Khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên: Quan điểm của một kỹ sư

Vietsciences- Đặng Đình Cung          24/05/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

Phần I Phần II Phần III Phần IV Phần V

 

Khả thi kinh tế

Gần đây các báo mạng nêu ba ý kiến về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên : tiếp tục khai triển, hủy bỏ dự án và hoãn lại thực hiện dự án. Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải xét một số chỉ tiêu khả thi của dự án :

  • dự án có khả thi kinh tế không ?

  • dự án sẽ xâm phạm môi trường thiên nhiên đến độ nào ?

  • dự án sẽ gây những xáo trộn gì về mặt văn hóa xã hội ?

  • dự án sẽ mang lại tiến bộ công nghệ nào ?

Đánh giá chỉ tiêu thứ nhất rất khó nhưng chuyên gia về nghiên cứu khả thi có thể tính và quy ra tiền tệ được một cách khách quan. Những chỉ tiêu tiếp theo là những hiệu ứng ngoại (external effects) của dự án[i]. Chúng rất quan trọng nhưng ít dự án trưởng nghiên cứu chúng vì không thể quy ra tiền tệ được. Vì tính chủ quan của chúng các chính phủ trên thế giới thường đặt trước một số tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các cơ sở xây dựng và khai thác nông nghiệp, công nghiệp cũng như dịch vụ.

Từ những thông tin đã được thu gom và đánh giá lại, chúng tôi xin trình bày trong bài này quan điểm của chúng tôi, một kỹ sư chỉ có nhiệm vụ giải đáp phải chăng những đòi hỏi thực tiễn của người dân. Chúng tôi sẽ dựa trên :

  • những văn bản chính thức của Nhà Nước Việt Nam (hiến pháp, luật, nghị định, công văn,...),

  • những thông tin, tuyên bố các vị lãnh đạo và quan điểm các chuyên gia trong nước đăng trên mạng Internet,

  • và những gì chúng tôi biết về ngành khai thác mỏ mà chúng tôi đã đăng trên báo Thời Đại Mới[ii].


Phần I  – Khả thi kinh tế

   
Bauxite Tây Nguyên trong chiến lược kinh tế Việt Nam

Việt Nam có năm tài nguyên khoáng sản lớn : dầu (một tỷ tấn), khí (835 tỷ mét khối), than (200 tỷ tấn), sắt (650 triệu tấn) và bauxite (2,3 tỷ tấn)[iii]. So với nhiều nước khác thì trữ lượng dầu và khí không đáng là bao nhiêu. Về than và sắt thì trữ lượng công bố có vẻ quá lạc quan và chưa được các chuyên gia quốc tế xác nhận. Về bauxite thì trữ-lượng ước khoảng 5 đến 8 tỷ tấn đã được phát-hiện và  2,1 đến 2,5 tỷ tấn có giá-trị kinh-tế[iv]. Chúng ta xếp hạng ba thế-giới về trữ-lượng bauxite (bảng 1). Gần như hầu hết trữ-lượng này nằm ở Tây-Nguyên.

Bảng 1 – Trữ lượng bauxite của một số nước (1.000 t)

 

Có giá trị kinh tế

Đã được phát hiện

Guinea

7.400.000

8.600.000

Australia

5.800.000

7.900.000

Việt Nam

2.100.000

5.400.000

Jamaica

2.000.000

2.500.000

Brazil

1.900.000

2.500.000

Thế giới

27.000.000

38.000.000

(Nguồn : USGS)

Lẽ cốt nhiên với trữ lượng lớn đến vậy về một kim loại thông dụng hạng nhì sau thép thì chúng ta chịu sức ép của cả thế giới để khai thác bauxite chứ không chỉ riêng gì của những ngành công nghiệp Việt Nam. Và chúng ta khó mà có thể cưỡng được sức ép đó.

Theo bảng 2, tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK)[v], dầu thô trang trải 27 % tổng chi Nhà Nước, gần bằng chi cho đầu tư phát triển và hai lần kim ngạch thu từ hải quan. Nhận xét này rất quan trọng vì, nếu không có dầu thô thì chính phủ sẽ phải tìm nguồn thu nhập khác như là tăng thuế, tăng tỷ số lợi nhuận các xí nghiệp quốc doanh hay là giảm những mục chi tiêu như là những khoản chi chính phủ không công bố để tùy tiện dùng, hay những khoản chi cho phát triển kinh tế xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo. Nhưng nguồn dầu thô đang cạn nên cần có một “rờ le” khác tiếp nối. Rờ le đó có thể là quặng sắt và quặng bauxite mà chúng ta có nhiều.

