Những biểu hiện của lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá

Vietsciences-Nguyễn Đắc Xuân     23/04/2007

 

Những bài cùng tác giả  

1- Cung điện Đan Dương thời Quang Trung
2- Lăng Đan Dương cùng ở phía Nam kinh thành Huế và gần chùa Thiên Lâm
3- Chùa Thiền Lâm chồng chất những bí ẩn  
4- Phủ Dương Xuân mất tích
5- Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân
6- Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương
7- Những biểu hiện của lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá

 

7- Những biểu hiện của lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá

           

Trong quá trình đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương, tôi đã ghi nhận được một số biểu hiện mà theo tôi rất cần cho việc nghiên cứu khai quật huyệt mộ vua Quang Trung. Những biểu hiện nầy còn cần phải tiếp tục nghiên cứu xác minh nhưng nếu không ghi chép lại sẽ mất.

1. Những bí ẩn chưa giải thích được mà hấp dẫn.

            Gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh làm nhà ở khu đất hiện nay mới ba đời. Đời thứ nhất làm lý trưởng, con đông, vợ mất sớm. Lúc ấy có người con gái nói giọng Nghệ An văn hay chữ tốt đến xin làm vợ thứ của ông lý trưởng. Bà không cho biết tông tích quê quán ở đâu. Bà hay nói chuyện thơ văn với ông Nguyễn Đình Hiến (*) lúc ông đến xây dựng khu vực hai bên bờ suối Tiên. Bà có thiết lập một cái am thờ lớn hơn bất cứ am nào trong khu vực. Bà cho biết am thờ người khuất mặt chứ không nói rõ là thờ ai. Cho đến lúc bà qua đời, con cháu vẫn chưa biết quê quán bà ở đâu ? Bà có họ hàng gì với anh em nhà Tây Sơn không ? Phải chăng bà lập am [1] để thờ vua Quang Trung ? (Bà là bà nội của ông Nguyễn Hữu Oánh).

2. Những chuyện đang kiểm chứng

            2.1. Tấm đá kỳ lạ.

Anh Oánh cho biết cụ thân sinh anh có kể, vào khỏang năm 1925, trong lúc đào đất làm vườn cụ đã gặp bốn tấm đá lớn. Cụ đã bán cho dân Phú Cam một tấm, cho một người thân ở Bến Ngự một tấm, một tấm bị bể và tặng chùa Vạn Phước một tấm.

         Chúng tôi đã đi thẩm tra, không tìm được tấm ở Phú Cam và tấm ở Bến Ngự, tấm bị vỡ mất từ lâu, chỉ còn lại một tấm được dùng làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước. Tấm đá này thuộc lọai đá granít, mặt trên được mài trơn nhẵn, mặt dưới xô xảm còn hằn rõ vết đẽo của một lọai dụng cụ thô sơ. Tấm đá có kích thước lớn: dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m. (Xem A.057) [2]

A.057.- Tấm đá dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m do gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh tìm được dưới lòng đất trong khuôn viên nhà ông - nơi có  dấu hiệu lăng mộ cũ bị đập phá gần chùa Thiền Lâm (đang được dùng làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước).

 

Ở đường mép tấm đá còn bám vôi vữa giống như lọai vôi vữa chúng bắt gặp trong vùng này. Phải chăng những tấm đá này bọc chung huyệt mộ bảo vệ  quan tài vua Quang Trung ? Trong thời gian ấy, cụ thân sinh ông Oánh cũng đào được nhiều tượng đá. Những tượng đá này lại bị chôn xuống sau ngày vỡ mặt trận hồi đầu năm 1947.

         Khi đào được những thứ này, gia đình ông Oánh tự giải thích là những hiện vật của một ngôi “mộ Chàm” (?). Ngày nay, ông Oánh và chị ông là bà Nguyễn Thị Liên không nhớ gia đình bà đã chôn những tượng ấy ở góc nào trong vườn. Việc xác định vị trí chôn tượng có môt phần khó, vì từ năm 1947 đến nay các ngôi nhà trong vườn đã xê dịch nhiều lần. Có thể những tượng ấy đang nằm dưới nền một ngôi nhà nào đó. (Phải chăng đó là những bức tuợng trang trí trong Đan Dương Lăng ?).

         2.2. Đường hầm nằm sâu dưới lòng đất.

Bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Hữu Oánh kể, trước năm 1945, người Nhật chiếm chùa Thiền Lâm làm doanh trại, sợ máy bay Đồng Minh thả bom chống Nhật, nên dân Bình An ở chung quanh chùa Thiền Lâm đều phải đào hầm tránh bom của máy bay Đồng Minh. Khi đào hầm trú ẩn trong vườn nhà, gia đình bà Liên - ông Oánh gặp một đường hầm bê-tông vôi lấp đầy đất, những tay cuốc mừng rở nổ lực vét hết đất trong hầm và cả nhà hàng mươi người dắt díu nhau xuống núp đề phòng Đồng Minh thả bom.

