KINH DỊCH, SẢN PHẨM SÁNG TẠO CỦA NỀN VĂN HIẾN ÂU LẠC

Trần Quang Bình

Chương 9. Kinh Dịch qua ngôn ngữ và truyền thuyết Việt Nam. I-4. Âu Cơ.

 

ý kiến của bạn

4. Âu Cơ:

Trương Thái Du trong bài "Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam" viết:

            Âm Âu là âm thuần Việt. Dùng Hán tự ký âm ta có hai chữ chính: Âu bộ ngõa và Âu bộ nữ. Nguyễn Duy Hinh (sách đã dẫn) nhận định: “Trong thuyết văn có chữ Âu. ‘Âu tiểu bồn dã tòng Ngõa Khu thanh Ân Lâu phản’. Nghĩa là: Âu là chiếc chậu nhỏ, bộ Ngõa, âm như chữ Khu, đọc Ân Lâu phản (tức Âu). Chú ý chữ mà ngày nay đọc Khu lại đồng âm với Âu, điều đó chứng tỏ ngữ âm đã thay đổi. Chữ Âu viết bộ Ngõa chỉ đồ gốm, không hề chỉ ý người”.

Chữ Âu 甌 ghép bởi chữ Khu 區 (Khang Hi: vực dã) là vùng đất và chữ Ngõa 瓦 là ngói. Ý Đất trong chữ Âu có thể xuất phát từ âm Khu. Ta có mối tương quan giữa các âm như sau:

U = nhô lên = đồi, núi ~ vú (nguồn sống nhô lên từ ngực phụ nữ)
Vú em = dưỡng mẫu
U = mẹ
Bu = mẹ già
Khu (đất) ~ u = mẹ.
Cho nên có thể âm Âu = Khu = U = Mẹ = Đất = Núi.

Như vậy nghĩa của Âu Cơ chính là “Bà mẹ cao quý”, “Hoàng mẫu”. Người Việt Nam hay nói “Mẹ Âu Cơ” là thừa chữ mẹ vì Âu đã là mẹ. Chữ Cơ hoàn toàn là chữ Hán đã được thêm vào, ý chỉ người phụ nữ bề trên hoặc trong hoàng gia như các tên gọi nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc: Ngu cơ, Hạ cơ, Triệu cơ (mẹ Tần Thủy Hoàng)…

Trong thơ ca và văn học từ cổ chí kim, chúng ta hay thấy sự xuất hiện của chữ Âu với nghĩa đất:

            Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã.

            Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

                             Trần Thánh Tông

Hay:

Âu vàng khỏe đặt vững chân.

Càng bền thế nước vạn xuân lâu daì

                        Nguyễn Bình Khiêm

Nếu quán chiếu qua Dịch thì thấy những lập luận của ông Trương hoàn toàn chính xác. Khôn=Mẹ và Khôn cũng là Đất. Từ Âu với nghĩa Đất cùng với từ Lạc với nghĩa Nước hoàn toàn cho phép ta giải mã được giá trị nhân văn của câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thời Hậu Thiên, Lạc Long tương trưng cho thái cực mang danh hiệu của hai nghi Thái Cực để làm chủ tế muôn loài (hay là cai trị), còn mẹ Âu là người mẹ vĩ đại sinh ra vạn vật. Từ cơ và từ quân cũng giống như trong trường hợp mỵ và quan, từ quân ~ quan chúng tôi đã đề cập còn từ Cơ có thể là Cô, bà (với nghĩa quý phái, sùng tín y như Thánh Cô vậy) và Âu Cơ thật ra chính là từ Cô Âu, Bà Âu, Mẹ Âu mà ra. Về sau này, người viết sử (của dân tộc Việt hay bị ảnh hưởng văn hóa Trung hoa rất mạnh) đã chép lại Hán hóa thành Lạc Long Quân và Âu cơ. Triết lý ở đây cũng khá dễ hiểu: vì thời Hậu Thiên thuộc Nòng nên người mẹ sinh ra vạn vật mang tính Nòng cao nhất. Ở đây chúng ta cũng phát hiện ra điều lý thú: chữ Âu còn có nghĩa là cái chậu; như vậy, Âu nếu quán chiếu qua Hậu Thiên có nghĩa là mẹ và đất (có đồi chỗ cao lên hay u, vú), nhưng hình dáng của nó quán chiếu qua hai nghi Nòng Nọc thì mang thuộc tính Nòng: tính chứa đựng, tròn, thu vào.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng từ Âu Cơ (Hán hóa), Cô Âu, Bà Âu (Bà Đất) hoàn toàn đồng nghĩa với Nữ Oa. Thứ nhất, chúng ta thấy sự biến âm khá đơn giản: Âu ~ Oa. Thứ hai, Âu, Oa cùng có nghĩa là đất nói chung hay là người thuộc nghi Đất nguyên thủy sinh ra vũ trụ tức là tinh đất. Thứ ba, Chậu çè  Âu ~ Oa çè  Nồi: có sự đồng nghĩa trong từ Âu và từ Oa. Thứ tư, khi quán chiếu từ góc độ Dịch thì có người đàn ông là ông Nọc Nòng hay ông Hai Nghi (truyền thuyết Lạc Long quân và Âu cơ) đối với ông Tứ Tượng (trong Thần Nam Thần Nữ) thì cũng có Bà Âu (Mẹ Đất) đối với Nữ Oa. Chúng tôi sẽ làm rõ hơn trong phần 9-III-1 9-III-3.

Chúng ta thấy một suy luận logic tất yếu sau: Nếu nói Dịch do người Việt cổ làm nên thì khó có thể tưởng tượng ra câu chuyện truyền thuyết nói về thủy tổ của người Việt lại không dính dáng gì đến Dịch. Qua phần Lạc Long và Âu Cơ, chúng tôi đã phân tích hai thủy tổ của người Việt (có thể cả loài người vì quan niệm của người xưa như vậy) không những dính dáng đến Dịch mà còn cho thấy trên ngôn ngữ Dịch họ chính là cha là mẹ của vũ trụ.