Bảng 2   Ngân sách Nhà Nước Việt Nam

 

(a)

(b)

(c)

Tổng thu ngân sách Nhà Nước

279.472

90,7

16,3

Thu trong nước (Không kể thu từ dầu thô)

145.404

47,2

16,6

Thu từ dầu thô

83.346

27,1

22,9

Thu từ hải quan

42.825

13,9

6,1

Thu viện trợ không hoàn lại

7.897

2,6

25,1

Tổng chi ngân sách Nhà Nước

308.058

100,0

14,6

Chi đầu tư phát triển

88.341

28,7

13,4

Chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội

161.852

52,5

14,6

(Tính từ số liệu của TCTK)

(a) Tỷ đồng Việt Nam (giá trị 1994), (b) Phần trăm tổng chi ngân sách Nhà Nước, (c) Phần trăm tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2002 đến 2006

Tuy nhiên, theo bảng 3 cũng tính từ số liệu của TCTK thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mặc dù tỷ trọng của công nghiệp khai thác mỏ không lớn mấy và không thăng trưởng nhiều so với những ngành kinh tế khác[vi]. Trong năm 2007, chúng ta chỉ sản xuất được có 30.000 tấn bauxite. Nói một cách khác, chúng ta không cần đến công nghiệp khai thác mỏ để có tỷ số tăng trưởng kinh tế hạng nhì thế giới.

Bảng 3   Tổng sản lượng quốc nội (2007)

 

(a)

(b)

(c)

Tổng số

461.443

100,0

6,3

Công nghiệp khai thác mỏ

22.520

4,9

1,8

Công nghiệp chế biến

113.282

24,5

9,2

Những ngành kinh tế khác

325.641

70,6

5,8

(Tính từ số liệu của TCTK)

(a) Tỷ đồng Việt Nam (giá trị 1994), (b) Phần trăm tổng sản lượng quốc nội năm 2007, (c) Phần trăm tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2003 đến 2007

Chúng ta có một chút tài nguyên thiên nhiên và chúng ta lại đang nhập siêu về dầu tinh chế, kim loại đen và kim loại màu, những nhu yếu phẩm của các ngành công nghiệp. Tại sao chúng ta không khai thác một phần để sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó ? Mặt khác, kinh tế chúng ta cho tới nay tăng trưởng mạnh mà không cần đến ngành khai thác mỏ và nếu tăng cường khai thác mỏ thì :

  • môi trường thiên nhiên sẽ bị xâm phạm,

  • kinh tế sẽ bất ổn vì giá thị trường sản vật bất ổn,

  • nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác sẽ mắc bệnh Hà Lan và có thể sẽ bị lôi cuốn vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.
     

Khả thi phía TKV

Một xí nghiệp đầu tư dùng một chỉ tiêu duy nhất để quyết định. Đó là tỷ số lợi nhuận: người ta chọn thực hiện những dự án theo thứ tự có tỷ số lợi nhuận cao nhất cho tới khi hết ngân sách đầu tư hay chỉ còn những dự án có tỷ số lợi nhuận kém hơn là tỷ số lãi của thị trường tài chính. Tỷ số lợi nhuận được tính từ lượng sản phẩm có thể bán, giá thành trung bình và giá bán trung bình trong tất cả thời gian xây dựng và vận hành cơ sở kinh doanh. Lẽ cốt nhiên những nhân tố đó của dự án phải tính đến tất cả những chi phí hay thất thu suy ra từ việc tôn trọng toàn bộ pháp quy của nước chủ nhà. Đối với dự án bauxite Tây Nguyên, những bộ luật quan trọng là Luật Lao động, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Khoáng sản, những Nghị quyết Quốc hội và các Nghị định hướng dẫn[vii].

