KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 5. Các nghi án Kinh Dịch. 5. Lạc Thư.

_________________________________________________________________________________

ý kiến của bạn

5.      Nghi án Lạc Thư.

 

Khổng An Quốc viết: “Đời vua Vũ [16] có con thần quy xuất hiện ở sông Lạc. Nhà vua nhân đó sắp xếp lại thành 9 loài, gọi là Lạc Thư.”. Trong Hệ Từ Thượng có viết: “Thị cố thiên sinh thần vật, thiên địa biến hóa, thánh nhân hiệu chi; thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi. Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi.”. Đoạn văn này có thể dịch như sau: “Trời sinh ra thần vật, thánh nhân áp dụng theo; trời đất biến hóa thánh nhân bắt chước; trời bày ra hình tượng hiện ra sự tốt xấu, thánh nhân phỏng theo ý tượng. Đồ hiện ra ở sông Hoàng Hà. Thư hiện ra ở sông Lạc, thánh nhân áp dụng theo.”.

 

Lại một lần nữa người Trung Hoa lại dùng chuyện thần thoại để dựng nên sự việc có thật. Không phải sự thật đơn giản mà là kinh Dịch-một triết thuyết lớn của thế giới. Chả có thần quy nào xuất hiện ở sông Lạc. Nếu nói ngài Đại Vũ đã thấy con rùa và nhờ trí thông minh của mình đã làm nên được cái Lạc Thư thì có thể có lý. Tuy nhiên, gọi cái Lạc Thư đó là thành tựu lớn của Trung Hoa thì có vẻ hơi quá. Chúng tôi cho rằng khi loài người biết đếm, rồi biết dùng hệ thập phân thì bất kỳ dân tộc nào cũng có thể vẽ ra ma phương 3x3 như Lạc Thư. Lạc Thư không hề phức tạp. Có các nhà sử học còn dũng cảm cho rằng vì Lạc Thư được phát hiện ở Trung Đông nên Lạc thư có thể được du nhập từ Trung Hoa!!! Mọi dân tộc trên thế giới đều có thể làm nên Lạc Thư.

Điều quan trọng ở đây là vì sao người Trung Hoa lại có nhu cầu phủ bức màn thần bí lên câu chuyện Lạc Thư?.. Họ muốn che giấu sự thật gì? Sự thật gì đó có dính dáng đến việc mà người Trung Hoa khó chối cãi: trong Giao Châu Ký có viết: “dân Việt biết dùng mu rùa để đoán chuyện tương lai”. Hay có sự ngẫu nhiên một cách lạ lùng: ngài Đại Vũ bắt buộc phải làm ra Lạc Thư vì ngài sống trước ngài Chu Văn Vương. Và chờ đến khi ông Văn Vương bị giam cầm ở Diễu lý mới có thời gian nghiên cứu Tiên Thiên và dựa vào Lạc thư sắp xếp thành Hậu Thiên!!! Thế mới lạ! Ý  đồ của người Trung Hoa thứ nhất nhằm ca ngợi những ông tổ của họ. Những ông tổ phải là người tài nhất giỏi nhất. Thứ hai, quan trọng hơn là để tất cả đều quên đi nguồn gốc những cái mu rùa, những con rùa của một dân tộc khác. Vì thật ra, cái con rùa hay mu rùa vẽ chuyện tương lai mà các ông thấy được chính là vật đã được cống của dân tộc này.

Trên phương diện logic toán học, để xây dựng Bát Quái thì ý nghĩa của Lạc Thư không khác Hà Đồ lắm. Tuy nhiên về ý nghĩa triết học thì Lạc Thư không mang hàm ý trùng quái như Hà Đồ. Cũng như không mang triết lý “trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.”. Ngoài ra thật là lủng củng khi người ta xây dựng nên thuyết Âm Dương, Ngũ Hành hoàn chỉnh thì 1-Thủy, 2-Hỏa, 3 Mộc, 4-Kim, 5-Thổ dựa trên đồ hình Hậu Thiên (không có một sử sách nào nói độ số Ngũ Hành được xây từ Tiên Thiên). Điều khẳng định này hoàn toàn đúng lý vì Tiên Thiên là thời vũ trụ chưa thành thì làm sao có thể dựa trên nó mà phân ra những yếu tố hoàn toàn liên quan đến thời Hậu Thiên-thời vũ trụ đã thành như: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Như vậy, Hậu Thiên nếu từ Lạc Thư thì ta thấy không phù hợp (vì so với Hà Đồ nó đã đổi hai cụm 7-2 và 9-4) với cách phân bố các Hành trên Bát Quái. Suy ra, Lạc Thư chẳng qua là một sự trùng lặp ngẫu nhiên, thậm chí nó chỉ ngẫu nhiên trùng lặp trên phương diện số học nhỏ nhặt nhất mà thôi (như chương 4, chúng tôi đã trình bày). Có thể xây dựng Bát quái từ đó nhưng không hàm chứa một triết lý nào của Dịch cả. Người Trung Hoa vẫn khăng khăng là từ Lạc Thư, ngài Văn Vương (hay ngài nào khác?) xây nên Hậu Thiên. Có gì lạ lùng không? Có đấy. Vì Lạc Thư giống Hà Đồ thì chuyện xây bát quái từ nó hay từ Hà Đồ đều có kết quả như nhau. Mà Lạc Thư thì ai ai cũng có thể làm được, ta có thể nhập nhằng bảo Lạc Thư của ta nên chuyện xây bát quái từ Lạc Thư chứng tỏ là ta đã xây dựng một triết thuyết từ đầu đến đuôi. Còn Hà Đồ có nguồn gốc bất định, khó có thể cho là của ta được nên ta cần phải làm lu mờ giá trị của nó đi. (người Trung Hoa đâu ngờ chỉ 1000 năm sau họ đã nô dịch được hoàn toàn người Âu Lạc về văn hóa đến nỗi sỹ phu Âu-Lạc cũng tin mình học được Kinh Dịch từ Trung Quốc!!!. Tuy nhiên, họ càng không ngờ tổ tiên người Việt đã khôn khéo đưa Kinh Dịch vào dân gian, đồng thời giấu đi một số thành tựu vĩ đại nhất của mình.). Chính vì lý luận tai hại này, nên họ đã quên mất hay không chú trọng cái ẩn ý trùng quái trong Hà Đồ. Dẫn đến một hệ quả là họ đã xây dựng nên một cái Hậu Thiên sai. Chúng tôi sẽ viết về việc này ở những chương sau.