         Lúc ấy bà Liên mới 12 tuổi hay bồng em là Nguyễn Hữu Oánh 6 tuổi xuống hầm. Lúc ấy ông Oánh còn quá nhỏ nên bây giờ ông không nhớ đường hầm nằm vào vị trí nào trong vườn nhà ông và nhà bà chị của ông hiện nay. Chúng tôi hỏi bà Liên thì bà tránh trả lời câu hỏi nầy. Chúng tôi đặt nghi vấn: phải chăng cái đường hầm ấy là huyệt mộ của vua Quang Trung mà người ta thường gọi là khuôn tỉnh hay kim tỉnh ?

         Hàng trăm câu chuyện (chuyện thật và chuyện huyền bí) chúng tôi ghi chép được có lẽ chuyện cái đường hầm này là đáng quan tâm nhất.

 

3. Khai quật để thám sát con đường hầm bí ẩn.

            Chúng tôi biết được những thông tin này trước ngày thành phố Huế tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 200 năm ngày lên ngôi hoàng đế của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân (22-12-1788-22-12-1988). Không thể chờ đợi được nữa, để kịp công bố trong Hội thảo, chúng tôi đã khẩn trương thu lượm thêm thông tin và quyết định khai quật để thăm dò.

            Người ủng hộ chúng tôi tích cực nhất lúc ấy là bác sĩ Dương Văn Sinh. Theo cách tính toán của bác sĩ Sinh, nếu có huyệt mộ ở đây thì chỉ có thể có được ở đầu hè phía tây nhà bà Liên. Nghe “ông thầy địa” nói như thế bà Nguyễn Thị Liên (tiểu thương bán gà ở chợ Bến Ngự) không dám giấu điều bí mật mà bà đã cố tình giấu lâu nay, bà công nhận “đường hầm ở khoảng ấy”.

         Ngày 17/12/1988, chúng tôi gồm có Phan Thuận An (chuyên viên Công ty Quản lý di tích lịch sử văn hóa Huế, nay đã hưu trí), Lê Đình Liễn (khoa Sử Đại học Tổng hợp Huế, nay dạy ĐHDL Phú Xuân), Đỗ Bang (chuyên viên về Tây Sơn Đại học tổng hợp Huế nay là Tiến sĩ - Hội trưởng hội Sử học TTH), Phạm Thanh Tùng (Báo Bình Trị Thiên, nay làm Trưởng Đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung), Võ Xuân Trang (khoa Văn Cao Đẳng sư phạm Huế, nay đã qua đời), Nguyễn Hữu Oánh (người chủ khu vực khảo sát), Nguyễn Đắc Xuân (chủ đề tài), bác sĩ Dương Văn Sinh (“thầy địa”, hiện nay làm trưởng Phòng hồi sứ cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế), ông Nguyễn Hữu Thứ (một tri thức đã từng nghiên cứu lăng Bà Vành, nay đã qua đời), đã tiến hành khai quật để thăm dò ở đầu hè phía tây ngôi nhà 63/13/12 Điện Biên Phủ (nay là số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ , phường Trường An, thành phố Huế). (Xem A.058 (A) và A.058(B)

 

 

A.058 (A &B).- Bên hiên chái tây nhà bà Nguyễn Thị Liên - nơi khai quật thám sát vào ngày 17/12/1988. Tác giả  cùng với ông Nguyễn Hữu Thứ, Phan Thuận An (trái) Nguyễn Hữu Oánh (phải) xác định lần cuối nơi đào thám sát. Ảnh Đỗ Bang.

 

Chúng tôi đào xuống sâu 0,5m gặp một lớp thành dày chạy dọc theo hiên phía tây nhà bà Liên. Mặt trong của thành nằm sâu dưới nền nhà. Chúng tôi đào sâu thêm 1,50m vẫn chưa đến chân thành, đào dọc theo bức thành 3m vẫn chưa giáp với hai đầu bức thành. [Xem A.58(C)] Bà Liên xác nhận “cái đường hầm nằm dưới nền nhà bà không thể đào sâu thêm được nữa, đào thêm nữa sẽ sập nhà bà !”.

 

 

                   A.058(C)- Khai quật để thám sát. (17.12.1988). Ảnh Đỗ Bang.

 

Những người có mặt đều rất vui mừng.

Chúng tôi tạm dừng công việc khai quật thám sát ở đó.

         Chúng tôi lấy vôi vữa của bức thành xem xét thì thấy vôi vữa này giống vôi vữa còn bám ở tấm đá đang dùng làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và cũng giống với những vôi vữa lộ thiên hay chôn dưới đất còn tìm thấy chung quanh khu vực khảo sát.