Chúng tôi đồng ý với Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), khi ông bày tỏ[viii] : "Đời dự án dài tới hơn 40 năm, tất cả các thông số chỉ là dự báo. [...] Nếu chưa triển khai mà đã kết luận chúng tôi sẽ bị lỗ thì tôi e rằng hơi sớm”. Nhưng chúng tôi không đủ thông tin để nghĩ rằng nghiên cứu khả thi dự án bauxite Tây Nguyên đã được thực hiện một cách đầy đủ cân nhắc tỷ số lợi nhuận của tất cả các dự án phản biện (alternative project) và những tỷ số đó đã được tính trên những cơ sở tính toán rõ rệt.

Khi nghiên cứu một dự án lâu dài như một dự án khai thác mỏ, người ta dùng những thông số trung gian dựa trên kinh nghiệm những dự án tương tự. Với những thông số đó và những số liệu cá biệt của dự án đang được nghiên cứu, người ta suy ra tỷ số lợi nhuận dùng làm tiêu chuẩn để quyết định thực hiện dự án hay không. Tỷ số lợi nhuận chỉ có thế tính được một cách chính xác khi dự án đã được thực hiện và kết thúc. Trước đó thì chỉ có thể tính được với một một độ chính xác (accuracy) nào đó. Mặc dù không chính xác, người ta cũng vẫn dựa vào đó để quyết định thực hiện dự án hay không. Đòi biết chính xác tỷ số lợi nhuận thì mới quyết định thì sẽ không bao giờ thực hiện một dự án nào cả.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động sẽ có lãi là 10,59 %, dự án Tân Rai sẽ có lãi 12,45 %[ix]. Chúng tôi thán phục tính chính xác những con số ông Hải nêu ra cho một dự án có đời sống hơn một phần tư thế kỷ. Là một lãnh đạo Nhà Nước, khi nêu những tỷ số lợi nhuận đó ông Hải nêu tỷ số lợi nhuận của TKV hay tỷ số lợi nhuận của Nhà Nước bao gồm cả lợi nhuận của TKV và lợi ích công cộng ? Chúng tôi giả tỷ ông Hải muốn nói về tỷ số lợi nhuận của TKV thôi.

Thông thường thì, khi tính tỷ số lợi nhuận, người ta không kể đến lạm phát. Người ta dùng tỷ số lợi nhuận nội (internal return rate) rồi so sánh với lạm phát và tỷ số lãi cho vay của thị trường tài chính. Dựa trên số liệu của ông Hải những kết luận của chúng tôi là như sau :

  • nếu đã trừ tỷ số lạm phát thì một tỷ số lợi nhuận trên 10 % là quá lạc quan,

  • nếu phải tính thêm tỷ số lạm phát trung bình ở Việt Nam từ mười năm nay, khoảng 7 % mỗi năm, thì tỷ số lợi nhuận theo giá quy chiếu chỉ còn có 3,3 % cho dự án Nhân Cơ và 5,0 % cho dự án Tân Rai,

  • và nếu sau đó còn phải trừ tỷ số lãi cho vay của thị trường tài chính, khoảng 5 % mỗi năm, thì dự án Nhân Cơ lỗ và dự án Tân Rai vừa đủ hoàn vốn.

Tỷ số lạm phát và tỷ số lãi cho vay chúng tôi dùng đây là những tỷ số trung bình cho dài hạn (long term average rate).

Ông Kiển khẳng định[x] : "Sau 13 năm, chúng tôi sẽ hoàn vốn". Chúng tôi không biết ông Kiển lấy tỷ số lãi (discount rate) nào để tính thời gian hoàn vốn này. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng thời hạn hoàn vốn 13 năm là lâu. Thông thường những người đầu tư tài chính đòi phải được hoàn vốn trong 5 năm, quá lắm là 7 năm và bất dắc dĩ mới chịu 10 năm.

Ông Kiển có thể nói rằng đây là một dự án có lợi cho một quốc gia nên phải tính lâu dài hơn. Lợi ích công cộng là trách nhiệm của chính phủ chứ không phải là trách nhiệm của một Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Vị đó chỉ có một trách nhiệm là tối ưu hoá lợi nhuận của xí nghiệp mình trong khuôn khổ pháp quy Nhà Nước. Nếu không hoàn vốn mau thì những đối tác có vốn sẽ đầu tư vào những dự án khác có thời hạn hoàn vốn ngắn hơn. Còn về lợi ích công cộng nếu luật Nhà Nước tốt thì lợi ích công cộng sẽ được tối ưu khi một xí nghiệp tối ưu hoá lợi ích ích kỷ của mình trong khuôn khổ pháp quy Nhà Nước.

