KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 7. Trống đồng-Những kinh văn Dịch trác tuyệt. Hậu Thiên. 1. Đốm xoáy.

 

ý kiến của bạn

Chương 7.      

Trống đồng-Những kinh văn Dịch trác tuyệt. Hậu Thiên.

1.     Các đốm xoáy kỳ lạ.

Hình Thái cực đồ trên do chúng tôi cắt ra từ trang “Đàn Lợn” của làng tranh Đông Hồ[28]:

Chúng tôi đưa những đốm xoáy này vào phần Hậu Thiên vì rõ ràng nó liên quan đến Hà đồ và thời Hậu Thiên. Và các đốm xoáy trên mình mấy con heo con đã làm rõ một nghi án quan trọng của Dịch. Nó giải quyết vấn đề tại sao người ta đã vẽ những đốm xoáy lên da một con vật dưới nước. Các đốm xoáy làm nên Hà Đồ trên bức tranh Long Mã quán chiếu lại với các đốm xoáy trên mình các con heo con cho ta thấy ý nghĩa thật sự của Hà Đồ. Đó là đồ hình chỉ thời Hậu Thiên và một đồ hình tối quan trọng của thuyết Âm Dương-Ngũ Hành.

Con Long Mã là con gì thì chưa ai thấy phải không quý vị? Kể cả ngài Phục Hy. Nhưng đốm xoáy lại có thật. Trên đầu mỗi người đầu có không 1 thì 2. Trên lưng các con thú cũng có. Nhưng đốm xoáy gợi cho ta là cái vòng xoắn do một đám lông làm nên trên một mặt da của con vật nào đó. Chưa ai thấy đốm xoáy nào trên các con vật dưới nước cả (có thể có con vật nào đó sống dưới nước có lông, như con Gấu trắng Bắc Cực chẳng hạn, tuy nhiên đốm xoáy của con vật dưới nước cũng rất hạn hữu). Ta thấy các con vật sau: cóc, rùa, cá sấu…đều được người xưa (người xưa ở đây là người Viêt cổ) cho là linh vật. Theo nhiều nhà khảo cổ và học giả, con rồng được tưởng tượng ra từ cá sấu (người ta đã thi vị hóa, mỹ hóa con cá sấu lên để nó thành con Rồng. Người phương Tây cũng hay gọi một giống tắc kè lớn là dragon. Tắc kè cũng cùng bộ bò sát và có hình vóc giống cá sấu. Người phương Đông thì cho rằng Rồng ở dưới nước vì thế chúng ta có thể suy ra người Á Châu xưa tưởng tượng ra Rồng từ con cá sấu). Trong các động vật này, ta thấy chúng có điểm chung là da vằn vện, các hình trên da của chúng có thể gợi cho người xưa thấy những chòm sao, những vì tinh tú. Nhưng chúng không có lông!!!

 Vậy, khi giải mã câu chuyện Phục Hy-Long Mã chính là chuyện có người tặng cho vua chúa Trung Hoa bức đồ hình được vẽ trên da cá sấu, chúng ta còn thiếu một mắc xích- đó là xoáy. Vì sao vẽ xoáy trên da cá sấu? Người Trung Hoa hoàn toàn không thể lý giải được điều này và thậm chí họ không thấy mặt mũi những cái xoáy đó hình thù thế nào. Họ chỉ biết “xoáy” là “xoáy” qua chuyện kể chứ chưa hề mục kích nó. Quý vị độc giả nhìn hình trên có thấy điều gì lạ lùng chăng? Có liên tưởng đến cái gì chăng?

Thứ nhất, chúng ta liên tưởng ngay đến cái câu của Kinh Dịch: ngài Phục Hy nhìn những đốm xoáy trên mình con Long Mã được xếp như Hà Đồ mà vạch nên hai vạch Âm Dương. Trên mình các con heo con đều có như thế. Lạ lùng nhất đây cũng xoáy, kia cũng xoáy. Lại lấy so sánh một cách khập khiễng con heo đời thường đối với con Long mã linh thiêng thì chúng ta sẽ nhận được suy luận logic nào? Tư tưởng Dịch đã ăn sâu và đi vào tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống dân Việt (về sau vì thời gian lệ thuộc lâu dài, nên người ta hầu hết quên cái triết lý chứa đựng trong nó. Nhưng cách vẽ thì vì cha truyền con nối nên người sau vẫn tiếp bước người trước vẽ như thế) và Dịch học không có gì huyền bí cả. Còn liên quan đến Dịch trong sách Trung Hoa từ cổ chí kim cũng chỉ có mấy cái xoáy trên lưng con Long mã mà thôi. Vậy nếu như có một logic luận thông suốt từ đầu đến cuối để chứng minh được người Việt đã làm ra Kinh Dịch qua hai lưỡng thể Nòng Nọc thì mấy đốm xoáy trên lưng mấy con heo nhỏ nhoi này cũng là bằng chứng lớn lao cho việc người Trung Hoa không làm ra Dịch từ nguyên thuỷ. Chúng ta có thể hình dung theo mô hình logic sau:

Thứ hai, tất nhiên chúng tôi không cho rằng người ta không vẽ được các đốm xoáy trên lưng con Long Mã, hay đúng hơn là trên tấm da cá sấu. Họ vẽ được và hệ quả là có một tấm như thế được tặng cho ông Phục Hy. Thế nhưng, vẽ trái khoáy các đốm xoáy trên lưng một con ở dưới nước thì phải có lý do của nó. Mà lý do đó nằm trong chính nội dung của đốm xoáy (có nghĩa đốm xoáy phải chứa thông điệp dịch, hay ít ra có dính dáng đến dịch). Theo như trên đã viết thì người Trung Hoa chỉ viết lại đốm xoáy đó như là một chi tiết của câu chuyện hơn là hiểu chúng có liên quan thật sự đến Dịch. Còn nhìn hình đàn heo trên quý vị có thể nhận ra (tuy không chi tiết về số như Hà Đồ) rõ ràng các đốm xoáy có dính dáng đến Dịch. Và không phải dính dáng bình thường mà nó còn cụ thể chỉ rõ mắc xích độc đáo (mắc xích này trong câu chuyện Long Mã cũng mơ hồ đề cập đến. Tuy nhiên, người Trung Hoa lại hiểu sai đồ hình Hà Đồ dính dáng đến Tiên Thiên-khi vũ trụ chưa thành. Chúng tôi trong các phần tiếp theo sẽ chứng minh Hà đồ dính dáng đến Hậu Thiên-vũ trụ đã thành hình. Và điều này hoàn toàn hợp với thông điệp mà bức tranh Đàn Lợn nói chung hay những đốm xoáy nói riêng muốn chuyển tải.). Đó là mắc xích: Tiên Thiên sinh ra Hậu Thiên với Ngũ hành và biểu diễn (hay mã hóa) bằng Hà Đồ. Từ hình trên, quý vị có thể dễ dàng nhận được một suy luận như sau: người xưa làm ra Tiên Thiên Bát Quái ngộ ra chữ S-đường chia Thái Cực ra hai nghi nằm giống như hai con Nòng Nọc xoắn vào nhau. Hai nghi này tuy đối kháng nhau nhưng là hai phần xây dựng nên một thể thống nhất-Thái cực. Và ở đây người ta đã vẽ Thái cực một cách rõ ràng trên hình heo mẹ. Tức Thái cực mà hiện thân bằng đồ hình số của nó là Tiên Thiên Bát Quái là Mẹ của vũ trụ. Có năm heo con-chúng ta thấy ngay là có năm loại hình thể của thời Hậu Thiên-đó là tư tưởng ngũ hành. Ở trong mình mỗi con heo con đều có hai xoáy, vâng chính ở đây ta nhận được giải thích vì sao xoáy có liên quan đến dịch. Mà có cần uyên thâm gì đâu (không cần uyên thâm, nhưng người làm Dịch từ đầu đến cuối mới thấy không uyên thâm thật sự), người xưa đã nghĩ ra một triết lý giản đơn: các hành thể của Thái Cực được sinh ra từ Thái cực nó phải mang hình dáng giống Thái Cực đồng thời cũng có những điểm đặc biệt chỉ thế hệ Hậu Thiên. Và người ta nhận thấy trên lưng heo, đầu người hay nhiều chỗ có lông khác của thú vật có những đốm xoáy na ná giống Thái Cực (khác nhau là không chia nghi rõ ràng), nên họ nghĩ chính xác xoáy tức là hình đại diện của Thái Cực của thời Hậu Thiên, quan sát thấy nó được ghi dấu trên nhiều cơ thể thú vật; đặc biệt đối với người(loài vật linh thiêng-có tư duy duy nhất) thì xoáy nằm trên đầu (chỗ thiêng liêng nhất) và hầu như chỉ có 1 cho tất cả mọi người. Chính vì thế mà hình đàn lợn trên đã cho chúng ta thấy vì sao xoáy có dính dáng đến Dịch. Tuy nhiên, quý vị cần phải phân biệt rõ ràng để thấy thêm tranh đàn lợn này cũng chỉ ra nguồn gốc kinh Dịch là của người Việt. Vấn đề ở chỗ có thể có người nói từ những lý luận trên đây thì nếu người Trung Hoa cũng lý luận như vậy và họ cũng nhận được mối liên quan giữa xoáy và Dịch!!! Xin thưa, không thể nào. Không, không và không thể. Cũng đơn giản thôi, vì các xoáy đó chỉ giống cái Thái Cực của người Việt Nam chứ không hề giống Thái cực có chua hai vòng tròn của người Trung Hoa. Dù có tưởng tượng phong phú đến đâu. Vậy họ có giải thích bằng cách nào cũng không được. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, câu chuyện Long Mã chưa hề cho thấy tương quan khăng khít bằng hình tượng giữa xoáy và Thái Cực. Trong hình đàn lợn nhận ra rõ ràng tương quan giữa chúng vời nhau: nếu heo mẹ có hai hình Thái Cực thì mỗi heo con cũng có hai hình xoáy. Đấy là chúng tôi chưa kể đến việc quan niệm vô cùng sai lầm của người Trung Hoa về vai trò của Hà Đồ.

