong bài báo. Trong nhiều hội nghị, Giáo
sư Eastell bị chất vấn về biểu đồ này, và ông rất
lúng túng trong trả lời, vì ông không phải là người
làm phân tích số liệu nên không dám khẳng định gì
dứt khoát và cũng không giải thích được một cách
thỏa đáng.
Mặt khác, Tiến sĩ Blumsohn viết thư cho Tập san JBMR
tố cáo sự thật rằng Giáo sư Eastell chưa bao giờ
nhìn thấy số liệu, không có phân tích số liệu. (Nói
cách khác, Tiến sĩ Blumsohn tố cáo Giáo sư Eastell
thiếu thành thật với JBMR). Tiến sĩ Blumsohn cũng
đặt nghi vấn biểu đồ về ngưỡng ảnh hưởng là sai, và
cho rằng P&G đã phân tích số liệu thiếu trung thực
chỉ nhằm mục đích thương mại, chứ không nhằm mục
đích khoa học hay nói lên sự thật. Tiến sĩ Blumsohn
còn tố cáo P&G là đã không cho ông cơ hội phân tích
số liệu. P&G cho rằng họ đã cho Tiến sĩ Blumsohn cơ
hội xem xét số liệu trong một chuyến ông sang công
tác ở Cincinnati (tổng hành dinh của P&G). P&G cho
rằng họ đã phân tích số liệu đúng phương pháp.
Trước nghi vấn về số liệu và nghi ngờ của đồng
nghiệp, Tập san JBMR mở cuộc điều tra, và yêu cầu
Tiến sĩ Blumsohn cung cấp thêm bằng chứng. Nhưng
thay vì hợp tác với JBMR để giải quyết vấn đề, Tiến
sĩ Tiến sĩ Blumsohn tố cáo sự việc với báo chí khắp
thế giới rằng Đại học Sheffield đã để cho đồng tiền
của P&G chi phối đến sự độc lập của trường. Hầu hết
các tờ báo lớn trên thế giới như New York Times,
the Guardian, The Independent, The Economist, The
Times, v.v… đều đăng chi tiết tố cáo của Tiến sĩ
Blumsohn. Quốc hội Anh cũng quan tâm đến sự việc vì
vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của các
trường Đại học danh tiếng mà Anh rất tự hào.
Trước tai tiếng như thế, Giáo sư Eastell từ chức
khoa trưởng nghiên cứu. Đại học Sheffield sa thải
Tiến sĩ Blumsohn vì họ cho rằng ông đã không làm
theo thủ tục của trường khi nêu vấn đề. Nhưng Đại
học Sheffield lại đề nghị trả cho Tiến sĩ Blumsohn
một số tiền khá lớn với điều kiện ông phải
ngưng tố cáo với báo chí. Tiến sĩ Blumsohn chẳng
những không đồng ý với đề nghị mà còn công bố luôn
lá thư của Đại học Sheffield trên internet,
và được giới khoa bảng thế giới ủng hộ! Cho đến
nay, sự việc vẫn chưa đến hồi kết thúc, nhưng qua
đó, nhiều câu hỏi đặt ra về đạo đức khoa học và mâu
thuẫn giữa giới khoa học và các công ti dược.
Trong nghiên cứu khoa học, Ủy ban tổng biên tập các
tập san y học (International Committee of Medical
Journal Editors – ICMJE) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một
tác giả bài báo khoa học. Theo định nghĩa của
ICMJE, một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên
tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau
đây: Một là đã có đóng góp quan trọng trong việc
hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay
thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ
kiện; Hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội
dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; và ba
là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.
Việc đứng tên tác giả một bài báo khoa học mà không
có truy cập số liệu hay không có vai trò trong phân
tích số liệu được xem là một hành vi thiếu thành
thật tri thức (intellectual dishonesty). Trong
trường hợp trên, thậm chí các tác giả trong bài báo
cũng không phải là người soạn thảo bài báo, thì vấn
đề càng nghiêm trọng hơn nữa.
Khoa học hiện đại là một ngành nghề rộng lớn, có
định hướng rõ ràng, với nhiều đầu tư về tài lực.
Các thế lực đằng sau khoa học là chính phủ và các
công ti kĩ nghệ lớn. Hai thế lực này cung cấp tiền
bạc cho hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học,
và là nguồn nuôi sống cho các nhà khoa học. Trong y
học, một phần lớn nghiên cứu khoa học tập trung vào
việc sản xuất và thử nghiệm những thuốc mới, và phần
lớn các nghiên cứu này do các công ti dược tài trợ.
Theo một thống kê mới đây, gần 80% ngân sách nghiên
cứu lâm sàng được tài trợ từ các công ti dược. Với
số tiền khổng lồ này, các công ti dược đã trở thành
một thế lực quan trọng có ảnh hưởng đến định hướng
nghiên cứu y học trên thế giới.
Nhưng ngay cả các công trình nghiên cứu của các nhà
khoa học không nằm trong y khoa cũng có thể chịu ảnh
hưởng, bởi vì định hướng nghiên cứu đã được các công
ti dược đề ra. Một số lớn các nghiên cứu y học được
tiến hành trong cơ cấu quyền lực này. Trong cơ cấu
này các tiêu chuẩn khoa học liên tục bị sửa đổi.
Các tiêu chuẩn này không phải được đúc kết từ sách
giáo khoa hay theo chỉ dạy của một nhà khoa học danh
tiếng nào, mà là những thích nghi với môi trường
thực tế. Sự thích nghi này có thể ảnh hưởng đến
việc chăm sóc bệnh nhân, bởi vì nghiên cứu y học
nhằm mục đích tối thượng là đem lại lợi ích sức khỏe
cho cộng đồng và nâng cao chất lượng điều trị cho
bệnh nhân.
Trung thực và liêm chính là những đặc tính số một
trong nghiên cứu khoa học, và công bố bài báo khoa
học cũng như giảng dạy là raisons d'être, là
lí do để tồn tại của nhà khoa học. Hơn 20 năm về
trước, Al Gore, lúc đó còn là một thượng nghị
sĩ (và sau này là phó tổng thống Mĩ) chủ trì một
cuộc điều trần về gian lận trong khoa học, nhận xét:
“Nền tảng của nghiên cứu khoa học dựa vào sự tín
nhiệm của quần chúng và liêm chính trong hoạt động
khoa học.” Câu phát biểu này có tính phổ quát, và
có thể thích hợp cho bất cứ hoạt động nghiên cứu
khoa học tại bất cứ nước nào, kể cả Việt Nam. Khoa
học là một ngành nghề được xây dựng và tồn tại dựa
trên tinh thần chân thực và liêm chính. Vì thế,
khoa học không thể nào dung túng tình trạng thiếu
trung thực.
Bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số tháng
7/2006
|