Theo kinh nghiệm những dự án khai thác mỏ trên thế giới và theo báo cáo tổng kết hàng năm các tập đoàn khoáng sản đã được niêm yết thì tỷ số lợi nhuận một dự án khai thác mỏ thường rất cao. Vậy, chỉ có ba khả năng một dự án khai thác mỏ có tỷ số lợi nhuận kém hay lỗ lã :

  • chiến lược đầu tư sai,

  • lãnh đạo và cán bộ chủ đầu tư tham nhũng,

  • chủ đầu tư bị lừa bịp.

Nếu không có ba tình trạng tiêu cực đó thì quan điểm chủ quan của chúng tôi là dự án khai thác bauxite Tây Nguyên nhất định sẽ mang lại lợi nhuận lớn.

Nhưng lợi nhuận đó chia cho ai và chia thế nào ?

Ngày 02 05 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của công ty alumin nước ngoài với mức cổ phần không quá 40 %, TKV giữ 51 %, bán cổ phần ra công chúng 9 %[xi]. Như vậy đâu có nghĩa vỏn vẹn là TKV sẽ mang 51 % vốn và sẽ được chia 51 % lãi của công ty được phép thành lập. Xếp đặt một dự án lớn phức tạp hơn nhiều.

Một công trình xây dựng công nghiệp đại khái có ba tác nhân chính : nhà đầu tư, nhà thầu và tác nhân vận hành khai thác. Mỗi tác nhân đó đại diện cho một số đối tác khác. Nhà đầu tư có thể là một ngân hàng duy nhất, nhưng cũng có thể là một số cá nhân hay xí nghiệp tài chính chia nhau vốn và rủi ro kinh doanh trong dự án. Nhà thầu có thể là một consortium bao gồm một số xí nghiệp có tay nghề, phương tiện xây dựng, công nghệ,… khác nhau. Tác nhân vận hành khai thác có thể là một consortium tập hợp những xí nghiệp có tay nghề đảm nhiệm mỗi khâu của quá trình sản xuất. Nhiều khi tác nhân vận hành khai thác đầu tư vào dự án để sau này có độc quyền bán dịch vụ vận hành cơ sở sản xuất. Trong một dự án lớn một số tác nhân tham gia vào dự án để có thể mua dài hạn một phần sản lượng với những điều kiện thương mại đã được thoả thuận trong hợp đồng hợp tác. Mỗi tác nhân nghiên cứu khả thi phần của họ tuỳ kết quả thương lượng hợp đồng hợp tác sẽ được ký kết. Lẽ cố nhiên họ chỉ tính tỷ số lợi nhuận của riêng họ chứ không quan tâm gì đến những đối tác khác thua thiệt hay không.

Vì thể thức làm ăn như vậy chúng tôi xin đặt vài câu hỏi :

  • (a) TKV đầu tư vào những hạng mục gì, sẽ đảm nhiệm vận hành khâu nào, được chia bao nhiêu phần sản phẩm và những sản phẩm đó thuộc loại gì (bauxite, alumin hay nhôm) ?

  • (b) Tỷ số lãi của vốn TKV đầu tư là bao nhiêu; TKV được thù lao bao nhiêu cho dịch vụ vận hành những cơ sở sản xuất và mua phần sản phẩm của mình, bán lại phần sản phẩm không mua hết và mua thêm phần sản phẩm còn thiếu theo bảng giá nào ?

  • (c) Một dự án khai thác mỏ cần nhiều vốn mà thu hoạch bấp bênh vì giá thị trường thế giới biến đổi rất mau rất mạnh. Công ty hợp doanh TKV đã thành lập có dự trù đủ tài chính để có thể cầm cự khi giá thị trường xuống không ?

  • (d) Khi nghiên cứu khả thi thì TKV đã tính đến những nhân tố đó chưa ?

Nếu không nắm rõ được những điểm này thì sẽ tính tỷ số lợi nhuận dựa trên cơ sở không đầy đủ.