            Tính chất chung của các lọai vôi vữa đó là gì ? đó là một loại vôi vữa trộn bởi nước mật mía, vôi nung từ vỏ sò, vỏ hến và cát. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là những vỏ sò, vỏ hến được giã bằng chày nên còn nguyên cái “mày” lấm tấm trong vôi. Trong lúc chờ các nhà khảo cổ học xét nghiệm xác định niên đại, chúng tôi đem những chất liệu này so sánh với những chất liệu tương tự lấy ở Lăng Ba Vành và Lăng bà Chiêu Nghi [3]  thì thấy đồng dạng. Điều đó chứng tỏ di tích đưộc chôn sâu ở hiên phía tây nhà bà Liên có trước nhà Nguyễn, khớp với giai đọan lịch sử xuất hiện khu lăng mộ vua Quang Trung.

         Chúng tôi tạm kết luận: tấm đá lớn còn giữ được và đang làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và bức thành bên ngoài đường hầm (được xem là kim tỉnh hay khuôn tỉnh) ở phía chái tây nhà bà Nguyễn Thị Liên là những dấu hiệu của một cái huyệt mộ đã bị quật phá. Đó là những dấu hiệu còn chờ khai quật khảo cổ học chính thức của các cơ quan chức năng mới có thể có kết luận cuối cùng.

Để kết thúc lọat bài nầy, tôi xin trích một vài ý kiến tiêu biểu của các thức giả trong và ngòai nước nhận xét về công trình nghiên cứu Lăng mộ vua Quang Trung trong thời gian gần 20 năm qua sau đây:

1. Học giả Hòang Xuân Hãn (Paris) “Tôi ở Huế, đã có những suy nghĩ trên, nhưng không thể suy biết hơn nữa. Chỉ có người khảo sát thực địa mới có thể tiến một nấc nữa. Trước đó, Cadière đoán chỗ dinh Võ Vương (số 8 trên bản đồ BAVH). Nay có chú đã dựa vào những di tích trang trọng khác thường mà đoán chắc hơn. Rồi chú dùng những tập tục tín ngưỡng xưa, tuy cho là dị đoan, nhưng có tính cách định đoạt trong xã hội xưa, như luật phong thủy, như sự quỷ thần trừng phạt kẻ phỉ báng, để đoán được chỗ huyệt của lăng; rồi thí nghiệm cuối cùng bằng kỹ thuật khai quật. Những di tích như dấu thành mộ lớn, quan trong khác thường, tảng đá lớn có thể là quách quan tài,.v.v..., khiến chú nhận chỗ này là mộ Quang Trung. Tôi rất đồng mọi ý...” (trích thư của học giả Hòang Xuân Hãn gởi NNC Nguyễn Đắc Xuân, ngày 15-12-1991)

 

2. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, sau khi nghiên cứu bản thảo công trình và tham dự Tọa đàm tại bảo tàng Lịch sử TTH, ngày 2-3-2007, đã phát biểu ý kiến với cuộc Tọa đàm như sau (trích): “Tôi nhớ anh Nguyễn Đắc Xuân theo đuổi công việc nầy đã hai mươi năm. Trước cơn bão số 6 vừa rồi, anh đã kết thúc được công việc nầy. Trước cơn bão, trời đổ mưa anh cũng lặn lội gởi cho tôi một bản để tôi đọc và góp ý. Tôi rất phấn khởi bởi vì nghĩ rằng dù gì đi nữa thì cũng đã có những cơ sở nhất định để tìm tới một cái địa chỉ mà chúng ta cho rằng rất quan trọng đối với TTH chúng ta. Từ lâu, chúng ta không biết trả lời với cả nước như thế nào về việc Quang Trung Nguyễn Huệ mà lại không còn một chỗ nào để cắm một cái bảng rằng: Đây là nơi an nghĩ của vị anh hùng dân tộc Hòang đế Quang Trung. Đó là cái điều chúng ta rất khó trả lời trước cả nước. Cho nên tôi nghĩ rằng cái việc của anh Xuân đã làm rất tâm huyết nhưng cũng là việc của các nhà khoa học, của Đảng bộ TTH nữa. [….] Cho dù hài cốt của ông đã bị chuyển đi nơi khác đi nữa thì chỗ yên nghỉ đầu tiên vẫn là nơi quan trọng. Và chỗ đó phải được cắm mốc để cho người ta đến đó. Ta không rối trí với ý kiến cho rằng hài cốt của ông đã di chuyển đi chỗ khác rồi. Chuyện đó các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thêm. Nhưng mà tôi cho rằng phải ghi cho được nơi mà Hòang đế vừa nằm xuống. Đó là điều quan trọng. Cái thứ hai là chung quanh những ý kiến khác nhau thì vẫn cứ chấp nhận cái tiểu dị nhưng cái đại đồng thì đã rõ. […] Là khu vực nam Huế đó, Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ đó. Chắc chắn là Hòang đế Quang Trung đã nằm ở đó rồi. Bây giờ chỉ còn vấn đề là nằm ở đâu. Tôi nghĩ rằng công trình anh Xuân đưa không phải là cái mà chúng ta có thể bài bát ngay được đâu. […] Còn nói rằng “dương cư” với “âm phần” thì cứ bình tĩnh. Bởi vì chùa nhưng cũng có thể là hành cung …Trong cái chỗ thiêng liêng ấy cũng có thể có chỗ mai táng được. Không phải hoàn  toàn “âm phần” không thể đưa vào “dương cư” đâu.  […] Đây là cái việc mà tôi hy vọng Tỉnh ủy TTH quan tâm và các nhà khảo cổ nên có chứng cứ phối hợp, nhất là anh em khoa học ở địa phương. Dồn ý kiến cho một phương pháp nào mà mình thấy thống nhất để chúng ta giới thiệu với cả nước, và với  các cơ quan nhà nước ở địa phương và Trung ương. […] Đây cũng là trách nhiệm trước mắt và lâu dài của chúng ta”.