Thứ ba, chúng tôi có cảm giác các đốm xoáy của các con heo con không vẽ để cho có vẽ. Họ hoàn toàn không vẽ chỉ vì thuần túy cho nó giống Thái Cực. Tuy các xoáy được vẽ không thể hiện rõ ràng về số như Hà Đồ, nhưng các triết lý Dịch thì lại cao hơn. Mỗi con heo được vẽ (bên một phía của thân-vì là tranh để nhìn nên chúng tôi nghĩ tất cả các chi tiết cần vẽ phải được vẽ trên phía có thể nhìn thấy được) hai xoáy. Hai xoáy có chiều đi ngược nhau. Như vậy, có thể đây chỉ thị một xoáy mang tính Nọc một xoáy mang tính Nòng. Xoáy ở gần ngực (tức phía đầu) có chiều như của Thái Cực, còn xoáy gần đuôi có chiều ngược lại.Rõ ràng đây không phải ngẫu nhiên. Xoáy có chiều như Thái Cực là Nọc được đặt về phía thiêng liêng của con vật, đó là đầu. Còn xoáy Nòng-ngược chiều Thái Cực đặt về phía ngược lại. Lại thấy heo mẹ mang hai hình Thái Cực rõ ràng còn các con của nó các hình vòng tròn gần giống Thái Cực, nhưng không phải Thái Cực. Điều này, rõ ràng cho thấy sự liên hệ mẫu tử giữa Thái Cực và vũ trụ đã hình thành. Vũ trụ có những vận hành giống Thái Cực nhưng cũng có những đặc điểm riêng của nó. Một trong những đặc điểm đó chính là trong thời Hậu Thiên sẽ có quá trình phân cực và quá trình phân hành. Con heo mẹ cả hai hình giống nhau chỉ ra chỉ có một loại Thái Cực và hai nghi của nó không riêng rẽ tách rời mà tạo thành thể thống nhất. Còn các con con đều có hai vòng xoáy ngược chiều nhau chỉ rõ triết lý: người xưa cho rằng đến thời vũ trụ thành hình thì sự phân nghi đã đến mức sâu xa hơn. Hay nói cách khác, họ muốn chỉ rõ trong thời Tiên Thiên tức lúc vũ trụ chỉ là một Thái Cực duy nhất, hai nghi Nòng và Nọc chuyển động trong một động cơ thống nhất. Đến thời Hậu Thiên các sản phẩm của hai nghi này đã được phân ra riêng rẽ với vận động có chiều nhất định; nếu giống chiều của Thái Cực thì vật đó có tính Nọc còn ngược lại là tính Nòng. Các con heo được vẽ (hay pha màu) không giống nhau cho ta thấy ý tưởng: Các vật được sinh ra đời Hậu Thiên từ hai khí nguyên là Nòng và Nọc nhưng chung quy nằm vào năm thể chất mà ngày nay người ta gọi là Ngũ Hành. Như vậy, đây là triết lý phân cực và phân hành khá rõ ràng. Và hình đàn lợn có xoáy ứng với những xoáy của câu chuyện Phục Hy cũng chứng tỏ cho chúng ta thấy thuyết Âm Dương Ngũ Hành đã được dựng nên đã lâu. Ý của tôi muốn nói: tranh đàn heo có các đốm xoáy và câu chuyện Phục Hy đã tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về lịch sử của Âm Dương Ngũ Hành. Lịch sử đó nói lên một điều: Thuyết Âm Dương Ngũ Hành được dựng nên ngay đúng thời người ta làm nên Hà Đồ. Hay nói cách khác, phát hiện ra Hà Đồ ứng với Hậu Thiên người ta cũng phát hiện ra tính Ngũ Hành tương tác của thời vũ trụ đã thành hình. Đây là bằng chứng khoa học (tuy chỉ dựa trên mỗi các di sản phi vật thể) quan trọng để đập đổ những lý luận cho rằng chỉ có thuyết Âm Dương riêng hay Ngũ Hành riêng. Chúng tôi cho rằng tất cả những vấn đề của Dịch liên quan đến Ngũ Hành có thể được phát hiện ra sau Âm Dương, Bát Quái và Trùng Quái nhưng tiên đề đầu tiên: vũ trụ có 5 thể chất đã được phát hiện ngay từ thời người ta phát minh ra Hậu Thiên Bát Quái. Người ta đã nhầm lẫn khi cho rằng các chi tiết của các môn dính dáng đến Ngũ Hành được đưa vào sau nên Thuyết Ngũ hành có sau và riêng rẽ với thuyết Âm Dương. Thực ra triết lý hai nguyên khí năm chất thể đã có ngay trong những ngày đầu tiên làm ra Dịch-bằng chứng sâu sắc nhất là các xoáy và Hà Đồ (5 cặp số). Quan trọng hơn triết lý này không hề xa vời, không hề khó hiểu, nó đã dính chặt vào con người mỗi chúng ta. Đó cũng chính là khẳng định mà chúng tôi đã có lần đề cập đến trong chương 4. Nếu như xem mắt là cửa sổ của tư duy thì bộ phận nào được mắt quan sát rõ ràng nhất, kỹ lưởng nhất? Đó là đôi bàn tay của con người. Của người Việt cổ, của tôi và của quý vị. Hai bàn tay tuy giống nhau về hình nhưng lại trái ngược nhau. Chúng không đồng nhất được. Và mỗi bàn tay lại có 5 ngón. Đánh số 1-5 từ ngón út đến ngón cái một bàn tay, và 6-10 cũng từ ngón út đến ngón cái của bàn tay còn lại. Chắp hai tay vào nhau ta nhận được 5 cặp số chẵn-lẻ như Hà Đồ. Vậy triết lý hai nguyên khí năm chất thể hoàn toàn hợp với quan sát-theo cách nói của Ngài Khổng là “gần thì lấy thân mình”. Chân lý bao giờ cũng đơn giản.