Khả thi phía Nhà nước

Vì Nhà nước là chủ nhân, qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), 100 % vốn của TKVchính phủ phải quan tâm đến tỷ số lợi nhuận của tập đoàn này như là một cổ đông thường. Nhưng chính phủ cũng có trách nhiệm đối với quốc dân nên phải quan tâm đến hai lợi ích nữa : lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân. Phần nghiên cứu khả thi phía Nhà nước đánh giá lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân.

Nếu xét một dự án nhỏ thực hiện trong một khu công nghiệp thì không cần phải nghiên cứu khả thi phía Nhà nước vì nghiên cứu đó đã được tiến hành và các giải đáp ổn thoả đã được chấp nhận cho tất cả các cơ sở sản xuất trước khi xây dựng khu công nghiệp. Nhưng với một dự án lớn vận động cả nghìn tỷ bạc, xáo trộn xã hội và xâm phạm nặng môi trường thiên nhiên như dự án bauxite Tây Nguyên thì vấn đề khả thi phía Nhà Nước phải được đặt ra, phải có giải đáp và những giải đáp phải được đánh giá trước khi ra quyết định về tính thích đáng của dự án. Đòi hỏi đó hiển nhiên nên Quốc hội đã ra Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29 06 2006, "Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư"[xii].

Lợi ích của Nhà Nước và của nhân dân bao gồm những hiệu ứng ngoại của dự án. Những hiệu ứng ngoại gồm :

  • những khoản chi thu của Nhà Nước và của nhân dân có thể quy ra tiền tệ được mà chúng tôi trình bày ở phần này,

  • và những khoản không thể quy ra tiền tệ một cách khách quan, như là bình yên xã hội, toàn vẹn môi trường thiên nhiên và phát triển công nghệ mà chúng tôi sẽ trình bày ở những phần sau.

Về những khoản chi thu có thể quy ra tiền tệ được, chúng tôi không có đủ thông tin về dự án bauxite Tây Nguyên nên xin đặt vài câu hỏi liên quan đến hiệu ứng ngoại của dự án.

Đối với Nhà Nước :

  • chính phủ sẽ phải đầu tư bao nhiêu để hỗ trợ sự nảy sinh những việc làm gián tiếp từ dự án và bao nhiêu cho hạ tầng để tiếp nhận nhân khẩu phụ thêm sinh ra từ những việc làm trực tiếp và gián tiếp của dự án ?

  • những lao động mới, trực tiếp và gián tiếp và những cơ sở sản xuất mới sẽ trả bao nhiêu thuế thu nhập và chính phủ sẽ phải đầu tư và hàng năm chi thêm bao nhiêu về an sinh, giáo dục và đào tạo ?

  • chính phủ sẽ cử thêm bao nhiêu công chức (thanh tra lao động, thanh tra môi trường, thanh tra thuế, thanh tra xã hội, cảnh sát,...) và những công chức đó sẽ tốn bao nhiêu về đào tạo, đầu tư và bồi dưỡng ?

Đối với nhân dân :

  • dự án sẽ mang lại bao nhiêu thuế cho chính phủ và chính quyền địa phương ?

  • dự án sinh ra bao nhiêu việc làm trực tiếp và gián tiếp ?

  • những lao động mới này sẽ có bao nhiêu lợi nhuận (lương trực tiếp trả cho nhân viên cộng với lương gián tiếp an sinh và bồi dưỡng kỹ năng) và sẽ trả bao nhiêu thuế lợi tức cá nhân ?

Khả thi kỹ thuật

Về nội dung Quyết định 167/2007/QĐ TTg ngày 07 11 2007, "Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007   2015, có xét đến năm 2025"[xiii], chúng tôi xin đặt vài câu hỏi và xin phát biểu những quan điểm sau đây :

(a) Thủ tướng cho phép TKV thành lập một công ty cổ phần với sự tham gia của công ty alumin nước ngoài khai thác bauxite và sản phẩm alumin tại Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) và đặt hàng năm, công ty cổ phần này nộp ngân sách nhà nước 10 % lợi nhuận sau thuế của công ty (thương quyền của Chính phủ Việt Nam đối với mỏ bauxite)[xiv]. Lối tính thuế này không tuân theo Điều 34 của Luật Khoáng sản quy định "Thuế tài nguyên khoáng sản được tính trên sản lượng khoáng sản thương phẩm thực tế khai thác được và theo giá bán" chứ không theo lợi nhuận sau thuế của công ty. Các nước khác đều quy định như vậy. Với những thủ đoạn  kế toán hoàn toàn hợp pháp và dựa trên quy định của thủ tướng, những xí nghiệp mỏ sẽ khai bao nhiêu lãi sau thuế để trả bao nhiêu thuế cho Nhà Nước ?