(Trích phát biểu tại Tọa đàm ngày 2-3-2007 tại Bảo tàng Lịch sử TTH).

  

3. GSTS. Mai Quốc Liên (Giám đốc TTNCQH). GSTS Mai Quốc Liên đã tham dự buổi thuyết trình và giao lưu về đề tài Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của tôi với Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, với thầy giáo và sinh viên khoa sử ĐH KHXH& Nhân văn TPHCM, và với Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, ông đã viết công văn gởi Cục bảo tồn bảo tàng Bộ Văn hóa Thông tin, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh TTH.  Công văn có đọan viết: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Ủy viên Hội Đồng Khoa HọcTrung tâm nghiên cứu quốc học, vừa qua có trình bày trước Hội Đồng Khoa Học trung tâm (và ở nhiều Đại học, Viện nghiên cứu, công bố trên trang Web…) công trình khoa học Đi tìm lăng (mộ) Quang Trung. Chúng tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu các nơi, nhận thấy rằng công trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khoa học về phương pháp nghiên cứu, có độ tin cậy rất cao và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn. Qua nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, chúng tôi khẳng định rằng Đan Dương Lăng (lăng Quang Trung) được nói đến trong các tài liệu gốc của các nhà văn hóa lớn như Ngô Thì Nhậm, PhanHuy Ích, những cộng sự gần gũi, tin cậy của Quang Trung, nằm ở Huế, và sự phát hiện Phủ Dương Xuân-Đan Dương Lăng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là chính xác, là trùng khớp với các tư nliệu lịch sử và sự khảo sát thực địa.” (trích công văn ký ngày 15-3-2007 của TTNCQH gởi Cục Bảo tồn Bảo tàng – Bộ VHTT, và Lãnh đạo tỉnh TTH).

Đây là công trình nghiên cứu trên 20 năm. Công bố để góp phần kỷ niệm 215 năm (1792-2007) Quang Trung qua đời và kỷ niệm 220 năm (1788-2008) Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu Quang Trung. Và, đây cũng là một thành tựu khoa học có ý nghĩa lịch sử đối với Huế và dân tộc Việt Nam.  Rất mong nhận được nhận xét của các bậc thức giả gần xa.                                        

 

                                 Gác Thọ Lộc (Huế) 1987-2007

                                                   N.Đ.X.

                                        

Chú thích:  Phần cuối

 

[1] Am này mới bị triệt hạ trong đợt chống am miếu mê tín dị đoan sau năm 1980.

[2] Sau năm 1992, chùa Vạn Phước đóng một khung gỗ để bảo vệ tấm đá quý, vì thế ảnh chụp không thấy được chiều dày thực của tấm đá.

[3] Vợ thứ của Võ Vương, bà sinh năm 1716 và mất năm 1751. Lăng tọa lạc tại Dương Xuân gần chùa Từ Hiếu ngày nay. Trong chiến dịch đào bới lăng các chúa Nguyễn thực hiện năm 1790, lăng bà Chiêu Nghi không bị tàn phá. Vợ thứ của Võ Vương, bà sinh năm 1716 và mất năm 1751. Lăng tọa lạc tại Dương Xuân gần chùa Từ Hiếu ngày nay. Trong chiến dịch đào bới lăng các chúa Nguyễn thực hiện năm 1790, lăng bà Chiêu Nghi không bị tàn phá.

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đắc Xuân