Thứ tư, thật ra phân tích ba điểm trên của bức tranh chúng ta cũng rút ra nhiều điều quan trọng rồi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn lưu ý quý vị độc giả, chúng ta không cần phải tưởng tượng thâm sâu nào(chỉ cần tưởng tượng trong các đốm xoáy có chứa các vòng tròn như hình dưới) cũng thấy hình Đàn Lợn đã chỉ rõ mối quan hệ giữa Hà Đồ với Hậu Thiên và Hà Đồ với Ngũ Hành. Tất cả đều liên quan đến thời vũ trụ đã hình thành. Có 5 con như thế và nếu dùng số 1 đến 10 để biểu diễn 10 xoáy này thì chắc chúng ta không nhận gì khác ngoài Hà Đồ. Mà cũng dùng đúng luật chẵn-Nòng và lẻ Nọc. Mỗi con heo con đều chứa một cặp xoáy Nòng-Nọc. Chúng tôi sẽ có những phân tích sâu hơn về màu của các con heo này trong các bài khác. Ở đây chỉ lưu ý quý vị một điểm rất nhỏ (tuy nhỏ nhưng cũng rất quan trọng) là trong bốn heo con chỉ có một con duy nhất mang hai xoáy màu đỏ. Một con duy nhất quý vị ạ. Chúng tôi cho điều đó quan trọng bởi vì điều này hợp với logic trống đồng. Nếu ta coi màu đỏ tượng trưng cho tính động, tính nóng của khí Nọc thì ta thấy lúc Thái Cực sinh ra Vũ trụ: phía ngoài của vũ trụ đã mang nhiều tính Hậu Thiên (tức là tính Nòng càng ra xa tâm thì phần Đất hay Nòng nhiều hơn Trời-Nọc) nhưng bên trong tâm Vũ trụ vẫn chứa nguyên lõi Nọc đại diện cho Thái Cực. Cái lõi đó trong trống đồng được vẽ hình mặt trời (tôi đã phân tích vẽ mặt trời là đúng lý vì logic Trời=Càn =7 (số chủ đạo vì tổng các số của hai quái đối diện bằng 7) hay có thể là 15 vì 15 mod 8=7=Càn=Trời), còn trong tranh đàn heo thì được vẽ hai xoáy màu đỏ trên lưng một con heo duy nhất. Và cả logic trong trống đồng lẫn logic trong tranh dân gian “Đàn lợn” đều hợp tư tưởng Hà Đồ-số vòng tròn ở trong là 15. Đây là bằng chứng cho mối liên hệ giữa các di sản văn hóa Việt Nam cả vật thể lẫn phi vật thể với Kinh Dịch. Và mối quan hệ này càng sáng tỏ hơn ở các phần sau.