(b) Những hạng mục cung cấp điện, cung cấp nước, xử lý nước thải, sản xuất xút (hydroxyd natri), cryolith, hạ tầng và những phương tiện vận tải và bến cảng,... sẽ do tác nhân nào đầu tư và vận hành ? Giải đáp câu hỏi này sẽ ảnh hưởng mạnh đến tỷ số lợi nhuận của TKV, lợi ích của Nhà Nước và tính công minh hai bên cùng có lợi của những hợp đồng hợp tác quốc tế.

(c) Trên phương diện quản lý công nghiệp người ta khai thác những nguồn tài nguyên nguyên liệu dễ khai thác nhất, dùng những phương tiện sản xuất có năng suất cao nhất và xâm nhập những thị trường có lợi nhất. Sau đó sẽ tuần tự xuống cấp khi trữ lượng tài nguyên giảm, phương tiện sản xuất tiến gần giới hạn của tiềm năng và thị trường chính gần bão hoà. Chúng tôi xin đề nghị hoãn lại sau 2025 nghiên cứu khả thi và thực hiện những dự án khai thác, chế biến bauxite quy mô vừa và nhỏ gồm các vùng Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và ven biển miền Trung. Trong khi chờ đợi, công tác thăm dò địa chất vẫn cần tiếp tục để sau này có thể tối ưu hoá khai đào. Trước mắt, tập trung vốn và nhân lực vào những dự án bauxite ở Tây Nguyên mang lợi tức nhiều và mau hơn.

(d) Về công suất các nhà máy chế biến, chúng tôi lấy lại công suất các nhà máy alumin là 6,4 đến 8,4 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2007-2015 và 12,8 đến 18,0 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2016 đến 2025 (phần III của Quyết định) trong khi đó công suất nhà máy điện phân chỉ là 0,2 đến 0,4 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2007-2015 và thêm 0,2 đến 0,4 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2016 đến 2025 (phần IV của Quyết định). Nếu áp dụng thông số kỹ thuật hai tấn alumin để chế biến thành một tấn nhôm thì công suất các nhà máy điện phân phải là 3,2 đến 4,2 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2007 đến 2015 và 6,4 đến 9,0 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2016 đến 2025 . Phải chăng chiến lược của chính phủ chỉ là xuất khẩu alumin chứ không xuất khẩu nhôm có giá trị thương mại cao hơn ? Nếu giả thuyết này đúng thì Quyết định 167/2007/QĐ TTg vi phạm Đoạn 4, Điều 5 của Luật Khoáng sản hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh quặng.

(e) Chắc có lẽ chính phủ không quy hoạch điện phân nhôm tại vì nghĩ rằng Việt Nam đang thiếu điện và giá điện đắt. Suy nghĩ này không đúng do lầm lẫn giữa điện nhu yếu phẩm của người dân và điện nhân tố sản xuất. Điện nhu yếu phẩm ở Việt Nam hiếm và đắt vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không biết quy hoạch lâu dài và không biết tính kinh tế phân biệt chi phí lề và chi phí trung bình. Còn điện nhân tố sản xuất, nếu cần, thì phải xây nhà máy điện, sản lượng ưu tiên dành cho sản xuất và giá thành xung vào giá thành của sản phẩm. Cụ thể, nói rằng ở Tây Nguyên Trung Bộ thiếu điện để sản xuất và giá thành cao là một điều mà chúng tôi không thể tin được.

(f) Nếu tải 18,0 triệu tấn/năm thì hệ thống hậu cần phải có công suất 50.000 tấn/ngày. Một khối lượng như vậy chỉ có thể chở được bằng đường sắt. Nếu mỗi đoàn tàu xe hoả chở tối đa 2.000 tấn, mỗi ngày phải sẽ có tôi thiểu 25 chuyến tàu. Giả tỷ đường sắt hoạt động 24 giờ mỗi ngày (nghĩa là hoạt động không ngừng để bảo quản cấp I) thì mỗi giờ sẽ có khoảng hơn một chuyến đi và hơn một chuyến về. Với tần suất này, đường sắt sẽ phải là một đường chuyên dụng, nghĩa là không thể dùng vào việc khác ngoài việc chở sản phẩm của công ty khai thác mỏ. Vậy công suất chỉ cần vừa đủ để chở lượng alumin tối đa. Công suất 20 triệu tấn/năm là đủ rồi. Vì là một đường chuyên dụng, không cần phải liên kết với mạng đường sắt quốc tế và khổ đường không cần phải là khổ quốc tế 1.435 mm. Nếu chọn khổ 1.000 mm của đường sắt hiện nay thì tiết kiệm được ít nhất một phần ba vốn đầu tư và có thể dùng lại những đầu tàu hiện đang dùng trên đường Xuyên Việt.

(g) Với lượng hàng 50.000 tấn/ngày của một loại sản phẩm duy nhất (đây là alumin), người ta xây hải cảng chuyên dụng. Cũng như trên, công suất 20 triệu tấn/năm là đủ. Theo phương pháp quản lý đúng mức đúng lúc (lean and just in time management) hàng hoá phải được bốc lên tàu tối đa một ngày sau khi được chở đến hải cảng. Vậy cảng phải có khả năng vận chuyển 50.000 tấn/ngày và mỗi ngày tiếp năm chiếc tầu trọng tải 10.000 tấn. Như vậy cũng có nghĩa là không cần đến một cảng nước sâu. Nhưng hải cảng phải có cầu tàu và kè ngăn sóng kiên cố để cảng có thể hoạt động với bất kỳ thời tiết nào. Một cầu tàu phao như ở nhà máy lọc dầu Dung Quất không cho phép vận hành theo phương pháp đúng mức đúng lúc.

Chúng tôi không biết mũi Kê Gà, nơi dự định xây cảng trạm cuối, có hội đủ những điều kiện đó không. Nhưng, hiện nay ở Kê Gà chỉ có một hải đăng với vài căn nhà xung quanh. Không có hoạt động công nghiệp gì để chứng minh xây một hải cảng công suất 18 triệu tấn/năm. Chúng tôi xin đề nghị đặt trạm cuối của đường sắt ở cụm cảng Phan Thiết để hưởng những hiệp đồng các cảng và khu công nghiệp hiện có xung quanh. Vận chuyển alumin không ô nhiễm thêm thị xã Phan Thiết và khu nghỉ dưỡng du lịch Mũi Né là bao nhiêu.

(h) Quyết định 167/2007/QĐ TTg không đề cập đến những nhà máy phụ trợ sản xuất xút, cryolit và điện cực bằng carbon.

Người ta sản xuất xút bằng cách điện phân muối. Cực dương làm bằng titan và cực âm làm bằng thuỷ ngân. Quy trình này phải được kiểm soát kỹ vì thuỷ ngân là một chất ô nhiễm độc hại. Nhưng quy trình này sinh ra phụ phẩm khí clo và khí hydro có thể bán cho những xí nghiệp hoá học xung quanh nhà máy. Muối là nguyên liệu chính của quy trình. Nhờ nước biển và năng lượng mặt trời chúng ta có thể sản xuất muối với một giá rẻ. Đây là điều kiện thuận lợi để có một nhà máy xút bảo đảm nhu cầu của ngành bauxite nhôm. Vì lý do tôi sẽ trình bày ở một phần sau; nhà máy xút nên đặt gần những nhà máy alumin trên Tây Nguyên. Nếu công suất tối ưu vượt nhu cầu, điều mà chúng tôi nghĩ không thể xảy ra, thì có thể xuất khẩu sản lượng xút có thừa.

Mỏ khoáng sản cryolit chỉ có ở Groenland với trữ lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thế giới. Nên ngành nhôm phải dùng cryolith nhân tạo. Quy trình này phức tạp nên cần vốn đầu tư cao. Chúng tôi xin đề nghị nhập khẩu cryolit, ít ra trong giai đoạn đầu.

Với nguồn than dồi dào, cung cấp carbon để sản xuất điện cực không phải là một vấn đề cho chúng ta. Nhà máy này có thể đặt gần khu mỏ than Nông Sơn, Tỉnh Quảng Nam. Cũng như với nhà máy xút, chúng tôi nghĩ công suất tối ưu sẽ không vượt nhu cầu và nếu sản xuất thừa thì có thể xuất khẩu.

*

Nói chung thì những thông số do TKV và chính phủ không cung cấp rõ rệt tất cả những khoản đầu tư đã được phân chia ra sao cho những đối tác đầu tư và tác động ra sao cho ba đối tác, Nhà nước, nhân dân và chủ đầu tư TKV. Chúng tôi xin nêu hai giả thuyết :

(a) TKV và chính phủ đã không chân thực cung cấp đủ thông tin về nghiên cứu khả thi để nhân dân địa phương và các chuyên gia có thể kết luận rằng dự án bauxite Tây Nguyên khả thi hay không,

(b) nghiên cứu khả thi đã được thực hiện không kỹ làm cho cả ba đối tác của dự án chắc chắn đều sẽ bị thiệt.

ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

[i] Xin đề-nghị những đọc-giả quan-tâm đến toán kinh-tế công-cộng tham-khảo bài giảng của GS Jean-Dominique Lafay : "Calcul Econoimique Publique" đăng ở địa-chỉ Internet
http://laep.univ-paris1.fr/jdlafay/teaching/Ecopubno2002.pdf

hay đọc bài của Phạm Hải Vũ : "Bôxit Tây Nguyên và các vấn đề hạch toán kinh tế cần làm sáng tỏ" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.diendan.org/viet-nam/boxit-tay-nguyen/

[ii] Đặng Đình Cung :"Công-nghiệp khai-thác mỏ", đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai15/200915_DangDinhCung.htm/

[iii] "Sắt, Bauxite, Thiếc và Vàng" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.moi.gov.vn/News/detail.asp?Sub=39&id=979

"Dầu khí, Than và Năng lượng địa nhiệt" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.moi.gov.vn/News/detail.asp?Sub=39&id=980

[iv] USGS : "Bauxitee and alumina" đăng ở địa-chỉ Internet
http://minerals.usgs.gov/minerals/pubs/commodity/bauxitee/mcs-2009-bauxi.pdf

[v] TCTK : "Quyết toán thu ngân sách Nhà nước" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=389&idmid=3&ItemID=7369

TCTK : "Quyết toán chi ngân sách Nhà nước" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=389&idmid=3&ItemID=7367

[vi] TCTK : "Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 phân theo ngành công nghiệp" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=391&idmid=3&ItemID=7563

[vii] Xin đề-nghị đọc-giả tham-khảo những văn-bản chính-thức nêu trong bài này ở trạm Internet "Hệ-thống Văn-bản Quy-phạm Pháp-luật" ở địa-chỉ
http://vbqppl3.moj.gov.vn/law/vi/index_html

[viii] "Đánh giá lại hiệu quả của dự án bô-xít Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vietbao.vn/Kinh-te/Danh-gia-lai-hieu-qua-cua-du-an-boxit-Tay-Nguyen/11105234/87/

[ix] "Chính phủ sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bô-xít Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/841067/

[x] "Đánh giá lại hiệu quả của dự án bô-xít Tây Nguyên" đã trích-dẫn.

[xi] Công-văn 2728/VPCP-QHQT : "V/v cơ chế hợp tác đầu tư với nước ngoài và Thỏa thuận khung hợp tác với Tập đoàn BHP về phát triển các dự án bauxite-alumin" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vinamin.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=332

[xii] Nghị-quyết 66/2006/QH11 : "Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vbqppl3.moj.gov.vn/law/vi/2001_to_2010/2006/200606/200606290002

[xiii] Quyết-định 167/2007/QĐ-TTg : "Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.moi.gov.vn/LDocument/Detail.asp?id=2322&Lf=1

[xiv] "Hợp tác đầu tư với nước ngoài phát triển các dự án Bauxite-Alumin tại Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,127902&_dad=portal&_schema=portal&pers_id=91524&item_id=7306442

Đã đăng trên diendan.org

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Đặng Đình Cung